Du lịch Bình Định:
Cần được quy hoạch khoa học hơn
8:25', 7/10/ 2012 (GMT+7)

Nhân dịp ngành Du lịch (DL) Hà Nội tham dự tour Famtrip tại Bình Định và sơ kết 2 năm hợp tác, liên kết phát triển DL Bình Định - Hà Nội, chúng tôi đã phỏng vấn ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội, xung quanh nội dung hợp tác, liên kết phát triển DL giữa hai địa phương…

 

Ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội (người đứng giữa, áo sọc) tham quan Võ đường Phan Thọ (Bình Nghi - Tây Sơn). Ảnh: N.V 

 

* Ông đánh giá như thế nào về hoạt động hợp tác, liên kết phát triển DL giữa hai địa phương trong thời gian qua?

- Những năm trước đây, Bình Định và Hà Nội đã có những hoạt động hợp tác nhất định trên lĩnh vực phát triển DL. Từ năm 2010 đến nay, sự hợp tác, liên kết trên lĩnh vực này đã được cụ thể hóa và được nâng tầm một cách rõ rệt thông qua việc hợp tác, liên kết giữa hai Sở VH-TT-DL của hai tỉnh; nhất là hoạt động liên kết giữa các vùng kinh đô Việt cổ để làm hạt nhân gắn kết phát triển DL, bao gồm Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Bình Định.

Đến thời điểm hiện nay, Hà Nội và Bình Định đã trải qua hơn hai năm hợp tác phát triển DL. Hai địa phương đã làm được khá nhiều việc cho sự phát triển bền vững của ngành DL. Trong đó, đã hình thành các sản phẩm cụ thể trên mạch sản phẩm chung. Thứ hai là chúng tôi đã phối hợp trong công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng thế mạnh của DL Bình Định thông qua hệ thống Website của Sở, các ki ốt thông tin tại một số sự kiện DL mà Hà Nội tham gia, kể cả trong nước và quốc tế. Chúng tôi đã làm cầu nối cho các doanh nghiệp (DN) DL hai địa phương tiếp xúc, hợp tác phát triển DL trong việc tạo tour, tuyến. Nói chung là rất nhiều việc đã làm cho sự phát triển DL của hai địa phương, trong đó căn bản nhất đó là củng cố, tạo ra những sản phẩm DL mới.

Các DN DL Hà Nội đã tích  cực chào bán tour DL Bình Định cho du khách Hà Nội và giới thiệu cho các đối tác là các công ty DL nước ngoài để đưa vào hệ thống sản phẩm chào bán. Đấy là những việc mà chúng tôi cho là rất căn bản, tạo tiền đề cho sự hợp tác, liên kết phát triển DL ở hai địa phương.

* Còn những mặt hạn chế nào cần khắc phục để sự hợp tác này đạt hiệu quả như mong muốn, thưa ông?

- Chúng tôi còn những việc cần phải làm và làm tốt hơn trong thời gian tới. Ví dụ như việc xây dựng, nâng cấp các sản phẩm DL. Những việc này chúng tôi đã làm, nhưng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu, kể cả về sản phẩm mới cũng như chất lượng sản phẩm. Công tác hỗ trợ, phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến DL, giới thiệu sản phẩm DL giữa hai địa phương chưa được thường xuyên và thiếu lộ trình, thời gian cụ thể. Hoạt động hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thực hiện chưa tốt. Những vấn đề này sẽ được khắc phục để trong thời gian tới sự hợp tác phát triển DL của hai địa phương được hoàn thiện hơn.

* Có điều kiện đến Bình Định nhiều lần, và lần này dẫn đầu đoàn khảo sát DL của Hà Nội đến Bình Định, ông có nhận xét và góp ý gì cho DL Bình Định?

- Bình Định là địa phương có tiềm năng DL phong phú và đa dạng. Song DL Bình Định, theo tôi, được ví như một cô gái đẹp mới thức dậy nhưng trong trạng thái còn đang ngái ngủ. Bên cạnh thuận lợi là phát triển DL đối với địa phương còn rất mới mẻ, bỡ ngỡ, nhưng bù lại có lợi thế là phát triển DL chưa ồ ạt. Nhiều địa phương phát triển chưa có quy hoạch nên phải trả giá cho sự nóng vội, thiếu định hướng. Còn DL Bình Định - cô gái còn đang ngái ngủ này sẽ có điều kiện thuận lợi hơn là còn thời gian để điều chỉnh, có điều kiện nhìn xem các địa phương khác để học hỏi những thành công và tránh cho mình những thất bại. Trong điều kiện thiếu thuận lợi cho sự phát triển DL hiện tại, nhưng Bình Định lại có điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Vấn đề là Bình Định nhận thức được điều đó để có cách đi đúng hướng, chậm nhưng chắc. Tôi tin là thuận lợi của địa phương đi sau sẽ giúp Bình Định phát triển thành công hơn trên lĩnh vực phát triển DL.

Lần này đến Bình Định, tôi thấy có nhiều điểm mới trong bức tranh DL của địa phương. Tuy nhiên, hệ thống giao thông mặc dù có cải thiện nhưng theo tôi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Khi chúng tôi đến thăm khu DL sinh thái Hầm Hô cùng một số điểm khác, như Võ đường Phan Thọ…, mặc dù đường vào đã được đổ bê tông, nhưng còn quá nhỏ hẹp, xe 45 chỗ ra vào rất khó khăn. Hệ thống hạ tầng là điều kiện tiên quyết để phát triển DL, nhưng ngay điều đó ở Bình Định đã kém thì rất khó để DL phát triển. Một điểm nữa là nguồn nhân lực. Muốn sản phẩm DL có chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách thì nguồn nhân lực phục vụ là yếu tố cực kỳ quan trọng. Qua khảo sát thực tế, nhiều nhân viên phục vụ ở các khách sạn rất nhiệt tình, phục vụ tốt; song đứng ở góc độ nghiệp vụ DL thì còn nhiều điều cần phải đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng thêm.

Vấn đề tiếp nữa là quy hoạch DL; hệ thống vật chất kỹ thuật. Để giải bài toán này tôi cho là khó khăn và thách thức với ngành DL Bình Định. Hà Nội có nhiều lợi thế hơn Bình Định, là trung tâm chính trị, văn hóa, DL và là đầu mối giao thông quan trọng. Trong năm 2012 này, chúng tôi dự kiến sẽ đón 2 triệu khách quốc tế đến thăm thành phố và trên chục triệu du khách trong nước. Với tốc độ phát triển khách DL bình quân hàng năm từ 10 đến 15%, với yêu cầu ngày càng cao của du khách, có thể nói là Hà Nội vẫn còn ngổn ngang nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, rất mừng là Hà Nội vừa ban hành quy hoạch tổng thể DL thủ đô đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Đây là điều kiện thuận lợi để DL Hà Nội phát triển đúng hướng, đảm bảo yếu tố bền vững.

Tôi không biết Bình Định đã có quy hoạch cho DL chưa, nhưng theo quan sát của tôi, việc Bình Định có bờ biển đẹp nhưng ngay trên đó đã có nhiều công trình xây dựng dọc bờ biển thì chắc chắn là phải điều chỉnh rồi. Tôi cho rằng DL Bình Định phải có quy hoạch mang tính khoa học hơn, bởi đây là điều kiện, là cơ sở để DL phát triển bền vững.

* Xin cảm ơn ông!

  • HOA KỲ HÀ (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Triển vọng phát triển thị trường mới   (29/09/2012)
Kỳ bí hồ không đáy ở động Phong Nha  (28/09/2012)
Lãng mạn phố biển Quy Nhơn  (22/09/2012)
Góp phần quảng bá du lịch Bình Định  (15/09/2012)
Hai quốc gia, một điểm đến  (08/09/2012)
Nhiều sự lựa chọn cho du khách  (01/09/2012)
Du lịch dịp lễ: Giá giảm mạnh, khách thờ ơ  (31/08/2012)
Du lịch Quy Nhơn qua ý kiến du khách  (25/08/2012)
Du lịch Bình Định: Cần tạo mọi thuận lợi cho du khách  (17/08/2012)
Kỳ Co – sơn thủy hữu tình  (15/08/2012)
Hiệu quả thiết thực  (12/08/2012)
Góp phần xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và an toàn  (04/08/2012)
Sản phẩm lưu niệm du lịch: Thiếu dấu ấn văn hóa  (27/07/2012)
Kỳ thú Hòn Khô  (24/07/2012)
Những nhiệm vụ trọng tâm  (21/07/2012)