Du lịch từ thiện - đậm tính nhân văn
15:46', 13/11/ 2012 (GMT+7)

Du lịch kết hợp với các hoạt động từ thiện đang được nhiều hãng lữ hành uy tín như: Vietravel, Vietran Tour, HanoiRedtours, Saigontourist… thiết kế và đưa vào khai thác với nhiều hình thức phong phú. Dù chưa thực sự phát triển ở nước ta nhưng hình thức du lịch mang đậm tính nhân văn này đã bước đầu nhận được sự quan tâm của cộng đồng.

 

Khách đi tour du lịch kết hợp từ thiện tặng chăn và quần áo ấm cho trẻ em vùng cao.

 

Hướng đến cộng đồng

Vừa tham quan vừa giúp đỡ cộng đồng, du lịch từ thiện có ý nghĩa hơn nhiều so với những kỳ nghỉ thông thường. Bởi sau mỗi hành trình, du khách không chỉ được khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn tìm thấy ý nghĩa và mục đích thực sự của cuộc sống.

 

Chung tay vì một mùa đông có áo ấm cho trẻ em nghèo, ngày 9.11, Công ty Du lịch Vietravel - Chi nhánh tại Hà Nội (Vietravel Hanoi) đã phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1) xây dựng một chương trình từ thiện, kết hợp tham quan trải nghiệm nơi vùng cao Hà Giang. Điểm dừng chân đầu tiên của hành trình là xã biên giới Thắng Mố (huyện Yên Minh) - một trong những xã khó khăn nơi địa đầu của Tổ quốc. Tại đây, du khách được giao lưu với đồng bào dân tộc, trao quà từ thiện cho trẻ em và kết hợp khám chữa bệnh cho người nghèo. Ngoài việc có thêm cơ hội chia sẻ tình cảm với đồng bào nghèo, chương trình còn giúp những người tham gia có thể khám phá những nét đẹp và cuộc sống của người dân địa phương. "Chúng tôi hy vọng sẽ được làm một "cây cầu", tạo điều kiện cho nhiều nhà hảo tâm lên với vùng cao và ghé vai chia vợi những khó khăn mà trẻ thơ nơi đây đang phải hứng chịu", bà Dương Mai Lan, Trưởng phòng Kế hoạch - Phát triển (Vietravel Hanoi) cho biết.

Cũng từ ước vọng có thật nhiều bàn tay cùng chung sức, nhiều ngọn lửa cùng thắp sáng, ngay từ đầu năm 2012, Công ty Du lịch HanoiRedtours đã xây dựng chùm tour kết hợp hoạt động từ thiện đến các tỉnh vùng cao như: Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên... Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc HanoiRedtours cho biết, mục đích cao nhất của chương trình là làm từ thiện nên điểm khác biệt cơ bản của tour này so với các tour thông thường là hoàn toàn không tính lãi. Chính vì vậy, mức phí tour mà du khách phải chi trả sẽ thấp hơn nhiều so với phí tour thông thường.

Không triển khai thành một sản phẩm chuyên đề nhưng Công ty Du lịch và Thể thao Việt Nam (Vietran Tour) cũng đưa chương trình từ thiện vào chùm tour từ Hà Nội đi các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên… Vietran Tour khuyến khích khách hàng mang theo quần áo cũ, sách truyện giáo dục, bút màu vẽ, bánh kẹo để sẵn sàng phát tặng. Chị Thu Anh, đại diện truyền thông Vietran Tour cho hay, mô hình du lịch kết hợp với các hoạt động thiện nguyện đang tạo được nhiều hiệu ứng tích cực trong cộng đồng. Hiện các tour này thu hút khá đông du khách đăng ký, bởi tham gia tour, ngoài việc được trực tiếp đi tặng quà, thăm hỏi đời sống bà con các dân tộc miền núi khó khăn, khách du lịch vẫn có thể tận hưởng những ngày nghỉ thư giãn, được đắm mình trong những cảnh đẹp miền sơn cước.

Mở ra hướng phát triển mới

Nhận định về sự phát triển của loại hình du lịch này trong thời gian tới, nhiều hãng lữ hành có chung quan điểm, ở nhiều nước trên thế giới, hàng năm, học sinh, sinh viên ở các trường học đều có nhiều chương trình ngoại khóa với những hoạt động hướng về cộng đồng. Đây là cơ hội tốt để mở ra hướng khai thác mới với nguồn khách vô cùng phong phú. Nếu công tác quảng bá, tiếp thị được đẩy mạnh, tổ chức tour tốt sẽ tạo được uy tín rất lớn với đối tác. Tuy nhiên, sản phẩm tour mang đậm tính nhân văn này lại đang được triển khai khá dè dặt.

Yếu tố khiến nhiều đơn vị lữ hành không mặn mà khi triển khai xây dựng tour du lịch từ thiện, theo ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện Công ty Du lịch Vietravel là mất nhiều thời gian cho quá trình khảo sát tuyến, điểm khi xây dựng tour. Mặt khác, điểm đến của những tour này thường là những vùng núi xa xôi, điều kiện đi lại, ăn ở khó khăn, thiếu thốn khiến dịch vụ tour kém chất lượng, không đáp ứng được yêu cầu du lịch. Nhiều du khách có điều kiện kinh tế mong muốn tham gia tour này nhưng họ lại ngại khổ, ngại khó. Một khó khăn nữa mà nhiều đơn vị lữ hành gặp phải là việc tìm hiểu đối tượng cần được hỗ trợ và xin giấy phép các ban, ngành địa phương mất khá nhiều thời gian và kinh phí đi lại.

Ông Nguyễn Minh Mẫn cho rằng, trong tương lai, nếu loại hình du lịch này phát triển tốt thì không chỉ góp phần tăng nguồn thu cho ngành du lịch mà còn đóng góp một phần công sức cho cộng đồng, hướng đến nhiều ý nghĩa thiết thực như góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao sức khỏe, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên…

 

. Theo HNM

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Góp phần xây dựng môi trường du lịch chuyên nghiệp   (10/11/2012)
Chương trình nghệ thuật phục vụ du khách: May còn có rối nước!  (07/11/2012)
Hiệu quả bước đầu  (03/11/2012)
VN-Thái Lan-CPC: Ba quốc gia - Một điểm đến  (30/10/2012)
Gỡ “nút thắt” để phát triển du lịch Việt Nam  (28/10/2012)
Triển vọng từ một điểm đến mới  (28/10/2012)
Hai loại hình du lịch chính của các tỉnh miền Trung  (26/10/2012)
Hội An ở tốp 10 thành phố du lịch hàng đầu châu Á  (23/10/2012)
Từ ý kiến của các doanh nghiệp du lịch  (20/10/2012)
Du lịch Việt Nam thu 110 ngàn tỷ đồng trong 9 tháng  (19/10/2012)
Hà Nội - Bình Định sẽ gần hơn  (13/10/2012)
Cần được quy hoạch khoa học hơn  (07/10/2012)
Triển vọng phát triển thị trường mới   (29/09/2012)
Kỳ bí hồ không đáy ở động Phong Nha  (28/09/2012)
Lãng mạn phố biển Quy Nhơn  (22/09/2012)