Du lịch làng nghề chưa được quan tâm
20:8', 17/11/ 2012 (GMT+7)

Nhận định chung của Tổng cục Du lịch (DL) về DL làng nghề hiện nay là: “Phát triển DL làng nghề cơ bản thiếu kế hoạch đồng bộ, dài hơi; hạ tầng làng nghề còn thiếu thốn, chưa đảm bảo yêu cầu phục vụ DL; vệ sinh môi trường làng nghề kém…”. Về cơ bản, DL làng nghề Bình Định hiện cũng tương tự như tình hình chung cả nước.

 

Du khách nước ngoài tham quan làng nghề gạch ngói Phú Phong (Tây Sơn). Ảnh: V.LƯU

 

Chủ trương đúng

Theo Quy hoạch phát triển làng nghề Bình Định giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn 2020, mục tiêu hàng đầu là khôi phục và khuyến khích phát triển làng nghề một cách bền vững, gắn với quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp,  nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã xác định: Phát triển làng nghề phải gắn với thu hút và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn theo hướng công nghiệp và dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân; đồng thời gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương thông qua các sản phẩm phục vụ phát triển DL, cũng như bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 54 làng nghề, tập trung nhiều nhất ở thị xã An Nhơn với 30 làng nghề. Trong số 54 làng nghề, có 38 làng nghề truyền thống đã được tỉnh công nhận; trong đó có 5 làng nghề được quy hoạch phát triển DL, gồm: Làng nghề rượu Bàu Đá, xã Nhơn Lộc; làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu; làng nghề rèn Tây Phương Danh, phường Đập Đá - thị xã An Nhơn. Làng nghề nón ngựa Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát và làng nghề dệt thổ cẩm Hà Ri xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh.

Việc quy hoạch phát triển DL làng nghề với mục đích góp phần làm tăng lợi nhuận kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đồng thời góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Thời gian qua, một số làng nghề truyền thống trong tỉnh cũng đã bước đầu quan tâm, mong muốn khai thác hoạt động nghề nghiệp tại địa phương để tổ chức phát triển DL làng nghề, xem đây là một trong những động lực thúc đẩy làng nghề phát triển, đem lại lợi ích về nhiều mặt.

Song chưa hiệu quả

Có thể nói rằng, ông Nguyễn Hữu Trọng, Giám đốc Công ty TNHH DL Quy Nhơn (Q. Travel), là một trong những người đầu tiên khai thác, tổ chức các tour DL làng nghề Bình Định. Đó là vào thời điểm 4-5 năm về trước, khi các tàu DL biển thường cập cảng Quy Nhơn chừng 5-7 lượt đến trên chục lượt tàu/năm, do Q. Travel làm dịch vụ đón và đưa khách đi tham quan ở Bình Định. Trong các tour của Q. Travel dành cho khách DL tàu biển, có chương trình tham quan một số làng nghề ở An Nhơn, như làng tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu, làng gốm, làng rèn, làng sản xuất bánh tráng… Tuy nhiên, đây là do Q.Travel liên hệ với địa phương để tổ chức phục vụ du khách, chứ địa phương chưa chủ động làm DL làng nghề, vì vấn đề không đơn giản, nhất là quá ít khách đến, một năm chỉ đón vài tour thì có “bõ bèn” gì, nên bà con làng nghề cũng không có động lực phát triển DL làng nghề.

Gần đây, một số doanh nghiệp (DN) DL trong tỉnh thường đưa khách đến tham quan, tìm hiểu nghề làm nón ngựa ở làng nghề nón ngựa Phú Gia. Việc phát triển DL làng nghề ở làng nghề nón ngựa Phú Gia là rất khả thi. Chương trình hành động phát triển DL giai đoạn 2011-2015 của Tỉnh ủy cũng đã xác định: “Tập trung đầu tư thí điểm làng nón Phú Gia trở thành Làng Văn hóa - Du lịch tiêu biểu của Bình Định, thành điểm tham quan DL”. Tuy nhiên, đến nay việc đầu tư phát triển làng nghề nón ngựa chưa xứng tầm với mục tiêu là trở thành làng văn hóa DL. Hoạt động phục vụ DL ở đây còn rất nghiệp dư. Khi muốn đưa khách đến, các DN DL thường mời một số thợ làm nón ngựa tập trung làm ở một nhà để du khách tìm hiểu cho… tiện. Các hoạt động phụ trợ khác đều không có, nên tour này khó hấp dẫn du khách.  

Theo ông Nguyễn Kim Hùng, Ủy viên BCH Hội làng nghề nón ngựa Phú Gia: Hạ tầng làng nghề còn thiếu thốn, nhất là giao thông ở khu vực làng nghề và nhà trưng bày sản phẩm. Hiện tại sản phẩm làng nghề chưa có thương hiệu; địa phương cũng rất lúng túng về thủ tục xây dựng thương hiệu. Các hoạt động quảng bá sản phẩm còn hạn chế; người dân làng nghề chưa có kỹ năng tiếp cận khách DL…

Như vậy, so với tiềm năng thì việc khai thác DL làng nghề ở Bình Định còn ở mức sơ khai, chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Một số nguyên nhân…

Trước hết, có thể thấy rằng, ở một tỉnh mà DL chỉ mới phát triển bước đầu, lượng khách đến chưa nhiều, thì DL làng nghề còn “hẻo” là điều dĩ nhiên. Bên cạnh đó, chủ trương phát triển DL làng nghề chưa được nhìn nhận thấu đáo và quán triệt đến các làng nghề, nhất là các làng nghề đã được quy hoạch phát triển DL.

Vấn đề giao thông đi lại ở các làng nghề cũng còn hạn chế, khó khăn. Ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội, sau khi tham dự chương trình khảo sát DL Bình Định vào cuối tháng 9.2012, đã cho rằng: “Hệ thống giao thông có cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Ở nhiều điểm đến như khu DL, võ đường, làng nghề…, tuy đường vào đã được đổ bê tông, nhưng còn quá nhỏ hẹp, xe 45 chỗ ra vào rất khó khăn. Hệ thống hạ tầng là điều kiện tiên quyết để phát triển DL, nhưng ngay điều đó ở Bình Định chưa đáp ứng yêu cầu thì rất khó để DL phát triển”.

Một vấn đề khác là hầu hết các làng nghề và cơ sở sản xuất ở làng nghề Bình Định đều không biết cách làm DL, chưa được hướng dẫn kỹ năng làm DL, cách tiếp khách DL, cách tiếp thị sản phẩm… Chính quyền các địa phương có làng nghề thì chưa quan tâm vì chưa thấy rõ lợi ích của việc phát triển DL làng nghề; còn “khoán trắng” cho DN DL, trong khi các DN chỉ giới thiệu sản phẩm làng nghề chứ chưa nói được nét đặc sắc và lịch sử phát triển của làng nghề…

Bên cạnh đó, theo ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, sản phẩm DL làng nghề hiện vẫn còn dựa vào tài nguyên có sẵn, ít tạo ra sự khác biệt giữa các làng nghề. Việc đầu tư khai thác các sản phẩm DL còn ở dạng thô, đơn giản, làm cho các sản phẩm đơn điệu, các chương trình DL kém hấp dẫn. Việc giới thiệu làng nghề chưa gắn với giới thiệu các danh lam thắng cảnh của địa phương, gắn với các lễ hội, thiếu các dịch vụ đi kèm…

…và mấy giải pháp phát triển

Về các giải pháp cụ thể để từng bước phát triển DL làng nghề Bình Định xin dành cho các địa phương và các ngành chức năng. Sau đây xin giới thiệu một số ý kiến cơ bản nhất của các chuyên gia DL. Để phát huy giá trị DL làng nghề, các tour làng nghề, bên cạnh việc khắc phục những tồn tại về giao thông, về kiến thức và kỹ năng làm DL của người dân làng nghề…, cần gắn hoạt động làng nghề với lễ hội truyền thống, xây dựng cảnh quan xanh, sạch đẹp ở làng nghề.

Người dân địa phương cần có sự gắn kết chặt chẽ với các đơn vị lữ hành từ khâu hướng dẫn du khách tìm hiểu về sản xuất, sản phẩm của làng nghề; cho thuê cơ sở lưu trú tại nhà, thuyết minh cho khách về phong tục, tập quán của làng nghề; giới thiệu, mời khách những món ăn truyền thống, đặc sản địa phương.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá thu hút du khách. Khi tổ chức các sự kiện xúc tiến DL cần lồng ghép các hoạt động, sự kiện văn hóa dân gian tại các vùng có làng nghề truyền thống.               

Cách tuyên truyền, giới thiệu về làng nghề, cùng với quảng bá sản phẩm tại chỗ dễ nhất là mỗi làng nghề cần chuẩn bị sẵn để cung cấp cho du khách một bản thuyết minh tường tận về lịch sử làng nghề cùng đặc thù của những sản phẩm trong làng nghề của mình...       

  • NGUYÊN VŨ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Du lịch từ thiện - đậm tính nhân văn  (13/11/2012)
Góp phần xây dựng môi trường du lịch chuyên nghiệp   (10/11/2012)
Chương trình nghệ thuật phục vụ du khách: May còn có rối nước!  (07/11/2012)
Hiệu quả bước đầu  (03/11/2012)
VN-Thái Lan-CPC: Ba quốc gia - Một điểm đến  (30/10/2012)
Gỡ “nút thắt” để phát triển du lịch Việt Nam  (28/10/2012)
Triển vọng từ một điểm đến mới  (28/10/2012)
Hai loại hình du lịch chính của các tỉnh miền Trung  (26/10/2012)
Hội An ở tốp 10 thành phố du lịch hàng đầu châu Á  (23/10/2012)
Từ ý kiến của các doanh nghiệp du lịch  (20/10/2012)
Du lịch Việt Nam thu 110 ngàn tỷ đồng trong 9 tháng  (19/10/2012)
Hà Nội - Bình Định sẽ gần hơn  (13/10/2012)
Cần được quy hoạch khoa học hơn  (07/10/2012)
Triển vọng phát triển thị trường mới   (29/09/2012)
Kỳ bí hồ không đáy ở động Phong Nha  (28/09/2012)