Tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng:
Tạo điều kiện phát triển du lịch
20:23', 18/2/ 2012 (GMT+7)

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (CSHT) phục vụ du lịch (DL) là một trong những yếu tố quan trọng,  là tiền đề để phát triển các hoạt động DL. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, xung quanh vấn đề này.

 

Chưa có cầu cảng du lịch, tàu vận chuyển khách du lịch chưa đạt yêu cầu, là những điểm yếu của hạ tầng du lịch biển đảo Bình Định hiện nay.

- Trong ảnh : Tàu đưa khách tham quan Hòn Khô (xã Nhơn Hải - TP Quy Nhơn).

 

* Ông đánh giá như thế nào về việc đầu tư xây dựng CSHT phục vụ DL của tỉnh ta trong thời gian qua?

- Để tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển DL, trong những năm qua, tỉnh đã chú trọng đến công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng CSHT phục vụ DL, kể cả đầu tư gián tiếp và đầu tư trực tiếp.

Là một ngành kinh tế tổng hợp nên sự phát triển của DL phụ thuộc vào sự phát triển của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhất là hệ thống giao thông. Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương và bằng nguồn nội lực của tỉnh, CSHT giao thông và các loại phương tiện giao thông quan trọng không ngừng được đầu tư nâng cấp. Đã đầu tư xây dựng nhà ga hàng không mới của sân bay Phù Cát, tăng tần suất các chuyến bay đến Bình Định, đưa máy bay Airbus vào khai thác tuyến TP Hồ Chí Minh- Quy Nhơn; mở đường bay thẳng Hà Nội - Quy Nhơn; nâng cấp ga Diêu Trì… Nhờ vậy, lượng khách DL từ các trung tâm ở hai đầu đất nước, đặc biệt từ Hà Nội và khu vực phía Bắc đến Bình Định tăng hơn trước rất nhiều.

Hằng năm, Trung ương và tỉnh đều bố trí vốn đầu tư phát triển CSHT DL. Trong giai đoạn 2006-2011, số dự án CSHT DL được hỗ trợ đầu tư là 16 công trình, với tổng vốn lên đến hàng trăm tỉ đồng, trong đó vốn Trung ương hỗ trợ 53 tỉ  đồng.  Các dự án đầu tư CSHT DL trên địa bàn tỉnh đều thực hiện đảm bảo tiến độ, nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương được giải ngân hết. Hầu hết các dự án này là các công trình giao thông và các điểm di tích, danh thắng như: Tháp Bánh Ít, tháp Dương Long, tháp Đôi, đường vào khu DL Ghềnh Ráng, suối khoáng Hội Vân, suối khoáng Chánh Thắng… nên ngay sau khi hoàn thành đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ của ngành DL tỉnh nhà.

* Còn về CSHT phục vụ phát triển DL biển đảo thì sao, thưa ông?

- Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh về DL, Bình Định chủ yếu tập trung đầu tư phát triển 2 loại hình sản phẩm là DL biển và DL văn hóa - lịch sử. Tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng mới nhiều tuyến đường ven biển mang tính chiến lược, đem lại lợi ích nhiều mặt cho KT-XH nói chung và ngành DL nói riêng, như tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu, tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội, tuyến Nhơn Hội - Tam Quan, đường Xuân Diệu... Đồng thời, trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành một số tuyến DL cơ bản như: Tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu gắn với TP Quy Nhơn, tuyến ven biển Quy Nhơn - Nhơn Hội - Tam Quan, trọng tâm là Khu DL Phương Mai - Núi Bà, tuyến Quy Nhơn - An Nhơn - Tây Sơn và vùng phụ cận.

Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng CSHT DL biển còn hạn chế. Đến nay vẫn chưa có cầu cảng DL và đội thuyền DL để phát triển mạnh loại hình DL biển. Vì vậy, việc đầu tư khai thác, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; khả năng cạnh tranh với các trung tâm DL trong vùng còn hạn chế.

* Theo ông, trong điều kiện CSHT DL biển đảo ở tỉnh ta như hiện nay, các doanh nghiệp (DN) lữ hành nên khai thác các sản phẩm DL biển đảo như thế nào cho có hiệu quả?

- Theo tôi, trong điều kiện hiện nay, các DN cần tăng cường sự liên kết, nhất là liên kết giữa các DN lữ hành và giữa DN lữ hành với DN vận tải đường thủy để tập trung xây dựng những tour, tuyến DL biển đảo phong phú, độc đáo, mang nét đặc trưng của DL Bình Định dựa trên các yếu tố khác biệt về cảnh quan, địa lý, văn hóa. Ví dụ như du thuyền trên đầm Thị Nại kết hợp thưởng thức hát dân ca, ngâm thơ; DL tuyến Phương Mai - Núi Bà kết hợp trượt cát, tham quan chùa Linh Phong, thăm các cảnh đẹp ven biển kết hợp lặn ngắm san hô, câu cá...

Các DN cần quan tâm phát triển DL sinh thái cộng đồng khu vực ven biển, hải đảo, đưa du khách tham gia các sinh hoạt cộng đồng và hoạt động của dân cư tại đây. Chú trọng đào tạo, thu hút hướng dẫn viên DL có kinh nghiệm hướng dẫn DL biển, đảo, bởi vì đây cũng là một điểm yếu của lữ hành Bình Định. Bên cạnh đó, cần tăng cường xúc tiến quảng bá, hợp tác với các DN tỉnh bạn về phát triển DL biển và thu hút du khách đến Bình Định.

Về lâu dài, các DN cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật các loại hình dịch vụ phục vụ du khách như thể thao biển, vui chơi giải trí ven biển, trên biển... Có như vậy, tiềm năng DL biển đảo Bình Định mới dần được đánh thức, đóng vai trò quan trọng trong doanh thu ngành DL và trở thành một hướng chiến lược phát triển của DL Bình Định.

* Vậy ngành VH-TT-DL tỉnh sẽ tham mưu cho tỉnh những vấn đề gì về đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng phục vụ DL trong thời gian đến?

- Hệ thống CSHT DL tiếp tục được đầu tư nâng cấp và từng bước hoàn thiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển DL. Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ và kêu gọi, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng DL. Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh về đầu tư phát triển DL giai đoạn 2011-2015 đã xác định ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm trên các tuyến DL quan trọng. Theo đó, trong giai đoạn tới, cần tập trung đầu tư cho các công trình CSHT phục vụ DL sau:

Tập trung ngân sách nhà nước do Trung ương hỗ trợ và của ngân sách tỉnh, đầu tư đồng bộ, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, điện, cấp thoát nước cho Khu DL quốc gia Phương Mai, thành khu DL nghỉ dưỡng biển chất lượng cao như chiến lược phát triển DL Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định. Đầu tư xây dựng đồng bộ CSHT, chỉnh trang đô thị, tôn tạo cảnh quan khu vực bãi biển TP Quy Nhơn.

Tiếp tục đầu tư nâng cấp sân bay Phù Cát, đầu tư dàn đèn bay đêm, mở thêm một số đường bay quốc nội mới, tăng tần suất các chuyến bay hiện có, từng bước đưa sân bay Phù Cát trở thành sân bay quốc tế. Về giao thông đường thủy, đầu tư xây dựng bến thuyền DL, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư đội tàu DL để khai thác loại hình DL biển kết hợp với biểu diễn nghệ thuật tuồng, dân ca, bài chòi phục vụ du khách. Đầu tư xây dựng CSHT giao thông, bê tông hóa đường vào các làng nghề truyền thống, các võ đường tiêu biểu đã quy hoạch phục vụ DL. Mở rộng, nâng cấp đường và hạ tầng phục vụ DL tại một số di tích và thắng cảnh của tỉnh.

Cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải để phát huy hiệu quả đồng vốn đầu tư. Tập trung đầu tư khai thác 2 loại hình sản phẩm DL là thế mạnh của Bình Định gồm DL sinh thái biển và DL văn hóa, lịch sử.

* Xin cảm ơn ông!

  • NGUYÊN VŨ (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhiều nét mới  (04/02/2012)
Khu du lịch Ghềnh Ráng đón hơn 22.000 lượt khách trong dịp Tết  (30/01/2012)
Phát triển du lịch - những tín hiệu khả quan  (24/01/2012)
Nhộn nhịp tour Tết  (19/01/2012)
Khởi sắc hoạt động lữ hành  (15/01/2012)
Sẽ có gần 4,5 triệu việc làm trong lĩnh vực du lịch vào năm 2021  (11/01/2012)
Những tín hiệu khả quan  (31/12/2011)
Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận: Slogan mới cho du lịch  (28/12/2011)
Vị khách du lịch quốc tế thứ 6 triệu đến Việt Nam  (26/12/2011)
Du lịch biển, đảo gắn với du lịch di sản  (24/12/2011)
Cần liên kết trong phát triển du lịch   (23/12/2011)
Cần liên kết trong phát triển du lịch   (23/12/2011)
Năm 2011, du khách quốc tế đến Việt Nam hơn 6 triệu lượt người  (22/12/2011)
Năm Du lịch quốc gia 2011: Vực dậy tiềm năng du lịch biển đảo  (20/12/2011)
Tăng lượng khách du lịch đến Bình Định  (17/12/2011)