|
Ngành du lịch Thừa Thiên - Huế đang tập trung phục dựng những lễ hội truyền thống để thu hút khách du lịch. |
Mặc dù được bàn thảo nhiều trong những năm gần đây, về việc liên kết du lịch giữa các tỉnh duyên hải miền Trung nhưng trong thực tế điều này vẫn chưa được thực hiện. Nguyên nhân theo nhiều chuyên gia du lịch là do tính địa phương các tỉnh trong khu vực quá cao. Tình trạng “cát cứ” vẫn còn ăn sâu vào tâm thức của những người làm công tác quản lý du lịch.
Liên kết trên... giấy!
“Tính địa phương chủ nghĩa là rào cản quá lớn trong liên kết”, ông Hồ Việt, nguyên Trưởng Văn phòng Tổng cục Du lịch tại miền Trung, người đã có nhiều đề tài nghiên cứu về các sản phẩm liên kết du lịch miền Trung, thẳng thắn nói. Theo ông, các nhà quản lý du lịch đã từng ngồi lại với nhau nhưng khi giải quyết khâu “Ai điều hành?” thì không ai chịu ai, ai cũng muốn điều hành để mang lợi về cho địa phương mình trước hết. Vì thế, liên kết vẫn để trên giấy hoặc nếu có cũng khá dè dặt.
Phía Công ty Lữ hành Vitours, nơi thực hiện thành công các tour liên kết Con đường di sản miền Trung, Hành lang Kinh tế Đông Tây – EWEC, đưa ra ví dụ điển hình: Bộ ba nằm cạnh nhau, có lợi thế du lịch nhất là Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam mà vẫn chưa liên kết tốt. “Đó là nhóm dễ liên kết nhất mà vẫn chưa làm được, nay cộng thêm một số địa phương khác không có nhiều tiềm năng du lịch thì lại càng khó hơn”, ông Cao Trí Dũng, Giám đốc Vitours nhận xét. “Thực ra, ba địa phương trên đã có một số hoạt động cùng nhau trong khoảng 5 năm trở lại đây như làm ấn phẩm, thực hiện các buổi giới thiệu, xúc tiến quảng bá du lịch ở nhiều nơi trong nước, với tinh thần “3 địa phương 1 điểm đến”. Nhưng lúc điều hành, các tổ trưởng đưa ra chương trình chung quá chậm so với kế hoạch năm của các địa phương kia, thành ra chúng tôi gặp khó khăn không ít khi bắt tay vào làm chương trình chung”, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho biết.
Theo nghiên cứu từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), mỗi năm miền Trung đón hàng triệu lượt khách quốc tế nhưng thời gian lưu trú trung bình của du khách tại Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Hội An chỉ là 1,5 - 2,5 ngày/khách với mức chi tiêu trung bình 76 USD/khách/ngày.
Tại Hội thảo về liên kết phát triển 7 tỉnh duyên hải miền Trung từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa tổ chức cuối năm 2011, các bên đã thống nhất lấy du lịch làm mục tiêu liên kết đầu tiên, bởi ngành công nghiệp không khói này là thế mạnh mà địa phương nào cũng có tiềm năng. Vậy nhưng, trên thực tế liên kết này cũng là danh nghĩa, mới chỉ dừng lại trên giấy chứ chưa thật sự được triển khai thực hiện.
Sản phẩm du lịch quá mờ nhạt
Ông Nguyễn Quốc Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du lịch Hương Giang, cho rằng, với chiều dài hơn 1.000km cùng nhiều bãi tắm đẹp, nhiều vịnh đảo, khu bảo tồn thiên nhiên và nhiều di tích lịch sử, các lễ hội gắn với văn hóa biển nhưng chỉ riêng trong hai tháng 6 và 7 năm 2011, cùng lúc cả 4 tỉnh là Khánh Hòa, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế và Ninh Thuận đều tổ chức lễ hội du lịch biển. Hình thức tổ chức na ná nhau vào cùng một thời điểm không chỉ khiến cho du khách nhàm chán mà còn gây ra sự lãng phí, trong khi hiệu quả thu được lại không như mong muốn, khách du lịch bị san sẻ ra 4 nơi.
Cuối năm 2011, một cuộc khảo sát do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Quảng Nam và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện đưa ra những nhận định: Sản phẩm du lịch đặc trưng về văn hóa, làng nghề và con người Quảng Nam chân tình, thuần hậu, hiếu khách…, chính là lợi thế của du lịch Quảng Nam. Song du lịch Quảng Nam vẫn còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, các doanh nghiệp du lịch chủ yếu nhỏ và vừa, chưa thực sự mạnh dạn đầu tư.
Cần một “nhạc trưởng”
Các nhà làm du lịch đều cho rằng, “nhạc trưởng” phải từ cấp bộ, để điều phối hoạt động cũng như phân bổ nguồn quỹ liên kết, phối hợp ngân sách xúc tiến trung ương và địa phương, tránh tình trạng các địa phương không “chịu” nhau, tự làm theo ý mình.
Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Phó Trưởng ban tổ chức Năm du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012, cho rằng: Cần sự liên kết của các địa phương, đặc biệt là Huế, nơi kết nối của vùng Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ đồng thời kết nối thêm Đà Nẵng, Quảng Nam cùng các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, TPHCM mới có thể tạo được hiệu ứng kinh tế - xã hội cho sự kiện Chương trình Năm du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012.
TS Trần Du Lịch (Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM) cho rằng cần tạo sản phẩm du lịch đặc trưng vùng miền, như Khánh Hòa cần tập trung phát triển các loại hình du lịch biển đảo, đầu tư nhiều hơn cho festival biển Nha Trang, hình thành một đô thị du lịch. Phú Yên thì gắn với du lịch sinh thái, văn hóa, nhất là văn hóa đá. Bình Định cũng có thể phát triển du lịch sinh thái, văn hóa gắn với các chuỗi di tích lịch sử - lễ hội, festival võ thuật Bình Định. Quảng Ngãi phát triển du lịch biển, mở các tuyến du lịch nối kết với Cù Lao Chàm, Lý Sơn. Quảng Nam tập trung vào du lịch di sản văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng. Đà Nẵng phát triển du lịch biển, nghỉ dưỡng, trở thành trung tâm chuyển khách và dịch vụ du lịch. Thừa Thiên-Huế tập trung vào du lịch văn hóa (di sản, lễ hội, ẩm thực), du lịch làng nghề, sinh thái và trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực... Có như thế thì sự chồng chéo, cạnh tranh nhau mới được giải quyết triệt để. Và cũng từ đó, sự liên kết thật sự sẽ hình thành.
"Tổng cục Du lịch và Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch cần định hướng hỗ trợ cho các vùng trọng điểm, cho từng khu vực, chứ đừng để từng cụm tự làm sẽ tiếp tục dẫn đến đầu tư manh mún, không đồng bộ. Ở phía Bắc có thể rót cho Hải Phòng - Quảng Ninh, phía Nam là Cần Thơ - Vũng Tàu, tại miền Trung thì tập trung cho Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam là tốt nhất"
Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở VH-TT-DL Đà Nẵng |
. Theo SGGP |