Vĩnh Thạnh là địa phương có tiềm năng khai thác, phát triển du lịch văn hóa-lịch sử, sinh thái, du lịch mạo hiểm… Tuy nhiên, vì ở xa trung tâm tỉnh, lại thiếu nguồn lực về nhiều mặt nên Vĩnh Thạnh chưa có điều kiện để khai thác và đầu tư phát triển du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương…
|
Hoạt động văn hóa miền núi sẽ góp phần phát triển du lịch ở Vĩnh Thạnh. |
Nhiều tiềm năng
Vĩnh Thạnh là một huyện miền núi, cách trung tâm tỉnh là TP Quy Nhơn khoảng 85 km. Với điều kiện thiên nhiên, lịch sử hiện có và những công trình xây dựng trong thời kỳ đổi mới đã mở ra nhiều tiềm năng du lịch cho Vĩnh Thạnh, song chưa được khai thác. Có thể kể ra một số địa chỉ: Khu di tích Vườn cam Nguyễn Huệ ở làng K2, xã Vĩnh Sơn được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1995; Gộp Nước Ló ở làng M2 xã Vĩnh Thịnh xếp hạng cấp quốc gia năm 2002; thành Tà Cơn, công trình thủy điện Vĩnh Sơn, công trình thủy lợi Định Bình…
Ngoài ra, trong các loại hình sẽ góp phần làm nên diện mạo du lịch đa dạng Vĩnh Thạnh trong tương lai, không thể không nhắc đến du lịch sinh thái gắn với sông hồ, thác nước và tắm khoáng nóng. Bên cạnh đó là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn mang đậm giá trị vật chất cũng như tinh thần, được làm nên bởi bàn tay, khối óc và tình đoàn kết các dân tộc Vĩnh Thạnh, cùng sáng tạo và cùng giữ gìn trong dòng chảy vô tận của thời gian.
Nguồn tài nguyên ấy bao gồm những di tích lịch sử - cách mạng; di tích lịch sử - văn hóa; các làng nghề thủ công truyền thống; các giá trị văn hóa vật thể (trang phục, nông cụ, nhạc cụ...); các giá trị văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc của dân tộc Bana Vĩnh Thạnh như lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới, các trò chơi, các điệu dân vũ, các bài cúng, những bài hơamon, truyền thuyết, ca dao, tục ngữ, kiến trúc nhà sàn, nghề đan lát, dệt thổ cẩm, những làn điệu hát ru, những nhạc cụ dân tộc độc đáo như cồng chiêng, tơ rưng… Đây là những thuận lợi cơ bản để Vĩnh Thạnh phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái gắn với việc bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, là điểm hẹn du lịch lý tưởng đối với du khách.
|
Điểm du lịch sinh thái Đaklot trên hồ Định Bình do Công ty cổ phần SXTM Vĩnh Thạnh đầu tư. |
Để khai thác hiệu quả
Trong chiến lược phát triển của huyện, phát triển du lịch phải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của cả tỉnh. Khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch sinh thái trên cơ sở đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, việc quy hoạch phát triển du lịch sinh thái phải gắn với việc cải tạo, bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa, các danh lam thắng cảnh với bảo vệ môi trường bền vững.
Trên cơ sở tiềm năng và lợi thế về du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn huyện, gắn phát triển du lịch với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đưa du lịch từng bước trở thành một trong những ngành quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân, thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Có thể thấy rằng, trong những năm qua, loại hình du lịch sinh thái đã và đang phát triển nhanh ở nhiều nơi trong nước và ngày càng thu hút được sự quan tâm rộng rãi của các tầng lớp xã hội, đặc biệt đối với những người có nhu cầu tham quan du lịch và nghỉ dưỡng. Ngoài ý nghĩa góp phần bảo tồn tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng, sự phát triển du lịch sinh thái đã và đang mang lại những nguồn lợi kinh tế to lớn, tạo cơ hội tăng thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho quốc gia cũng như cộng đồng người dân các địa phương, nhất là người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa - nơi có các khu bảo tồn tự nhiên và cảnh quan hấp dẫn… Đây chính là loại hình du lịch phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của Vĩnh Thạnh.
Cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, hoành tráng; các sản phẩm văn hóa - du lịch mới lạ, dân dã và nguyên khai... được xem là thế mạnh của ngành du lịch Vĩnh Thạnh trong xu thế vừa liên kết lại vừa cạnh tranh. Nhìn chung, khách du lịch quốc tế thích tới những bản làng xa xôi của đồng bào các dân tộc thiểu số, vì cảnh quan nơi đây còn ít nhiều dấu vết hoang sơ, thêm vào đó là những phong tục tập quán văn hóa mang đậm chất dân gian, chưa bị thương mại hóa.
Tại đây, người dân địa phương có thể tham gia phát triển loại hình “du lịch cộng đồng”. Bà con có thể đáp ứng những dịch vụ: Phiên dịch, nghỉ dưỡng, ẩm thực, dẫn đường; bán các sản phẩm tự tay mình làm như: thổ cẩm các loại, mây tre đan, đồ mỹ nghệ; tổ chức biểu diễn văn nghệ dân gian, dựng các lễ hội truyền thống để phục vụ du khách…
|