Phát triển du lịch Bình Định:
Cần đầu tư hạ tầng và sản phẩm mới
23:10', 3/3/ 2012 (GMT+7)

Bình Định có nhiều tài nguyên thiên nhiên và nhân văn để phát triển du lịch (DL), đưa DL trở thành một trong những ngành kinh tế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, việc khai thác tài nguyên phục vụ phát triển DL Bình Định vẫn còn hạn chế. Mục tiêu đặt ra cho ngành DL Bình Định là phải tập trung tìm ra những giải pháp cụ thể, tạo sức bật mới… 

 

Du khách đến từ Tây Nguyên tham gia tour du lịch biển Quy Nhơn.

 

Thừa tiềm năng, thiếu… nhiều thứ

DL Bình Định có lợi thế về địa lý với cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp, hùng vĩ; có bờ biển dài và những bãi tắm đẹp như bãi biển Quy Nhơn, các bãi biển trên tuyến Phương Mai-Núi Bà, tuyến Quy Nhơn-Sông Cầu… cùng nhiều di tích, danh thắng khá nổi tiếng. Bình Định có một số loại hình văn hóa đặc trưng có thể tạo sự thu hút khách DL như: Võ thuật, Hát Bội, Bài chòi... cùng một số lễ hội truyền thống khá độc đáo, hấp dẫn; người dân hiền hòa, thân thiện, hiếu khách…Với tiềm năng như vậy, nếu khai thác tốt sẽ tạo nên sức hút khá lớn đối với khách DL trong và ngoài nước. 

Tỉnh Bình Định cũng đã xác định khai thác tốt tiềm năng, phát triển DL thành ngành kinh tế mạnh của tỉnh, có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư phát triển hoạt động DL trên địa bàn tỉnh. Điều đặc biệt là Bình Định có thế mạnh về tài nguyên DL tự nhiên và nhân văn gắn với biển. Các doanh nghiệp (DN) DL trên địa bàn bước đầu đã biết khai thác giá trị tài nguyên để phục vụ DL. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị của tài nguyên DL tự nhiên và nhân văn được tăng cường; các di sản văn hóa, giá trị truyền thống được tôn trọng. Hạ tầng phục vụ DL từng bước được đầu tư xây dựng. Công tác quảng bá, xúc tiến DL được quan tâm thực hiện. Chất lượng dịch vụ DL từng bước được nâng lên, góp phần cải thiện diện mạo và sức cạnh tranh của DL Bình Định.  

Đến nay, tuy DL Bình Định đã đạt được một số kết quả đáng phấn khởi, lượng khách đến Bình Định tăng khá nhanh, song theo đánh giá của tỉnh thì việc đầu tư khai thác, phát triển DL chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Cụ thể: Cơ sở hạ tầng phục vụ DL còn thiếu và chưa đồng bộ. Sản phẩm DL của Bình Định còn đơn điệu, ngành DL Bình Định vẫn chưa tìm ra sản phẩm DL đặc thù nào cho riêng mình. Thiếu chiến lược phát triển sản phẩm, nên độ dài lưu trú ngắn. Đội ngũ làm DL chưa được đào tạo chuyên sâu, chưa chuyên nghiệp, chưa đáp ứng yêu cầu. Trình độ chuyên nghiệp trong quản lý và kỹ năng nghề nghiệp của nhân lực DL hạn chế và thiếu đồng bộ dẫn tới chất lượng dịch vụ chưa đạt chuẩn. Đây được coi là hạn chế lớn mà ngành DL Bình Định đang tìm những giải pháp hiệu quả để khắc phục.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các đối tượng tham gia hoạt động DL chưa chặt chẽ; sự gắn kết DL biển với không gian văn hóa miền biển, các di tích, lễ hội, làng nghề... chưa nhuần nhuyễn. Việc nghiên cứu thị trường chưa được các DN quan tâm đúng mức, nên không tối đa hóa được thu nhập DL. Từ đó, hiệu quả kinh tế DL ở tỉnh ta còn khiêm tốn, thể hiện ở thu nhập DL còn thấp.

 

Du khách nước ngoài tham gia trò chơi bài chòi tại Anh Nhật Gia Viên.

 

Cần đầu tư phát triển hạ tầng, sản phẩm

Theo một số Công ty lữ hành tại Hà Nội, khi tổ chức tour cho khách quốc tế vào Việt Nam đi dọc các tỉnh Nam Trung Bộ, thì Đà Nẵng sẽ là điểm trung chuyển khách, sau đó khách đến DL tại Hội An và Mỹ Sơn rồi di chuyển bằng đường bộ vào Nha Trang (Khánh Hòa), Mũi Né (Bình Thuận). Với quãng đường di chuyển dài như vậy, đơn vị lữ hành bố trí cho khách nghỉ qua đêm tại TP Quy Nhơn. Các đơn vị vẫn chưa đưa khách đến các điểm DL tại Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận bởi chất lượng dịch vụ ở đây còn yếu, điểm tham quan na ná nhau. Nếu muốn thu hút khách, các tỉnh này phải có sản phẩm đặc trưng khác để tạo lực hút. Đồng thời, để thu hút khách DL và kéo dài thời gian lưu trú của khách, cần thúc đẩy việc liên kết tạo ra sản phẩm mang tính liên vùng để hỗ trợ nhau phát triển. Các DN cung cấp dịch vụ tại địa phương cũng cần đưa ra những sản phẩm mới, độc đáo.

Theo ông Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển DL (Tổng cục DL), khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, trong đó có Bình Định, với nhiều di tích, danh thắng thuận lợi cho việc tổ chức các tour DL văn hóa - lịch sử, nhất là có nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng - là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá để phát triển DL biển đảo, được xem là vùng DL hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Thêm vào đó, chiến lược phát triển DL đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 của DL Việt Nam đặt trọng tâm ưu tiên phát triển DL biển đảo. Đề án phát triển DL biển đảo và vùng ven biển Việt Nam đến 2020 đã được xây dựng, khi triển khai sẽ tạo ra chuỗi các sản phẩm DL gắn với biển, đặc biệt là nghỉ dưỡng biển, giải trí và thể thao biển. Hiệu quả hoạt động DL sẽ được nâng lên rõ rệt nhờ hệ thống sản phẩm DL biển đa dạng, có chất lượng cao...

Như vậy, đồng thời với việc xây dựng thương hiệu DL Bình Định, phát triển DL văn hóa-lịch sử, Bình Định phải phát triển DL biển đảo, song cần nỗ lực nghiên cứu cho có cái khác biệt trong sản phẩm DL biển đảo của mình chứ không rập khuôn các tỉnh khác trong khu vực. Điều quan trọng là tỉnh Bình Định cần gấp rút tăng cường xây dựng hạ tầng phục vụ DL biển đảo, bởi ngoài hạ tầng giao thông, lưu trú, Bình Định hoàn toàn chưa có cầu bến, tàu DL biển đạt yêu cầu. Ở bãi biển Quy Nhơn, việc chưa phân ranh giới giữa khu vực tắm biển và đánh bắt hải sản của ngư dân rất dễ gây nguy hiểm cho người tắm biển, nhất là du khách, bởi họ chưa quen với vùng nước, “luồng lạch” trên biển.

Điều đáng nói nữa là suốt chiều dài trên 3 km từ vùng biển Ghềnh Ráng đến Mũi Tấn, được xem là bãi tắm Quy Nhơn, hoàn toàn không có các đội cứu hộ, cứu nạn trên biển. Muốn phát triển DL biển, song tỉnh Bình Định và TP Quy Nhơn không tổ chức các đội cứu hộ, cứu nạn trên biển để bảo vệ sinh mạng của du khách tắm biển là điều rất ngạc nhiên.

Để Bình Định trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách, sản phẩm tốt, chất lượng dịch vụ cao, các chuyên gia DL cũng khuyến cáo: Quá trình phát triển sản phẩm phải gắn với quá trình nâng cấp chất lượng cơ sở vật chất, kỹ thuật và dịch vụ, các điểm tham quan DL, với công tác xúc tiến, quảng bá, marketing và phát triển nguồn nhân lực DL. Coi trọng liên kết vùng, lãnh thổ, điểm đến trong tổ chức thị trường và tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức phát triển sản phẩm phải gắn liền với hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu điểm đến…

  • NGUYÊN VŨ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tiềm năng chưa đánh thức  (26/02/2012)
Du lịch miền Trung: Vẫn mạnh ai nấy làm  (23/02/2012)
Tạo điều kiện phát triển du lịch  (18/02/2012)
Nhiều nét mới  (04/02/2012)
Khu du lịch Ghềnh Ráng đón hơn 22.000 lượt khách trong dịp Tết  (30/01/2012)
Phát triển du lịch - những tín hiệu khả quan  (24/01/2012)
Nhộn nhịp tour Tết  (19/01/2012)
Khởi sắc hoạt động lữ hành  (15/01/2012)
Sẽ có gần 4,5 triệu việc làm trong lĩnh vực du lịch vào năm 2021  (11/01/2012)
Những tín hiệu khả quan  (31/12/2011)
Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận: Slogan mới cho du lịch  (28/12/2011)
Vị khách du lịch quốc tế thứ 6 triệu đến Việt Nam  (26/12/2011)
Du lịch biển, đảo gắn với du lịch di sản  (24/12/2011)
Cần liên kết trong phát triển du lịch   (23/12/2011)
Cần liên kết trong phát triển du lịch   (23/12/2011)