Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Nơi gặp gỡ của các thành phố lịch sử”, Festival Huế 2012 (diễn ra từ ngày 7 - 15.4.2012) là sự kiện đặc biệt, điểm nhấn của Năm Du lịch Quốc gia duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012...
|
Lễ hội áo dài tại Festival Huế.
|
Nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn
Ngoài các chương trình nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật cung đình Huế, Festival Huế 2012 còn có sự tham gia của trên 30 đoàn nghệ thuật đến từ 5 châu lục, cùng hàng loạt các hoạt động nghệ thuật đường phố tiêu biểu cho các nền văn hóa lớn được chọn lọc từ các Festival quốc tế khác. Tập trung những đại diện tiêu biểu ở các châu lục, nghệ sĩ và đoàn nghệ thuật có đẳng cấp, bao gồm đại diện của nghệ thuật đương đại và các loại hình nghệ thuật được công nhận là di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, tiêu biểu cho các nền văn hóa lớn đến từ các thành phố lịch sử.
Tại Festival Huế 2012, có các chương trình nghệ thuật đặc sắc diễn ra hàng đêm ở các sân khấu Đại Nội và Cung An Định, các sân khấu ở quảng trường Ngọ Môn, quảng trường trước trường Quốc Học, với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật và nghệ sĩ nổi tiếng đến từ các quốc gia như Pháp, Bỉ, Nga, Ba Lan...
Nét mới trong Festival Huế 2012 là bên cạnh Lễ Tế giao, Lễ hội áo dài, chương trình nghệ thuật trong Lễ khai mạc, Lễ bế mạc... còn có các chương trình sân khấu hóa “Thiên Hạ Thái Bình” (diễn xướng cung đình và 1ễ hội đèn lồng, hoa đăng), chương trình “Đêm Phương Đông”... Ngoài ra, còn có các chương trình theo phương thức xã hội hóa trong khuôn khổ Festival, gồm: Lễ hội trống và nhạc cụ gõ “Âm vang hào khí Việt”, những ngày phim lịch sử Việt Nam, các chương trình lễ hội đường phố tổ chức cả ngày và đêm trong suốt thời gian diễn ra Festival. Lễ hội “Chợ quê ngày hội” tại cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) và phát hành bộ tem “Cầu mái ngói”; Lễ hội “Hương xưa làng cổ” tại làng Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền)... là những lễ hội cộng đồng, giúp du khách khám phá vẻ đẹp độc đáo của vùng đất, con người Thừa Thiên-Huế.
Ngoài các hoạt động chính, Festival Huế 2012 còn diễn ra nhiều hoạt động khác nhằm hưởng ứng và cổ động cho lễ hội. Bên lề Festival còn có nhiều hoạt động khá nổi bật như: Ngày hội Doanh nhân với Di sản văn hóa, các chương trình nghệ thuật sắp đặt, Festival cho thiếu nhi, Festival Thơ Huế, Những ngày ẩm thực...
Các lễ hội tiền Festival: Lễ hội Đền Huyền Trân (từ ngày 30.1-6.2) là chương trình lễ hội thuộc Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012, Lễ Tế Xã Tắc (tháng 2 Âm lịch) là những lễ hội văn hóa - tâm linh, cũng là cơ hội để tỉnh Thừa Thiên-Huế tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu nền văn hóa, tiềm năng du lịch của tỉnh.
Nhiều sự kiện văn hóa trong nước và đối ngoại
Nằm trong chương trình Năm Du lịch Quốc gia, mà điểm nhấn là Festival Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế còn đăng cai tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc khác như: Sao Mai điểm hẹn 2012, Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc, Liên hoan Hợp xướng quốc tế lần thứ II tại Việt Nam, Lễ hội Phật Đản và Lễ hội Hoa đăng Huế 2012, Lễ hội Điện Huệ Nam, Ấn tượng Mưa Huế...
Festival Huế 2012 với nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn, không chỉ diễn ra ở TP Huế mà còn tại nhiều huyện, thị xã trong tỉnh, để người dân cùng được tham gia và hưởng thụ. Đồng thời, tại Festival năm nay, nhiều hội thảo khoa học sẽ được tổ chức để đánh giá lại các giá trị văn hóa và phát huy hiệu quả của các kỳ Festival ở Việt Nam.
Năm 2012 cũng là Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012. Đây là vùng tập trung rất nhiều di sản thế giới và đặc biệt là các di sản quốc gia quan trọng. Thừa Thiên-Huế cũng là nơi nối kết, giao lưu giữa vùng Bắc Trung bộ với vùng Nam Trung bộ và cả nước, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với hơn 30 hoạt động, sự kiện phong phú, hấp dẫn để quảng bá những đặc sắc văn hóa.
Festival Huế 2012 còn là sự kiện văn hóa đối ngoại quan trọng của quốc gia trong khuôn khổ diễn đàn giao lưu văn hóa Đông Á - Mỹ La tinh (FEALAC). Nhân dịp Festival Huế 2012 sẽ diễn ra Hội nghị thường niên lần thứ 13 của Liên đoàn các thành phố lịch sử (LHC - The League of Historical Cities) gồm 80 thành phố đến từ 55 quốc gia trên khắp thế giới.
Festival Huế 2012 hứa hẹn một mùa lễ hội ở Cố đô Huế với nhiều nét mới, đặc sắc, ấn tượng và hấp dẫn đối với du khách gần xa.
Quá trình hình thành và tổ chức Festival Huế: Từ cuối năm 1998 - thời điểm chuẩn bị bước vào thế kỷ XXI và thiên niên kỷ mới, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, với sự phối hợp, hỗ trợ của Chính phủ Pháp và Đại sứ quán nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, sự giúp đỡ trực tiếp của Bộ Văn hóa - Thông tin, Tổng Cục Du lịch, Bộ Ngoại giao và các bộ, ban, ngành đã chính thức đề nghị Chính phủ cho phép tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Festival Huế 2000 - một lễ hội văn hóa nghệ thuật du lịch có quy mô quốc gia và tính quốc tế đầu tiên ở Việt Nam. Sau thành công của Festival Huế 2000, Festival Huế 2002 tiếp tục được tổ chức với sự phối hợp giữa tỉnh Thừa Thiên- Huế và Đại sứ quán Pháp, sự tham gia của nhiều nước ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, tạo tiếng vang lớn trong và ngoài nước, làm cơ sở để Chính phủ cho phép xây dựng TP trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam và tiếp tục chỉ đạo tổ chức các kỳ Festival quốc tế định kỳ 2 năm 1 lần. Festival Huế 2012 là Festival lần thứ 7. |
(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương) |