Thành lập đội cứu hộ bãi biển Quy Nhơn:
Yêu cầu bức thiết
20:25', 14/4/ 2012 (GMT+7)

Thời gian qua, tỉnh và TP Quy Nhơn đã đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển du lịch (DL), chỉnh trang đô thị; TP Quy Nhơn ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn. Tuy nhiên, có một điều cần thiết mà chưa làm được là việc thành lập đội cứu hộ ở bãi biển Quy Nhơn nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và du khách tắm biển.

Du khách tắm biển Nhơn Hải (TP Quy Nhơn). Ảnh: B.L

Tiềm ẩn nhiều nguy hiểm

Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, thời tiết biển miền Trung thất thường hơn so với các vùng biển khác trong nước. Lý do là biển miền Trung luôn tiếp nhận các đợt không khí lạnh, áp thấp nhiệt đới, bão biển… Theo kinh nghiệm của người dân vùng biển Nam Trung Bộ, từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch là thời gian biển êm; còn từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch thời tiết biển thường xuyên biến động, biển thường xuất hiện sóng lớn, vùng nước xoáy, nước chảy mạnh và dòng chảy xa bờ… Do đó, tắm biển vào thời gian này dễ gặp tai nạn nguy hiểm, ranh giới giữa sự an toàn - không an toàn với tính mạng của người tắm biển rất mong manh. 

Nhiều ngư dân ở TP Quy Nhơn và những người dân Quy Nhơn thường xuyên tắm biển đều cho rằng: Biển Quy Nhơn có nền đáy tương đối bằng phẳng. Mùa hè biển lặng sóng, hiền hòa. Tuy nhiên, khi biển động thì tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, du khách không nên tắm biển khi thời tiết không tốt, nhất là khi có áp thấp nhiệt đới. Chỉ cần có áp thấp hoặc bão ở xa thì nguy hiểm đã rập rình, bởi bên dưới những lượn sóng là dòng đối lưu ngầm rất dễ cuốn người ra xa, trong khi đứng ở trên bờ nhìn thì không thể biết được. Đồng thời, do có sóng lớn nên nền đáy biển không còn bằng phẳng mà trở nên lồi lõm, có chỗ trở thành vực xoáy rất nguy hiểm.

Tuy tai nạn trên biển Quy Nhơn không nhiều bằng các vùng biển DL khác trong nước, song năm nào, cũng có 4-5 trường hợp đuối nước. Gần đây nhất, chiều 29.3.2012, một nhóm học sinh lớp 11 Trường THPT Hùng Vương đã xuống Quy Nhơn tắm biển trong lúc biển động do ảnh hưởng bão số 1. Do không được cảnh báo nên có hai em gồm một nam và một nữ đã chết đuối bởi sóng lớn cuốn ra xa.

Một “con mắt biển” (chòi canh của đội cứu hộ) ở bãi biển Sầm Sơn. Ảnh: Đất Việt Online

Trông người mà ngẫm đến ta

Hiện nay, phòng chống tai nạn đuối nước đã và đang trở thành vấn đề thời sự toàn cầu. Ở nước ta, hầu hết các bãi biển DL trong nước đều có đội cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu kịp thời khi người tắm biển gặp nguy hiểm. Chính những đội cứu hộ đã đảm bảo an toàn tính mạng, đem lại sự yên tâm cho người dân và du khách tắm biển, góp phần phát triển DL biển ở địa phương. 

TP Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về công tác cứu hộ bãi biển. Đội cứu hộ bãi biển Đà Nẵng được thành lập từ tháng 6.1999. Hiện nay đội gồm 73 người, được chuyên nghiệp hóa với 15 tổ. Từ ngày thành lập đến nay, đội đã cứu sống hàng ngàn trường hợp tai nạn đuối nước trên biển Đà Nẵng. 

Ðội cứu hộ bãi biển Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) có 31 người, chia làm 4 tổ, quản lý gần 6 km bờ biển. Những năm qua, đội đã cứu hộ thành công hàng trăm vụ đuối nước, giữ an toàn và tạo yên tâm cho người dân cùng du khách tắm biển. Số du khách bị tai nạn do tắm biển đến nay đã giảm hẳn.

Đội cứu hộ bãi biển Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) gồm 32 người, được trang bị 6 xuồng và 5 mô tô nước… Nhờ sự nhiệt tình và dũng cảm của đội cứu hộ, số người được cứu sống hàng năm là rất lớn. Năm 2007, tại bãi biển Cửa Lò, đội đã giúp 637 trường hợp trở về sau khi bị trôi ra biển không quay vào được; năm 2008 là  937 trường hợp…

Đội cứu hộ bãi biển Nhật Lệ (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) có gần 10 người, quản lý bãi tắm dài gần 2 km. Một ca trực cứu hộ trong ngày bắt đầu từ 5 giờ - 19 giờ. Phần lớn trong suốt khoảng thời gian đó, các thành viên đều phải chong mắt ra biển, kiểm soát từng người tắm, không được lơ là phút nào và thổi còi liên tục để kêu gọi những người tắm đừng ra quá xa bờ…

Đội cứu hộ bãi biển Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) được thành lập trên 10 năm nay gồm 15 thành viên, làm việc từ 4 giờ 30 đến 9 giờ và từ 15 giờ đến 18 giờ 30 hàng ngày. Đội chia thành 4 tổ túc trực dọc bờ biển dài khoảng 4 km, sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố đuối nước xảy ra và cũng canh chừng không cho người tắm biển vượt qua các rào chắn bảo vệ được giăng ngang dưới nước…

Nhân viên cứu hộ bãi biển Đà Nẵng đang tác nghiệp. Ảnh: Tiền Phong Online

 

Yêu cầu bức thiết

Tính mạng con người là quan trọng, quý giá nhất. Vì vậy, thành lập đội cứu hộ bãi biển Quy Nhơn là yêu cầu bức thiết. Tỉnh ta đang tập trung phát triển DL, nhất là DL biển Quy Nhơn, việc thành lập đội cứu hộ bãi biển càng có ý nghĩa thiết thực. Chắc chắn rằng, có đội cứu hộ bãi biển, việc phát triển DL biển sẽ thuận lợi hơn.

Nhiều doanh nghiệp DL trong tỉnh và trong nước đã nhiều lần đề nghị thành lập đội cứu hộ bãi biển Quy Nhơn. Gần đây nhất, khi báo cáo kết quả đề tài nghiên cứu việc cá dữ cắn người tắm biển Quy Nhơn, các nhà nghiên cứu khoa học biển cũng đề nghị nên có đội cứu hộ. Dù đã rất muộn rồi, song những người có trách nhiệm của tỉnh và TP Quy Nhơn cần nghiên cứu, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm các nơi khác để khẩn trương thành lập đội cứu hộ bãi biển Quy Nhơn. 

Theo kinh nghiệm của những người làm công tác cứu hộ ở bãi biển, để giảm thiểu rủi ro, cần chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác cứu hộ như: thiết bị y tế, cờ phao tiêu, ô che nắng, chòi canh, biển báo, thuyền, ca nô cứu hộ, mặt nạ thở, bình oxy…  Các nhân viên cứu hộ phải có mặt ở bãi biển từ sớm tinh mơ, kiểm tra bãi tắm, kiểm tra phao quây, khảo sát các vùng nước xoáy nguy hiểm; nơi nào có hố sâu phải cắm cọc báo; rà soát các bãi tắm để cảnh báo những khu vực nguy hiểm. Rất cần có những bảng nội quy tắm biển, những tấm bảng cảnh báo vùng nước nguy hiểm. Khi lượng khách tắm biển đông, phải theo dõi đề phòng bất trắc xảy ra. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền cho người dân và du khách tắm biển trên hệ thống loa truyền thanh dọc biển về các quy định đảm bảo an toàn tắm biển ngày bình thường, ngày thời tiết xấu, gió to, sóng lớn... hoặc khi có sự cố bất thường.

Theo các chuyên gia, dù biết bơi và có kỹ năng bơi giỏi, các thành viên của đội cứu hộ đều bắt buộc phải qua đào tạo để thành thạo các thao tác, nghiệp vụ cơ bản trong cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố đuối nước. Có qua đào tạo, người làm công tác cứu hộ biển mới được trang bị kiến thức, kỹ năng tiếp cận nạn nhân khi cứu hộ, sơ cứu nạn nhân khi vào bờ, đưa nạn nhân đến bệnh viện…

Một số khuyến cáo khi tắm biển

Trước khi tắm, phải vận động cơ thể để tránh bị chuột rút. Những người say rượu bia, bụng đói, không nên xuống nước. Những người bị bệnh tim mạch, cao huyết áp không nên tắm quá lâu. Không nên bơi ra xa vùng biển quy định; tránh vùng nước nguy hiểm (dòng rút, dòng xoáy). Tuân theo cảnh báo của lực lượng cứu hộ. Không nên tắm biển một mình. Nên sử dụng phao, hoặc mặc áo phao cứu sinh. Nên tắm thành từng nhóm và luôn chú ý quan sát lẫn nhau. Khi thấy người tắm bên cạnh bị đuối nước, cần phải kêu cứu và báo động ngay cho lực lượng cứu hộ, không nên lao vào cứu nếu không biết bơi hoặc bơi chưa thạo. Nếu chắc chắn có khả năng cứu người, cần tiếp cận từ phía sau và nên nắm vào tóc nạn nhân. Khi bị nạn nhân ôm quá chặt, cần tìm mọi cách thoát khỏi vòng tay của họ bằng cách ngồi thụp xuống hoặc lặn sâu…

  • NGUYÊN VŨ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tiềm năng và triển vọng  (07/04/2012)
Kết quả khả quan  (01/04/2012)
Đất võ Bình Định bắt tay vào quảng bá du lịch  (30/03/2012)
Du khách đến Việt Nam tăng mạnh  (29/03/2012)
Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển  (25/03/2012)
Quảng Bình: Phát hiện hang động đẹp hơn Sơn Đoòng  (23/03/2012)
Bình Định - Nét quyến rũ giữa lòng miền Trung  (17/03/2012)
Tập trung thu hút du khách về Bình Định  (10/03/2012)
Lời thì thầm của Quy Nhơn  (05/03/2012)
Cần đầu tư hạ tầng và sản phẩm mới  (03/03/2012)
Tiềm năng chưa đánh thức  (26/02/2012)
Du lịch miền Trung: Vẫn mạnh ai nấy làm  (23/02/2012)
Tạo điều kiện phát triển du lịch  (18/02/2012)
Nhiều nét mới  (04/02/2012)
Khu du lịch Ghềnh Ráng đón hơn 22.000 lượt khách trong dịp Tết  (30/01/2012)