Bình Định là địa phương có nhiều di tích được xếp hạng. Thời gian qua, ngành chức năng của tỉnh đã nỗ lực trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích. PV Báo Bình Định đã trao đổi với ông Đặng Hữu Thọ, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) di tích tỉnh, quanh vấn đề phát huy giá trị di tích qua hoạt động du lịch (DL).
|
Khách đi tour của Công ty Du lịch Miền Trung thăm Bảo tàng Quang Trung.
|
* Thưa ông, ông có thể giới thiệu một số di tích tiêu biểu ở Bình Định đã và đang được trùng tu, tôn tạo?
- Tỉnh Bình Định hiện có 231 di tích được thống kê, trong đó có 99 di tích được xếp hạng (34 di tích cấp quốc gia và 65 di tích cấp tỉnh) bao gồm các loại hình di tích: lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, danh lam thắng cảnh… Trong đó, một số di tích quan trọng như: Hệ thống tháp cổ Chămpa, hệ thống di tích phong trào Tây Sơn, các di tích cách mạng liên quan đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, một số công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng và các di tích danh thắng.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Bộ VH-TT-DL cùng UBND tỉnh, nhiều di tích đã được đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo như: Bảo tàng Quang Trung, tháp Đôi, tháp Cánh Tiên, tháp Bánh Ít, đền thờ Đào Duy Từ, đền thờ Tăng Bạt Hổ, đền thờ Bùi Thị Xuân, lăng Mai Xuân Thưởng, di tích thảm sát Bình An, thắng cảnh Hầm Hô, Ghềnh Ráng… Một số di tích đang tiến hành tu bổ, tôn tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng như: Thành Hoàng Đế, tháp Dương Long, tháp Bánh Ít, di tích Núi Bà, di tích nhà tù Phú Tài, lập quy hoạch chi tiết các di tích tháp Thủ Thiện, tháp Phú Lốc, vụ thảm sát Kim Tài, Huyện đường Bình Khê, vườn cam Nguyễn Huệ.
Ngoài ra, ở một số di tích được đầu tư bằng nguồn kinh phí của địa phương như huyện, xã hoặc huy động nguồn vốn cộng đồng để tổ chức tôn tạo, phục hồi di tích trên địa bàn, như di tích chiến thắng Chợ Cát, vụ thảm sát Ngã Ba Đình (Hoài Nhơn), di tích chi bộ Vạn Đức, di tích Văn Chỉ (Hoài Ân)…
* Bên cạnh công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, cần phát huy giá trị của di tích, làm cho di tích có ý nghĩa với cuộc sống của chúng ta hôm nay. Một trong những cách phát huy giá trị di tích là thông qua hoạt động DL. Xin ông cho biết công tác phát huy giá trị di tích ở Bình Định qua hoạt động DL được thực hiện như thế nào, kết quả ra sao?
- Việc phát huy giá trị di tích không chỉ thông qua hoạt động DL, mà còn thông qua nhiều hoạt động tuyên truyền khác, như tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm tại di tích, tổ chức các hoạt động tham quan, học tập ngoại khóa cho học sinh, sinh viên, các hoạt động về nguồn, học sinh chăm sóc di tích trong kế hoạch liên ngành “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”… Song, có thể nói hoạt động DL có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát huy giá trị di tích, thông qua đó có thể quảng bá giá trị lịch sử - văn hóa di tích không chỉ ở địa phương, ở trong nước mà còn quảng bá di tích ra thế giới.
Hiện nay, trong số những di tích đã được xếp hạng, có 4 di tích được giao cho các cơ quan, đơn vị quản lý và tổ chức khai thác DL: Bảo tàng Quang Trung do Bảo tàng Quang Trung thuộc Sở VH-TT-DL quản lý; tháp Đôi do Công ty Công viên Cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn quản lý; thắng cảnh Hầm Hô do Công ty cổ phần DL Hầm Hô đầu tư khai thác; thắng cảnh Ghềnh Ráng giao cho Công ty DL Sài Gòn - Quy Nhơn. Việc giao cho các đơn vị quản lý và khai thác di tích phục vụ DL mang lại hiệu quả thiết thực, bởi vì các đơn vị chuyên về hoạt động DL có điều kiện để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tổ chức các hoạt động quảng bá DL, phát huy giá trị di tích.
Bên cạnh đó, các hoạt động lễ hội tại di tích như lễ hội Đống Đa - Tây Sơn, lễ hội chiến thắng Đèo Nhông, chiến thắng Đồi Mười, các lễ hội tại đền thờ Đào Duy Từ, miếu Bà, chùa Bà… được tổ chức hàng năm cũng là những hoạt động có ý nghĩa quảng bá DL, phát huy giá trị di tích.
Ngoài 4 di tích nói trên, hiện có 3 di tích được BQL di tích bước đầu đưa vào khai thác, thu phí tham quan là: Tháp Bánh Ít, tháp Dương Long và tháp Cánh Tiên. Tuy nhiên, do các di tích này đang trong quá trình trùng tu, tôn tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, nên hiệu quả khai thác DL ở đây còn hạn chế.
* Trong thời gian đến, BQL di tích sẽ làm gì để tổ chức tốt việc bảo tồn, tôn tạo di tích gắn với tham quan DL đạt hiệu quả thiết thực hơn?
- BQL di tích sẽ tham mưu cho lãnh đạo Sở VH-TT-DL đẩy nhanh tiến độ các công trình tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích để sớm hoàn thành, hình thành các tổ quản lý ở các di tích trọng điểm. Ngoài công tác quản lý, thuyết minh, sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa phù hợp tại di tích để phục vụ du khách và nhằm quảng bá, thu hút khách tham quan DL. Bên cạnh đó, BQL di tích sẽ phối hợp với các địa phương trong tỉnh trong công tác bảo tồn, tổ chức hoạt động lễ hội tại di tích; phối hợp với Trung tâm Thông tin xúc tiến DL, các đơn vị kinh doanh DL lữ hành để quảng bá giá trị đặc sắc về lịch sử - văn hóa của các di tích, giới thiệu những di sản văn hóa, di tích của tỉnh nhà với du khách trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức, trên các phương tiện thông tin đại chúng…
* Có ý kiến cho rằng, hoạt động DL tác động nhiều chiều đối với di tích, làm cho mục tiêu bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khó đạt được. Theo ông, cần phải làm gì để hài hòa giữa việc phát huy giá trị di tích và phát triển DL tại di tích?
- Hoạt động bảo tồn, tôn tạo không tách rời phát huy giá trị của di tích thông qua hoạt động DL; phát huy giá trị di tích phải gắn với hoạt động DL, có như vậy giá trị của di tích mới được nâng lên, làm cho di tích có ý nghĩa với cuộc sống của chúng ta hôm nay. Thế nhưng việc khai thác DL cũng như nhu cầu xây dựng các công trình phục vụ DL đều có nguy cơ phá hỏng di tích và ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường của di tích nếu không có kế hoạch khai thác phù hợp và quy hoạch tổng thể về không gian. Có nghĩa là khai thác di tích không đúng quy cách, không có quy hoạch thì chính hoạt động khai thác tham quan “bừa bãi” sẽ nhanh chóng tàn phá di tích. Vì vậy, phải có sự hài hòa giữa việc phát huy giá trị di tích và phát triển DL, vừa đảm bảo giá trị cảm nhận di tích cho khách tham quan, cũng như giá trị thụ hưởng DL.
Trong quy hoạch, trùng tu, phục hồi di tích phải gìn giữ tối đa các di tích gốc, tuân thủ nghiêm ngặt Luật Di sản Văn hóa, không nặng về khai thác DL mà lãng quên chức năng bảo tồn di tích. Việc xây dựng các công trình dịch vụ DL phải tuân thủ đúng quy hoạch; hoạt động dịch vụ phải tuân thủ quy định của BQL di tích; tổ chức dịch vụ phải hài hòa, không làm phá vỡ không gian di tích…
* Xin cảm ơn ông!
|