|
Vì xe du lịch không vào được võ đường nên võ sư Lê Xuân Cảnh (Nhơn Hưng - An Nhơn) phải mượn tạm trụ sở thôn Cẩm Tiên để biểu diễn phục vụ du khách. |
Những năm gần đây, ngành Du lịch (DL) tỉnh ta đã có sự phát triển và đạt được những kết quả tương đối khả quan, lượng khách và doanh thu hằng năm đều tăng mạnh. Đây là tiền đề quan trọng để ngành DL tỉnh nhà tăng tốc phát triển ở giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, DL Bình Định cũng đang đứng trước nhiều thách thức.
Đánh giá về tài nguyên DL, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Phát triển DL Việt Nam cho rằng, so với các địa phương trong vùng Duyên hải Nam Trung bộ, Bình Định có tài nguyên DL khá phong phú, đa dạng không thua kém các tỉnh, thành trong khu vực, nhất là về DL biển. Trong đó, tuyến Phương Mai - Núi Bà được đánh giá là có nguồn tài nguyên DL biển hết sức độc đáo, có thể khai thác phát triển nhiều loại hình DL hấp dẫn.
Cơ hội lớn
Tâm lý và xu hướng của khách DL là luôn tìm kiếm sự mới lạ, độc đáo, khác biệt về văn hóa. Khi những điểm DL ở Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết đã quá quen thuộc với phần đông khách DL, họ đang dần dịch chuyển, tìm kiếm những điểm đến mới lạ khác. Nếu chúng ta sớm tạo ra những sản phẩm DL mới lạ, hấp dẫn, chắc chắn du khách sẽ lựa chọn là điểm đến mới của họ.
Hiện nay, hệ thống giao thông đến Bình Định, nhất là đường hàng không đã thuận tiện hơn trước rất nhiều. Cùng với đó, hoạt động quảng bá xúc tiến DL trong thời gian qua được đẩy mạnh, thông tin về DL Bình Định được du khách và các hãng lữ hành biết đến ngày càng nhiều hơn. Chúng ta tổ chức thành công các sự kiện văn hóa DL lớn như: Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, các kỳ liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, Festival Lâm sản... đã góp phần giới thiệu, quảng bá tốt về vùng đất và con người Bình Định.
Thời gian gần đây, ngành DL cũng đã bắt đầu nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các cấp, các ngành, doanh nghiệp (DN) và người dân địa phương. Sự nhất trí, đồng thuận từ các cấp lãnh đạo đến người dân sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động DL phát triển. Bên cạnh đó, hằng năm nguồn nhân lực DL của tỉnh cũng được bổ sung, cải thiện rõ rệt. Riêng Trường Cao đẳng Bình Định hằng năm cho “ra lò” hơn 200 cử nhân DL được đào tạo bài bản, chính quy, có chất lượng.
Bình Định còn có nền nghệ thuật ẩm thực hết sức phong phú, độc đáo, với nhiều món ngon. Con người Đất võ cũng được nhiều du khách đánh giá là hiền lành, chất phác, hiếu khách, chưa bị “thương mại hóa”. Đây là lợi thế không nhỏ, vì ở hầu hết các trung tâm DL lớn, nạn “chặt chém” vô tội vạ, nạn đeo bám, mồi chài, lừa đảo… diễn ra nhan nhản.
Những thách thức
Bên cạnh cơ hội, ngành DL Bình Định cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. DL Bình Định bị cạnh tranh gay gắt bởi các tỉnh, thành ở khu vực miền Trung. Hai loại hình DL được xem là thế mạnh của Bình Định là DL biển và văn hóa Chăm, thì các tỉnh, thành lân cận đã đưa vào khai thác từ lâu, đã có thương hiệu, bản sắc riêng hấp dẫn hơn. Nếu chúng ta đi dọc bờ biển Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), Non Nước (Đà Nẵng), Hội An (Quảng Nam) ở cánh Bắc và Nha Trang (Khánh Hòa), Ninh Chữ (Ninh Thuận), Mũi Né (Bình Thuận)… ở phía Nam, chúng ta sẽ giật mình trước sự phát triển mạnh mẽ của DL biển nơi đây. Thậm chí ngay “sát nách” chúng ta là Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cũng đã mọc lên một tổ hợp resort - khách sạn - nhà hàng tiêu chuẩn 4 sao, dân Bình Định cuối tuần rất thích thú đến đó nghỉ ngơi.
Đã vậy, cơ sở hạ tầng DL của tỉnh tuy có cải thiện, nhưng phát triển chưa tương xứng so với yêu cầu, nhất là đường đến các điểm tham quan, các làng nghề, lò võ còn rất khó khăn. Đáng tiếc nhất là tháp Cánh Tiên (Nhơn Hậu - An Nhơn) đã trùng tu xong rất đẹp, chỉ cách quốc lộ 1A không quá 500m, nhưng xe 30 chỗ ngồi không thể vào được, vì đường bê tông quá chật hẹp.
Ngoài ra, các DN kinh doanh DL ở Bình Định phần lớn thuộc loại vừa và nhỏ, không có DN mạnh, có thương hiệu để dẫn dắt thị trường, đủ sức cạnh tranh với các DN ở khu vực lân cận…
Giải pháp phát triển
Để DL Bình Định vượt qua thách thức, đón lấy thời cơ phát triển, theo các chuyên gia trong ngành DL, Bình Định nên có những quyết sách, giải pháp mang tính cấp bách. Trước mắt, tỉnh cần tập trung nguồn lực đầu tư vào các dự án DL trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải. Nguồn vốn nhà nước cần ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng DL, nhất là xây dựng, nâng cấp, mở rộng đường vào các võ đường nổi tiếng, các di tích tháp Chăm, các làng nghề truyền thống. Đầu tư nâng cấp, mở rộng Bảo tàng Quang Trung theo hướng trở thành bảo tàng quốc gia, xứng với tầm vóc của một vị anh hùng dân tộc. Đầu tư xây dựng khu chợ đêm để đáp ứng nhu cầu mua quà lưu niệm, vui chơi giải trí, ăn uống về đêm, nhằm kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại TP Quy Nhơn.
Trong khi chờ nền kinh tế hồi phục, tỉnh cần đi trước một bước trong việc rà soát, điều chỉnh và nhất là nhanh chóng triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển DL tại các địa bàn trọng điểm như: khu vực ven biển TP Quy Nhơn, đầm Thị Nại, núi Vũng Chua, hồ Núi Một, tuyến Đề Gi - Tam Quan… Riêng khu vực ven biển TP Quy Nhơn, cần điều chỉnh quy hoạch chi tiết, ưu tiên dành nhiều quỹ đất cho phát triển DL, nhất là khu vực đường An Dương Vương, đường Xuân Diệu…
Về thị trường DL, nên tập trung vào thị trường nội địa là chủ yếu, trong đó thị trường mục tiêu là Tây Nguyên, TP.HCM và nội tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến DL, từng bước xây dựng thương hiệu DL Bình Định. Chú trọng xây dựng thương hiệu DL thông qua việc duy trì tổ chức các sự kiện văn hóa - DL lớn như: Festival Tây Sơn - Bình Định, Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam, Lễ hội Đống Đa - Tây Sơn…
Bên cạnh đó, cần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ DL mà trên địa bàn chưa có hoặc còn yếu như: đội tàu DL, đội xe đạt tiêu chuẩn vận chuyển khách DL, các hoạt động vui chơi giải trí, thể thao trên biển, sản xuất quà lưu niệm...
|