Thành lập đội cứu hộ bãi biển Quy Nhơn:
Góp phần xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và an toàn
20:42', 4/8/ 2012 (GMT+7)

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Quy Nhơn, cuối tháng 7 vừa qua, Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn đã thành lập và đưa vào hoạt động đội cứu hộ bãi biển Quy Nhơn. Đây là việc làm thiết thực, được nhân dân thành phố và du khách đồng tình ủng hộ. PV Báo Bình Định đã trao đổi với ông Nguyễn Thành Tường, Phó Giám đốc Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn, quanh vấn đề này.

 

Một trạm cứu hộ tại bãi biển Quy Nhơn.

 

* Xin ông cho biết mục đích, yêu cầu của việc thành lập đội cứu hộ bãi biển Quy Nhơn?  

- Hiện nay, phòng chống tai nạn đuối nước đã và đang trở thành vấn đề thời sự cấp thiết. Ở nước ta, hầu hết các bãi biển du lịch đều có đội cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu kịp thời khi người tắm biển gặp nguy hiểm. Chính những đội cứu hộ đã đảm bảo an toàn tính mạng, đem lại sự yên tâm cho người dân và du khách tắm biển, góp phần phát triển du lịch biển ở địa phương. Ở bãi biển Quy Nhơn từ trước đến nay chưa có đội cứu hộ. Vì vậy, thành lập đội cứu hộ bãi biển Quy Nhơn là yêu cầu bức thiết, là việc làm có ý nghĩa thiết thực. Hoạt động này còn góp phần xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và an toàn. Thực hiện chủ trương của Thành ủy, UBND TP Quy Nhơn, Công ty TNHH Môi trường đô thị đã thành lập và đưa vào hoạt động đội cứu hộ bãi biển Quy Nhơn từ ngày 29.7.2012.

* Được biết, chỉ trong vòng 5 ngày, từ khi nhận sự chỉ đạo của cấp trên, Công ty đã đưa vào hoạt động đội cứu hộ - một khoảng thời gian rất ngắn?

- Vâng! Ngày 22.7, được sự chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi đã khẩn trương chuẩn bị về nhân lực, trang thiết bị… Sau khi UBND thành phố thông báo cho ngư dân có phương tiện đánh bắt, khai thác trong khu vực bãi tắm phải di dời ra khỏi nơi quy định, trong các ngày 26, 27, 28.7, Công ty đã phối hợp với các lực lượng chức năng ra quân dọn dẹp, di dời các chồ rớ, các phương tiện hành nghề trong khu vực bãi tắm và tiến hành lắp đặt hệ thống phao quây, cờ, đèn báo hiệu ở khu vực quy định bãi tắm, cách mép nước 100 m… 

Có điều thuận lợi là các thành viên trong đội đều được tuyển chọn trong lực lượng công nhân viên của Công ty. Họ là những thanh niên trẻ, khỏe, bơi lội giỏi, có tinh thần phục vụ, nhiệt tình với nhiệm vụ được giao… Công ty cũng có sẵn một ca nô hoạt động trên biển, nên chỉ cần trang bị thêm một số phương tiện cần thiết khác là đội có thể hoạt động được ngay. Trước mắt là kịp thời phục vụ Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV; sau đó sẽ từng bước củng cố, ổn định và nâng cao năng lực hoạt động của đội.      

* Còn về tổ chức cũng như hoạt động của đội cứu hộ bãi biển Quy Nhơn, thưa ông?

- Bước đầu, đội gồm 10 thành viên, chia làm 5 tổ, chốt ở 5 trạm cứu hộ đặt dọc theo bãi biển Quy Nhơn. Từ khu vực Tượng đài Chiến thắng đến Công viên Hữu Nghị (vườn thú Quy Nhơn) có 2 trạm. Từ Công viên Thiếu nhi đến Công viên đầu đường Chương Dương có 3 trạm. Mỗi trạm có 2 nhân viên cứu hộ, một người ngồi trên trạm canh dùng ống nhòm quan sát người tắm biển trong khu vực, thường xuyên dùng loa phóng thanh nhắc nhở người tắm biển tuân thủ các quy định về tắm biển, tránh những vùng nước xoáy, không ra khỏi khu vực phao tiêu, chỉ ở trong phạm vi an toàn được quy định, không được xuống nước khi thời tiết xấu, biển động mạnh…; một người mang phao cứu sinh luôn đi lại dọc mép nước, sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Mỗi trạm được trang bị 1 ống nhòm, 1 loa tay, áo phao và 5 phao cứu sinh. Thời gian hoạt động của đội, buổi sáng từ 4g30 đến 8g30; buổi chiều từ 15g đến 18g30. Kể từ khi có đội cứu hộ, người dân thành phố và du khách đã yên tâm hơn khi tắm biển.

 

Nhân viên đội cứu hộ bãi biển Quy Nhơn đang tác nghiệp.

 

* Công ty có tính đến việc xây dựng đội cứu hộ bãi biển Quy Nhơn một cách chính quy, hiện đại…?

- Hiện Công ty đang xây dựng đề án thành lập và nội quy hoạt động của đội cứu hộ bãi biển Quy Nhơn để trình UBND thành phố phê duyệt. Nếu UBND thành phố chính thức giao nhiệm vụ, Công ty sẽ thành lập một đơn vị cứu hộ theo hướng chính quy, bài bản với khoảng 20 người, nâng số nhân viên cứu hộ ở mỗi trạm lên 4 người để làm nhiệm vụ tốt hơn.

Có thể thấy rằng, để làm tốt công tác cứu hộ ở bãi biển, đội cần được trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ. Dù bơi lội giỏi, các thành viên của đội cứu hộ đều bắt buộc phải qua đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, thành thạo các thao tác cơ bản trong cứu hộ, cứu nạn… Chính vì vậy, chúng tôi mong được cấp thẩm quyền tạo điều kiện trang bị phương tiện để tác nghiệp; tạo điều kiện cho đội được tập huấn nghiệp vụ, tham quan, học tập kinh nghiệm ở các đơn vị cứu hộ bãi biển trong khu vực duyên hải miền Trung… Chúng tôi cũng mong chính quyền các phường ven biển thường xuyên tuyên truyền, vận động ngư dân trên địa bàn chấp hành các quy định về đánh bắt hải sản trên biển, không được hoạt động ở khu vực bãi tắm đã quy định, nhằm đảm bảo an toàn cho người tắm biển… 

* Xin cảm ơn ông!

  • NGUYÊN VŨ (Thực hiện)

* Ông Huỳnh Cao Nhất, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bình Định:

Chúng tôi rất vui khi TP Quy Nhơn thành lập và đưa vào hoạt động đội cứu hộ bãi biển Quy Nhơn, điều này sẽ làm cho bãi biển Quy Nhơn hấp dẫn hơn bởi vẻ đẹp và sự an toàn. Để giúp đội cứu hộ làm tốt chức năng của mình, chính quyền thành phố và các cơ quan liên quan cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhiều mặt, nhất là phương tiện cứu hộ; tổ chức tập huấn về kiến thức cứu hộ, kỹ năng cứu hộ cho các thành viên đội cứu hộ; thường xuyên tổ chức thực hành công tác cứu hộ; tìm hiểu kỹ về các dòng chảy, vùng nước xoáy của khu vực bãi biển Quy Nhơn để chủ động tư vấn và hình thành “bản đồ” an toàn cho người tắm biển…

 

* Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Khách sạn Hải Âu:

Sự có mặt của lực lượng cứu hộ bãi biển Quy Nhơn mấy ngày nay thực sự là niềm vui vì hoạt động của đội góp phần đảm bảo an toàn cho du khách và người dân khi tắm biển; đặc biệt là đội cứu hộ thành lập và hoạt động trong dịp tại tỉnh nhà diễn ra Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV - 2012. Các đoàn võ sinh trong và ngoài nước nghỉ tại khách sạn Hải Âu rất yên tâm khi tắm biển, một số du khách đã chụp hình lưu niệm với các nhân viên đội cứu hộ. Theo chúng tôi, việc cứu người bị nạn là rất quan trọng, sau khi đội hoạt động ổn định, cần đặt những bảng nội quy tắm biển, những tấm bảng cảnh báo vùng nước nguy hiểm ở bãi tắm Quy Nhơn và trang bị thêm cho đội các phương tiện cứu hộ, cứu nạn cần thiết khác. 

 

* Ông Nguyễn Phạm Kiên Trung, Giám đốc Công ty Du lịch Miền Trung:

Việc đưa vào hoạt động đội cứu hộ bãi biển Quy Nhơn là một sự kiện rất đáng hoan nghênh, bởi nó đem lại sự an toàn cho người dân thành phố và du khách gần xa khi tắm biển Quy Nhơn. Qua đó xây dựng được hình ảnh TP Quy Nhơn đẹp hơn, văn minh hơn, thân thiện và an toàn hơn. Đội cứu hộ sẽ góp phần đưa thương hiệu “biển Quy Nhơn” lên một tầm cao mới với sự chuyên nghiệp hơn. Đây là nỗ lực lớn của chính quyền và cơ quan chức năng của thành phố, đặc biệt là tinh thần cầu thị, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp du lịch…

Chúng tôi hy vọng đội cứu hộ bãi biển Quy Nhơn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ của Nhà nước cũng như xã hội để làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; mang đến sự an tâm và an toàn cho người tắm biển Quy Nhơn.

N.V (ghi)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sản phẩm lưu niệm du lịch: Thiếu dấu ấn văn hóa  (27/07/2012)
Kỳ thú Hòn Khô  (24/07/2012)
Những nhiệm vụ trọng tâm  (21/07/2012)
Cộng đồng trách nhiệm phát triển du lịch   (15/07/2012)
Phát huy tour mới, sản phẩm mới  (07/07/2012)
Tổ chức khảo sát một số tuyến, điểm du lịch mới   (30/06/2012)
Thời cơ và thách thức  (23/06/2012)
Ngày hội "Lăng Cô - Vịnh đẹp thế giới" năm 2012  (17/06/2012)
Báo chí tích cực góp phần phát triển du lịch  (09/06/2012)
60% số điểm du lịch trên địa bàn có nhà vệ sinh đạt chuẩn  (10/06/2012)
Vào mùa du lịch hè  (02/06/2012)
Hội thảo báo chí góp phần phát triển du lịch  (01/06/2012)
Ngày càng hiệu quả  (26/05/2012)
Ðặc sản ẩm thực Bình Ðịnh thu hút khách du lịch  (19/05/2012)
Kích cầu du lịch dịp hè 2012   (15/05/2012)