Văn hóa, phong tục, tập quán của người dân các dân tộc vùng biên giới Việt Nam - Lào cùng hệ thống danh lam, thắng cảnh của hai nước hợp thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp hẫn. Khai thác tiềm năng du lịch vùng biên giới để phát triển kinh tế - xã hội đã, đang và sẽ là mục tiêu chung của hai nước Việt Nam - Lào.
|
Du khách Bình Định đi tour của Trung tâm lữ hành Hải Âu tham quan Patuxay (Cổng Chiến thắng) tại TP Viêng Chăn (Lào). Ảnh: Văn Nam
|
Lượng khách du lịch không ngừng tăng
Ở góc độ du lịch, biên giới Việt - Lào là cầu nối đường bộ của du lịch Việt Nam với các nước ASEAN, khu vực GMS (Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng) và thế giới. Tại khu vực biên giới giữa hai nước có nhiều địa danh du lịch nổi tiếng như: Điện Biên Phủ (Điện Biên), Mộc Châu (Sơn La), Sầm Sơn, Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), Phong Nha- Kẻ Bàng (Quảng Bình), Cố đô Huế (Thừa Thiên- Huế), Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam) hay như tháp Chỏm Xỉ, chùa Vi Xun, động Pak Ou (LuangPrabang); cánh đồng Chum (Xiengkhuang), di tích cột trụ đá (Huaphanh)… Ông Dương Đình Hiền- Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam- khẳng định: “Đó là những điều kiện thuận lợi để hai nước kết nối phát triển các loại hình du lịch di sản, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và có thể xây dựng thương hiệu chung để thu hút khách”.
Tận dụng tiềm năng, lợi thế này, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành của Việt Nam và Lào đã xây dựng các tour, tuyến du lịch dọc biên giới và vào sâu trong nội địa hai nước, thậm chí là kết nối với Thái Lan, Campuchia thông qua các tour như Viêng Chăn- Noọng Khai - Udon Thani qua cửa khẩu Cầu Treo; tour Savanakhet - Viêng Chăn qua cửa khẩu Lao Bảo; tour Thà Khẹt - Viêng Chăn - LuangPrabang- Xiengkhuang qua cửa khẩu Lao Bảo, Cầu Treo… Mới đây, cầu Hữu Nghị 2 nối với Savanakhet, cầu Hữu Nghị 3 sang tỉnh Thakhet (Lào) theo hướng tới Nakhon Phannom (Thái Lan) đi vào hoạt động đã góp phần thúc đẩy lượng khách từ Việt Nam sang Lào và ngược lại.
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam qua các cửa khẩu đường bộ vùng biên giới với Lào ngày một tăng. Nếu như năm 2006 Việt Nam đón hơn 80.000 khách qua các cửa khẩu đường bộ Việt Nam - Lào thì đến năm 2011, con số này đã tăng lên hơn 100.000 lượt người. Lượng khách du lịch Lào sang Việt Nam và Việt Nam sang Lào qua các cửa khẩu biên giới tăng khoảng 10% mỗi năm. Những con số này phần nào cho thấy sự hấp dẫn của du lịch vùng biên giới Việt - Lào.
|
Chùa Xieng Tong ở Cố đô LuangPrabang - một điểm đến thu hút du khách.
|
Hướng tới xây dựng “Visa Đông Dương”
Mặc dù du lịch biên giới Việt - Lào đã có bước phát triển nhất định trong thời gian qua, nhưng các chuyên gia cho rằng, kết quả chưa tương xứng với tiềm năng. Phân tích của ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho thấy, lượng khách du lịch trên tuyến đường bộ giữa hai nước chủ yếu là khách Việt Nam, Lào và khách từ phía đông bắc Thái Lan. Lượng khách đường bộ từ các nước khác trong khu vực ASEAN, từ thị trường Đông Bắc Á, Tây Âu, Bắc Mỹ… xuất phát từ điểm trung chuyển khách quốc tế Bangkok (Thái Lan) chưa được quan tâm. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, điều kiện du lịch tại vùng biên giới Việt Nam - Lào còn kém phát triển. Hệ thống nhà hàng, khách sạn, trạm dừng chân, hệ thống đường dẫn đến các điểm du lịch chưa đồng bộ, chất lượng chưa bảo đảm. Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn, phong phú, chưa có tính đặc thù và sự khác biệt. Đáng nói hơn, thủ tục hành chính, quy trình kiểm tra, kiểm soát đối với người, phương tiện và hàng hóa trên tuyến du lịch đường bộ giữa Việt Nam và Lào chưa thực sự thông thoáng, mất nhiều thời gian do quy định về hải quan, kiểm dịch, mẫu tờ khai có sự khác nhau…
Theo ông Nguyễn Quý Phương, hai nước cần đơn giản hóa thủ tục xuất - nhập cảnh, từng bước thực hiện chính sách “một cửa” tại các cửa khẩu biên giới. Cũng cần hoàn thiện hệ thống biển chỉ dẫn giao thông, biển chỉ dẫn vào các điểm du lịch bằng tiếng Anh; quy hoạch đầu tư, nâng cấp các bến bãi, điểm đỗ xe tại trạm dừng nghỉ dọc tuyến quốc lộ 8, 9… Trên phạm vi rộng hơn, hai nước nên thành lập nhóm doanh nghiệp du lịch hoặc hiệp hội du lịch, trong đó thống nhất tổ chức và tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch… Ông Dương Đình Hiền đề xuất giải pháp phát triển du lịch biên giới Việt Nam - Lào, trong đó lưu ý hình thành một “Visa Đông Dương” và rộng hơn là “Visa ASEAN”, tạo điều kiện cho khách du lịch, đặc biệt là khách từ nước thứ ba có thể qua biên giới Việt Nam - Lào thuận lợi hơn…
Ông Sun Manivong, Vụ trưởng Vụ Phát triển du lịch Lào, đề nghị xây dựng ngân hàng tại cửa khẩu để khách du lịch tiện đổi tiền; xây dựng các điểm nghỉ ngơi, khách sạn, nhà hàng, cửa hàng bán hàng lưu niệm, dịch vụ lữ hành; nâng cao trình độ của hướng dẫn viên du lịch vùng biên giới. Song song với việc làm trên, hai nước cần gìn giữ, bảo vệ nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc, coi đó là điều kiện để phát triển du lịch lâu dài.
Tài nguyên du lịch khu vực biên giới là tài sản chung của hai quốc gia. Để phát triển du lịch bền vững, hai nước cần có sự liên kết quản lý, khai thác tài nguyên một cách hợp lý.
(Theo HàNộimới online)
Thời gian qua, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bình Định và một số doanh nghiệp lữ hành ở TP Quy Nhơn đã phối hợp với ngành Du lịch tỉnh Kon Tum để quảng bá, giới thiệu du lịch Bình Định tại nước Lào, đồng thời thu hút du khách ở các tỉnh Nam Lào sang “tắm biển” Quy Nhơn, song lượng khách còn khá khiêm tốn.
Du khách ở Bình Định có nhu cầu đi du lịch tại Lào có thể liên hệ với Trung tâm Lữ hành Hải Âu (ĐT: 056 3747747) hoặc Chi nhánh Vietravel Quy Nhơn (ĐT: 056 3823829), hoặc Golden Life Travel (ĐT: 056 3813859). Các doanh nghiệp lữ hành nói trên có tổ chức tour đi Lào. Tại Bến xe khách trung tâm Quy Nhơn có bán vé xe khách liên vận quốc tế Quy Nhơn - các tỉnh Nam Lào và Champasắc, Viêng Chăn, 3 chuyến/tuần, do Công ty cổ phần Vận tải và kinh doanh tổng hợp Bình Định tổ chức.
N.V | |