HỌA SĨ NGUYỄN TÚ ANH:
“Hình ảnh lá cờ đào đã đem đến cho tôi nhiều cảm hứng”
7:26', 23/3/ 2008 (GMT+7)
 

Biểu trưng Festival.

Từ Tiền Giang, họa sĩ Nguyễn Tú Anh đã rất ngạc nhiên khi hay tin mình đoạt giải cao nhất trong Cuộc thi sáng tác biểu trưng Festival Tây Sơn - Bình Định. Họa sĩ tâm sự, rằng chính hình ảnh lá cờ đào đã gợi cho ông nhiều cảm hứng khi sáng tác biểu trưng…

* Họa sĩ có thể giới thiệu đôi nét về mình?

- Tham dự cuộc thi sáng tác biểu trưng, tôi lấy bút danh là Nguyễn Tú Anh, nhưng tên thật của tôi là Nguyễn Tín Trung. Tôi tốt nghiệp ngành mỹ thuật ở Sài Gòn từ trước ngày giải phóng và gắn bó với ngành này từ đó đến nay. Hiện tôi đang công tác tại Phòng Nghiệp vụ (Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Tiền Giang). Gia đình tôi vẫn thường được gọi là gia đình họa sĩ, vì cả hai vợ chồng tôi và con trai tôi đều là họa sĩ.

* Lý do nào khiến ông tham gia cuộc thi sáng tác biểu trưng Festival Tây Sơn - Bình Định?

- Ngoài sáng tác tranh, tôi cũng thường tham gia các cuộc thi thiết kế biểu trưng. Một lần, tôi tình cờ đọc được thông tin về cuộc thi sáng tác Biểu trưng Festival Tây Sơn - Bình Định trên mạng Internet, tôi đã rất quan tâm. Sau đó, tôi lại được đọc thư mời tham gia cuộc thi của Ban Tổ chức gởi Sở Văn hóa - Thông tin và Hội Văn học - Nghệ thuật các tỉnh, thành phố. Thấy hứng thú với cuộc thi, tôi quyết định tham gia. Khi về thông báo với gia đình, không ngờ vợ và con tôi cũng hăng hái hưởng ứng và gửi sáng tác dự thi. Nhưng cuối cùng, trong ba thành viên của gia đình, chỉ mình tôi đoạt giải. Nên bữa giờ, tôi cũng “lên mặt” với vợ con lắm! (cười).

* Bắt đầu từ nguồn cảm hứng nào, ông đã có ý tưởng để sáng tác biểu trưng Festival Tây Sơn - Bình Định?

- Hằng năm, tỉnh Tiền Giang đều tổ chức kỷ niệm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút để ghi nhớ chiến công oanh liệt của nghĩa quân Tây Sơn. Đặc biệt, năm 2005, Tiền Giang đã tổ chức một lễ hội rất lớn kỷ niệm 220 năm chiến thắng lịch sử này. Tôi là họa sĩ của Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh nên đảm nhiệm nhiều công việc thiết kế mỹ thuật cho lễ hội. Do đó, tôi đã nghiên cứu nhiều tài liệu về nhà Tây Sơn. Tôi đặc biệt ấn tượng với những câu thơ của công chúa Ngọc Hân trong “Ai tư vãn”: “Mà nay áo vải cờ đào/ Giúp dân dựng nước xiết bao công trình”. Chính vì vậy, khi thiết kế biểu trưng tham gia cuộc thi, hình ảnh đầu tiên mà tôi nghĩ ngay tới chính là lá cờ đào. Nguồn cảm hứng này thôi thúc tôi thiết kế mẫu biểu trưng hình lá cờ đào tung bay, cách điệu như dáng rồng bay lên. Chính giữa lá cờ đào, tôi thể hiện biểu tượng âm dương lưỡng nghi, kèm dòng chữ Tây Sơn - Bình Định, nhằm khẳng định tính chất địa linh nhân kiệt của vùng đất này.

 

Tác giả Nguyễn Tú Anh tại buổi lễ trao giải thưởng. Ảnh: H.Thu

 

* Nhưng biểu trưng đoạt giải lại có thay đổi so với ý tưởng ban đầu đó?

- Đó là do Ban Tổ chức cuộc thi đề nghị tác giả chỉnh sửa lại mẫu biểu trưng. Điều này cũng đã được ghi rõ trong thể lệ cuộc thi. Là một tác giả, ai cũng “mang nặng đẻ đau” với tác phẩm của mình, nhưng biểu trưng Festival Tây Sơn - Bình Định không phải là biểu trưng thông thường, mà rất đặc biệt, nên người họa sĩ phải biết điều chỉnh sự sáng tạo nghệ thuật cho phù hợp với mục đích đó. Theo yêu cầu, tôi đã thay thế biểu tượng âm dương lưỡng nghi bên trong lá cờ đào bằng biểu tượng Hoàng đế Quang Trung theo mẫu tượng đài ở Công viên Quang Trung (Quy Nhơn). Để thay đổi như vậy cũng không đơn giản. Tôi đã phải mất nhiều thời gian suy nghĩ và vẽ thử hàng chục mẫu, mới có thể thể hiện được một cách mỹ thuật nhất.

* Vậy ông nhận xét thế nào về mẫu biểu trưng sau khi chỉnh sửa?

- Khi thực hiện chỉnh sửa, tôi đã cố gắng hài hòa giữa ý đồ sáng tạo nghệ thuật của mình với yêu cầu đặt ra từ Ban Tổ chức, nên mẫu biểu trưng sau khi chỉnh sửa so với mẫu biểu trưng gốc của tôi có nhiều điểm được hoàn thiện hơn. Biểu trưng đã chuyển tải được những biểu tượng đặc trưng, mang nhiều ý nghĩa nhất của vùng đất Bình Định. Hình ảnh lá cờ đào vừa gợi nhớ hình ảnh phong trào Tây Sơn, vừa mang không khí lễ hội, được cách điệu như dáng rồng bay lên thể hiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ của vùng đất này. Biểu tượng Hoàng đế Quang Trung bên trong vừa thể hiện truyền thống hào hùng, vừa mang ý nghĩa hội tụ lòng người để cùng nhau chung sức bảo vệ và dựng xây quê hương đất nước…

* Cảm giác của ông khi biết tin mình đoạt giải?

- Là một người ở địa phương khác, không có điều kiện tìm hiểu nhiều về quê hương Bình Định, nhưng may mắn là ý đồ sáng tạo nghệ thuật của tôi đã nhận được sự đồng cảm từ phía Hội đồng Nghệ thuật và Ban Tổ chức. Bởi vậy, khỏi phải nói cảm giác vui mừng của tôi khi biết mình đoạt giải. Tuy là họa sĩ lâu năm, cũng từng đạt nhiều giải thưởng mỹ thuật khu vực và quốc gia, nhưng trong lĩnh vực sáng tác biểu trưng, giải nhất Cuộc thi sáng tác biểu trưng Festival Tây Sơn - Bình Định là giải thưởng lớn đầu tiên mà tôi giành được. Điều đó càng ý nghĩa hơn, khi đây là biểu trưng được chọn cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 được tổ chức lần đầu tiên trên miền đất Võ. Đây là hạnh phúc lớn lao mà tôi đã may mắn nhận được.

* Xin cảm ơn họa sĩ!

  • Hoài Thu (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hứa hẹn hoành tráng Festival Tây Sơn-Bình Định 2008   (21/03/2008)
Sẽ giới thiệu nhiều ngành nghề, món ăn trong và ngoài tỉnh  (16/03/2008)
“Hội Làng nghề truyền thống và Ẩm thực” với nhiều tiết mục đậm chất dân gian   (11/03/2008)
Phô diễn vẻ đẹp làng nghề truyền thống  (10/03/2008)
Đề nghị tăng chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đến sân bay Phù Cát trong dịp Lễ hội Festival Tây Sơn - Bình Định  (06/03/2008)
Ngày chủ nhật xanh và ATGT hướng đến Festival Tây Sơn 2008  (03/03/2008)
Tập trung phục vụ cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2008  (01/03/2008)
Quy định người phát ngôn về Festival Tây Sơn - Bình Định 2008  (24/02/2008)
Ngày chủ nhật xanh và ATGT hướng đến Festival Tây Sơn 2008  (21/02/2008)
Hàng ngàn người tham gia Lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa   (12/02/2008)
Kỷ niệm 219 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa  (12/02/2008)
Sôi động trước thềm Festival  (02/02/2008)
Lời mở đầu  (30/01/2008)
Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 sẽ mang tầm quốc gia  (29/01/2008)
Lễ nhập lư hương Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt  (29/01/2008)