CÔNG TRÌNH PHỤC VỤ FESTIVAL TÂY SƠN - BÌNH ĐỊNH 2008:
Chạy đua với thời gian
20:24', 29/3/ 2008 (GMT+7)

Chỉ còn bốn tháng nữa, Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 sẽ chính thức khai diễn. Vậy nhưng, tiến độ thi công các công trình phục vụ Festival hiện thật đáng lo ngại. Sức “nóng” của Festival đã “phả” rất gần, liệu các đơn vị thi công có đủ sức... chạy đua với thời gian?

 

Công trình Hoa viên Tượng đài Quang Trung sẽ được thi công và kịp hoàn thành vào 15.7. Ảnh: Phạm Văn Chai

 

* Nhiều công trình chậm về tiến độ

Ông Văn Trọng Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết: “Việc chậm tiến độ thi công một số công trình, Sở xin chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, việc này cũng có một số nguyên nhân khách quan. Chẳng hạn, đối với hoa viên xung quanh Tượng đài Quang Trung, theo yêu cầu của nhà tài trợ, phải chọn nhà tư vấn thiết kế tận Hà Nội; việc tư vấn thiết kế chưa hoàn thành, nên công trình đến nay chưa thể khởi công được. Đối với các hạng mục ở Bảo tàng Quang Trung, chỉ có một số điểm phải điều chỉnh theo yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhưng khi chúng tôi mời các đơn vị trong tỉnh tư vấn thiết kế trước, thì không đơn vị nào nhận lời, với lý do là quy hoạch chưa được thông qua”. 

Các công trình phục vụ Festival do TP. Quy Nhơn làm chủ đầu tư, tiến độ thực hiện lại càng chậm. Chẳng hạn, việc triển khai dự án Công viên Di tích Tháp Đôi hiện đang “giẫm chân tại chỗ”. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật của dự án đã có từ tháng 4.2007, nhưng qua năm lần chỉnh sửa theo ý kiến góp ý của các đơn vị chức năng, đơn vị tư vấn thiết kế ở Hà Nội đã quyết định... bỏ cuộc. Hiện tại, một đơn vị tư vấn thiết kế trong tỉnh đã nhận lời làm, nhưng họ cũng chưa biết phải thiết kế ra sao bởi việc có mở rộng hay không mở rộng khuôn viên di tích vẫn chưa có kết luận chính thức. 

Để kịp thời phục vụ cho Festival, dự kiến tại Di tích Tháp Đôi chỉ tiến hành làm sân nền, trồng cỏ, xây dựng tường rào, cổng ngõ… với sáu phương án đã được lập ra. Nhưng chọn phương án nào để tiến hành thì vẫn còn phải đợi. Đối với dự án đường Xuân Diệu, phần lớn cảnh quan con đường vẫn đang ở dạng “thô”, hết sức lộn xộn và nham nhở. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Quy Nhơn, cho biết: “Việc giải tỏa đường Xuân Diệu vẫn còn vướng 234 hộ dân. Hiện chúng tôi đã cho lắp điện, trồng cây xanh trên một số đoạn đường”. Đối với dự án Hồ Phun nước Nghệ thuật nằm trên đường Nguyễn Tất Thành thì hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoàn thành từ tháng 12.2007, nhưng do giá cả có sự thay đổi, nên phải điều chỉnh lại. Hiện dự án vẫn đang trình UBND tỉnh phê duyệt.

Dự án cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp mộ Hàn Mặc Tử đến nay vẫn chưa thể tiến hành. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn - Quy Nhơn, cho biết: “Dự án đã được lập khá lâu, nhưng quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn. Dù chủ đầu tư đã có nhiều buổi làm việc các sở, ban, ngành, nhưng kết quả là chúng tôi nhận được quá nhiều ý kiến trái ngược nhau. Thời gian từ đây đến Festival không còn dài, chúng tôi mong được nhanh chóng triển khai thực hiện dự án”.

Công trình Nhà Văn hóa Lao động tỉnh hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn từ vấn đề kinh phí. Ông Huỳnh Thanh Xuân, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết: “Hội trường Nhà văn hóa là nơi sẽ tổ chức một số hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Festival, nhưng hiện tại, chúng tôi chỉ còn đủ tiền để mua… 200 cái ghế và 8 cái bàn. Việc mua sắm âm thanh, thiết bị sân khấu thì hoàn toàn không có kinh phí”.

 

Thời gian đến Festival không còn nhiều, nhưng vỉa hè đường Xuân Diệu vẫn còn “nham nhở” như thế này.

 

* Chạy đua với thời gian

Trước sự chậm trễ về tiến độ của các công trình phục vụ Festival, ngày 24.3, UBND tỉnh đã tổ chức một cuộc họp để giải quyết vấn đề này. Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà yêu cầu các chủ đầu tư phải có kế hoạch điều chỉnh lại tiến độ thi công của từng hạng mục công trình. Đối với dự án đường Xuân Diệu, phải trồng hoa và cỏ trên vỉa hè từ Tượng đài Chiến thắng lên đến eo Nín Thở; đồng thời, trồng cây xanh để che bớt khung cảnh nham nhở của khu vực giải tỏa. Các công trình Hồ Phun nước Nghệ thuật và khuôn viên Di tích Tháp Đôi phải được nhanh chóng tiến hành. Bên cạnh đó, UBND TP. Quy Nhơn cần có kế hoạch chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường… nhằm tạo cảnh quan thành phố xanh, sạch, đẹp trong dịp Festival. Đối với dự án mộ Hàn Màn Tử, phải gìn giữ và làm đẹp hơn cảnh quan tự nhiên ở đây. Đối với Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, cần nhanh chóng trang trí lại mặt tiền, khắc phục bớt những khiếm khuyết về kiến trúc và UBND tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí để mua thêm 300 ghế và trang bị dàn âm thanh phục vụ hội nghị…

Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà: “Việc để các công trình chậm trễ là khuyết điểm chung của Ban Chỉ đạo, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan. Kể từ giờ phút này, tất cả các đơn vị phải ưu tiên hàng đầu và tập trung toàn lực cho các công trình xây dựng phục vụ Festival. Không còn thời gian nào để lùi cho các chủ đầu tư nữa, tất cả các công trình xây dựng phải được hoàn thành trước 15.7. Đúng thời hạn này, nếu công trình nào chưa hoàn thành, chủ đầu tư sẽ bị kỷ luật thật nặng”.

Tại cuộc họp, các nhà đầu tư đã đưa ra những giải pháp và mốc thời gian hoàn thành công trình. Điều đáng lo ngại là phần lớn các mốc thời gian này đều cận kề ngày khai mạc Festival. Chẳng hạn, theo ông Văn Trọng Hùng, sắp tới, sẽ tổ chức thi công nhanh công trình Hoa viên Tượng đài Quang Trung kịp hoàn thành vào 15.7; công trình Trung tâm Văn hóa- Thông tin tỉnh thì chậm nhất là 25.7 tới sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ông Nguyễn Ngọc Sơn cũng cam kết: Việc chỉnh trang đường Xuân Diệu sẽ hoàn thành vào tháng 7 tới; dự án Hồ Phun nước Nghệ thuật sau khi được UBND tỉnh phê duyệt sẽ tiến hành thi công ngay và dự kiến hoàn thành vào 25.7.

Ông Nguyễn Văn Minh thì khẳng định, nếu dự án mộ Hàn Mặc Tử nhanh chóng được phê duyệt, chủ đầu tư sẽ khởi công ngay vào đầu tháng 4 và triển khai cùng lúc nhiều hạng mục để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo đến 15.7 sẽ hoàn thành. Ông Huỳnh Thanh Xuân thì khẳng định, công trình Nhà Văn hóa Lao động tỉnh sẽ hoàn thành chậm nhất vào 20.6 tới.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Các doanh nghiệp trong tỉnh tài trợ hơn 18 tỉ đồng cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2008  (29/03/2008)
Festival trên miền đất Võ   (28/03/2008)
“DỌN NHÀ” ĐÓN FESTIVAL   (28/03/2008)
Xây dựng các công trình phục vụ Festival Tây Sơn- Bình Định  (23/03/2008)
“Hình ảnh lá cờ đào đã đem đến cho tôi nhiều cảm hứng”  (23/03/2008)
Hứa hẹn hoành tráng Festival Tây Sơn-Bình Định 2008   (21/03/2008)
Sẽ giới thiệu nhiều ngành nghề, món ăn trong và ngoài tỉnh  (16/03/2008)
“Hội Làng nghề truyền thống và Ẩm thực” với nhiều tiết mục đậm chất dân gian   (11/03/2008)
Phô diễn vẻ đẹp làng nghề truyền thống  (10/03/2008)
Đề nghị tăng chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đến sân bay Phù Cát trong dịp Lễ hội Festival Tây Sơn - Bình Định  (06/03/2008)
Ngày chủ nhật xanh và ATGT hướng đến Festival Tây Sơn 2008  (03/03/2008)
Tập trung phục vụ cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2008  (01/03/2008)
Quy định người phát ngôn về Festival Tây Sơn - Bình Định 2008  (24/02/2008)
Ngày chủ nhật xanh và ATGT hướng đến Festival Tây Sơn 2008  (21/02/2008)
Hàng ngàn người tham gia Lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa   (12/02/2008)