FESTIVAL TÂY SƠN - BÌNH ĐỊNH 2008:
“Hội làng nghề sẽ được tổ chức sinh động và hấp dẫn”
5:59', 16/4/ 2008 (GMT+7)

Hội Làng nghề Truyền thống và Ẩm thực (HLNTTAT) là một trong những hoạt động chính của Festival Tây Sơn - Bình Định 2008. PV. Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Định, Trưởng Ban Tổ chức HLNTTAT, một số vấn đề quanh công tác tổ chức hoạt động này. 

* Ông có thể cho biết mục đích của việc tổ chức HLNTTAT trong Festival Tây Sơn -Bình Định 2008?

HLNTTAT được tổ chức nhằm thể hiện bản sắc văn hóa Bình Định thông qua các hoạt động sản xuất sinh động của các làng nghề truyền thống. Qua đó, giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế những giá trị văn hóa đặc sắc kết tinh trong công nghệ sản xuất truyền thống, trong sản phẩm làng nghề; quảng bá tiềm năng phát triển để thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư đến với các làng nghề truyền thống trong tỉnh.

 

Nghề chế tác đá mỹ nghệ ở An Nhơn sẽ được trình diễn trong hội làng nghề. Ảnh: Hoài Thu

 

* HLNTTAT sẽ gồm những hoạt động gì, thưa ông?

HLNTTAT sẽ diễn ra tại khu đất rộng khoảng 3ha trên đường An Dương Vương - TP. Quy Nhơn, với nhiều hoạt động phong phú: khu trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống trong và ngoài tỉnh, trình diễn sản xuất các nghề thủ công truyền thống nổi tiếng; sân khấu trình diễn hoạt động văn hóa làng nghề… Ngoài ra, để làm phong phú thêm cho HLNTTAT, còn có một gian hàng xúc tiến thương mại, nhằm trưng bày, mua bán, trao đổi sản phẩm mang tính chất công nghiệp. Ngoài việc mời các doanh nghiệp, các hiệp hội làng nghề trong tỉnh và cả nước, trong gian hàng này, chúng tôi còn mời thêm khoảng 4, 5 đơn vị tiêu biểu ở các nước trong khu vực ASEAN tham gia. HLNTTAT còn có nhiều hoạt động hấp dẫn ở khu “Ẩm thực Bình Định”, giới thiệu các món ăn nổi tiếng của Bình Định được chế biến và phục vụ tại chỗ; cũng như giới thiệu đặc sản của các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên mang đến tham gia. Chương trình ẩm thực còn thêm phần hấp dẫn với “Hội bia” do Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn tổ chức.

* Vậy theo ông, đâu là điểm nhấn, tạo cho HLNTTAT có sức hấp dẫn với du khách?

Điều giúp cho HLNTTAT trở nên sinh động, hấp dẫn chính là sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các hoạt động trong tổng thể chương trình chung. Đến với HLNTTAT, khách tham quan không chỉ xem trưng bày sản phẩm làng nghề một cách đơn điệu, mà còn được “minh họa” bằng nhiều hình thức sống động. Du khách sẽ tận mắt chứng kiến các nghệ nhân tiêu biểu ở các làng nghề nổi tiếng trình diễn các kỹ thuật sản xuất cổ truyền, như nấu rượu Bàu Đá, chằm nón ngựa, khảm xà cừ, làm cồng chiêng … và đắm chìm trong không gian sinh hoạt văn hóa dân gian gắn với hoạt động làng nghề, được sân khấu hóa như: cúng tổ nghề rèn, diễn tấu cồng chiêng, múa nón, hò lao động… do các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định biểu diễn. Ngoài ra, để HLNTTAT có sức thu hút mạnh hơn, chúng tôi còn dự kiến sẽ mời các ngôi sao ca nhạc ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội về biểu diễn vào các đêm diễn ra HLNTTAT.

* Chỉ còn hơn ba tháng nữa là HLNTTAT sẽ chính thức diễn ra. Vậy đến nay, công tác chuẩn bị đã được tiến hành đến đâu, thưa ông?

Ban Tổ chức đã nhiều lần họp bàn và triển khai chuẩn bị từng bước các khâu tổ chức. Chúng tôi đã gởi thư mời tham gia HLNTTAT đến đơn vị trong và ngoài tỉnh. Dự kiến đến cuối tháng 4, Ban Tổ chức sẽ hoàn thành việc đăng ký tham gia và tổ chức sắp xếp mặt bằng trong HLNTTAT. Việc xây dựng đặc san và phim quảng bá về các làng nghề truyền thống Bình Định cũng đang được triển khai, dự kiến hoàn thành sau hai tháng nữa. Thời gian tới, Ban Tổ chức sẽ kiểm tra, đôn đốc các đơn vị tham gia trong công tác chuẩn bị, để chậm nhất là ngày 22.7 phải xong và tập kết về địa điểm tổ chức HLNTTAT. Ngày 25.7, Ban Tổ chức sẽ tổng duyệt khâu chuẩn bị cho HLNTTAT. Sáng 26.7, các xe hoa cổ động làng nghề của các huyện, các hội làng nghề… sẽ diễu hành tại địa phương mình; sau đó, tập kết về Quy Nhơn vào chiều cùng ngày, để diễu hành cổ động cho HLNTTAT. Sáng 27.7, HLNTTAT sẽ chính thức khai mạc và kéo dài đến hết ngày 3.8.

+ Xin cảm ơn ông!

  • Hoài Thu (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một cuộc hành hương về miền đất Võ  (14/04/2008)
Tích cực chuẩn bị phục vụ Festival Tây Sơn - Bình Định 2008  (13/04/2008)
Triển khai kế hoạch tháo dỡ chà, rớ trên biển  (08/04/2008)
Điểm nhấn nào cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 ?  (07/04/2008)
Doanh nghiệp chung tay góp sức  (03/04/2008)
Chạy đua với thời gian  (29/03/2008)
Các doanh nghiệp trong tỉnh tài trợ hơn 18 tỉ đồng cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2008  (29/03/2008)
Festival trên miền đất Võ   (28/03/2008)
“DỌN NHÀ” ĐÓN FESTIVAL   (28/03/2008)
Xây dựng các công trình phục vụ Festival Tây Sơn- Bình Định  (23/03/2008)
“Hình ảnh lá cờ đào đã đem đến cho tôi nhiều cảm hứng”  (23/03/2008)
Hứa hẹn hoành tráng Festival Tây Sơn-Bình Định 2008   (21/03/2008)
Sẽ giới thiệu nhiều ngành nghề, món ăn trong và ngoài tỉnh  (16/03/2008)
“Hội Làng nghề truyền thống và Ẩm thực” với nhiều tiết mục đậm chất dân gian   (11/03/2008)
Phô diễn vẻ đẹp làng nghề truyền thống  (10/03/2008)