KỊCH BẢN FESTIVAL TÂY SƠN - BÌNH ĐỊNH 2008:
Còn chút phân vân
21:22', 1/5/ 2008 (GMT+7)

Mọi người dân Bình Định đều trông chờ tháng 8 năm nay, cơ hội để hình ảnh đất nước, con người, tiềm năng Bình Định được quảng bá với bạn bè cả nước và quốc tế. Hơn hai năm qua, lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh đã có những chuẩn bị khá công phu cho ngày hội lớn này. Những công trình, cơ sở hạ tầng đang gấp rút hoàn thành, những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể sẽ được giới thiệu. Công phu đến mức biểu trưng cho Festival cũng tổ chức cuộc thi rộng rãi phạm vi toàn quốc. Kịch bản Festival được xây dựng với nhiều nét mang đậm dấu ấn riêng của một Bình Định nhiều tiềm năng và truyền thống văn hóa. Đã có những cố gắng đáng kể cho từng kịch bản nhỏ trong tổng thể kịch bản chung. Cá nhân người viết bài này rất mừng khi đọc, khi nghe về những chuẩn bị để ngày hội lớn của quê hương xứng tầm quốc gia. Chỉ còn phân vân hai chi tiết, xin mạnh dạn trao đổi, đó là về “Đêm thơ Hàn Mặc Tử - Xuân Diệu” và “Đêm nhạc Trịnh Công Sơn”.

 

Đội nhạc võ Bảo tàng Quang Trung - Tây Sơn. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

1. Về đêm thơ, tại sao lại chỉ là Hàn Mặc Tử và Xuân Diệu? Hai thi tài nổi tiếng này thì không có gì phải bàn cãi, nhưng nếu nói quảng bá “thương hiệu” văn hóa Bình Định đáng tự hào cho cả nước, thì tên tuổi của hai thi nhân này chưa đủ. Bởi còn có một “thương hiệu” lớn hơn nhiều và chỉ Bình Định mới có. Đó là “Trường thơ Bình Định!”. Ấy là gồm nhóm thơ “Bàn thành tứ hữu”: Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên. Uy danh của nhóm này lớn đến mức thu hút luôn một tài năng siêu thực của thơ Việt bấy giờ, thi sĩ Bích Khê từ Quảng Ngãi vào cùng. “Trường thơ Bình Định” là sự tôn vinh của giới sáng tác và phê bình tên tuổi dành cho mảng thơ riêng, đặc sắc sừng sững trên văn đàn bấy giờ và cả bây giờ, nếu nhắc tới những tên tuổi lớn của thi ca Việt thế kỷ XX, thì không thể thiếu những tài năng lớn này. Ngoài “Trường thơ Bình Định” chúng ta còn tự hào về thi tài lừng lẫy khác: ông hoàng thơ tình Xuân Diệu. Nhắc tên từng người thì ai cũng biết nhưng nếu ít quan tâm, bây giờ mấy người biết “Bàn thành tứ hữu” hay “Trường thơ Bình Định” đáng tự hào của xứ “đất võ trời văn” này? Vậy sao đêm thơ trong Festival không là đêm của “Bàn thành tứ hữu” và Xuân Diệu. Hoặc có thể gộp chung Xuân Diệu vào với tên Trường thơ Bình Định theo nghĩa hôm nay? Theo thiển nghĩ của tôi, đây mới là “thương hiệu” lớn nhất, đáng tự hào nhất của tỉnh nhà.

2. “Đêm nhạc Trịnh Công Sơn”, nghe có vẻ sang trọng và chất lượng nhưng có mấy điều chưa ổn. Thứ nhất, dù tài danh của họ Trịnh vang xa cả ngoài nước nhưng ông không hề là đặc hữu của Bình Định. Mấy năm học và sống ở Quy Nhơn, ông cũng chỉ viết có ca khúc “Biển nhớ”. Festival Huế đương nhiên cần tổ chức đêm nhạc Trịnh, người con đáng tự hào của họ. Thậm chí, TP. Hồ Chí Minh nếu trong những lễ hội quan trọng cũng có quyền làm riêng đêm nhạc Trịnh, người sống, sáng tác sự nghiệp căn bản của mình ở đây. Còn lập luận rằng Festival Tây Sơn - Bình Định làm đêm nhạc Trịnh để phục vụ quan khách khắp nước cho xứng tầm thì cũng không ổn. Khắp nước này ở đâu cũng có nhạc Trịnh, từ quán bar, cà phê đến các sân khấu lớn, việc gì cất công về Bình Định để nghe nhạc Trịnh? Hơn thế, điều này có thể dẫn đến chuyện người ta nói chúng ta “thấy người sang bắt quàng làm họ!”. Vậy, đêm nhạc cho Festival nên là “Đêm nhạc Bình Định và bạn bè” nhằm giới thiệu những tác giả Bình Định nổi tiếng và những ca khúc của các tác giả nổi tiếng viết về Bình Định. Xin đơn cử vài ví dụ: nét nhạc đầy khí chất thời đánh giặc của La Hữu Vang, Trần Long Ẩn; rồi những ca khúc viết cho tuổi trẻ của Nguyễn Ngọc Thiện và cả những nhạc sĩ Bình Định hôm nay ít nhiều thành công. Ngoài ra, còn có thể có thêm những tên tuổi có tiếng viết về Bình Định. Chắc rằng “Đêm nhạc Bình Định và bạn bè” sẽ xứng đáng đúng nghĩa với ngày hội này của tỉnh; đồng thời, cũng là thêm một quảng bá cho địa phương đúng tầm.

  • Lê Hoài Lương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làng nghề đón Festival  (01/05/2008)
Dựng hộp đèn tuyên truyền Festival Tây Sơn - Bình Định 2008  (01/05/2008)
Tôn vinh phụ nữ các miền đất Võ   (24/04/2008)
Dấu ấn của một Bình Định giàu tiềm năng và truyền thống văn hóa  (19/04/2008)
TUYÊN TRUYỀN CHO FESTIVAL CẦN QUAN TÂM YẾU TỐ HƯỚNG NGOẠI   (18/04/2008)
Tích cực chuẩn bị các điều kiện cho Festival Tây Sơn-Bình Định 2008   (18/04/2008)
“Hội làng nghề sẽ được tổ chức sinh động và hấp dẫn”   (16/04/2008)
Một cuộc hành hương về miền đất Võ  (14/04/2008)
Tích cực chuẩn bị phục vụ Festival Tây Sơn - Bình Định 2008  (13/04/2008)
Triển khai kế hoạch tháo dỡ chà, rớ trên biển  (08/04/2008)
Điểm nhấn nào cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 ?  (07/04/2008)
Doanh nghiệp chung tay góp sức  (03/04/2008)
Chạy đua với thời gian  (29/03/2008)
Các doanh nghiệp trong tỉnh tài trợ hơn 18 tỉ đồng cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2008  (29/03/2008)
Festival trên miền đất Võ   (28/03/2008)