Tỉnh Bình Định đang ráo riết chuẩn bị cho lễ hội Festival Tây Sơn-Bình Định. Một trong những công trình trọng điểm của Festival là Bảo tàng Quang Trung, huyện Tây Sơn.
Bảo tàng Quang Trung hiện đang lưu giữ và trưng bày một khối lượng lớn hiện vật quí giá, vừa mamg tính lịch sử vừa mang tính giáo dục, trong số này có những hiện vật nguyên gốc, độc bản. Bảo tàng Quang Trung không những có giá trị về lịch sử mà còn là điểm du lịch nổi tiếng của Bình Định, là niềm tự hào của người dân Bình Định
|
Nhà Bảo tàng Quang Trung. (Ảnh: Khuê Việt Trường) |
Phong trào khởi nghĩa Tây Sơn xuất hiện vào nửa cuối thế kỷ 18 và vai trò của ba anh em Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, mà tiêu biểu là người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ gắn liền với những chiến công hiển hách, bách chiến bách thắng, đánh đổ thù trong giặc ngoài, giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà. Những chiến công oanh liệt ấy đã để lại cho dân tộc Việt Nam một trang sử oai hùng đời đời ghi nhớ.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, được Đảng, Nhà nước và tỉnh Bình Định quan tâm đã đầu tư xây dựng Bảo tàng Quang Trung nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị di sản Tây Sơn cho các thế hệ con cháu Việt Nam hôm nay và mai sau. Bảo tàng Quang Trung được tọa lạc trên quê hương của ba anh em nhà Tây Sơn thuộc làng Kiên Mỹ, xã Bình Thành, nay là khối I thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn.
Từ khi thành lập đến nay bảo tàng được hằng vạn người đến tham quan và để lại ấn tượng mạnh mẽ về những giá trị lịch sử văn hóa tinh thần của một thời đại huy hoàng của dân tộc. Khách tham quan đã hiểu biết sâu sắc về một giai đoạn lịch sử hào hùng và phong trào nông dân Tây Sơn thông qua Bảo tàng Quang Trung. Nhân dân làng Kiên Mỹ và huyện Tây Sơn tự hào với quê hương người anh hùng áo vải cờ đào, luôn luôn có ý thức giữ gìn tôn tạo bảo tàng Quang Trung, thể hiện bằng trách nhiệm gìn giữ các di tích Tây Sơn như: giếng nước, cây me, đình làng và nhiều di tích khác của phong rào Tây Sơn.
Trong số những người có công sưu tầm, lưu giữ hiện vật của Bảo tàng phải kể đến ông Trần Đình Ký, hiện là Giám Đốc Bảo tàng Quang Trung. Ông là người “quên ăn quên ngủ” để sưu tầm những hiện vật và tu bổ tôn tạo nhiều di tích Tây Sơn trên địa bàn tỉnh, nhất là Điện thờ Tây Sơn tam kiệt, di tích Gò Lăng - Phú Lạc và từ đường Bùi Thị Xuân. Ông Trần Đình Ký năm nay đã 60 tuổi nhưng trông ông vẫn còn nhanh nhạy và hoạt bát, mắt ông như sáng lên và giọng nói hùng hồn khi nói về những hiện vật thời Tây Sơn, và những hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng hiện nay. Từ khi Bảo tàng được xây dựng đến nay, ông là một trong những người có công lớn trong việc sưu tầm các hiện vật mang về trưng bày trong Bảo tàng và giữ gìn “kho báu” Tây Sơn.
Những hiện vật được trưng bày tại bảo tàng hiện nay có những hiện vật nguyên gốc từ thời Tây Sơn như: tiền đồng Tây Sơn, độc bản như ấn tín.
Bảo tàng Quang Trung là nơi gìn giữ kho báu thời Tây Sơn, vừa có ý nghĩa giáo dục vừa gắn liền với du lịch của Bình Định. Hằng năm có hàng nghìn du khách trong nước và hàng chục ngàn du khách quốc tế đến tham quan, nghiên cứu học tập lịch sử Tây Sơn. Ngoài hiện vật trưng bày khách tham quan còn được chiêm ngưỡng các hoạt động văn hóa dân gian như: nhạc võ cổ truyền Tây Sơn, âm nhạc cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên, Chăm Hơ roi Bình Định, văn hóa của dân tộc H’re. Vào dịp kỷ niệm chiến thắng Đống Đa, huyện Tây Sơn còn tổ chức các trò chơi truyền thống như: đấu võ, đô vật, hát hò đối đáp, nhạc nước của đồng bào Tây Nguyên, thi bắn cung, nỏ, phóng lao, đua ngựa, trượt cầu khỉ. Có thể nói Bảo tàng Quang Trung là nơi đáp ứng mọi nhu cầu về văn hóa tinh thần cho du khách 4 phương.
Ngoài những giá trị giáo dục lịch sử, ông Trần Đình Ký còn cho rằng người dân nơi đây còn được hưởng nhiều quyền lợi về thương mại thông qua các lễ hội Tây Sơn như kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống đa, kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Hoàng đế Quang Trung, vì thế công tác xây dựng, tôn tạo bảo tàng và sưu khảo văn hóa Tây Sơn sẽ không bao giờ ngừng nghỉ. Cách đây 1 năm ông và nhân viên của Bảo tàng đã tổ chức chuyến đi khảo tra vườn cam của Nguyễn Huệ ở xã thượng nguồn Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh và ông đã cùng với chính quyền địa phương khôi phục di chỉ này gắn liền với tên tuổi vị anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ.
Mặc dù năm nay ông đã đến tuổi nghỉ theo chế độ Nhà nước nhưng ông vẫn còn ấp ủ những dự định của mình đó là làm sao phải mở rộng và nâng cấp Bảo tàng lên cấp quốc gia. Bảo tàng Quang Trung không chỉ được trưng bày những hiện vật thời Tây Sơn mà phải được trưng bày tất cả các hiện vật từ mọi miền của Tổ quốc. Ông còn cho biết thêm rằng mong muốn lớn nhất của ông hiện nay là biến khu vực này vừa là nơi bảo tồn những giá trị di sản của Tây Sơn để phát huy cho con cháu hôm nay và mai sau và đồng thời là điểm du lịch nút của Bình Định. Khách đến đây là hiểu được triều đại Tây Sơn, đến đây là hiểu được văn hóa của Bình Định. Hy vọng rằng một ngày không xa, những hiện vật từ mọi miền đất nước có liên quan đến triều đại Tây Sơn sẽ được quy tụ về và được trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung, góp phần làm phong phú thêm những giá trị của một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Một số hình ảnh Nhà Bảo tàng Quang Trung
|
Tượng Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ |
|
Cây me trong khuôn viên Bảo tàng, truyền rằng được trồng từ thời 3 anh em Tây Sơn còn nhỏ. |
|
Cây me do Đại Tướng Võ Nguyên Giáp trồng trong vườn Bảo tàng. |
|
Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt. |
|