Bình Định – vùng đất giàu lợi thế
22:52', 26/5/ 2008 (GMT+7)

Bình Định là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Nam giáp tỉnh Phú Yên, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp biển Đông.

Bản đồ hành chính tỉnh Bình Định.

Bình Định có tổng diện tích tự nhiên 6.025km2 với 11 đơn vị hành chính gồm thành phố Quy Nhơn và 10 huyện. Dân số 1.575.448 người (năm 2007), trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm trên 50% dân số. Thành phố Quy Nhơn (đô thị loại 2) là trung tâm chính trị – kinh tế – xã hội của tỉnh, với diện tích 284,28km2 và dân số trên 260.000 người.

Nằm ở trung độ của cả nước nên Bình Định có nhiều thuận lợi về hệ thống giao thông vận tải, đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không. Quốc lộ 1A chạy xuyên suốt chiều dài của tỉnh theo hướng Bắc – Nam, quốc lộ 19 nối Bình Định với các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia theo hướng Đông – Tây. Đường ven biển thành phố Quy Nhơn – Tam Quan chạy song song với quốc lộ 1A là con đường phát triển kinh tế-du lịch của tỉnh, phần lớn chất lượng mặt đường rất tốt thuận lợi cho việc lưu thông. Đường sắt chạy dài xuyên suốt tỉnh, ga Diêu Trì là ga chính và cũng là 1 trong 10 ga lớn của Việt Nam, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn 12km. Cảng biển Quy Nhơn cũng là một trong những cảng biển lớn của Việt Nam, có ưu thế là vùng neo đậu kín gió, mức nước sâu, kho bãi rộng, tàu 30.000 tấn ra vào an toàn, thuận lợi và liên thông với các cảng lớn trong khu vực và thế giới. Sân bay Phù Cát cách thành phố Quy Nhơn 30km có nhiều chuyến bay trong ngày nối liền hai đầu đất nước.

Tài nguyên thiên nhiên của tỉnh phong phú cả về đất đai, tài nguyên rừng và khoáng sản. Diện tích đất tự nhiên của Bình Định là 6.025km2, với 30 loại đất khác nhau, trong đó quan trọng nhất là nhóm đất phù sa có khoảng 70 nghìn ha, phân bố dọc theo lưu vực các con sông. Đây là nhóm đất canh tác nông nghiệp tốt nhất, thích hợp với trồng cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày. Diện tích đất chưa sử dụng còn rất lớn, chiếm tới 34% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Rừng Bình Định phong phú về chủng loại, diện tích lớn với hơn 40 loại cây có giá trị dược liệu, phân bố rộng khắp các huyện. Tài nguyên khoáng sản ở Bình Định khá đa dạng, đáng chú ý nhất là đá granít có trữ lượng 500 triệu m3, với nhiều màu sắc là vật liệu xây dựng cao cấp được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, sa khoáng ti tan cũng có số lượng lớn như mỏ Đề Gi (Phù Cát) trữ lượng khoảng 1,5 triệu m3, cát trắng Hoài Nhơn. Nhiều nguồn nước khoáng được đánh giá có chất lượng cao đã và đang đưa vào khai thác sản xuất nước giải khát, chữa bệnh. 

Hệ thống bưu chính viễn thông, dịch vụ ngân hàng của tỉnh khá đầy đủ. Mạng lưới bưu chính viễn thông đa dạng với các loại hình dịch vụ có thể đáp ứng nhanh chóng nhu cầu trao đổi thông tin, liên lạc trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Có nhiều ngân hàng đóng trên địa bàn là ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng cổ phần có khả năng huy động và đáp ứng nhu cầu vốn bằng tiền Việt Nam và ngoại tệ cho khách hàng cùng hệ thống các công ty và hãng bảo hiểm. Hệ thống các khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế như: Sài Gòn-Quy Nhơn, Hải Âu, Life Resort, Hoàng Anh Gia Lai Resort…đáp ứng như cầu lưu trú, tổ chức các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế

Đường ven biển Quy Nhơn

Trường đại học Quy Nhơn là nơi đào tạo nguồn nhân lực chính, đào tạo đa lĩnh vực với hơn 40 ngành khác nhau, ngoài ra ở tỉnh còn có Trường đại học Quang Trung, Trường cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Y tế, hệ thống các trường trung học chuyên nghiệp và các trung tâm dạy nghề hàng năm đào tạo hàng ngàn cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân lành nghề cho tỉnh và khu vực.

Cơ sở y tế được trang bị đồng bộ các tuyến từ tỉnh xuống cơ sở, bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện đa khoa thành phố, huyện, bệnh viện tư nhân, các bệnh viện chuyên khoa, các trạm y tế xã , cơ sở y tế tư nhân đáp ứng đủ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân trong tỉnh và các vùng lân cận.

Bình Định là tỉnh có nền văn hóa phong phú, hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng như: Bảo tàng Quang Trung, nơi lưu giữ các hiện vật của nhà Tây Sơn và vua Quang Trung, các tháp Chàm (tháp Dương Long, Cánh Tiên, Bánh ít, tháp Đôi…), thành Đồ Bàn, các đền thờ và danh thắng nổi tiếng như Ghềnh Ráng, Hầm Hô, Núi Một, Vĩnh Hội …

Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) của tỉnh hằng năm là 12,5%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp. Cơ cấu kinh tế năm của tỉnh Bình Định đến năm 2010 là công nghiệp – xây dựng chiếm 37,4%, dịch vụ chiếm 35%, nông nghiệp – ngư nghiệp chiếm 27,6% ./.

. Theo ven.vn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thêm hai công trình điểm tô cho thành phố  (25/05/2008)
BẢO TÀNG QUANG TRUNG - ĐIỂM NHẤN CỦA FESTIVAL TÂY SƠN - BÌNH ĐỊNH   (19/05/2008)
BẢO TÀNG QUANG TRUNG - ĐIỂM NHẤN CỦA FESTIVAL TÂY SƠN - BÌNH ĐỊNH   (19/05/2008)
Tích cực chuẩn bị đón khách  (17/05/2008)
Dựng đền thờ trên quê hương nữ tướng   (03/05/2008)
Còn chút phân vân  (01/05/2008)
Làng nghề đón Festival  (01/05/2008)
Dựng hộp đèn tuyên truyền Festival Tây Sơn - Bình Định 2008  (01/05/2008)
Tôn vinh phụ nữ các miền đất Võ   (24/04/2008)
Dấu ấn của một Bình Định giàu tiềm năng và truyền thống văn hóa  (19/04/2008)
TUYÊN TRUYỀN CHO FESTIVAL CẦN QUAN TÂM YẾU TỐ HƯỚNG NGOẠI   (18/04/2008)
Tích cực chuẩn bị các điều kiện cho Festival Tây Sơn-Bình Định 2008   (18/04/2008)
“Hội làng nghề sẽ được tổ chức sinh động và hấp dẫn”   (16/04/2008)
Một cuộc hành hương về miền đất Võ  (14/04/2008)
Tích cực chuẩn bị phục vụ Festival Tây Sơn - Bình Định 2008  (13/04/2008)