FESTIVAL TÂY SƠN - BÌNH ĐỊNH 2008:
Nơi hội tụ những sắc màu nghệ thuật
15:43', 31/5/ 2008 (GMT+7)

Sẽ có nhiều đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế về tham gia biểu diễn trong Festival Tây Sơn - Bình Định lần thứ I - năm 2008. Và như vậy, Festival trở thành điểm hội tụ những sắc màu nghệ thuật…

* Hội tụ sắc màu nghệ thuật

Nhà hát Tuồng Đào Tấn (NHTĐT) và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định (ĐCKBC) là hai đơn vị nghệ thuật truyền thống tỉnh nhà sẽ tham gia vào các hoạt động của Festival.

 

Một cảnh trong vở “Diễn Võ Đình” của Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

Trong đó, NHTĐT sẽ tham gia Liên hoan Tuồng toàn quốc do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Định tổ chức. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Festival và sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 30.7, tại TP Quy Nhơn. Tham gia Liên hoan, ngoài NHTĐT, còn có 6 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong toàn quốc gồm Nhà hát Tuồng Việt Nam, Đoàn Tuồng Thanh Hóa, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng), Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Khánh Hòa, Đoàn Nghệ thuật Hát bội TP. Hồ Chí Minh. Các đơn vị tham gia Liên hoan có thể tự do lựa chọn vở diễn để tham gia, nhưng Ban Tổ chức khuyến khích diễn các vở của tác giả Đào Tấn và các vở về đề tài phong trào nông dân Tây Sơn.

Nhạc sĩ Nguyễn Gia Thiện, Phó Giám đốc NHTĐT, cho biết: “NHTĐT đã quyết định chọn “Diễn Võ Đình”, một trong những vở độc đáo, xuất sắc nhất của Đào Tấn để tham gia Liên hoan. Vở tuồng này đã được NH phục dựng thành công vào năm 2005, trên tinh thần vừa có sự kế thừa, vừa có sự tiếp nối tư tưởng của tác giả và đã được giới chuyên môn và khán giả đón nhận. Tham gia Liên hoan lần này, vở diễn sẽ được NH dàn dựng theo hướng giữ nguyên kịch bản gốc”.

Bên cạnh đó, ngoài việc tham gia vào chương trình lễ khai mạc, lễ dâng hương dâng hoa tại Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt, thời gian qua, NHTĐT và ĐCKBC còn tích cực tập luyện cho chương trình nghệ thuật sẽ biểu diễn tại Hội Làng nghề Truyền thống và Ẩm thực (từ ngày 27.7 đến 3.8). Theo dự kiến, hai đoàn nghệ thuật sẽ phối hợp biểu diễn: Trống hội, Hát bội sân đình, Hát hò đối đáp, giới thiệu thời trang và binh khí tuồng…. Ngoài ra, NHTĐT sẽ biểu diễn trích đoạn “Trưng Nữ vương đề cờ” và múa Chăm, ĐCKBC sẽ biểu diễn độc tấu bài chòi, độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc, hát dân ca, múa dân gian.

Ngoài hai đơn vị nghệ thuật Bình Định, theo dự kiến, trong thời gian diễn ra Festival, còn có nhiều đoàn nghệ thuật nổi tiếng trong và ngoài nước tham gia biểu diễn trong lễ khai mạc, bế mạc và một số tụ điểm chính. Đó là Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, Nhà hát Ca Múa Nhạc Bông Sen (TP. Hồ Chí Minh), Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, Đoàn Nghệ thuật Đam San (Gia Lai)… cùng các đoàn nghệ thuật đến từ Lào, Thái Lan, Hàn Quốc. Sự “hội tụ” sắc màu nghệ thuật này sẽ tô đậm thêm vẻ đẹp rực rỡ, quyến rũ của bức tranh tổng thể Festival.

* Cần làm nổi bật bản sắc riêng

Trong sự hội tụ nghệ thuật ở Festival, điều quan trọng là làm thế nào để hai loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Bình Định là tuồng và bài chòi có thể phô diễn cái hay, cái đẹp mang bản sắc riêng. Nghệ thuật tuồng Bình Định sẽ được khẳng định trong Liên hoan Tuồng toàn quốc. Tuy nhiên, hoạt động này diễn ra trước Festival và chỉ biểu diễn trong một “không gian hẹp” (dự kiến tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh). Trong khi đó, hơn chục đoàn nghệ thuật tuồng không chuyên - lực lượng quan trọng đang góp phần giữ gìn cho “hồn vía” đất tuồng Bình Định - không có cơ hội đóng góp để quảng bá cho nghệ thuật tuồng trong Festival. Đối với bài chòi, theo chương trình Festival, sẽ có tổ chức Hội bài chòi dân gian. Đây là ý tưởng hay, nếu được dàn dựng tốt sẽ tạo nên một chương trình đặc sắc khẳng định “thương hiệu” bài chòi Bình Định. Nhưng hiện tại, Hội bài chòi dân gian vẫn chưa có kế hoạch triển khai cụ thể. Ông Trần Văn Tới, Trưởng đoàn CKBC, tâm sự: “Nếu được tạo điều kiện nhiều hơn, với tiềm lực đã được khẳng định của đoàn, việc quảng bá nghệ thuật bài chòi Bình Định trong Festival chắc chắn sẽ rất thuận lợi”.

Hy vọng nghệ thuật truyền thống Bình Định sẽ được “tiếp thị” hiệu quả trong Festival. Bởi nói như đạo diễn Lê Quý Dương, lễ hội địa phương chính là cơ hội để du khách hiểu được bản sắc của một vùng đất. Trong đó, dáng nét văn hóa địa phương chính là “điểm gút”, đem ấn tượng về những giá trị truyền thống đặc sắc của một vùng đất giàu trầm tích văn hóa.                      

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kích cầu du lịch và thương mại  (30/05/2008)
Bình Định – vùng đất giàu lợi thế   (26/05/2008)
Thêm hai công trình điểm tô cho thành phố  (25/05/2008)
BẢO TÀNG QUANG TRUNG - ĐIỂM NHẤN CỦA FESTIVAL TÂY SƠN - BÌNH ĐỊNH   (19/05/2008)
BẢO TÀNG QUANG TRUNG - ĐIỂM NHẤN CỦA FESTIVAL TÂY SƠN - BÌNH ĐỊNH   (19/05/2008)
Tích cực chuẩn bị đón khách  (17/05/2008)
Dựng đền thờ trên quê hương nữ tướng   (03/05/2008)
Còn chút phân vân  (01/05/2008)
Làng nghề đón Festival  (01/05/2008)
Dựng hộp đèn tuyên truyền Festival Tây Sơn - Bình Định 2008  (01/05/2008)
Tôn vinh phụ nữ các miền đất Võ   (24/04/2008)
Dấu ấn của một Bình Định giàu tiềm năng và truyền thống văn hóa  (19/04/2008)
TUYÊN TRUYỀN CHO FESTIVAL CẦN QUAN TÂM YẾU TỐ HƯỚNG NGOẠI   (18/04/2008)
Tích cực chuẩn bị các điều kiện cho Festival Tây Sơn-Bình Định 2008   (18/04/2008)
“Hội làng nghề sẽ được tổ chức sinh động và hấp dẫn”   (16/04/2008)