|
Biểu diễn võ thuật. Ảnh: Hoàng Tuấn |
Bình Định được mệnh danh là miền đất Võ. Danh hiệu ấy tuy không chủ tâm xây dựng mà thành, nhưng lại thể hiện rõ nét truyền thống thượng võ của vùng đất này và sẽ có sức thu hút lớn với du khách nếu được phát huy tốt. Điều đáng hoan nghênh là hiện nay, Ban Tổ chức Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ II, đã bắt đầu quan tâm đến việc phục hồi các làng võ Bình Định.
Hiện nay, võ Bình Định đang tiếp tục phát triển với hàng trăm võ đường, hàng ngàn võ sinh tập luyện mỗi năm. Bên cạnh đó, võ còn tham gia biểu diễn trong nhiều lễ hội văn hóa - thể thao. Biểu diễn võ được tổ chức tại Bảo tàng Quang Trung cũng góp phần giới thiệu với khách tham quan một phần không thể thiếu truyền thống văn hóa của Bình Định.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thực sự khai thác, ứng dụng võ để thành một “sản phẩm du lịch” hoàn chỉnh, trong khi Bình Định có rất nhiều lợi thế để làm điều này. Cụ thể, Bình Định có một nét đặc sắc trong văn hóa võ mà không đâu có, đó chính là các làng võ Bình Định. Truy về nguồn gốc các làng võ, phải chăng, với chính sách bình định của nhà Nguyễn, võ Tây Sơn đã giải hóa vào dân gian và hình thành các làng võ. Ở các làng võ, truyền thống võ Tây Sơn tiếp tục hấp thụ thêm nhiều tinh hoa võ thuật khác, nhưng cái nền này trên đó diễn ra sự tiếp biến vẫn là võ Tây Sơn. Phải chăng vì thế các làng võ dù giỗ tổ vào những ngày khác nhau nhưng đều thờ Quang Trung làm Tổ võ. Làng võ Bình Định, ngoài truyền thống thượng võ, còn là một biểu hiện sống động của một hằng số văn hóa Việt là làng Việt. Người Việt, vốn có truyền thống gắn bó với xóm làng, làng là một đơn vị cơ sở về văn hóa của tâm thức Việt.
Như vậy, để võ Bình Định thực sự trở thành một sản phẩm du lịch, việc đầu tư phục hồi các làng võ theo chủ trương của Ban Tổ chức Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền lần thứ II là hoàn toàn cần thiết. Điều thuận lợi là hiện ở các làng võ vẫn còn các võ đường, nhưng hoạt động chưa thường xuyên. Đầu tư cho các võ đường trong việc tiếp tục mở các lớp tập luyện thường xuyên là bước đi đầu tiên trong việc phục hồi các làng võ Bình Định.
Võ Bình Định ngoài những bài quyền Ngọc Trản, quyền Lão Mai, Hùng Kê quyền… mà theo truyền tụng từ xưa, gắn với phong trào nông dân Tây Sơn, còn có thập bát ban binh khí. Thập bát ban binh khí được xem là tinh hoa võ học mà ba anh em Tây Sơn cùng các tướng lĩnh dạn dày trận mạc dày công sáng tạo. Trong thập bát ban binh khí, có những bài rất độc đáo như Song phượng kiếm, Tru hồn kiếm… Khai thác những bài quyền, những bài binh khí độc đáo này, gắn với sự giới thiệu về nguồn gốc và nét đặc sắc của mỗi bài, tổ chức đấu các bài đấu theo quy ước sẽ có sức hút với du khách. Một số bài trong thập bát ban binh khí, một số bài võ Bình Định tiêu biểu thời gian qua đã được Bảo tàng Quang Trung chủ ý khai thác nhằm biểu diễn phục vụ du khách. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một nỗ lực của riêng Bảo tàng Quang Trung và thực sự, việc khai thác cũng mới dừng ở những bước đi đầu tiên.
Như vậy, nên chăng, gắn với việc phục hồi các làng võ, ở các làng võ này, cần xây dựng những chương trình biểu diễn đặc trưng gắn với truyền thống võ học từng làng. Chẳng hạn như ở làng Thuận Truyền thì tinh hoa là roi, làng An Vinh giỏi về quyền; còn làng An Thái, lại có sự giao thoa các dòng võ Việt và võ Tàu. Mỗi suất diễn sẽ do một nhóm gồm võ sinh các võ đường đảm trách, chỉ cần có thời lượng khoảng 20 phút. Ngoài ra, ở các võ đường tại các làng võ, cần có bàn thờ Tổ, binh khí, huy chương… cũng như sưu tập, bổ sung và trang trí bằng các hiện vật như võ phục, hình ảnh các võ sư, sách võ, tư liệu về võ… Có vậy, khi đến tham quan làng võ, du khách được tìm hiểu về nguồn gốc làng võ, các võ sư tiền bối, hiểu thêm về trầm tích văn hóa miền đất Võ và thưởng lãm những bài quyền, bài binh khí độc đáo, tinh túy… Điều này cũng có nghĩa là du khách được tìm hiểu về võ Bình Định ngay từ gốc rễ là các làng võ và thấu nhập những giá trị văn hóa võ trong một chỉnh thể, từ các phương thức tập luyện, võ đạo, võ y, thiệu võ… đến các nghi thức mang đậm sắc thái văn hóa truyền thống như giỗ tổ Võ, lễ nhập môn…
Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của võ cổ truyền Bình Định là điều hoàn toàn nằm trong khả năng của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Định, nhất là khi Bình Định đã trở thành chốn hành hương, là điểm trở về của những thế hệ môn sinh theo học võ cổ truyền Việt Nam từ khắp các nước trên thế giới. Và Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ hai chính là cơ hội tốt để quảng bá về miền đất Võ Bình Định. Do vậy, ngoài việc tổ chức biểu diễn, hành hương về các làng võ, cần chuẩn bị thật kỹ để giới thiệu một cách bài bản về văn hóa võ Bình Định với bạn bè quốc tế và tổ chức một hội thảo về võ cổ truyền Việt Nam có chất lượng.
|