Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 sẽ được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 3.8, gắn với kỷ niệm 235 năm (1773 - 2008) nghĩa quân Tây Sơn đánh chiếm Phủ thành Quy Nhơn, mở đầu sự nghiệp thống nhất đất nước của triều đại Tây Sơn. Trong khuôn khổ Festival, sẽ diễn ra nhiều hoạt động quy mô, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện những đặc trưng lịch sử, văn hóa, của Bình Định. Dưới đây là một số hoạt động chính trong Festival.
Các hoạt động Festival được tổ chức chủ yếu tại thành phố Quy Nhơn (tập trung từ khu Trung tâm Thương mại Quy Nhơn đến Ghềnh Ráng, khu vực Đầm Thị Nại, Tháp Đôi) và một số hoạt động lễ hội sẽ diễn ra tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn).
|
Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ tại Bảo tàng Quang Trung. (Ảnh: HT) |
Lễ khai mạc Festival
Diễn ra vào 20 giờ ngày 1.8, tại Quảng trường trước Trung tâm Thương mại Quy Nhơn. Màn đồng diễn nghệ thuật trong đêm khai mạc Festival do NSND Vũ Hoài làm Tổng Đạo diễn, sẽ cô đọng những nét đặc sắc, tinh hoa nhất của vùng đất địa linh nhân kiệt Bình Định.
Khúc mở đầu của chương trình với tên gọi “Nghĩa khí Tây Sơn” là phần diễn tấu trống trận Tây Sơn của năm dàn trống liên hoàn và 100 trống chiến, trống cái cùng phần diễu hành của đoàn nghĩa binh Tây Sơn. Tiếp đó là ba phần chính với “Bình Định - vùng đất mến yêu” (phần I) thể hiện những nét đặc sắc nhất trong truyền thống văn hóa của đất và người Bình Định; “Nghĩa khí Tây Sơn trên khắp miền đất nước” (phần II) với những màn trình diễn đặc sắc của các đoàn nghệ thuật đến từ nhiều địa phương trong nước như Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long (Hà Nội), Đoàn Ca Múa Nhạc Bông Sen (TP. Hồ Chí Minh), Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, Đoàn Nghệ thuật Đam San (Gia Lai), Đoàn Ca múa nhạc Tổng hợp Tiền Giang; “Đổi mới và phát triển” (Phần III) thể hiện nhịp điệu dựng xây và quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đang diễn ra trên quê hương Bình Định.
Chương trình dự kiến sẽ có sự tham gia biểu diễn của 1000 người, chủ yếu là sinh viên - học sinh.
Lễ dâng hương, dâng hoa tại Bảo tàng Quang Trung
Diễn ra từ 8 giờ đến 10 giờ sáng ngày 1.8 tại Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn). Đây là hoạt động chính đầu tiên của Festival, có tác dụng đưa lòng người dự hội về một thời lịch sử, với niềm tự hào thiêng liêng nơi vùng đất Tây Sơn mà Festival 2008 của tỉnh Bình Định vinh hạnh mang tên. Lễ sẽ có sự tái hiện hình ảnh hoàng đế Quang Trung và các tướng lĩnh và nghĩa quân Tây Sơn và sẽ huy động khoảng 1000 người, chủ yếu là học sinh - sinh viên và một số diễn viên hai đoàn nghệ thuật truyền thống trong tỉnh tham gia.
Buổi lễ gồm 4 phần. Mở đầu là nghi lễ rước Hoàng đế Qunag Trung nhập điện, bắt đầu từ khu vực bến Trường Trầu tiến vào Bảo tàng và khuất dần sau điện thờ Tây Sơn Tam kiệt. Phần này có sự tham gia của các diễn viên trong vai Quang Trung và các tướng lĩnh Tây Sơn cưỡi trên 5 con voi và khoảng 20 con ngựa, cùng các đội tiền quân, trung quân, hậu quân trong trang phục nghĩa quân. Tiếp đó là Lễ Dâng hoa tại Tượng đài Hoàng đế Quang Trung và Lễ Dâng hương trong điện thờ Tây Sơn Tam kiệt. Sau phần lễ, là phần hội với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật., trò chơi dân gian tổ chức tại nhiều địa điểm trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung.
Đêm hoa đăng trên đầm Thị Nại
Sẽ bắt đầu từ 20 giờ ngày 2.8 tại đầu phía tây cầu Thị Nại. Đêm hoa đăng sẽ là một chương trình nghệ thuật tổng hợp với ba phần: liên hoan văn nghệ, trình diễn hoa đăng, thả đèn hoa đăng. Màn trình diễn hoa đăng sẽ chính thức bắt đầu ở khu vực mặt đầm gần sát cầu Thị Nại (phía trung tâm TP. Quy Nhơn). Sẽ có 21 chiếc thuyền tượng trưng cho 21 năm đổi mới của đất nước. Trong đó, chiếc lớn nhất được bố trí cố định tại khu vực trung tâm mặt nước sử dụng trình diễn, trên mặt thuyền, dựng một mô hình bông hoa sen lớn, biểu tượng cho sự đổi mới. 20 chiếc còn lại cũng được dựng hình hoa sen, nhưng kích thước nhỏ hơn. Các thuyền sẽ trình diễn màn hoa đăng ấn tượng. Sau màn trình diễn hoa đăng là việc thả đèn hoa đăng tạo sự lung linh, sinh động cho không gian đầm Thị Nại.
Liên hoan Tuồng Toàn quốc
Liên hoan do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Định tổ chức, diễn ra từ ngày 25 đến 30.7, tại Nhà hát Tuồng Đào Tấn (TP Quy Nhơn). Tham gia Liên hoan, ngoài Nhà hát Tuồng Đào Tấn, còn có 6 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong toàn quốc, gồm Nhà hát Tuồng Trung ương, Đoàn Tuồng Thanh Hóa, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng), Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Khánh Hòa, Đoàn Nghệ thuật Hát bội TP. Hồ Chí Minh.
Các đơn vị tham gia Liên hoan có thể tự do lựa chọn vở diễn để tham gia, nhưng Ban Tổ chức khuyến khích diễn các vở của tác giả Đào Tấn và các vở về đề tài phong trào nông dân Tây Sơn. Trong đó, Nhà hát Tuồng Đào Tấn tham gia với vở “Diễn Võ Đình”, một trong những vở độc đáo, xuất sắc nhất của Đào Tấn.
Cuộc thi Hoa hậu Những miền đất Võ
Cuộc thi là dịp giao lưu, giới thiệu tài năng, sức mạnh thể lực và trí lực của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ các miền đất Võ nói riêng trong công cuộc hội nhập và phát triển đất nước.
Vòng bán kết cuộc thi diễn ra tại TP. Quy Nhơn từ ngày 28.7 đến ngày 30.7, với các nội dung: trang phục truyền thống, trang phục tự chọn và biểu diễn hai bài võ thuật tự chọn (quyền thuật hoặc binh khí). Từ ngày 1.8 đến ngày 3.8, 30 thí sinh được chọn vào vòng Chung kết sẽ tham gia các nội dung thi chính thức gồm: trang phục truyền thống dân tộc, trang phục võ thuật (dân gian, cổ điển hoặc cách điệu), thi năng khiếu võ thuật. Hội đồng Giám khảo sẽ chọn ra top 10 người đẹp của Những miền đất Võ. Đêm chung kết (tối 3.8), các thí sinh tiếp tục thi phần ứng xử để bầu chọn các danh hiệu: Hoa hậu, Á hậu 1, Á hậu 2.
Ngoài ra, Ban Tổ chức, giới truyền thông báo chí và các nhà tài trợ cũng sẽ bầu chọn các danh hiệu đặc biệt khác như: Hoa hậu Nhân ái, Hoa hậu Tài năng, Hoa hậu Báo chí, Hoa hậu Du lịch, Hoa hậu Võ thuật…
Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền lần thứ II
Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ II sẽ có khoảng 40 đoàn đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với hơn 1.000 võ sĩ, võ sư tham gia. Ngoài ra, còn có hơn 500 VĐV, võ sư, HLV của các đoàn trong nước.
Liên hoan bắt đầu bằng phần biểu diễn võ thuật của các đoàn vào lúc 8 giờ sáng ngày 31.7 tại Nhà thi đấu Sân vận động Quy Nhơn. Đến 20 giờ ngày 31.7, tại Sân vận động Quy Nhơn, lễ khai mạc Liên hoan sẽ được chính thức tiến hành. Lễ khai mạc mở đầu bằng bài trống và múa lân của đoàn Hằng Anh Đường (TP. Hồ Chí Minh); sau đó là màn đồng diễn thể dục kéo dài trong khoảng 23 phút gồm ba chương. Chương I: “Việt Nam và nhân dân Bình Định chào đón các bạn”; chương II: “Ca ngợi truyền thống thượng võ và yêu ước của nhân dân Bình Định”. Chương III: “Bình Định trên con đường hội nhập và phát triển” sẽ khép lại lễ khai mạc, với sự tham gia của 550 nữ sinh, 550 nam võ sinh và 150 thiếu nhi mặc trang phục đỏ, cầm cờ Tây Sơn thực hiện. Hai đạo diễn Nguyễn Văn Phúc, Tạ Hữu Mạnh (Hà Nội) được mời làm đạo diễn cho lễ khai mạc này.
Sáng ngày 1.8, tại các Nhà thi đấu Hà Thanh (huyện Tuy Phước), Nhà thi đấu huyện An Nhơn và Nhà thi đấu huyện Tây Sơn, sẽ diễn ra chương trình biểu diễn võ thuật của các đoàn và sẽ tiếp tục đến hết ngày 2.8. Sáng ngày 3.8, tại Khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn, sẽ diễn ra Hội thảo nhằm rút kinh nghiệm cho Liên hoan. 15 giờ chiều cùng ngày, sẽ diễn ra lễ bế mạc Liên hoan.
Ở Liên hoan lần này, Ban Tổ chức cũng sẽ tổ chức tour cho các VĐV, võ sư các đoàn tham dự Liên hoan về các làng võ truyền thống trong tỉnh, đến thăm các võ đường nổi tiếng của Bình Định, tham quan những làng nghề truyền thống trong tỉnh.
Hội Làng nghề truyền thống và Ẩm thực
Hội Làng nghề truyền thống và Ẩm thực diễn ra từ ngày 27.7 đến 3.8.2008 tại Khu Công viên Trung tâm (TP. Quy Nhon). 150 gian hàng tại Hội Làng nghề sẽ trưng bày giới thiệu và bán hàng lưu niệm sản phẩm của các làng nghề truyền thống nổi tiếng trong tỉnh gồm: hàng lương thực thực phẩm với các đặc sản như rượu Bàu Đá, bún Song thằn, nem chả Chợ Huyện, bánh tráng nước dừa…; hàng gia dụng với các sản phẩm rèn, đúc đồng, sản phẩm từ cói và xơ dừa, gạch ngói…; hàng thủ công mỹ nghệ với các sản phẩm nón, tượng đá, thổ cẩm, gỗ mỹ nghệ, sản phẩm từ mây, tre, lá… và một Hội chợ Thương mại, nhằm trưng bày, mua bán, trao đổi sản phẩm mang tính chất công nghiệp, với sự tham gia của khoảng 30 DN trong nước.
Bên cạnh đó, hàng ngày, từ 9 giờ đến 16 giờ, sẽ còn trình diễn một số hoạt động văn hóa làng nghề như sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Bana (diễn tấu cồng chiêng, uống rượu cần…); trình diễn lễ cúng tổ nghề rèn; giao lưu văn nghệ… (biểu diễn rót rượu Bàu Đá, hát hò, bài chòi, đọc thơ), diễn tấu trống Tây Sơn.
Du khách tham gia chương trình ẩm thực sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản và món ăn truyền thống của tỉnh Bình Định cũng như các địa phương trong khu vực. Các đặc sản ẩm thực truyền thống Bình Định như: rượu Bàu Đá, chim mía, bún tôm Phù Mỹ, chình mun Châu Trúc, nem Chợ Huyện, bún cá Quy Nhơn và các món ẩm thực phổ biến khác ở Bình Định sẽ được giới thiệu.
Liên hoan Sinh vật cảnh
Liên hoan Sinh vật cảnh lần thứ 5 (diễn ra từ 27.7 đến 3.8) do Hội Sinh vật cảnh Bình Định tổ chức tại Quảng trường gần Đài Phun nước Nghệ thuật (trước Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, TP. Quy Nhơn). Dự kiến sẽ có 45 đơn vị; trong đó có 25 đơn vị trong tỉnh và 20 đơn vị ngoài tỉnh tham gia.
Liên hoan sẽ có nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn như triển lãm, trưng bày, hội thi các sản phẩm sinh vật cảnh tiêu biểu, độc đáo, quý hiếm và có chất lượng cao: cây cảnh nghệ thuật Bonsai (đại, trung và tiểu); cây kiểng cổ; các loại mai trắng, mai vàng, hoa ôn đới, hoa nhiệt đới, phong lan, xương rồng; non bộ, đá mỹ nghệ, đá cảnh nghệ thuật; gỗ lũa, cổ vật, gốm sứ, chậu kiểng các loại; chim - cá cảnh, chọi gà nòi… Ngoài ra, Liên hoan còn tổ chức một hội thảo xung quanh các vấn đề về thị trường tiêu thụ sinh vật cảnh, tạo nguồn nhân lực cho sinh vật cảnh và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất sinh vật cảnh.
Đêm “Thơ Hàn Mặc Tử - Xuân Diệu”
Diễn ra từ 20 giờ ngày 2.8 tại đồi Thi nhân thuộc Khu Danh thắng Ghềnh Ráng (TP. Quy Nhơn). Đêm thơ nhằm tôn vinh những nhà thơ tiền bối không những làm rạng danh cho đất thơ Bình Định mà còn trở thành niềm tự hào của công chúng yêu thơ trong cả nước.
Đêm thơ sẽ có sự tham gia của các nhà thơ, nhà phê bình như Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Trần Đăng Khoa, TS Chu Văn Sơn; các văn nghệ sĩ trong tỉnh và đông đảo cong chúng yêu thơ. Các nhà thơ, nhà phê bình sẽ giao lưu, trao đổi về đất thơ Bình Định và hai nhà thơ lớn Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu.
Các nghệ sĩ như ca sĩ Quang Dũng, NSƯT Phan Muôn… sẽ giới thiệu các ca khúc phổ thơ, ngâm các bài thơ của hai tác gia trên. Trong đó, ca sĩ Quang Dũng sẽ thể hiện ca khúc Hàn Mặc Tử của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và ca khúc phổ bài thơ “Biển” của nhà thơ Xuân Diệu.
Ngoài ra, trong các đêm diễn ra Festival, các đoàn nghệ thuật như Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long (Hà Nội), Đoàn Ca Múa Nhạc Bông Sen (TP. Hồ Chí Minh), Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, Đoàn Nghệ thuật Đam San (Gia Lai), Đoàn Ca Múa Nhạc Tổng hợp tỉnh Tiền Giang, Đoàn Nghệ thuật Chăm tỉnh Ninh Thuận và hai đoàn nghệ thuật đến từ Hàn Quốc và Lào về tham dự Festival sẽ tham gia biểu diễn tại một số điểm như: Quảng trường trước Trung tâm Thương mại Quy Nhơn, Quảng trường Tượng đài Chiến thắng, Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh, Nhà Văn hóa Lao động, Công viên Văn hóa Tháp Đôi (Quy Nhơn); Khu Du lịch Hầm Hô, trước Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn), Nhà Văn hóa huyện An Nhơn, Nhà Văn hóa huyện Tuy Phước.
|