* GS Vũ Khiêu
Quê hương Bình Định với núi sông hùng vĩ, với những thế hệ nối tiếp nhau gồm những con người trí dũng song toàn, gồm hai văn võ mà đại diện tiêu biểu là người anh hùng áo vải Quang Trung và danh nhân văn hóa kiệt xuất Đào Tấn. Tôi từng vô cùng ngưỡng mộ mảnh đất từng là kinh đô của vương quốc Vijaya, quê hương của phong trào Tây Sơn vĩ đại với một thời kỳ lịch sử rất đáng tự hào của dân tộc, vùng quê anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
|
Đơn vị thi công đang hoàn thành công trình "tượng đài Quang Trung-Nguyễn Huệ" tại TP Quy Nhơn chào mừng Festival Tây Sơn- Bình Định 2008. (Ảnh: Văn Lưu) |
Trước đây 32 năm, miền Nam được giải phóng. Tôi được Trung ương Cục giao trách nhiệm phụ trách các tổ chức và hoạt động khoa học tại miền Nam. Trong thời gian ấy, tôi được nhiều lần đến Quy Nhơn, thăm Bình Định. Từ đó, lòng tôi mang nặng những cảm tình rất sâu sắc với mảnh đất và con người Bình Định.
Hôm nay, sau hơn 30 năm được trở lại, tôi thật xúc động trước bộ mặt mới của Quy Nhơn, Bình Định. Từ một miền đất nghèo khó, Bình Định đã có những đột phá ngoạn mục đi tới một tương lai giàu đẹp. Tôi nghĩ rằng những khối óc và bàn tay đã tạo nên những thành tựu rực rỡ hôm nay cũng chính là sự nối dài của những khối óc và bàn tay đã từ bao thế kỷ tạo ra ở nơi đây, một địa phương rực sáng về chủ nghĩa anh hùng và truyền thống văn hiến. Bước chân trên các nẻo đường của Bình Định, tôi có cảm giác như còn rung động trong tôi, hồn thiêng của sông núi đã kết đọng lại từ mồ hôi và tâm huyết của ông cha từ bao thế hệ.
Là một tỉnh thuộc miền Nam Trung Bộ, Bình Định vừa mang những phẩm chất thông minh và dũng cảm của miền này, vừa có những nét riêng rất nổi bật. Trường Sơn trải dài như tấm lòng Tổ quốc, đã dừng lại nơi đây và mở rộng bàn tay rộng lớn từ ba phía Bắc, Tây, Nam để ôm lấy Bình Định, người con thân yêu của Tổ quốc. Tôi có cảm giác như Núi Bà ở Phù Cát, Núi Ông ở Vân Canh, Kim Sơn ở Hoài Ân, Chóp Chài ở Phù Mỹ đã vươn cao như bốn cột chống trời, tượng trưng cho khí thiêng của trời đất và chí lớn của hào kiệt nơi đây.
Nhìn lại lịch sử hơn 200 năm về trước, Bình Định đã đi đầu trong cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột. Cuộc chiến đấu oanh liệt của chàng Lía là một biểu trưng rực rỡ của tinh thần "Lấy đại nghĩa thắng hung tàn..." của quê hương Bình Định. Cuộc chiến đấu ấy tuy thất bại nhưng tinh thần ấy không thể dập tắt. Ngọn lửa anh hùng này chỉ 3 năm sau lại vùng lên với khí thế long trời lở đất của ba anh em Tây Sơn, đánh Nam, dẹp Bắc, thống nhất non sông, quét sạch xâm lược, lấy dân làm gốc, trọng dụng hiền tài, nêu cao nhân nghĩa, mở rộng bang giao hòa hiếu, bắt đầu thực hiện mơ ước xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hùng cường. Tiếc rằng, anh hùng Nguyễn Huệ đã mất sớm, quá trình chấn hưng đất nước đầy hứa hẹn ấy đành đứt đoạn.
Chúng ta hiểu vì sao khi giặc Pháp mới đặt chân trên đất nước ta thì phong trào của Võ Duy Dương đã vùng dậy và từ đó tiếp tục chiến đấu để chống quân xâm lược của Pháp trên các tỉnh miền Nam và kéo dài cuộc chiến đấu suốt mấy chục năm.
Chúng ta cũng còn hiểu vì sao ngay khi vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương thì một trong những phong trào kiên cường và mạnh mẽ nhất cũng diễn ra trên đất Bình Định dưới sự lãnh đạo của Mai Xuân Thưởng.
Tôi không nói nhiều về tinh thần dũng cảm hy sinh của nhân dân Bình Định trong sự nghiệp diệt thù cứu nước vừa qua, những thành tích vẻ vang mà mọi người đều biết. Bao nhiêu lần, phong trào bị dập tắt lại bùng lên. Người trước ngã xuống thì người sau vùng dậy. Bao nhiêu cuộc tàn sát diễn ra ở nơi đây không uy hiếp nổi lòng dân Bình Định: đói rét không sờn, tử sinh không ngại. Ngọn lửa anh hùng và yêu nước cứ ngày một thêm bừng sáng trên mảnh đất này từ ngày xưa cho đến hôm nay.
Quê hương của những anh hùng, Bình Định còn là một địa danh văn hóa lớn. Đây là một trong những cái nôi lớn nhất của nghệ thuật Tuồng, một “quốc bảo” của văn hóa dân tộc, với sự có mặt tiên tổ Đào Duy Từ, hậu tổ Đào Tấn và nhà soạn tuồng danh tiếng Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu. Ngoài Đào Duy Từ, Đào Tấn và Nguyễn Diêu, Bình Định còn có bao danh sĩ đáng kính khác như Trần Đức Hòa, Đào Phan Duân, Nguyễn Trọng Trì, Nguyễn Bá Huân, Tăng Bạt Hổ…Những năm giữa thế kỷ 20, cũng tại mảnh đất này đã nổi lên một “Trường thơ Bình Định” với các tên tuổi rất lớn của thơ ca Việt Nam hiện đại: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Quách Tấn, Bích Khê, Yến Lan…
Tôi cũng xin phép được bày tỏ ở đây một chút tình cảm riêng tư. Mỗi lần gặp gỡ những người anh em trong họ Vũ ở Bình Định, chúng tôi đều rất xúc động mà bảo nhau học tập tấm gương của ông cha trong họ mình đã không thẹn là những người dân Bình Định. Chúng tôi vui mừng thấy rất nhiều tổ tiên của chúng tôi đã từng góp công sức làm nên truyền thống anh hùng và văn hiến của Bình Định. Nhớ đến câu ca:
Chiều chiều én liệng Truông Mây
Cảm thương chú Lía bị vây trong thành
Chúng tôi rất xúc động vì Chú Lía chính là một cụ tổ của họ chúng tôi tên Vũ Văn Doan.
Trong bảy vị võ quan của Tây Sơn (Tây Sơn thất hổ tướng) có hai ông tổ họ Võ của chúng tôi là Võ Văn Dũng và Võ Đình Tú.
Ngay từ khi thực dân Pháp mới xâm lược nước ta thì một ông tổ của họ Vũ là Võ Duy Dương, quê An Nhơn, Bình Định, đã cùng anh em mình kêu gọi đồng bào góp sức, góp của xây dựng đội quân kéo vào Nam chống giặc.
Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi (1885), những ông tổ họ Vũ của chúng tôi như Võ Hóa, Võ Đạt, Vũ Phong Mộc đã cùng Nguyễn Trọng Trì, Tăng Bạt Hổ hăng hái chiến đấu dưới ngọn cờ Cần Vương của tướng quân Mai Xuân Thưởng.
Đến ngày tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, đồng chí Vũ Xán đã được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của chính quyền cách mạng. Từ đó đến nay, những người họ Vũ tại quê hương này đã tiếp tục phấn đấu làm tròn trách nhiệm của người dân ở quê hương Bình Định.
Tôi nghĩ những người họ Vũ chúng tôi ở đây không chỉ giữ gìn truyền thống nhân hậu và trí tuệ của dòng họ mình mà trước hết được đào tạo và bồi dưỡng từ khí thiêng sông núi của quê hương vừa văn hiến, vừa anh hùng này. Tôi nghĩ đó cũng là một điều khiến tôi mỗi khi được về Bình Định, cảm thấy những tình cảm sâu sắc như của một người con trở lại quê hương của mình vậy.
Được biết Bình Định sắp tổ chức Festival Tây Sơn – Bình Định, hoạt động văn hóa du lịch hướng tới tầm quốc gia và quốc tế, tôi nghĩ nhất định đó sẽ là một lễ hội văn hóa du lịch hết sức độc đáo, đặc sắc nếu thể hiện được chủ nghĩa anh hùng và truyền thống văn hiến rực sáng của quê hương. Với tấm lòng của một người con xa, tôi xin chúc ngày hội lớn này sẽ thành công như mong đợi.
Hà Nội, 15.6.2008
|