Hội Làng nghề Truyền thống và Ẩm thực sẽ diễn ra từ ngày 29.7 đến 3.8, trong khuôn khổ Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, là “ngày hội” của các làng nghề truyền thống Bình Định. Và cái náo nức của những ngày hội nghề như đang làm sống lại không khí những làng nghề…
|
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở xã Nhơn Hậu (An Nhơn). Ảnh: Văn Lưu
|
* Nhộn nhịp trước hội nghề
Đã quá trưa, nhưng tại làng dệt chiếu, đan cói mỹ nghệ ở thôn Gia An (xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn) không khí làm nghề vẫn khẩn trương. Không quá khó để bắt gặp hình ảnh những thợ thủ công đang mải mê dệt chiếu, đan giỏ. Tại Hợp tác xã Dịch vụ Điện năng Hoài Châu Bắc, có hàng chục công nhân đang làm việc. Ông Ngô Đức Hậu, Trưởng ban Kiểm soát Hợp tác xã, cho biết: “Chúng tôi đang dốc lực sản xuất sản phẩm để phục vụ Festival. Các sản phẩm trưng bày sẽ là những mẫu hàng đặc trưng của làng, như chiếu cói, thảm chùi chân, giỏ xách, mũ lác… Chúng tôi cũng sẽ chuyển một số máy dệt chiếu, máy may biên và xe sợi xuống Quy Nhơn để trình diễn vài công đoạn sản xuất”.
Rời Gia An, chúng tôi đến làng dệt thảm xơ dừa xuất khẩu ở thôn Cửu Lợi Bắc (xã Tam Quan Nam). Vừa trở về sau một hội chợ ở Quảng Nam, các thợ thủ công của Cơ sở Ngọc Chung đã bắt tay ngay vào sản xuất, để kịp ra đủ số sản phẩm dự kiến trưng bày tại Hội Làng nghề. Bà Ngô Thị Mai, chủ cơ sở, cho biết: “Cơ sở sẽ trưng bày 20 mẫu thảm xơ dừa với đủ kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc. Đây là những mẫu mới nhất của cơ sở, đang được khách hàng ưa chuộng. Ngoài ra, cơ sở còn đem khung dệt và xơ dừa vào Quy Nhơn, biểu diễn quy trình sản xuất tại Hội Làng nghề”.
Không quá tất bật như các làng nghề ở Hoài Nhơn, nhưng tại làng đan đồ dùng bằng tre ở thôn Vạn Ninh (xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ), người dân cũng đang hối hả chuẩn bị sản phẩm. Ông Nguyễn Đình Can, chuyên viên Phòng Công Thương huyện Phù Mỹ, cho biết: huyện sẽ cử ba thợ giỏi tham gia biểu diễn tại Hội Làng nghề; đồng thời, hỗ trợ 600.000 đồng/hộ để sản xuất các sản phẩm truyền thống như thúng, rổ, nong, nia, gàu tát nước, đó, lờ… trưng bày tại Hội Làng nghề. Còn tại làng làm võng trân ở thôn Tuân Lễ (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước), chị Lê Thị Lắm, một trong ba thợ thủ công sẽ tham gia trình diễn đan võng tại Hội Làng nghề, cho biết: các chị đã chuẩn bị đủ số nguyên liệu cần thiết để có thể đan ba chiếc võng trên. Hiện tại, hàng ngày, các chị vẫn tập hợp lại, ôn các thao tác đan, để có thể biểu diễn thật thuần thục trước khách tham quan.
Ngoài những làng nghề trên, các làng nghề khác hiện cũng đang gấp rút chuẩn bị để đến cuối tháng 7 có thể khai trương gian hàng tại Hội Làng nghề. Ở Phù Cát, làng nghề làm nón ngựa ở thôn Phú Gia (xã Cát Tường) và các làng nghề làm sản phẩm mỹ nghệ từ cói (xã Cát Tiến và Cát Chánh) đang chọn ra những sản phẩm đẹp nhất, để đem về Quy Nhơn trưng bày. Ở Tây Sơn, cơ sở sản xuất trống (thôn Mỹ An, xã Tây Bình) cũng sẽ trưng bày và biểu diễn năm loại trống đặc trưng của Bình Định. Các cô gái người Bana ở Vân Canh, Vĩnh Thạnh và Hoài Ân vẫn đang ngày đêm bên khung cửi để dệt những sản phẩm thổ cẩm, kịp đem trưng bày.
|
Chị Lê Thị Lắm đang đan võng trân. Ảnh: N.T
|
* Để làng nghề... sống bền lâu
Để các làng nghề truyền thống không chỉ nhộn nhịp trong thời gian diễn ra Festival, mà còn có thể phát triển bền lâu, một số làng nghề đang rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía, nhất là từ các cơ quan chức năng. Hiện tại, khó khăn lớn nhất của các làng nghề là không tiêu thụ được sản phẩm, phần do giá thành sản phẩm thủ công khá cao, mẫu mã chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, phần do chưa có thị trường tiêu thụ.
Chị Đinh Thị Thoại (làng Hà Văn Trên, huyện Vân Canh), chuyên dệt thổ cẩm, cho biết: giá len hiện tăng gấp đôi so với trước, kéo theo giá thành của thổ cẩm lên cao. Trong khi đó, những người đan võng trân hiện cũng lao đao vì nguồn nguyên liệu chính là cây thơm Tàu, đang ngày càng khó tìm. Chị Lắm nói: “Chúng tôi phải thuê người vào tận vùng núi Phan Rang để tìm nguyên liệu, rồi mất hơn chục ngày miệt mài mới làm ra một chiếc võng. Giá thành một chiếc võng do vậy lên đến 500.000 đồng/cái, trong khi các loại võng hiện đại hiện nay tiện lợi hơn mà giá rẻ hơn”.
Bà Ngô Thị Mai (Cơ sở Ngọc Chung) cho biết: thời gian qua, có một số khách hàng trong và ngoài nước được Phòng Công Thương huyện đưa đến cơ sở để xem hàng. Xem xong, khách hàng cho biết sẽ đặt hàng thường xuyên với số lượng lớn nếu cơ sở trang bị máy móc và chuyển sang dệt bằng máy để sản phẩm cứng và sắc sảo hơn. Thế nhưng, dù đã xoay xở đủ cách, cơ sở hiện vẫn chưa có được tiền để mua những máy móc mà khách hàng yêu cầu.
Được biết, thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp với một số địa phương, đưa ra một số giải pháp nhằm làm sống lại các làng nghề. Hy vọng, những việc làm như vậy sẽ được tiếp tục và đẩy mạnh để những làng nghề truyền thống ở các địa phương được sống bền lâu. Đây cũng là nguyện vọng tha thiết của những nghệ nhân, thợ thủ công ở các làng nghề hiện nay.
|