Để Festival thêm phần lộng lẫy…
14:46', 17/7/ 2008 (GMT+7)

Không khí chuẩn bị Festival đang nóng lên từng ngày. Hiện nay, song song với khâu tập luyện cho các màn đồng diễn, là công tác chuẩn bị phục trang và đạo cụ biểu diễn...

 

Kiểm kê đạo cụ chuẩn bị cho các màn đồng diễn trong Festival. Ảnh: N.T

 

* Hoành tráng đạo cụ

Đến Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh những ngày này, đập vào mắt chúng tôi là từng dãy trống đại, trống chiến chồng lên nhau; cùng gươm, đao, giáo, khiên, cung, nỏ, sừng trâu, tù và, roi... ; hàng trăm cờ phướn, cờ hội… cùng những cành mai, đào và nhiều đạo cụ khác.

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, người đảm trách khâu trang phục, đạo cụ của Trung tâm, cho biết: Tất cả đạo cụ phục vụ Festival được làm mới hoàn toàn. Sớm nhất là các loại trống, vốn được đặt làm ở Tây Sơn từ cả năm trước. Các đạo cụ khác đa phần do họa sĩ Nguyễn Văn Sáu (Nhà hát Tuồng Đào Tấn) đảm nhận.

“Trước khi làm một loại đạo cụ nào, tôi vẽ mẫu mã, rồi đưa cho Tổng đạo diễn xem. Tổng đạo diễn đồng ý, tôi mới tiến hành”- anh Sáu cho biết. Với những đạo cụ chưa từng làm và cũng không sẵn mẫu mã, anh Sáu phải mất nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu về thời Tây Sơn, tham khảo những văn vật cất giữ trong các bảo tàng, rồi mới vẽ mẫu. Chẳng hạn, từ trước đến nay, chân kê của trống chiến thường thấp, nhưng Ban Tổ chức Festival lại yêu cầu chân trống cao để có thể đánh trong tư thế đứng thẳng. Hay để làm những chiếc quạt lông, sau một thời gian nghiên cứu, anh Sáu cho “ra lò” những cây quạt cán dài 1 mét, cánh rộng 70 cm. Mừng vì làm được quạt theo đúng yêu cầu, nhưng anh Sáu lại… lỗ nặng vì giá thành của quạt khá cao so với báo giá. “Coi như góp chút gì cho Festival” - anh Sáu nói. Hiện anh Sáu đang cố gắng hoàn thành những lu Chăm theo đặt hàng của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định để phục vụ cho những tiết mục hát, múa Chăm.

Với nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, việc nhận viết chữ trên các lá cờ đại là một “trọng trách” thiêng liêng. Hai lá cờ đại nền đỏ, chiều ngang hơn 2m, dài hơn 3m, bên trong là những chữ Hán sắc sảo: “Nghĩa”, “Quang Trung Hoàng đế”; cùng một tấm phướn lớn với chữ “Tây Sơn nghĩa khí”. Ông Liễn hóm hỉnh: “Tôi phải tập thể dục mấy ngày để gân cốt dẻo dai, với hy vọng viết ra được những nét chữ như ý”.

Để tạo sự lung linh, huyền diệu trong đêm hoa đăng tại đầm Thị Nại, chị Hằng đã trực tiếp liên hệ với Trung tâm Festival Huế để xin mẫu. Dự kiến, sẽ có 2.000 hoa đăng thả trên đầm và 1.500 nến phát cho khách đi dự hội.

* Lộng lẫy phục trang

Phần phục trang biểu diễn do Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh đảm trách chủ yếu là trang phục cho nghĩa quân Tây Sơn và cho một số tiết mục múa. Bên cạnh những trang phục sẵn có, Trung tâm còn thuê và may mới. “Trang phục lần này tinh tươm và sang trọng hơn những lễ hội trước. Vải may trang phục là loại tốt, màu sắc đẹp, kiểu dáng đa dạng” - chị Hằng cho biết.

Phục trang cho nghĩa quân Tây Sơn có hai loại chủ đạo: đồ bà ba nâu xám cho giai đoạn tiền khởi nghĩa và đồ nghĩa quân màu đỏ viền vàng khi xung trận. Ngoài ra, còn có những bộ bà ba màu cam, tím, xanh cho phụ nữ; áo dài màu hồng đào hay vàng mặc khi cầm những cành mai, đào. Bên cạnh đó, còn có đồ công nhân, đồ âu trắng cho tầng lớp trí thức và các bộ váy có hình sóng biển để thể hiện màu xanh của biển Quy Nhơn.

Trang phục cho Hoàng đế Quang Trung và các văn thần, võ  tướng nhà Tây Sơn sẽ sử dụng phục trang của Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Trung tâm chỉ may thêm 30 bộ đồ võ tướng, theo mẫu của Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Chị Hằng cho biết: “Mỗi loại trang phục biểu diễn có một ước lệ riêng. Vì vậy, khi may mới, chúng tôi luôn đặt lên đầu mục tiêu giống với mẫu của Nhà hát. Dù vậy, một số vẫn được biến tấu cho phù hợp với phông nền và các loại phục trang khác trong các màn trình diễn”.

Ngoài các trang phục và đạo cụ do Trung tâm Văn hóa Thông tin Bình Định đảm trách, Công ty THH Mỹ Phát (TP. Hồ Chí Minh) sẽ mang đến Festival nhiều loại trang phục mới như quần áo tiên nữ; trang phục tượng trưng cho sắc màu của đất, rừng, nước; các loại que hoa cà, hoa cải…

Hiện khâu chuẩn bị phục trang và đạo cụ đang đi vào giai đoạn hoàn tất, hứa hẹn sẽ làm cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 thêm phần lộng lẫy, hoành tráng.

  • Ngọc Tú
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Truyền hình trực tiếp Festival trên VTV1 và VTV3  (17/07/2008)
Thêm một sản phẩm lưu niệm về Quang Trung trong Festival  (16/07/2008)
Thu đĩa CD ca nhạc phục vụ Festival  (16/07/2008)
Một điểm nhấn của Festival Tây Sơn-Bình Định   (15/07/2008)
Cơ bản về đích  (15/07/2008)
Góp ý Festival Tây Sơn - Bình Định 2008   (15/07/2008)
Sống lại những làng nghề  (13/07/2008)
Festival Tây Sơn - Bình Định 2008: Cho những dòng sông đều chảy   (11/07/2008)
Tích cực chuẩn bị đón Festival  (10/07/2008)
Rực sáng chủ nghĩa anh hùng và truyền thống văn hiến   (10/07/2008)
Tiến hành tuyên truyền cổ động trực quan trong toàn tỉnh về Festival  (08/07/2008)
Phát động hưởng ứng Festival Tây Sơn-Bình Định 2008  (08/07/2008)
Hội tụ hương sắc quê nhà  (05/07/2008)
Ngành Du lịch tất bật đón Festival  (05/07/2008)
Ngành Du lịch tất bật đón Festival  (05/07/2008)