Ai về Bình Định mà coi…
8:59', 23/7/ 2008 (GMT+7)

Bình Định hôm nay gắn liền với danh xưng miền đất Võ, với Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ, với bánh ít lá gai, với dừa Tam Quan nổi tiếng. Vùng đất của bao chiến công lẫy lừng, với cái nôi nghệ thuật tuồng, mảnh đất địa linh nhân kiệt này đã từng sinh ra những nhà thơ lớn (Hàn Mặc tử, Xuân Diệu, Yến Lan…). Và Bình Định cũng là nơi giao thoa giữa các nền văn hóa tạo nên nét đặc trưng về lịch sử của một vùng đất. Về Bình Định là để tìm lại, để hòa nhập, để hưởng ứng và để ngợi ca về miền “đất võ trời văn”.

 

                                        Trên cầu Thị Nại-Quy Nhơn.

 
Rạng rỡ quê hương

Vương triều Tây Sơn tồn tại cách nay 200 năm với chiến công hiển hách, làm tan rã các tập đoàn phong kiến thối nát vua Lê, chúa Trịnh, đánh tan 29 vạn quân Thanh... mà việc nghiên cứu đến nay vẫn còn nhiều dấu hỏi. Chạm vào triều đại Tây Sơn là chạm vào những bí ẩn chưa được giải mã.

Không gian mênh mông của đất Bình Định hiện lên thấp thoáng những tháp Chàm trầm mặc. Những cái tên thân thuộc bởi nó tạo nên nhiều giá trị: Tháp Dương Long, Tháp Bánh Ít gắn với sản vật Bình Định, tháp Đôi đứng cạnh cầu Đôi là cửa ngõ Quy Nhơn một thời với câu ca nổi tiếng "Cầu Đôi đứng cạnh tháp Đôi/Vật vô tri cũng thế huống chi tôi với nàng". Dưới lòng đất các nhà khảo cổ đang khai quật thành Hoàng Đế chồng chất lên nền cũ thành Đồ Bàn, tháp Chăm với những sản vật quí giá: Phù điêu rắn Naga, bộ Linga và yoni… với những nghệ thuật điêu khắc Champa có thể trở thành di sản văn hóa thế giới.

Đi dưới hàng dừa xanh mát rượi của Tam Quan vào mới ngỡ ngàng trước câu hát: “Về Tam Quan qua hàng dừa xanh, mới hiểu quê ta sao không còn nắng”. Chạy qua những làng nghề thảm xơ dừa, bánh tráng nước dừa, bánh dây (bánh tro), bánh ít lá gai, nem Chợ Huyện đến bún Song Thằn nổi tiếng và làng nón Gò Găng duyên dáng… mới thấy truyền thống làng nghề phong phú của vùng đất Bình Định.

Con người Bình Định cần mẫn, chất phác ngàn đời để tôn tạo nên giá trị vùng đất. Sẽ là may mắn cho những ai đến Bình Định nhân dịp Festival, bởi trong chương trình ẩm thực tất cả những đặc sản của người dân vùng đất Võ này. Quí khách có thể nghe âm thanh lốp rốp trong bàn tiệc từ chiếc bánh tráng nướng, đến món nem chợ Huyện thơm ngon. Truyền rằng, khi vua Quang Trung hành quân thần tốc ra Thăng Long tiêu diệt quân nhà Thanh chiếc bánh tráng Bình Định là loại lương khô "cơ động" nhất.  Bánh tráng Bình Định hôm nay có cả hương dừa Tam Quan một thời nổi tiếng với câu ca: “Công đâu công uổng công thừa/ công đâu xách nước tưới dừa Tam Quan”. Hay những món bánh dây, bánh ít lá gai; món bún cá, bún tôm, bún quẩy…

Về thăm miền đất Võ, du khách không thể không ghé thăm các làng võ. Trong đó, làng võ An Thái khá nhiều đặc sắc. Nơi đây, ngày trước cứ đến ngày Rằm tháng 7 lại diễn ra Hội đổ giàn. Các võ sĩ thuộc nhiều võ đường trong vùng tập hợp về bến sông An Thái để tham gia tranh con heo quay danh dự. Chẳng hiểu vô tình hay cố ý mà làng võ An Thái nằm gần làng rượu Bàu Đá danh tiếng.

Quy Nhơn, thành phố của thi ca

Còn vài ngày nữa là tưng bừng diễn ra Festival Tây Sơn-Bình Định 2008, trên những con phố, con đường TP Quy Nhơn đang được sửa sang lại. Con đường Xuân Diệu chạy dọc bờ biển là con đường mới mở cũng đang "đẹp dần trong mắt ai". Ban đêm (nhất là đêm có trăng) mọi người có thể dạo mát, ngắm trăng lên lấp lánh trên mặt biển.

Quy Nhơn, TP biển không ầm ào như những con sóng tan vào ghành đá, nhưng nét vẫy bút của đất trời xuất thần cho Quy Nhơn một bãi tắm Hoàng Hậu bên cạnh đồi thi nhân, nơi có mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử. Sự tương tác giữa con người và đất trời là cái hữu duyên làm nên một Quy Nhơn lãng mạn, Quy Nhơn của biển, của trang và thơ...

Tháng 8, Quy Nhơn chuẩn bị tiếp đón không khí dịu dàng mùa thu. Những ngọn nồm cần mẫn thổi từ biển lên..., rồi một chiều hanh nắng và bất chợt cơn mưa cuối hạ. Có thể cơn mưa ào ạt, có thể là những giọt mưa chưa đủ làm ướt áo những thiếu nữ nhưng cũng níu chân chàng trai ngồi lì trong quán cafe. Thu Quy Nhơn thân thương và đẹp.

Festival Tây Sơn-Bình Định đang đến gần. Bình Định đang chuẩn bị cho lễ hội, Quy Nhơn đang rạo rực chào đón và "Ai về Bình Định mà coi...".

  • Ngọc Oanh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hai đoàn nghệ thuật quốc tế tham dự Festival  (20/07/2008)
“Nóng” trên các sân tập  (19/07/2008)
Để Festival thêm phần lộng lẫy…  (17/07/2008)
Truyền hình trực tiếp Festival trên VTV1 và VTV3  (18/07/2008)
Thêm một sản phẩm lưu niệm về Quang Trung trong Festival  (16/07/2008)
Thu đĩa CD ca nhạc phục vụ Festival  (16/07/2008)
Một điểm nhấn của Festival Tây Sơn-Bình Định   (15/07/2008)
Cơ bản về đích  (15/07/2008)
Góp ý Festival Tây Sơn - Bình Định 2008   (15/07/2008)
Sống lại những làng nghề  (13/07/2008)
Festival Tây Sơn - Bình Định 2008: Cho những dòng sông đều chảy   (11/07/2008)
Tích cực chuẩn bị đón Festival  (10/07/2008)
Rực sáng chủ nghĩa anh hùng và truyền thống văn hiến   (10/07/2008)
Tiến hành tuyên truyền cổ động trực quan trong toàn tỉnh về Festival  (08/07/2008)
Phát động hưởng ứng Festival Tây Sơn-Bình Định 2008  (08/07/2008)