Với mong muốn truyền tải tình cảm và tiếp sức cho những nghệ sĩ tuồng, Hoa hậu Mai Phương Thúy vừa chọn phụ nữ và tuồng là chủ đề chính cho cuốn sách ảnh của mình. Một cuộc triển lãm những bức ảnh trong sách cũng được tổ chức nhân Festival Tây Sơn - Bình Định (1-3.8).
|
Mai Phương Thúy đầy ấn tượng trên trang bìa cuốn sách "Phụ nữ và Tuồng". |
Hoa hậu Việt Nam 2006 trò chuyện với VnExpress.
- Những người trẻ tuổi thường ít hứng thú với nghệ thuật tuồng. Tại sao chị lại chọn tuồng làm chủ đề cuốn sách của mình?
- Có thể nói tuồng là một loại hình nghệ thuật lâu đời của dân tộc Việt Nam, bản thân tuồng cũng đã kén người diễn và người xem. Ngày nay giới trẻ hình như quay lưng lại với loại hình nghệ thuật của cha ông mình để lại. Chính vì thế, tôi nghĩ mình phải làm một việc gì đó, trước nhất là khơi gợi niềm tin của thế hệ trẻ vào những người đang, đã và sẽ lao động hết mình để nghệ thuật tuồng Việt Nam không bị mai một. Tôi không có nhiều cơ hội để xem tuồng, nhưng thông qua việc triển lãm và phát hành sách Phụ nữ và Tuồng, tôi hiểu được nhiều hơn về loại hình nghệ thuật dân gian lâu đời này.
- Ai đã giúp chị hoàn thành cuốn sách “Phụ nữ và Tuồng”?
- Tôi may mắn khi bên cạnh mình có một số người đồng hành về mọi mặt. Để có được triển lãm và cuốn sách này, không thể thiếu những cái tên như nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồng Nga, Lê Thanh Hải, Lý Võ Phú Hưng, nhà thiết kế Việt Hùng, Ban tổ chức Festival Tây Sơn - Bình Định, và đặc biệt là sự giúp đỡ của đạo diễn Lê Quý Dương.
- Thực hiện cuốn sách, ngoài việc đem đến sự độc đáo mới lạ, chị còn có mục đích nào?
- Tuồng tồn tại qua nhiều thế hệ. Sự độc đáo thì không thiếu nhưng tạo sự mới lạ để thể hiện là một việc không hề dễ. Tôi hy vọng nhận được sự ủng hộ và góp ý để có thể làm tốt hơn nữa những công việc khác sau này. Về ý nghĩa, tôi mong muốn giới thiệu loại hình nghệ thuật tuồng tới không chỉ với người Việt Nam mà tới cả các bạn bè quốc tế đến tham dự Festival Bình Định. Tôi hy vọng thông qua cuốn sách này nhận được sự ủng hộ về tinh thần cũng như vật chất cho những nghệ sĩ tuồng gặp khó khăn trong cuộc sống.
- Cảm xúc của chị khi thực hiện cuốn sách?
|
Mai Phương Thúy mong muốn giới thiệu những nét văn hóa cổ Việt Nam giao thoa cùng văn hóa mới. |
- Tôi luôn cảm thấy rất lo lắng, nôn nao vì sự chuẩn bị khá gấp rút.
- Trong cuốn sách này, Mai Phương Thúy xuất hiện ra sao?
- Cuốn sách được chia làm ba phần chính. Phần đầu tái hiện những vở tuồng, những vai diễn vang bóng một thời. Tôi nghĩ mình khó có khả năng để chuyển tải được thông điệp đó nên đã mượn nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồng Nga bộ sưu tập ảnh những nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú khắp ba miền Bắc - Trung - Nam trong các vai diễn.
Phần hai là những bức chân dung Mai Phương Thúy được nhiếp ảnh gia Lý Võ Phú Hưng ghi lại, lấy ý tưởng từ hơn 100 mẫu mặt nạ để thể hiện nét cũ và nét mới đan xen, nét xưa và nét nay giao thoa, cái mới thăng hoa trên nền nghệ thuật hóa trang mặt nạ tuồng truyền thống.
Phần ba là những bức ảnh mang tính nghệ thuật cao của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Thanh Hải về áo dài Việt Nam, lấy ý tưởng từ những bộ trang phục tuồng truyền thống. Xuyên suốt cuốn sách là hình ảnh mặt nạ tuồng, nét đặc trưng của loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này. Cuốn sách dày khoảng 200 trang trong đó có gần 120 bức hình của tôi.
- Ai là người đã giúp Mai Phương Thúy “diễn” tuồng?
- Trong cuốn sách này, nhà thiết kế Nguyễn Việt Hùng là người lo trang phục và trang điểm cho tôi. Anh ấy có mặt trong mọi hoạt động của tôi từ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Thế giới và đến tận bây giờ.
- Cuốn sách thực hiện trong khoảng thời gian chị đóng phim “Âm tính”. Điều này gây cho chị những khó khăn gì?
- Thật sự, khoảng thời gian tham gia đóng phim Âm tính, tôi phải dời lại rất nhiều dự định. Để cho ra đời cuốn sách đòi hỏi sự chuẩn bị công phu về công sức và vật chất này, tôi phải chạy đua với thời gian. Chúng tôi trao đổi ý tưởng, chụp ảnh và thực hiện sách chỉ trong vòng gần 3 tháng.
Tôi cảm thấy khá hài lòng vì mình đã cố gắng thật nhiều để có thể làm tốt một lúc hai công việc.
- Thời gian qua, dư luận xôn xao về đoạn clip “Mai Phương Thúy đánh nhau” tung ra trên You Tube. Thực hư chuyện này ra sao?
- Không chỉ trong thời gian này, mà trước kia cũng vậy, tôi nghĩ chắc mọi người dành cho Mai Phương Thúy sự ưu ái khi đưa lên mạng những hình ảnh được ghi lại từ bộ phim Âm tính mà tôi đang tham gia. Có lẽ là do để làm “nóng” vấn đề nên có những cái tít hơi sốc chăng (cười).
- Đóng phim, ra sách, hóa thân vào những vai tuồng..., Mai Phương Thúy đang chứng minh điều gì vậy?
- Những lĩnh vực trên đều không phải là cái tài mà tôi đang vươn đến. Điều mà tôi đang cố chứng minh là: Mai Phương Thúy là một người có sức khỏe, nhân cách, tri thức và lòng trắc ẩn. Cũng không thể phủ nhận trình diễn thời trang, dẫn chương trình, đóng phim, phát hành sách và ca hát… đã giúp tôi làm được nhiều điều mà tôi đang mong muốn. Còn để trở thành một diễn viên tuồng thực thụ không phải là vấn đề đơn giản, tôi nghĩ mình không có nhiều thời gian để phấn đấu.
- Để giới thiệu cuốn sách “Phụ nữ và Tuồng”, chị có những hoạt động gì tại Festival Bình Định?
- Tôi sẽ có mặt tại Bình Định từ ngày 25.7 để chuẩn bị và vận động cho cuộc triển lãm này, mặc dù đến 1.8 mới khai mạc triển lãm. Trong suốt thời gian trưng bày ảnh, tôi sẽ có mặt ở đó thường xuyên để giới thiệu, giao lưu với du khách tham dự Festival Tây Sơn - Bình Định. Hy vọng qua triển lãm, người dân trong nước và khách quốc tế sẽ biết nhiều hơn về loại hình nghệ thuật dân gian này.
|
Miss Việt Nam 2006 mong muốn hướng tới cái đẹp mang hồn dân tộc. |
- Tại sao chị lại lựa chọn tổ chức triển lãm ảnh tại Bình Định trong khuôn khổ Festival?
- Bình Định là cái nôi của nghệ thuật tuồng, quê hương Đào Tấn. Đồng thời, tôi cũng muốn tận dụng cơ hội khi có nhiều du khách đến tham dự Festival. Và cũng không phủ nhận cái duyên mà tôi có được với Ban tổ chức Festival Tây Sơn - Bình Định.
- Những dự định của chị trong tương lai, sau khi trao lại vương miện cho Hoa hậu Việt Nam 2008 vào tháng 8?
- Tương lai là một vấn đề lâu dài đòi hỏi sự phấn đấu và khổ luyện nên tôi không dám nói trước, chỉ biết làm sao để năm sau tôi tốt nghiệp đại học loại giỏi, không phụ lại lòng tin của ông bà, mẹ và em gái cũng như suất học bổng toàn phần mà Rmit đã trao cho tôi từ trước khi đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2006.
Sau đó, tôi sẽ đến Mỹ để học tiếp cao học về chuyên ngành thương mại và tìm kiếm thêm một học bổng nữa cho ngành xã hội học mà tôi đã yêu thích hơn từ khi trở thành Hoa hậu. Một số công việc trong thời gian tới tại Mỹ cũng được tôi lên kế hoạch và chuẩn bị. Bên cạnh đó, tôi vẫn duy trì và phát triển thật tốt những hoạt động xã hội và từ thiện hay văn hóa nghệ thuật mà tôi đã làm trong suốt thời gian qua.
. Theo VnExpress
Cũng nhân Festival Tây Sơn - Bình Định, lần đầu tiên cuộc thi “Hoa hậu những miền đất võ” được tổ chức, nhằm tôn vinh vẻ đẹp trí lực và thần khí của người phụ nữ hiện đại.
Đêm chung kết được tổ chức vào ngày 3.8 tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Các thí sinh sẽ biểu diễn trang phục truyền thống dân tộc, trang phục võ thuật cách điệu và quyền thuật tự chọn. Thông qua đó, Hội đồng giám khảo sẽ chọn ra 10 người đẹp của những miền đất Võ. Các thí sinh tiếp tục phần ứng xử để chọn ra các danh hiệu Hoa hậu, Á hậu 1, Á hậu 2, và các danh hiệu khác như Hoa hậu Nhân ái, Hoa hậu Tài năng, Hoa hậu Báo chí, Hoa hậu Du lịch, Hoa hậu Võ thuật… |
|