Sáng 27.7, Liên hoan Sinh vật cảnh (SVC) Bình Định lần thứ 5, một trong những hoạt động chính của Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, đã khai mạc tại Công viên Eo biển Quy Nhơn (phía bắc Công viên Thiếu nhi, đường An Dương Vương). 50 gian hàng trong liên hoan là 50 sắc màu và ở đó, ta như lạc trong một “đại tiệc” hoa.
|
Cây duối dáng bay có tuổi thọ 220 năm của một nghệ nhân Bình Định. Ảnh: Văn Lưu
|
* Một liên hoan SVC hoành tráng
Có thể nói, đây là lần đầu tiên Bình Định tổ chức một liên hoan SVC quy mô, hội tụ được nhiều địa phương tham gia đến vậy. Nhiều tác phẩm SVC độc đáo, có giá trị nghệ thuật và giá trị kinh tế cao, từ các loại cây cảnh nghệ thuật, các loài hoa, bonsai, non bộ; đến chim - cá cảnh, đá cảnh, gỗ lũa, gỗ điêu khắc; rồi gốm sứ, thư pháp, chọi gà... được giới thiệu tại Liên hoan.
Góp mặt tại Liên hoan, có 30 gian hàng của các nghệ nhân SVC trong tỉnh và 20 gian hàng đến từ những địa phương có phong trào SVC phát triển mạnh trong cả nước, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Phú Yên, Nghệ An, Khánh Hòa, Nam Định, Quảng Ngãi, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Bình Thuận, Quảng Nam, Hà Tây, Bình Dương, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang... Bên cạnh các hoạt động như triển lãm, trưng bày, hội thi các sản phẩm SVC tiêu biểu, độc đáo, quý hiếm, có chất lượng cao, trong khuôn khổ Liên hoan còn có một hội thảo xoay quanh các vấn đề về thị trường tiêu thụ SVC, tạo nguồn nhân lực cho SVC và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất SVC đặng mở ra hướng phát triển mới cho hoạt động SVC cả nước...
Ngay trong ngày khai mạc, hàng ngàn người dân đã đổ về liên hoan, để thưởng lãm những nét tinh hoa của các nghệ nhân và những tác phẩm mang đậm hương sắc quê nhà hội tụ. Mỗi người một sở thích, những người cao niên chú tâm đến cây cảnh nghệ thuật, bonsai, đá cảnh, gỗ lũa; những người trẻ thì thích thú với các nội dung thi đá gà diễn ra vào 16 giờ các buổi chiều; còn cánh phụ nữ dường như lại chú ý nhiều hơn đến các loài hoa, cá cảnh... Nhưng dù là đối tượng nào, họ cũng đã có những giây phút thưởng lãm bất ngờ, những khám phá thú vị trước các tác phẩm được nuôi dưỡng công phu, mang đậm dấu ấn tài hoa của các nghệ nhân.
|
Cây sanh có tuổi thọ trên 100 năm của một nghệ nhân Bình Định. Ảnh: Văn Lưu
|
Bác Trần Văn Nhẫn (TP .Quy Nhơn) cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi thấy một liên hoan SVC có tầm cỡ như thế này, hội tụ được nhiều địa phương với nhiều tác phẩm, sản phẩm nghệ thuật đặc sắc. Có nhiều tác phẩm tôi xem đi, xem lại vẫn không thấy chán”.
* Dồn tinh hoa về đất Võ
Là chủ nhà, Hội SVC Bình Định mang đến Liên hoan nhiều tác phẩm độc đáo, đã được tuyển từ các huyện, thành phố và các chi hội trực thuộc. Bên cạnh đó, còn có hàng chục tác phẩm đặc sắc, có giá trị nghệ thuật cao, lâu nay vẫn “ém hàng”, nay mới được đưa ra trưng bày. Ấn tượng nhất là những cây sanh cổ thụ trên 100 năm, cây duối (dúi) dáng bay trên 200 năm được trưng bày trước khuôn viên ngôi nhà lá mái truyền thống.
Bước vào gian trưng bày của Hội SVC Hà Nội, đập vào mắt du khách là câu khẩu hiệu: “Dồn hết tinh hoa về đất Võ”. Cũng có lẽ do vậy mà Hà Nội đã không những mang đến Liên hoan những cây “sanh đại thụ” bám đá, “đa Tân Trào”… vốn được xem là những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, được các nghệ nhân tên tuổi lâu nay nhắc đến, mà còn trưng bày nhiều tác phẩm tranh nghệ thuật bằng đá quý khá đặc sắc.
|
Nghệ nhân người Chăm ở Bình Thuận biểu diễn làm gốm. Ảnh: Văn Lưu
|
Ở những liên hoan SVC trước đây, Hội SVC Lâm Đồng thường trưng bày các loài hoa, trong đó có các cụm hoa lan quý hiếm; thì ở liên hoan này, Lâm Đồng mang đến một sắc thái riêng của cao nguyên, với những chậu bonsai tùng, thông khá lạ mắt, trong đó, có nhiều giống cây thông quý nằm trong danh mục sách đỏ Việt Nam.
Các tỉnh, thành phố khác như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên, Nghệ An... mang về đất Võ những tác phẩm nghệ thuật đá cảnh xuất sắc và độc đáo, được sưu tầm, tuyển chọn khá công phu. Mỗi tác phẩm của mỗi địa phương mang một nét riêng, nhưng tất cả đều được thăng hoa qua ánh mắt và bàn tay của các nghệ nhân, hiển hiện trên từng vân đá, thế đá. Mỗi tác phẩm mang tải một ý nghĩa, mà nếu có thời gian để chiêm nghiệm, hẳn chúng ta sẽ “đọc” ra nhiều điều từ cái vô ngôn của đá.
Tại Liên hoan Sinh vật cảnh Bình Định lần thứ 5, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam (VIETBOOKS) đã trao Cúp và bằng chứng nhận xác lập kỷ lục cho tác phẩm: lò đúc bánh xèo, bánh căn và cụm tháp Chàm (ba tháp) lớn nhất Việt Nam của họa sĩ Nhất Chi Lan (tỉnh Bình Thuận). |
Nét đặc sắc mà Bình Thuận đem đến Liên hoan là khoảng 500 tác phẩm gốm Chăm. Điều đặc biệt hơn, tại gian trưng bày, các nghệ nhân Chăm còn trực tiếp làm các sản phẩm gốm, nhằm giúp khách tham quan có dịp tìm hiểu thêm về kỹ thuật và những nét đặc trưng của một dòng gốm truyền thống.
TP. Hồ Chí Minh bên cạnh việc trưng bày bonsai các loại, như: sanh, sung, si, sộp, mai chiếu thủy, kim quýt, tùng la hán... còn nổi bật bởi một gian hàng với trên 20 loại hoa lan khác nhau. Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh còn giới thiệu với những người yêu SVC một địa chỉ đào tạo nghệ thuật bonsai là Trường Nghệ thuật Bonsai Thành Tâm (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) và bày bán nhiều sách hướng dẫn chăm sóc và tạo dáng, thế cho cây cảnh...
Ông Đồng Văn Khiêm, Phó Chủ tịch Hội SVC TP. Hồ Chí Minh, nhận xét: “Tôi đã từng tham gia nhiều liên hoan SVC, nhưng một địa phương như Bình Định mà tổ chức được một liên hoan SVC như thế này là quá quy mô. Liên hoan cho thấy, phong trào SVC ở Bình Định đã phát triển tốt, từ đó, đã tập hợp được nhiều nghệ nhân, tác phẩm có giá trị tham gia Liên hoan”.
|