Bình Định là nơi hội tụ, kế thừa và phát huy tuyệt đỉnh những giá trị đích thực, tinh hoa của nền võ học chân truyền Việt Nam. Trong suốt gần 600 năm (từ giữa cuối thế kỷ XV), trên vùng đất này, các thế hệ đã nối tiếp nhau bồi đắp, kiến lập nên diện mạo văn hóa đặc trưng và truyền thống thượng võ oai hùng.
|
Một lớp học võ ở TP Quy Nhơn. Ảnh: Văn Lưu
|
* Từ cuộc hội tụ lịch sử
Đặc sắc nhất của võ Bình Định có lẽ vẫn là các phép đánh “cộng lực”, các môn binh khí “đánh nghịch” (tiêu biểu có ngọn roi “tề mi”, còn gọi là “roi chiến” của Thuận Truyền, do gia đình võ sư huyền thoại Hồ Ngạnh truyền tác), hay thuật điểm huyệt, giải huyệt; bí quyết diệt “chúa sơn lâm”; bài “kiếm pháp 12” (ra đời trong thời kỳ chống Pháp, gồm 12 đòn thế tuyệt kỹ, rút tỉa trong các bài kiếm thượng thặng của dân tộc, nhiều phen khiến quân thù khiếp sợ). Ngoài ra, còn có nghệ thuật biểu đạt những tinh túy võ công kết hợp với các nhạc cụ dân tộc, tạo nên võ nhạc Tây Sơn… Những tuyệt tác đó đã thấm sâu vào máu thịt, truyền thụ từ đời này sang đời khác, tạo nên cốt cách và trở thành niềm tự hào của người Bình Định.
Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đã ví võ Bình Định với dòng võ Thiếu Lâm của Trung Hoa, vừa được lập hồ sơ, đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Theo dòng lịch sử, vùng Bình Định xưa, do địa hình cực kỳ hiểm trở, thú dữ hoành hành, nên trong suốt gần 20 năm (1471-1490), nhà Lê chỉ cử các thổ quan là người địa phương cai quản. Những năm sau đó, để ổn định xã hội, một mặt, nhà Lê đưa các võ tướng, võ quan vào trấn giữ; mặt khác, khuyến khích những người gan dạ, giỏi võ từ đàng Ngoài vào khẩn hoang. Sau đó, cả những anh hùng, hào kiệt, võ công uyên thâm, bất mãn với nhà Lê, cũng lần lượt đến vùng này.
Chính cuộc hội tụ lịch sử ấy đã thúc đẩy quá trình phát triển, dựng xây nền tảng của võ cổ truyền dân tộc trên mảnh đất này.
|
Ở Bình Định, nhiều thế hệ đã nối tiếp, bồi đắp và kiến lập nên một truyền thống thượng võ oai hùng. - Trong ảnh: Đồng diễn võ tại Lễ khai mạc Giải vô địch võ thuật Cổ truyền Toàn quốc lần thứ 18, tổ chức tại Bình Định. Ảnh: Văn Lưu
|
* Đến di sản văn hóa độc đáo
Nhiều dòng họ đã mở trường dạy võ và trở thành tiền hiền sáng lập các môn phái, làng võ nổi tiếng sau này. Tiêu biểu, có dòng họ Trương (ông tổ là Trương Đức Thường) từ Hải Dương vào lập nghiệp ở Phù Mỹ, năm đời đều có người thi đậu tiến sĩ võ hoặc cử nhân cả văn lẫn võ. Dòng họ Đinh (ông tổ Đinh Viết Hòe), từ Ninh Bình vào An Nhơn, có con là Đinh Văn Nhưng (thường gọi ông Chảng) là người đã truyền dạy võ cho vua Quang Trung. Tộc họ Trương (ông tổ Trương Văn Hiến), ở Hưng Nguyên (Nghệ An) vào ẩn cư tại An Nhơn, truyền thụ những tuyệt đỉnh võ công và binh pháp cho ba anh em Tây Sơn, cùng hàng loạt võ tướng lừng danh của triều Tây Sơn. Tộc họ Đào (Đào Duy Từ), một đại thần văn võ song toàn của chúa Nguyễn, góp phần biên soạn quyển binh pháp “Hổ tướng khu cơ” để đào tạo tướng sĩ...
Ngoài ra, còn có nhiều võ tướng, võ quan, võ sư kiệt xuất đã đi vào huyền thoại, như: Mai Xuân Thưởng, Võ Văn Doãn (chàng Lía), Trần Thị Quyền (người giết cọp dữ, được Tự Đức sắc phong là “Anh hùng liệt nữ, tiết nghĩa khả phong”), Hồ Triêm, Lê Thị Quỳnh Hà (thân sinh của Hồ Ngạnh), Nguyễn Ngạt, Khiển Phạm, Bảy Lụt, Đinh Hề, Đoàn Phong, Diệp Trường Phát, bà Tám Cảng… cùng biết bao thế hệ nối tiếp nhau, ra sức vun đắp, tạo nên truyền thống văn hóa đặc trưng của miền đất Võ.
Đặc biệt, triều Tây Sơn tuy chỉ tồn tại chưa đầy 1/4 thế kỷ, nhưng đã lập nên những trang sử vàng chói lọi. Nhà Tây Sơn đã dày công nghiên cứu, kế thừa và phát triển toàn diện nền võ học chân truyền, thành một hệ thống liên hoàn, gồm cả võ lý, võ lễ, võ đạo, võ thuật, võ y, võ nhạc… Võ thời Tây Sơn là một chỉnh thể thống nhất, đáp ứng theo từng tình huống cụ thể (lấy ít địch nhiều, chuyển yếu thành mạnh, tay không chống binh khí và tận dụng tối đa thuật điểm huyệt); thích nghi với mọi địa hình. Trong đó, tiêu điểm là chính sách “tịnh vi dân, động vi binh”, khuyến khích “nhà nhà học võ, làng làng luyện võ” và mở trường dạy võ, đăng đàn đấu võ, để khi thanh bình, mọi người đều khỏe mạnh; lúc có ngoại xâm, mọi người là lính thiện chiến. Nhờ vậy, nghĩa quân Tây Sơn không những giỏi thao lược, mà còn điêu luyện võ công, nhuần nhuyễn trong đánh cận chiến, hành quân thần tốc. Đây là thời kỳ phát triển rực rỡ, toàn diện nhất của võ cổ truyền dân tộc.
Võ Bình Định là một di sản văn hóa vô cùng độc đáo, gắn liền với lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc. Mong sao toàn bộ những giá trị đích thực của võ Bình Định sẽ được xếp hạng, bảo tồn, nhằm chấn hưng và lưu truyền cho các thế hệ mai sau.
(Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam)
|