Cuộc hội ngộ của những người “giữ lửa”
7:45', 1/8/ 2008 (GMT+7)

Những ngày diễn ra Liên hoan (LH) Nghệ thuật Tuồng Truyền thống Toàn quốc (từ 25 đến 30.7), Hội trường Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh luôn trong tình trạng quá tải. Trên sân khấu, các nghệ sĩ dốc hết mình cống hiến những màn diễn đặc sắc. Trong khán phòng, khán giả lặng yên dõi theo từng câu hát, vũ đạo. Cả người hát lẫn người nghe đều thả hồn trong một niềm đam mê Tuồng cháy bỏng…

 

Trao giải thưởng Đào Tấn cho các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc trong việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống.

 

* Cơ hội vàng

Có thể nói, LH này là một “cơ hội vàng” của các nghệ sĩ Tuồng toàn quốc. Bởi tại đây, những người đã chọn Tuồng làm nghiệp, có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, thi thố tài năng, rồi lại cùng ngồi với nhau bàn cách chấn hưng nghiệp Tổ. Chưa luận bàn đến việc hay, dở, bản thân cuộc hội ngộ ấy đã là một thành công.

LH đã diễn ra trong không khí giao lưu đầm ấm. Dù vẫn có ban giám khảo, vẫn có giải thưởng, nhưng LH lại giống như một “đại tiệc” của Tuồng Việt, hơn là một cuộc thi thố tài năng. LH đã tạo cơ hội để các nghệ sĩ phô diễn cái hay, cái đẹp của mình; rồi sau đó, đón nhận cái hay, cái đẹp của đoàn bạn.

Góp một phần không nhỏ trong thành công LH là những khán giả đất Tuồng. Không chỉ những bậc cao niên, ngay cánh thanh niên, thậm chí nhiều em nhỏ, cũng đến xem Tuồng. Dù trời đứng bóng hay đã khuya, khán giả vẫn ngồi lại cho đến khi tấm màn sân khấu khép lại.

Nếu Nhà hát Tuồng Đào Tấn mạnh về những động tác mang đậm sắc thái võ, thì Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh lại tốt về văn; Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế mang chút hơi hướng của nhã nhạc cung đình; còn Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP. Hồ Chí Minh hấp dẫn bởi những trang phục, vũ đạo đẹp; còn Đoàn Tuồng Thanh Hóa được khen ngợi nhiều vì đã giữ được nguyên phong cách Tuồng Liên khu V…  Dù có khác biệt theo phong cách vùng miền, thì điều đáng quý nhất là tất cả các đoàn vẫn giữ được những bài bản của Tuồng truyền thống.

Điều đáng trân trọng khác tại LH này là sự xuất hiện của nhiều nghệ sĩ trẻ. Tuồng truyền thống vốn khó ca, khó diễn, vậy mà những người trẻ ấy vẫn diễn một cách đầy tự tin và phần nào làm hài lòng những người truyền dạy. Họ có thể là những tài năng trẻ như Văn Quang (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), Thanh Trang (Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP. Hồ Chí Minh), Hương Mơ (Nhà hát Tuồng Việt Nam), hoặc những gương mặt mới toanh vừa ra nghề. Với họ, LH là cơ hội quý để học hỏi và làm giàu vốn nghề. Các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP. Hồ Chí Minh rất ấn tượng với lối diễn xuất chậm rãi, sâu lắng, cách hát nhấn nhá, tạo nhiều xúc cảm với khán giả của các đoàn Tuồng miền Trung. Trong khi đồng nghiệp miền Trung lại thán phục độ nhạy và sự phô diễn vũ đạo của các bạn ở miền Nam.

 

Cảnh trong vở “Diễn Võ Đình” của Nhà hát Tuồng Đào Tấn.

 

* Và những vấn đề bức xúc

LH lần này cũng đã phản ánh một cách đầy đủ và trung thực nhất thực lực của Tuồng truyền thống, với cả những ưu và khuyết. Những người có tâm huyết với loại hình nghệ thuật này tỏ ra đau lòng khi nhận thấy sự chắp vá, lắp ghép trong các vở diễn, mà một trong những nguyên nhân chính là do thiếu đội ngũ tác giả, đạo diễn tài năng. Một vài trích đoạn trong các vở diễn tham dự LH được dàn dựng với chủ ý phô diễn tài năng diễn viên để lấy huy chương, nên vô tình đã đi xa truyền thống. Lớp nghệ sĩ trẻ, tuy nhiệt huyết, nhưng đa số còn “non nghề”. Một vài diễn viên do chú trọng đến vũ đạo nên xem nhẹ phần hát… LH cũng đặt ra hàng loạt vấn đề bức xúc hiện nay của Tuồng, như kinh phí đầu tư cho việc phục dựng Tuồng, việc truyền dạy nghề của các nghệ nhân và công tác đào tạo lớp kế cận.

Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn cho rằng: nếu thực lực hiện nay của Tuồng không được nâng lên, thì đến một lúc nào đó, Tuồng sẽ không thể tồn tại. Nhiều người cũng nói đến việc nên đưa giá trị nghệ thuật Tuồng truyền thống vào “sách đỏ”. Ngay sau LH, đã diễn ra một hội thảo nhằm đánh giá về nghệ thuật Tuồng truyền thống. Các ý kiến tham luận đều là những lời tâm huyết, dù những vấn đề nêu ra không thật sự mới. Vấn đề còn lại là sự xắn tay, chung sức của những người có trách nhiệm và các thành viên “gia đình” Tuồng.

  • Ngọc Tú
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những mốc son chói lọi của miền đất Võ  (01/08/2008)
Khi hoa hậu “tiếp thị” Tuồng  (29/07/2008)
Khai mạc Giải vô địch võ thuật cổ truyền toàn quốc lần thứ XVIII - năm 2008   (29/07/2008)
Vị quê hương trên đầu lưỡi  (29/07/2008)
Trên 400 gian hàng của các đơn vị trong và ngoài tỉnh tham gia   (28/07/2008)
Trên 400 gian hàng của các đơn vị trong và ngoài tỉnh tham gia   (28/07/2008)
20 thí sinh được chọn vào vòng chung kết  (28/07/2008)
Khai mạc Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật Dân gian Truyền thống Việt Nam  (28/07/2008)
CÁC HOẠT ĐỘNG TẠI FESTIVAL TÂY SƠN - BÌNH ĐỊNH 2008 (TỪ 30.7 ĐẾN 3.8)   (29/07/2008)
Đi trong một “đại tiệc” hoa  (28/07/2008)
Khai mạc Liên hoan Sinh vật cảnh lần thứ 5  (27/07/2008)
Thời sự Festival Tây Sơn - Bình Định 2008  (26/07/2008)
Tăng cường bảo vệ ANTT tại Festival Tây Sơn - Bình Định   (26/07/2008)
Bánh tráng nước dừa kỷ lục Việt Nam   (25/07/2008)
Đi tìm người đẹp thượng võ   (25/07/2008)