Tối nay (1.8), Festival Tây Sơn - Bình Định năm 2008, Festival của “Hội tụ và phát triển” lần đầu tiên được tỉnh tổ chức, sẽ chính thức khai mạc tại Quảng trường trước Trung tâm Thương mại TP. Quy Nhơn với một chương trình lễ hội hoành tráng và đặc sắc. Đây sẽ là thời khắc òa vỡ, nổ bung những hân hoan của lòng người, vốn đã được sống trong không khí của nhiều hoạt động Festival diễn ra từ những ngày trước đó.
|
Hoa viên Tượng đài Quang Trung (Quy Nhơn) trong những ngày Festival. Ảnh: Đào Tiến Đạt
|
* Phố rợp cờ hoa, lòng người mở hội
TP. Quy Nhơn những ngày diễn ra Festival thật tươi sáng. Đâu đâu cũng đều “nhuộm” màu lễ hội, với những băng rôn, phướn, cờ hoa… quảng bá hình ảnh của Bình Định và Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 với chủ đề “Hội tụ và phát triển”.
Để chuẩn bị cho Festival, từ nhiều tháng qua, tỉnh đã đầu tư kinh phí hàng trăm tỉ đồng xây dựng cơ sở vật chất, chỉnh trang đô thị, nâng cấp nhiều công trình thể thao, du lịch. Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh với hệ thống trang thiết bị hiện đại đã đưa vào sử dụng với hoạt động “mở hàng” là Liên hoan Nghệ thuật Tuồng Truyền thống Toàn quốc; Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, Hoa viên Quang Trung, Hồ phun nước nghệ thuật… với kiến trúc độc đáo, giàu tính mỹ thuật, đêm đêm thu hút hàng ngàn người dân đến thưởng lãm.
Công viên Di tích Văn hóa Tháp Đôi được xây dựng; Mộ nhà thơ Hàn Mạc Tử được nâng cấp; Công viên Xanh Đống Đa được đầu tư, cũng đã tạo thêm những điểm nhấn cho không gian phố thị. Ấn tượng nhất vẫn là tuyến đường Xuân Diệu được hoàn thiện, mang đến cho thành phố một vẻ đẹp phố biển nên thơ mà bất cứ ai đi ngang qua cũng trầm trồ xúc cảm. Rồi các tuyến đường phố chính của thành phố đã được lát gạch block vỉa hè, hệ thống đèn trang trí phục vụ Festival được lắp đặt tại từng gốc cây, bồn hoa, dải phân cách giao thông; vệ sinh đường phố được dọn dẹp, phong quang…
Tại Tây Sơn, Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân cũng đã khánh thành; Bảo tàng Quang Trung đã được chỉnh trang đẹp hơn với việc xây dựng các hạng mục như cầu đi bộ, lát sân nhà khách, nhà làm việc, lát đá đường trục chính, lắp đặt hệ thống điện và điện chiếu sáng Tượng đài Quang Trung, trồng hoa, thảm cỏ trang trí…
Chị Nguyễn Thị Hiền, 48 tuổi, công nhân Công ty Môi trường Đô thị Quy Nhơn, đại diện cho vài trăm công nhân đang ngày đêm miệt mài làm đẹp và giữ sạch đường phố, tâm sự: “Chúng tôi phải làm việc gấp đôi so với những ngày thường, nhưng cảm thấy rất vui vì mình đang làm được một việc rất có ý nghĩa, góp phần quảng bá về TP. Quy Nhơn xanh - sạch - đẹp trong lòng du khách tham dự Festival…”.
Trước đêm khai mạc chính thức, TP. Quy Nhơn và huyện Tây Sơn đã rộn ràng với những hoạt động của Liên hoan Nghệ thuật Tuồng Truyền thống Toàn quốc; Giải Vô địch Võ Cổ truyền Toàn quốc; Vòng bán kết Cuộc thi Hoa hậu những miền đất Võ; Liên hoan Sinh vật cảnh; Hội Làng nghề Truyền thống và Ẩm thực, các trò chơi dân gian… Chưa nói đến quy mô, hoạt động nào trong số này cũng thể hiện được những nét đặc sắc, hấp dẫn của một ngày hội lớn nhất từ trước đến nay trên miền đất Võ. Nguyễn Chí Hiếu, một du học sinh quê ở Bình Định đang làm nghiên cứu sinh tại Mỹ, bay nửa vòng quả đất trở về tham dự Festival, đã vô cùng ngạc nhiên trước sự thay đổi của quê hương chỉ sau một thời gian xa cách. Hiếu cho biết: “Tôi sẽ là một kênh quảng bá quê hương tôi với những tiềm năng du lịch và phát triển kinh tế - xã hội to lớn với bạn bè bên Mỹ và quốc tế…”.
|
Màn trình diễn “Mừng chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa” trong đêm tổng duyệt. Ảnh: Văn Lưu
|
* Hào khí Tây Sơn - xưa và nay
Không khí lễ hội đang rộn ràng trong từng ngôi nhà, góc phố. Đêm đêm, hàng chục ngàn người dân Quy Nhơn, Tây Sơn và khách du lịch bốn phương… đã đổ ra đường ngắm phố phường và tham gia các hoạt động lễ hội. Ai cũng thể hiện cảm xúc được sống trong không khí lễ hội thật hào sảng, vui tươi… Ông Bùi Văn Thành, cán bộ hưu trí ở phường Lê Lợi, TP. Quy Nhơn, cho biết: “Tôi cảm ơn Festival. Nhờ Festival mà trước tiên, tôi thấy thành phố của mình thay đổi từng ngày, hiện đại hơn, văn minh hơn và có thêm nhiều công trình văn hóa, nghệ thuật thật đặc sắc, ấn tượng…”.
Còn Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà cho biết: “Trong quá khứ cũng như trong quá trình xây dựng quê hương, người dân Bình Định từng nghèo khổ, lao lực nhiều. Bây giờ, với những thành quả gặt hái được, Bình Định lần đầu tiên tổ chức Festival, không những tôn vinh bản sắc văn hóa, công lao các bậc tiền nhân, mà còn phải tạo niềm vui, sự hứng khởi trong lòng người dân - những người đã tảo tần, không ngại khó, ngại khổ, gắn bó bền chặt và sẵn lòng hy sinh vì sự tươi đẹp, giàu mạnh của quê hương…”.
Trước lễ khai mạc sẽ diễn ra vào 20 giờ tối nay, 7 giờ sáng nay, tại Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn) diễn ra Lễ rước Hoàng đế Quang Trung và các Văn thần Võ tướng nhập điện. Đây là một hoạt động tri ân, bày tỏ tấm lòng thành kính ngưỡng mộ của nhân dân đối với Hoàng đế Quang Trung - vị vua anh minh, vị tướng quân bách chiến, bách thắng trong lịch sử dân tộc.
Đêm hoa đăng trên đầm Thị Nại (20 giờ ngày 2.8) sẽ diễn ra tại đầu phía tây cầu Thị Nại thể hiện những hoạt động ôn lại lịch sử, ca ngợi những thành tựu đổi mới, sự mở mang, phát triển kinh tế, hướng đi lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh nhà… Ông Văn Trọng Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh, cho biết: “Đầm Thị Nại thời Chămpa là nơi giao lưu thương mại sầm uất; đây cũng là nơi chứng kiến những trận đánh dữ dội giữa nghĩa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có nhiều đồng bào, đồng chí đã hy sinh tại đây vì độc lập tự do của dân tộc. Đây cũng là nơi có cây cầu Thị Nại bắc qua biển dài nhất Việt Nam, bắc qua Khu Kinh tế Nhơn Hội mở ra sự phát triển chung cho Bình Định và khu vực. Với chiều sâu ý nghĩa ấy, hy vọng đêm hoa đăng sẽ là một trong những hoạt động thu hút sự quan tâm của rất nhiều người…”.
Có thể nói, các hoạt động của Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 đã lấy hào khí Tây Sơn làm điểm tựa, từ đó, thể hiện dòng chảy xuyên suốt, liền mạch giữa quá khứ và hiện tại; giữa võ và văn; giữa đánh giặc giữ nước và làm thơ, dựng nước. Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Festival, cho biết: “Ngay cả thời điểm lễ hội cũng là một lựa chọn mang ý nghĩa biểu trưng. Những ngày này, cách đây 235 năm (1773), nghĩa quân Tây Sơn đã tiến đánh Phủ thành Quy Nhơn, dọn đường cho những chiến công hiển hách của một triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử dân tộc”.
|
Đông đảo người dân huyện Tây Sơn đang theo dõi buổi tổng duyệt Lễ rước Hoàng đế Quang Trung tại Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: Văn Lưu
|
* Khơi thông những dòng chảy
Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 được tổ chức dựa trên nền tảng văn hóa, lịch sử mang dấu ấn của một vùng đất, từ đó tạo nên những nét đặc sắc, riêng biệt, không trùng lắp. Đó là những giá trị văn hóa kết tụ trong nghệ thuật Tuồng, võ, thi ca; là những làng nghề truyền thống với những sản phẩm không đâu có được như rượu Bàu Đá, nem Chợ Huyện, bún Song Thằn, bánh tráng nước dừa Hoài Nhơn, nón lá Gò Găng, gốm Nhơn Hậu…; là những món ăn dân dã, bình dị nhưng tiếng tăm đã vượt ra khỏi một vùng đất… Tất cả đã hội tụ tại Hội Làng nghề Truyền thống và Ẩm thực (từ 27.7 đến 3.8); là thần thái, bản sắc của người Bình Định kết tinh trong những cội cây, góc đá của Liên hoan Sinh vật cảnh (27.7 đến 3.8)…
Tổ chức Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 với chủ đề “Hội tụ và phát triển”, Bình Định mong muốn giới thiệu, quảng bá với bạn bè, du khách gần xa về một Bình Định giàu tiềm năng du lịch và đang được đánh thức. Quy Nhơn, Nhơn Hội… là sự quy tụ con người để đoàn kết và làm nên sức mạnh. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà từng nhấn mạnh: “Con người Bình Định trọng nhân nghĩa, quý hiền tài, yêu lẽ phải, ham kết giao, cầu tiến và học hỏi”. Với Festival này, chúng ta cũng đã và sẽ thể hiện một tinh thần như vậy: “Hữu nghị và thân ái”, “Thân thiện và mến khách”…
|