Ngày hội lớn của ngành Lâm sản Việt Nam
14:1', 25/3/ 2011 (GMT+7)

Ngày 26.3, tại Quy Nhơn, Festival Lâm sản Việt Nam (LSVN) lần thứ I - Bình Định năm 2011 chính thức khai mạc. Đây không chỉ là Festival quy mô, mang tầm quốc tế, mà còn là một sự kiện kinh tế - văn hóa - xã hội có ý nghĩa quan trọng với tỉnh ta; cũng là ngày hội lớn của ngành LSVN.

 

Các doanh nghiệp đang khẩn trương hoàn tất việc bài trí gian hàng, sẵn sàng cho Lễ khai mạc Festival LSVN lần thứ I. Ảnh: Văn Lực

 

* Một sự kiện lớn về kinh tế - văn hóa - xã hội

Những năm qua, ngành LSVN, trong đó có công nghiệp chế biến đồ gỗ ngày càng phát triển, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Chỉ tính riêng năm 2010 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã đạt trên 3 tỉ USD, tăng hơn 30% so với năm 2009 và là một trong 10 ngành đem lại kim ngạch xuất khẩu cao cho đất nước. Riêng với tỉnh ta, từ lâu, cùng với TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai, Bình Định được mệnh danh là “Thủ phủ chế biến đồ gỗ xuất khẩu” của Việt Nam, với giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng năm chiếm trên 60% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Chính vì vậy, một Festival Lâm sản được tổ chức tại TP Quy Nhơn nhằm mục đích tôn vinh ngành LSVN là xứng đáng.

Theo ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương: Festival này là một sự kiện lớn về kinh tế - văn hóa - xã hội nhằm tôn vinh những giá trị của ngành Lâm sản tỉnh Bình Định nói riêng và LSVN nói chung, tạo cơ hội hợp tác, giao thương giữa các DN lâm sản cùng các đối tác trong và ngoài nước; đồng thời, tiến tới xây dựng thương hiệu LSVN. Đây cũng là cơ hội để du khách trong nước và bạn bè quốc tế tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của LSVN, là dịp để bày tỏ lòng tri ân đối với những tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành Gỗ - Lâm sản cả nước đã góp phần xây dựng ngành Lâm nghiệp có tốc độ phát triển nhanh, hiệu quả, sớm hội nhập kinh tế thế giới…

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc, Trưởng Ban Tổ chức Festival LSVN lần thứ I, cho biết: Festival nhằm khẳng định và phát huy vai trò, tiềm năng của LSVN (gồm trồng, quản lý, khai thác, chế biến, tiêu thụ…) trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường; tôn vinh các nhà khoa học, doanh nhân, doanh nghiệp (DN), nhà quản lý và đồng bào có nhiều đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành LSVN. Đồng thời, Festival sẽ tạo cơ hội thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa các nhà kinh doanh lâm sản với các đối tác trong và ngoài nước. Mục đích lớn hơn mà Ban Tổ chức đề ra là: Xây dựng Festival LSVN không chỉ mang tầm quốc tế, mà còn là một sự kiện kinh tế - văn hóa - xã hội có ý nghĩa quan trọng, với kỳ vọng sẽ trở thành sự kiện của quốc gia được tổ chức định kỳ và là ngày hội của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, DN và người dân hoạt động trong ngành LSVN…

Với ý nghĩa đó, Festival LSVN lần thứ I đã thu hút trên 150 đơn vị, DN đến từ 22 tỉnh, thành phố trong nước tham gia. Nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn cũng đã ủng hộ việc tổ chức Festival; trong đó, Vietcombank là một trong những nhà tài trợ chính của Festival; VNPT tài trợ cho Festival một trung tâm báo chí hiện đại; EVN cam kết cung cấp điện liên tục những ngày diễn ra Festival; Vietnam Airline và các hãng vận tải đường bộ tăng chuyến phục vụ trước, trong và sau Festival… Nhiều đơn vị, DN chế biến đồ gỗ lớn trong cả nước sẽ tham gia Festival lần này như: Hiệp hội Chế biến gỗ và mỹ nghệ TP Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành, Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Lâm sản Sài Gòn, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Vinafor, Tân cảng Sài Gòn, Viện Nghiên cứu Phát triển DN Hải Hà, Tổng Công ty PISICO…

* Sẽ là “Ngày hội lâm sản”

Theo ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương, chủ đề của Festival LSVN lần thứ I là “LSVN hội nhập và phát triển bền vững”. Chương trình gồm 12 hạng mục; trong đó, có 2 nội dung chính: Hội chợ - Triển lãm LSVN và các hoạt động hỗ trợ. Hội chợ - Triển lãm LSVN gồm các nội dung: Trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đồ gỗ; giới thiệu các giống cây rừng và kỹ thuật trồng rừng, cây lâm nghiệp, sản phẩm từ cây lâm nghiệp; giới thiệu sự đa dạng, phong phú của cây cảnh, sinh vật cảnh Việt Nam; giới thiệu các dịch vụ, máy móc, công nghệ của các tập đoàn, DN hoạt động trong ngành Lâm sản, chế biến đồ gỗ mỹ nghệ, hàng xuất khẩu… Đồng thời, tại Hội chợ - Triển lãm, còn diễn ra nhiều hoạt động như: Hội thảo về khoa học lâm nghiệp Việt Nam; xúc tiến thương mại, ký kết hợp tác kinh doanh; tôn vinh các tổ chức, cá nhân trong ngành Lâm sản….

Về các hoạt động hỗ trợ, ông Nguyễn Kim Phương cho biết: Festivasl LSVN lần thứ I sẽ có 10 chương trình chủ yếu như: Lễ khai mạc và bế mạc; Liên hoan Âm nhạc Việt Nam khu vực phía Nam; Giải cầu lông các DN Gỗ và LSVN; Lễ dâng hương - dâng hoa tại Điện thờ Quang Trung; tham quan, giao lưu, xúc tiến ký kết kinh doanh; tham quan các khu rừng trồng, các DN chế biến gỗ tại Khu công nghiệp Phú Tài; Liên hoan Văn hóa ẩm thực; Khai mạc “Con đường trực quan” - mô hình con đường “LSVN trên con đường hội nhập quốc tế”; Diễn đàn Lâm nghiệp Việt Nam với chủ đề “Phát triển chế biến LSVN gắn với quản lý rừng bền vững”…

Các chương trình trên đều đã được các tiểu ban chuẩn bị, xây dựng kịch bản, dàn dựng, tập luyện khá công phu, chu đáo, nhất là chương trình khai mạc, bế mạc, Diễn đàn Lâm nghiệp Việt Nam, Mô hình con đường “LSVN trên con đường hội nhập quốc tế”… Bên cạnh các nghi thức truyền thống, Lễ khai mạc sẽ diễn ra chương trình ca múa nhạc chọn lọc, do các nghệ sĩ Bình Định và TP Hồ Chí Minh thực hiện. Đặc biệt, “Con đường trực quan” - mô hình “LSVN trên con đường hội nhập quốc tế” được chuẩn bị, dàn dựng khá công phu, gồm các mô hình trực quan sinh động về đề tài lâm sản, môi trường thiên nhiên, động vật rừng, đồ gỗ, mỹ nghệ, sinh vật cảnh… thể hiện mối quan hệ gắn kết giữa con người với thiên nhiên và hội nhập quốc tế…

Festival LSVN lần thứ I sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 26 đến 28.3. Đến hôm nay, mọi việc chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất. Hy vọng, đây sẽ là một Festival quy mô, ý nghĩa, mang tầm quốc tế và thực sự là ngày hội của ngành LSVN.

  • Viết Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>