HỘI CHỢ TRIỂN LÃM ĐỒ GỖ VÀ LÂM SẢN VIỆT NĂM 2011:
Tôn vinh lâm sản Việt
6:53', 28/3/ 2011 (GMT+7)

Hội chợ Triển lãm (HC-TL) đồ gỗ và lâm sản Việt Nam 2011 là hoạt động chính của Festival Lâm sản Việt Nam lần thứ I - Bình Định năm 2011. Hội chợ đã thu hút trên 100 tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành lâm sản cả nước và quốc tế tham dự, tạo cơ hội để các doanh nghiệp (DN) quảng bá sản phẩm, giao lưu, hợp tác làm ăn.

 

Ký kết hợp tác phát triển ngành lâm sản giữa Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Dương.

 

* Hoành tráng và ấn tượng

HC-TL đồ gỗ và lâm sản Việt Nam 2011 nhằm tôn vinh những giá trị của ngành lâm sản cả nước nói chung và Bình Định nói riêng; tạo cơ hội quảng bá, giao lưu hợp tác, giao thương giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản với các đối tác trong và ngoài nước; đồng thời, tiến tới xây dựng thương hiệu đồ gỗ Việt Nam. HC-TL có quy mô 528 gian hàng của trên 100 tổ chức, DN trong nước và quốc tế tham gia. Trong đó, có 362 gian hàng đồ gỗ nội thất, 78 gian hàng đồ gỗ kết hợp với vật liệu phụ trợ và 84 gian hàng giới thiệu sinh vật cảnh…

Phát biểu tại Lễ khai mạc Festival, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đánh giá cao sự phối hợp của các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Bình Định trong việc tổ chức Festival này; qua đó, các ngành chức năng, nhà quản lý, DN và người dân sẽ thấy được trách nhiệm to lớn của mình trong việc trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến lâm sản theo hướng bền vững. Đây cũng là cơ hội để các DN trồng rừng, nhà sản xuất, nhà quản lý… cùng ngồi lại với nhau, bàn tính để tìm ra hướng phát triển mới, thích hợp hơn cho ngành gỗ Việt Nam.

Các tổ chức, DN mang đến HC-TL lần này nhiều sản phẩm đồ gỗ độc đáo, có giá trị cao về kinh tế lẫn thẩm mỹ. Với truyền thống chế biến, điêu khắc tinh xảo, đoàn DN tỉnh Gia Lai đã mang đến Hội chợ những sản phẩm trang trí nội thất được chế tác từ gỗ lũa khá độc đáo; trong đó, nổi bật nhất là 4 bộ bàn ghế gỗ lũa của DNTN Cao Minh Hiếu. Anh Cao Minh Hiếu, chủ DNTN Minh Hiếu, cho biết: “Để chế tạo được một bộ bàn ghế kiểu này phải thật kỳ công và phải có duyên nữa. Muốn có nguyên liệu để chế tác, phải săn những gốc gỗ đã bị chết từ lâu; rồi với đôi mắt nhà nghề, phải phác thảo ý tưởng trước khi bắt tay vào công đoạn đầu tiên, chứ không thể làm theo khuôn mẫu được”. Do kỳ công, nên những bộ bàn ghế “độc” của DNTN Minh Hiếu được bán với giá rất cao, bộ cao nhất được rao bán với giá 175 triệu đồng, thấp nhất cũng 65 triệu đồng/bộ.

Đem đến HC-TL lần này, còn có nhiều sản phẩm lâm sản đạt kỷ lục Guinness Việt Nam, thu hút sự quan tâm đặc biệt của khách tham quan. Trong đó, “hoành tráng” nhất phải kể đến bộ bàn ghế (bàn và 9 ghế) làm bằng gỗ lũa sầu đông của Công ty TNHH MTV Sơn Phước (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Mặt bàn dài 5 m, nơi rộng nhất của bề ngang 2,2 m, nơi hẹp nhất 1,7 m. Không chỉ có bàn ghế, trong gian hàng của Công ty TNHH Sơn Phước, còn có chiếc lục bình cao 5, 6m và hàng chục tác phẩm tranh gỗ lũa độc đáo.

Tham gia HC-TL này, đoàn Bình Định cũng trưng bày khá nhiều sản phẩm lâm sản do các DN trong tỉnh sản xuất. Nổi bật nhất là gian hàng của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định với nhiều sản phẩm bàn ghế trong nhà, ngoài trời; với đầy đủ kích cỡ, kiểu dáng. Ngoài ra, các DN khác trong tỉnh cũng đã đem đến HC-TL những sản phẩm thế mạnh của mình, góp phần làm cho ngày hội lớn của ngành lâm sản Việt Nam thêm phong phú, hoành tráng.

Với sự phong phú và ấn tượng, nên dù thời tiết có phần không thuận lợi, nhưng ngay sau Lễ khai mạc, HC-TL đã đón tiếp hàng ngàn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu và mua sắm. Đến chiều 27.3, đã có trên 30 ngàn lượt hành khách tham quan, mua sắm tại HC-TL cùng hàng trăm hợp đồng đã được ký kết, với tổng doanh thu bán ra trên 15 tỉ đồng và hàng chục hợp đồng ghi nhớ với tổng giá trị trên 500 ngàn USD.

 

Khách tham quan các gian hàng tại Hội chợ Triển lãm đồ gỗ và lâm sản Việt Nam.

 

* “Khơi dòng” ngành gỗ

Từ năm 2000 đến nay, ngành chế biến lâm sản của nước ta đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Các sản phẩm chế biến gỗ đã có sự phát triển cả về chủng loại, số lượng và chất lượng. Ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Hiện cả nước có trên 2.500 DN chế biến đồ gỗ; trong đó, có 970 DN chuyên chế biến đồ gỗ xuất khẩu, hơn 400 DN FDI... Thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam không ngừng được mở rộng, nếu năm 2000 chỉ có mặt tại 50 quốc gia thì đến nay, đã có mặt trên thị trường của 120 quốc gia, vùng lãnh thổ. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt khoảng 3,5 tỉ USD, tăng hơn 10 lần so với cách đây 10 năm và đã vươn lên vị trí thứ 5 trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước.

Riêng Bình Định, hiện là một trong bốn trung tâm chế biến gỗ lớn nhất của cả nước, cùng với TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Hiện toàn tỉnh có gần 150 DN sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ, tổng vốn đầu tư 1.600 tỉ đồng, tạo việc làm cho 22.000 lao động. Sản phẩm đồ gỗ của Bình Định đã có mặt ở 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và nguyên liệu giấy của tỉnh đạt gần 270 triệu USD, chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Trong những năm qua, Bình Định đã xác định đây là ngành công nghiệp mũi nhọn và đang xây dựng trở thành ngành có thương hiệu mạnh, mang tính cạnh tranh cao của tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay, trên 90% sản phẩm gỗ của Việt Nam phải bán qua các thị trường trung gian trong thế bị động và sự sống còn luôn phụ thuộc vào các kênh phân phối này. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ nội thất tại thị trường nội địa mỗi năm đạt khoảng 3 tỉ USD, nhưng gần 80% trong số đó là hàng của Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan...

Trước thực trạng này, được sự cho phép của Chính phủ, UBND tỉnh Bình Định đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức Festival Lâm sản Việt Nam lần thứ I tại Bình Định, với nhiều nội dung, chương trình gắn với ngành lâm sản. Đồng chí Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Trưởng Ban Tổ chức Festival, cho biết: “Festival lần này là dịp để khẳng định và phát huy vai trò, tiềm năng của lâm sản Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội; cũng là dịp tôn vinh các nhà khoa học, nhà DN, nhà quản lý và đồng bào có nhiều đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững của ngành lâm sản Việt Nam. Đồng thời, Festival sẽ tạo cơ hội thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa các nhà kinh doanh lâm sản với các đối tác trong và ngoài nước”.

  • Ngọc Thái
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khai mạc Festival Lâm sản Việt Nam lần thứ I - Bình Định năm 2011  (27/03/2011)
Festival Lâm sản Việt Nam lần thứ nhất - Khơi dòng cho đồ gỗ Việt  (26/03/2011)
Xuất khẩu đồ gỗ: Ăn đong nguyên liệu  (26/03/2011)
Khai mạc Hội chợ Triển lãm đồ gỗ và lâm sản Việt Nam 2011  (26/03/2011)
Khai mạc Festival Lâm sản Việt Nam lần thứ I- Bình Định 2011  (26/03/2011)
THÔNG CÁO BÁO CHÍ  (25/03/2011)
Họp báo giới thiệu Festival Lâm sản Việt Nam   (25/03/2011)
Ngày hội lớn của ngành Lâm sản Việt Nam  (25/03/2011)