DIỄN ĐÀN LÂM NGHIỆP VIỆT NAM NĂM 2011:
Gắn chế biến lâm sản với quản lý rừng bền vững
16:52', 29/3/ 2011 (GMT+7)

Những năm qua, hoạt động khai thác, chế biến và xuất khẩu lâm sản, nhất là chế biến đồ gỗ (CBĐG) của Việt Nam ngày càng phát triển, song chưa thực sự bền vững. Tại diễn đàn Lâm nghiệp Việt Nam năm 2011 vừa diễn ra tại Quy Nhơn (trong khuôn khổ Festival Lâm sản Việt Nam lần thứ I), các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp (DN) đã cùng bàn thảo, trao đổi, nhằm tìm giải pháp phát triển chế biến và thương mại lâm sản gắn với quản lý rừng bền vững (QLRBV).

 

Chủ tịch UBND tỉnh tham quan một số gian hàng tại Festival lâm sản. Ảnh: Văn Lưu

 

* Tiềm năng lớn nhưng chưa bền vững

Diễn đàn Lâm nghiệp Việt Nam năm 2011 do Bộ NN-PTNT cùng UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức, có sự tham dự của trên 300 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý lâm nghiệp và các DN trong và ngoài nước. Tại Diễn đàn, hầu hết ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý và DN đều thống nhất đánh giá hoạt động khai thác, chế biến, xuất khẩu lâm sản, nhất là CBĐG của Việt Nam, đang ngày càng phát triển, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Theo ông Vũ Long, chuyên gia kinh tế và chính sách lâm nghiệp thuộc Hội Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, từ năm 2000 đến nay, ngành chế biến, xuất khẩu lâm sản của Việt Nam đã có sự thay đổi và tăng trưởng mạnh mẽ. Trước hết là sự tham gia của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh vào chế biến và kinh doanh các sản phẩm gỗ. Tính đến cuối năm 2008, Việt Nam có khoảng 3.000 DN CBĐG, tăng hơn 3 lần so với năm 2000; 96% tổng số DN CBĐG hiện nay là DN dân doanh. Các sản phẩm chế biến đã có sự phát triển mạnh mẽ về chủng loại, số lượng và chất lượng; không chỉ sử dụng trong nước mà còn được xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện nay các cơ sở chế biến lâm sản ở Việt Nam sản xuất và xuất khẩu trên 3.000 mặt hàng khác nhau. Năm 2001, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ và dăm gỗ mới chỉ đạt 334 triệu USD (tính theo giá FOB), thì năm 2004 đã vượt trên 1,1 tỉ USD; năm 2008 giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 2,8 tỉ USD và năm 2010 là 3,2 tỉ USD.

Tán đồng với đánh giá trên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hứa Đức Nhị, cho biết: Sản phẩm đồ gỗ Việt Nam hiện có mặt tại thị trường 120 nước trên thế giới, bước đầu, đã tạo ra uy tín đối với người tiêu dùng thế giới. Liên tục từ năm 2000 đến nay, đồ gỗ luôn là 1 trong 10 mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam. Đặc biệt, ngành chế biến lâm sản, đồ gỗ xuất khẩu đã tạo ra hàng trăm ngàn việc làm, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tuy nhiên, hoạt động chế biến lâm sản, đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam chưa thực sự bền vững và vẫn còn những hạn chế, bất cập. Theo Thứ trưởng Hứa Đức Nhị, tuy hàng năm chúng ta khai thác hàng triệu m3 gỗ rừng trồng, nhưng phần lớn trong số đó là xuất khẩu dưới dạng dăm gỗ, giá trị mang lại còn thấp, trong khi phải nhập khẩu hàng triệu m3 gỗ với giá cao để đáp ứng nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ. Thống kê của ngành chức năng cho thấy, từ khi thực hiện chủ trương hạn chế khai thác gỗ rừng tự nhiên (năm 1997), sản lượng gỗ rừng tự nhiên giảm mạnh, chỉ còn 150-200 ngàn m3/năm. Gỗ rừng trồng chủ yếu là gỗ nhỏ, chỉ đáp ứng cho công nghiệp giấy và dăm gỗ xuất khẩu, nên gỗ nguyên liệu cho chế biến sản phẩm gỗ chủ yếu vẫn dựa vào nhập khẩu (chiếm tỉ lệ 80%). Chỉ tính riêng trong ba năm từ 2006 đến 2008, các DN trong nước đã phải chi khoảng hơn 2,7 tỉ USD (chiếm 41,54% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ) để nhập nguyên liệu. Một số DN đã tìm cách xây dựng vùng nguyên liệu cho mình, để có gỗ xẻ, có chứng chỉ rừng quốc tế (FSC-CoC). Tuy nhiên, việc tiếp cận được với đất trồng rừng và rừng sản xuất là vấn đề không đơn giản.

Theo các chuyên gia ở Tổng cục Lâm nghiệp, thiếu nguyên liệu và các rào cản kỹ thuật của nước ngoài đã và đang là những thách thức lớn với ngành chế biến lâm sản. Hiện chúng ta phải nhập khẩu khoảng 75-80%, với tỉ lệ tăng giá từ 10-20%/năm. Trong khi đó, gỗ có chứng chỉ lại rất đắt và khó tìm nguồn nguyên liệu. Ngoài ra, tuy các DN CBĐG Việt Nam đã nỗ lực nhiều, nhưng đến đầu năm 2010, mới chỉ có khoảng 175 DN có chứng chỉ FSC-CoC...

 

Tìm giải pháp phát triển chế biến và thương mại lâm sản là mục tiêu của Diễn đàn Lâm nghiệp Việt Nam năm 2011.

- Trong ảnh: Khách tham quan một gian hàng tại Hội chợ  Triển lãm đồ gỗ và lâm sản Việt Nam. Ảnh: V.L

 

* Giải pháp: “gắn” chế biến với quản lý rừng bền vững

Phát triển chế biến, thương mại lâm sản gắn với QLRBV là chủ đề chính của Diễn đàn Lâm nghiệp Việt Nam năm 2011. Đây cũng là vấn đề mà các nhà khoa học, nhà quản lý và DN tập trung bàn thảo, trao đổi, nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu. 

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Hứa Đức Nhị đã đề xuất 5 vấn đề cần quan tâm, đó là chính sách cho chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ; mô hình liên doanh, liên kết giữa trồng rừng và chế biến; chính sách thúc đẩy thực hiện QLRBV và chứng chỉ rừng; mô hình DN hoặc liên kết các DN theo chuỗi khép kín từ trồng rừng, chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ; chú ý đến ảnh hưởng của các quy định của Đạo Luật LACEY và FLEGT…

Theo ông Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý Bảo vệ - Chứng chỉ rừng, QLRBV có vai trò rất quan trọng đối với ngành Lâm nghiệp Việt Nam. Vì vậy, ngay từ đầu tháng 2.2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg về “Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020”. Theo ông Lung, muốn QLRBV cần có chính sách thật cụ thể, thiết thực như: Khuyến khích chủ rừng vừa sản xuất gỗ, lâm sản ngoài gỗ, vừa tổ chức chế biến, vừa tăng cường các hiệu quả cung cấp dịch vụ; quản lý rừng và các hoạt động tiếp thị có tác dụng khuyến khích sử dụng và chế biến tối ưu tại địa phương những sản phẩm đa dạng của rừng; các hoạt động quản lý và tăng cường giá trị dịch vụ của rừng và tài nguyên rừng…; áp dụng ngay quy trình khai thác gỗ giảm thiểu tác động (cả cho rừng tự nhiên và rừng trồng)…

Theo lãnh đạo Chi cục Lâm nghiệp Bình Định, ngay từ năm 2001, tỉnh đã quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn và chú trọng đến bảo vệ, phát triển rừng. Theo thống kê, hiện tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là 384.120 ha; trong đó, diện tích đất lâm nghiệp phòng hộ: 194.888 ha, diện tích đất lâm nghiệp đặc dụng: 33.498 ha, diện tích đất lâm nghiệp sản xuất: 155.734 ha. Kết quả, hiện trên địa bàn tỉnh đã có 88.132,8 ha rừng trồng; trong đó, rừng trồng đặc dụng: 1.241,9 ha, rừng trồng phòng hộ: 25.271,3 ha, rừng trồng sản xuất: 61.385,4 ha và rừng trồng ngoài diện tích quy hoạch 3 loại rừng: 234,2 ha... Vấn đề đặt ra là cần đẩy nhanh công tác giao đất, cấp quyền sử dụng đất lâu dài cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; đồng thời, có chính sách khuyến khích phát triển trồng rừng nguyên liệu giấy và gỗ phục vụ sản xuất bột giấy và chế biến hàng lâm sản xuất khẩu…

Cũng tại diễn đàn, ông Vũ Long đã đề xuất giải pháp: Liên doanh giữa khu vực công nghiệp chế biến gỗ tư nhân và khu vực lâm nghiệp Nhà nước trong phát triển rừng nguyên liệu. Theo đó, các hộ gia đình, nhân dân sẽ được các DN tạo điều kiện về vốn để đầu tư trồng rừng; ngược lại, họ phải có nghĩa vụ bán sản phẩm cho đối tác theo giá thị trường tại thời điểm tiêu thụ và nghĩa vụ trả nợ vốn vay.

Theo đại diện của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, giải pháp trọng tâm của Hiệp hội là tiếp tục củng cố và duy trì, giữ vững hoạt động CBĐG ngoài trời gắn với việc nâng cao chất lượng, mẫu mã và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của ngành hàng; chuyển đổi và phát triển sản xuất đồ gỗ nội thất; tăng cường liên kết, hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cung cấp nguyên liệu vật tư, dịch vụ cho ngành CBĐG (như giấy - bao bì, phụ kiện, hóa chất, logistic…); từng bước cân đối nguyên liệu gỗ trong nước bằng phát triển trồng rừng và sử dụng nguyên liệu kết hợp thay thế…

Diễn đàn Lâm nghiệp Việt Nam năm 2011 đã khép lại. Khá nhiều biện pháp, giải pháp nhằm góp phần phát triển chế biến, thương mại lâm sản gắn với QLRBV đã được nêu lên và trao đổi. Hy vọng rằng, hoạt động khai thác, chế biến, xuất khẩu lâm sản, nhất là CBĐG của Việt Nam, sẽ ngày càng phát triển, thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

  • Viết Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tôn vinh các tổ chức, cá nhân đóng góp xuất sắc cho ngành Lâm sản  (29/03/2011)
Nơi tụ hội những gam màu của gỗ  (28/03/2011)
Kết nối thị trường gỗ keo  (28/03/2011)
Tôn vinh lâm sản Việt  (28/03/2011)
Khai mạc Festival Lâm sản Việt Nam lần thứ I - Bình Định năm 2011  (27/03/2011)
Festival Lâm sản Việt Nam lần thứ nhất - Khơi dòng cho đồ gỗ Việt  (26/03/2011)
Xuất khẩu đồ gỗ: Ăn đong nguyên liệu  (26/03/2011)
Khai mạc Hội chợ Triển lãm đồ gỗ và lâm sản Việt Nam 2011  (26/03/2011)
Khai mạc Festival Lâm sản Việt Nam lần thứ I- Bình Định 2011  (26/03/2011)
THÔNG CÁO BÁO CHÍ  (25/03/2011)
Họp báo giới thiệu Festival Lâm sản Việt Nam   (25/03/2011)
Ngày hội lớn của ngành Lâm sản Việt Nam  (25/03/2011)