CỘI NGUỒN VÀ HÀNH TRÌNH THƠ ẤU
Điểm xuất phát là Lệ Mỹ, một làng quê nhỏ bé xinh đẹp ven biển Đồng Hới, chiếc lược ngà óng chuốt tạo hóa cài lên mái tóc xanh mượt của biển Đông. Nơi đây, ngày 22 tháng 9 năm 1912, ông Nguyễn Văn Toản chủ sự Sở Thương chính Nhật Lệ và vợ là bà Nguyễn Thị Duy vui mừng đón đứa con thứ tư của gia đình với cái tên khai sinh Nguyễn Trọng Trí kèm thánh danh Pierre FranÇois. Đứa con ấy, sau này với nghiệp thi ca, đã chọn cho mình một bút hiệu xứng đáng gửi vào nghìn thu: Hàn Mặc Tử.
Nếu không có tác động của lịch sử lên số phận của con người mạnh mẽ đến mức làm ảnh hưởng chiều hướng phát triển của gia tộc, thì tên thật nhà thơ phải bắt đầu bằng họ Phạm như tổ tiên trước đó ở Thanh Hóa. Song vì Phạm Chương, ông cố nhà thơ liên can chính trị, người con là Phạm Bồi phải đổi sang họ mẹ trốn vào Thừa Thiên giấu tung tích. Cha của nhà thơ là con trưởng nam của cụ Phạm Bồi, được sinh ra ở làng Thanh Tân, huyện Phong Điền, cách Huế chừng 30 cây số.
Theo bước thuyên chuyển của cha vốn là một công chức thời bấy giờ. Hàn Mặc Tử rời Lệ Mỹ khi tuổi còn rất nhỏ. Hẳn còn ghi mãi trong ký ức của cậu bé nhỏ nhắn và trầm lặng ấy cái khung cảnh hoành tráng của miền biển đã chan hòa gió nắng và không khí trong lành phóng khoáng. Đọc những câu thơ Hàn viết trên dặm đường tít tắp sau này, khi đã nếm trải biết mấy đổi thay và ngọt ngào, cay đắng, những câu thơ mang âm hưởng xa xôi".
Rao rao gió thổi phương xa lại
(Buồn ở đây)
hay
Nắng sao như nắng thời xưa ấy
Nắng vàng con mắt thấy duyên đâu
(Buồn ở đây)
ai nghe khỏi một chút ngùi ngùi như vừa lạc về dĩ vãng. Thinh thoảng ta bắt gặp buồm trắng phất phơ như cuống lá, bắt gặp trái cây bằng ngọc vỏ bằng gấm, còn mặt trời kia tợ khối vàng, hay vừa đẩy cửa ban mai đã nghe chim khuyên hót tiếng đầu tiên hết… thì không hiểu sao ta có cảm giác rằng đó là dư ảnh, dư âm của một thời thánh thiện, rực rỡ và tinh khôi, những màu sắc và âm thanh lấp lánh linh hồn cổ đại đã lọc qua lớp lớp cảm nhận, còn đọng lại trong thơ y như ấn tượng buổi đầu, khi nó được chiêm ngưỡng bởi đôi mắt thơ ngây và cõi lòng hồn nhiên rộng mở.
*
* *
Từ tuổi 12, 14, Nguyễn Trọng Trí đã chèo thuyền với chị Lễ dạo chơi. Thuyền trôi trên sông. Mà sông mới thật kỳ diệu làm sao qua cách định nghĩa của một thiếu niên thi sĩ:
"Sông? Là một giải lụa bạch, không, là một đường trăng trải chiếu vàng, hai bên bờ là động cát và rừng xanh và hoang vu và thanh tịnh (…)
Vậy chúng tôi bằng ánh trăng, bằng huyền diệu, chưa đủ, Ngưu Lang và Chức Nữ, chúa của đêm Trung Thu còn sai gió thu mang lại gần chúng tôi một thứ mùi gì ngào ngạt như mùi băng phiến, trong ấy biết đâu lại không phảng phất những tiếng kêu rên của thương nhớ xa xưa. Thuyền đi êm ái quá, chúng tôi cứ ngờ là đi trong vũng chiêm bao…"
(Chơi giữa mùa trăng)
Dòng sông thần tiên dẫn về bến thần tiên với tên gọi bến Hàn Giang. Bến Hàn Giang ấy là bến nào? Hàn Mặc Tử, không rõ vô tình hay cố ý, đã để lộ cánh cửa thiên đường:
"Thình lình vùng trời mộng của chúng tôi bớt vẻ sáng lạn, chị tôi liền chỉ tay về phía bến đò thôn Chùa Mo và bảo tôi rằng: Thôi rồi! Trí ơi! Con trăng nó vướng trên cành trúc kia kìa, thấy không? Nó gỡ mãi không sao thoát được, biết làm thế nào, hở Trí?".
(Chơi giữa mùa trăng)
Thì ra thế, thôn Chùa Mo là một thôn cửa biển tỉnh Quảng Ngãi. Thực và ảo hòa vào nhau thành những dòng vàng dưới mái chèo con của Hàn Mặc Tử cái thuở tiếng cười còn "nả nớt", tâm hồn còn "trong như thủy tinh". Từ đó có một bến thơ để con thuyền hồn của Hàn phiêu du suốt một đời. Lạ một điều là bến phải lưu động theo thuyền. Con thuyền hồn nhà thơ neo ở xứ nào thì bến Hà Giang hiện về xứ đó. Khi nhà thơ ở Quy Nhơn hay chuyển xuống Gò Bồi, mỗi lúc dòng thương nhớ chảy xiết, con thuyền hồn lại dạt về bến tương tư:
Trời Hàn Giang hôm nay không sóng
Lòng cô liêu đồng vọng mà chi?
(Say chết đêm nay)
và mỗi khi lòng nặng nề thê thiết, Hàn Mặc Tử lại lần về bến sông của đời mình để ngâm nỗi buồn xuống dòng nước xanh thao thiết chảy:
Này đây lời ngọc song song
Xin dâng muôn sóng tơ đồng chơi vơi
Xin dâng này máu đang tươi
Này đây nước mắt giọng cười theo nhau
Mới hay phong vị nhiệm mầu
Môi chưa nhấp cạn mạch sầu đã tuôn
Ớ Địch ơi, lệ có nguồn
Hãy chia bớt nửa nỗi buồn sang tôi
Hôm nay trời lửng lơ trời
Dòng sông ánh sáng sẽ trôi hoa vàng
Tôi ngồi ở bến Hàn Giang
Khóc thôi mấy nước bàng hoàng suốt đêm
(Bến Hàn Giang)
Chuyện lâm lụy buồn đau là chuyện tương lai, nhưng cái bến thơ trong trẻo mà nhà thơ quay quắt trở về, có lẽ là những bến sông tuổi nhỏ đã từng ôm hình hài của người vuốt ve suốt thời niên thiếu.
Có thể nói rằng những miền đất Hàn Mặc Tử từng qua thời tóc chưa dưỡng rẽ đều để lại trong tâm khảm cậu bé đang lớn và ham quan sát này những ấn tượng khó nhạt phai. Sa Kỳ 1920, Quy Nhơn 1921, Bồng Sơn 1922-1923, Sa Kỳ 1924 và Huế, mảnh đất thần kinh với nét đẹp buồn càng buồn hơn trong đôi mắt người thiếu niên 15 tuổi bắt đầu hiểu thế nào là mất mát. Huế 1926 với bóng mẹ ẩn nhẫn dịu dàng cúi xuống bên giường bệnh của người cha hấp hối, với những cơn mưa dầm dìa giữa ngày tang tóc. Huế ngày ấy có nhận ra chân dung pha phôi của mình, phảng phất trong những dòng thơ hấp hối mai sau Hàn viết cho chính chàng chăng?
Ta trút linh hồn giữa lúc đây
Gió sầu vô hạn nuối trong cây
Còn em sao chẳng hay gì cả
Xin để tang anh đến vạn ngày
(Trút linh hồn)
Cái chết của người cha khép lại thời niên thiếu. Trong hành trang vào đời của Hàn có cả một kho tàng kỷ niệm. Cái tên Lệ Mỹ nên thơ canh cánh bên lòng nỗi nhớ về một cố hương yêu dấu sau này vẫn còn dậy lên trong hai tiếng Lệ Thanh (1). Những miền ghi dấu tuổi thơ, qua hoài niệm, còn là niềm thôi thúc Hàn Mặc Tử đi đến những chân trời bí mật và đầy sức quyến rũ để làm nên những trang thơ dung chứa thời gian và không gian rộng lớn.
NGÔI SAO MỌC SỚM
Sau khi cha mất, Hàn Mặc Tử theo mẹ vào Quy Nhơn sống với người anh cả là Nguyễn Bá Nhân, hiệu Mộng Châu. Mộng Châu Nguyễn Bá Nhân bấy giờ đã có nghề nghiệp ổn định. Nhờ anh, Hàn Mặc Tử mới có thể tiếp tục theo đuổi con đường học vấn. Trong số các em, Mộng Châu đặc biệt yêu quý đứa em gầy yếu nhưng có tâm hồn nhạy cảm này. Anh là người phát hiện năng khiếu thơ của Hàn Mặc Tử. Vốn sành thơ Đường Luật, anh chỉ bảo cho Hàn Mặc Tử rất nhiều. Vì được sự dìu dắt tận tình của anh mà Hàn bước vào làng thơ một cách vững vàng.
Hàn Mặc Tử 15 tuổi (1926), giữa hai anh em đã có thơ xướng họa qua lại rất tâm đắc. Những bài Hàn viết lúc bấy giờ thường ký là Minh Duệ Thị. Không ít hơn một lần chú em hiền lành làm ông anh kinh ngạc bởi sự vượt trội như lẽ tự nhiên vốn có. Xin dẫn một trường hợp:
Bài nguyên của anh, Mộng Châu Nguyễn Bá Nhân:
Nhạn ơi, tung cánh giữa mưa mây
Khéo léo đừng rơi gói buộc dây
Cái gánh tình si ai gửi đó
Là lời tâm sự nhạn đưa ngay
Đưa người tháng trước hòa thơ tiễn
Đến bến ngày xưa mấy tiệc bày
Hỏi nhớ cùng không người bốn mắt
Bể dâu chửa thấy, thấy gì đây?
Bài họa của Minh Duệ Thị (tức Hàn Mặc Tử):
Vội vàng chi lắm nhạn lưng mây
Chầm chậm cho mình gửi mối dây
Về đất Thần Kinh khoan nghỉ đã
Ghé miền Gia Hội tỏ tình ngay
Suốt năm canh mộng hồn mê mỏi
Chỉ một lòng son muốn dãi bày
Này nhạn ta còn quên chút nữa
Con tim non nớt tặng nàng đây!
Điều đó cho thấy rằng ở người thiếu niên mảnh khảnh, tính tình đôn hậu, song lại quá nhút nhát và rụt rè này, dường như còn ẩn giấu một tiềm năng thi ca mãnh liệt. Những vẫn thơ từ tâm hồn non nớt ấy vút ra, dù chưa nhiều, thậm chí đôi khi như sự buột miệng, vẫn hé mở thứ ánh sáng đầy hứa hẹn về một thiên tài.
*
* *
Hàn Mặc Tử ở với anh hơn một năm, thì Mộng Châu cảm thấy sâu trong lòng đứa em trai vừa qua thời niên thiếu này là sự lãng mạn và những ước mơ đòi hỏi được chắp cánh, là nhu cầu giải thoát tâm hồn lúc nào cũng tràn đầy. Anh bàn với mẹ cho em ra Huế với lý do phát triển đường học vấn, nhưng cái chính là kỳ vọng của anh đặt ở đứa em yêu quý về một tài thơ mai sau, khi cá gặp nước, khi rồng gặp mây.
Được mẹ chấp thuận, tháng 9 năm 1928 Hàn Mặc Tử ra Huế theo học bậc trung học ở trường Pellerin.
Hàn Mặc Tử có mặt ở Huế suốt thời kỳ đồng bào cả nước đang hết sức quan tâm đến số phận của nhà chí sĩ Phan Bội Châu. Cụ Phan đang bị Pháp an trí ở Bến Ngự (Huế). Thanh danh lừng lẫy của nhà ái quốc đã làm chấn động tâm hồn anh thanh niên trầm lặng, có lẽ do ảnh hưởng tích cực ấy mà một số bài thơ chứa chan tinh thần yêu nước và ý chí chống thực dân của Hàn được viết ra. Khi Mộng Du thi xã của cụ Phan tổ chức cuộc thi thơ, Hàn Mặc Tử liền gửi mấy bài dự thi (ký tên Phong Trần) và chiếm ngay giải nhất. Cụ Phan đọc thơ, xuýt xoa khen ngợi và tìm gặp tác giả nhưng lúc bấy giờ Hàn đã thôi học về Quy Nhơn. Hồng nam nhạc bắc, cụ Phan đành tỏ lòng mến phục của mình đối với nhà thơ trẻ bằng cách gửi đăng báo mấy bài thơ của Hàn Mặc Tử kèm theo mấy bài thơ họa lại của mình.
Tiếng tăm Phong Trần nổi như cồn:
PHONG TRẦN LÀ… EM ĐÂY
Năm 1931, các báo Phụ Nữ Tân Văn, Lời Thăm, Tiếng Dân thường đăng những bài thơ Đường luật có phong vị đặc biệt. Tác giả có khi ký là Phong Trần, có khi ký là P.T. Quy Nhơn. Làng thơ xôn xao trước một tài năng còn ẩn mặt. "Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình", nghe tiếng mà không biết người, chẳng hiểu P.T. có phải là Phong Trần? Cụ Phan từ khi họa thơ có ý mong đợi, ước ao "bắt tay nhau cười to một tiếng" cho thỏa lòng ái mộ.
Nhưng mà bóng chim tăm cá. Câu hỏi "Phong Trần là ai?" và "P.T. Quy Nhơn là ai?" vẫn treo trước làng thơ.
Quách Tấn hồi ấy đang làm việc ở Đà Lạt. Đọc thơ P.T. Quy Nhơn và cảm thấy hay, vừa thấy tác giả ở nơi quê hương mình thì muốn biết về người. Ông viết thư nhờ người bạn đang ở Quy Nhơn tìm giúp.
Người bạn thể theo yêu cầu của Quách Tấn, gặp ai ưa thích văn chương cũng hỏi thăm. Nhưng bốn tháng trôi qua, tung tích P.T. vẫn còn trong vòng bí mật.
*
* *
Việc tìm ra P.T. là một trường hợp hết sức tìm cờ.
Một hôm, người bạn của Quách Tấn đến bệnh viện Quy Nhơn thì gặp một nhóm học sinh đi khám bệnh. Trong khi chờ bác sĩ, nhóm học sinh nói chuyện văn chương. Ông ta lắng nghe một lúc và vui miệng góp chuyện:
- Không biết P.T. là thằng cha nào mà thơ hay "bất nhơn" làm cho lão Tấn bắt mình kiếm đã muốn chết mà không thấy!
Ông vừa dứt lời thì trong nhóm học sinh, một thanh niên vóc gầy, nhỏ nhắn đứng lên nói với giọng rụt rè và cảm động:
- Thưa, P.T. là Phong Trần, và Phong Trần là… là em đây!
Mừng rỡ, người bạn của Quách Tấn hỏi thêm về mấy bài thơ của Phong Trần trên báo (do Quách Tấn cắt gửi) để thật chắc chắn về người trước mặt. Hỏi đến đâu, chàng thanh niên đáp đến đó trôi chảy. Sau khi nhận thấy quả là người mình tìm, ông xin địa chỉ rồi báo cho cho Quách Tấn.
Phong Trần chính là Hàn Mặc Tử. Lúc ấy chàng đã thôi học trường Pellerin, về lại Quy Nhơn. Chàng đến bệnh viện lần đó là để khám sức khỏe làm thủ tục du học. Song có một việc xảy ra khiến chuyện du học không thành.
Bắt đầu một giai đoạn mới.
TRƯỞNG THÀNH
Cuối năm 1931, cảm tấm tình ưu ái của cụ Phan, Hàn Mặc Tử ra Huế tìm thăm nhà chí sĩ tại Bến Ngự.
Từ Huế về, Hàn Mặc Tử bị Sở mật thám Pháp ở Quy Nhơn "mời" mấy lần. Chàng thanh niên vẻ ngoài hiền lành và nhún nhường, thật ra không dễ chịu khuất phục sự dọa dẫm nào. Cuối cùng, để trả giá cho việc đi thăm viếng cụ Phan và cái cách "lễ độ" đối đáp với Sở mật thám, cái tên Nguyễn Trọng Trí trong danh sách du học sinh đi Pháp do Nhà Tây Du Học giới thiệu bị gạch bỏ.
Trong những ngày lông bông chán nản, Hàn nhận được thư sơ giao của Quách Tấn. Lời lẽ giản dị mà trang trọng, ý tứ chân thành mà điềm đạm trong những dòng chữ của một người làm thơ từng trải và lớn tuổi hơn khiến Hàn Mặc Tử xúc động. Chàng liền hồi âm.
Chất keo sơn giữa hai hồn thơ bắt đầu quyện từ độ ấy.
Những vấn đề họ thường trao đổi với nhau qua thư từ vừa là những vui buồn thường ngày trong cuộc sống riêng, vừa là những bày tỏ và lý giải nghiêm túc về các quan niệm văn chương.
Tình bạn với Quách Tấn giai đoạn này có ý nghĩa quan trọng trong bước trưởng thành của Hàn Mặc Tử.
*
* *
Sau mấy tháng ngồi không, Hàn Mặc Tử nghĩ đến chuyện tìm việc làm để có thể tự lập và giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
Năm 1932, chàng nhận việc ở Sở đạc điền Quy Nhơn. Công việc tương đối nhẹ. Hàn dành phần nhiều thời gian cho việc làm thơ, đọc sách. Hàn Mặc Tử đọc say mê, đến nỗi bạn âu yếm gọi đùa là "thằng nghiện sách". Trong sổ ghi tên những người mượn sách của nhà Hội Quán Quy Nhơn (2), người ta thấy tên Nguyễn Trọng Trí chiếm phân nửa. Dường như chàng tìm thấy trong sách vở chiếc chìa khóa mở ra bao thế giới kỳ diệu, những chân trời viễn du có thể bù đắp phần nào sự hạn chế xê dịch khi tấm thân tạm thời ràng buộc vào thời gian công chức.
Từ khi đi làm, Hàn mở rộng giao du. Ngoài đám bạn bè cùng lứa như Hoàng Tùng Ngâm, Bửu Đáo, Lê Đình Ngân, chàng còn quen biết với một số trí thức đàn anh thích bàn luận văn chương như thầu khoán Bùi Xuân Lang (3), giáo sư Trần Cảnh Hảo…
Giáo sư Trần Cảnh Hảo là người đứng ra giới thiệu Hàn Mặc Tử vào ban giám khảo cuộc thi thơ năm 1933 ở Quy Nhơn. Thấy mọi người thiếu tin tưởng ở chàng thanh niên mới ngoài hai mươi tuổi, Trần Cảnh Hảo liền trình bày sơ lược quá trình làm thơ và cho biết chàng chính là Phong Trần từng được Phan Bội Châu ca tụng. Giáo sư lại chọn bài Đàn nguyệt của Hàn ra đề thi. Gần trăm người đủ các lớp tuổi, cựu học có, tân học có, từ các nơi về trường Collège dự thi đi từ chỗ ngạc nhiên đến chỗ khâm phục. Ban giám khảo chấm rất gắt gao, mỗi người một ý, nhưng cuối cùng chấp nhận đề nghị của Hàn trao giải nhất cho Tạ Linh Nha.
Bài nguyên của Hàn Mặc Tử:
Hỏi chơ mấy tuổi? Đáp mười lăm
Non nước từng phen nổi tiếng tăm
Bạc mạng đàn chơi đau nửa kiếp
Đồng tâm tơ buộc chặt quanh năm
Chường mình trước án trông đầy đặn
Nép mặt trong hoa nói thĩ thầm
Mười khúc đoạn trường say chửa tỉnh
Thuyền ai thấp thỏm muốn ôm cầm!
Bài họa được giải:
Đàn cò hơi hướng lạc bao lăm
Đàn nguyệt xưa nay dậy tiếng tăm
Khuôn mặt tròn đầy trăng nửa tháng
Tiếng lòng cao thấp bậc lên năm
Hai dây tơ buộc lòng đau thắt
Một ngón tay rung lệ nhỏ thầm
Sức nhớ năm nào người dưới nguyệt
Khúc ca hòa với nhịp cung cầm.
*
* *
Khoảng thời gian này đời Hàn có rất nhiều sự kiện đáng nhớ. Có sự kiện nổi lên như góp phần khẳng định sự xuất hiện của một tài năng trẻ đang được đám đông để ý. Có sự kiện lặng lẽ diễn ra trong chiều sâu nội tâm, đánh dấu một bước phát triển kỳ diệu của tâm hồn. Cái sự kiện lặng lẽ ấy là tình yêu thiết tha thầm kín của Hàn đối với người thiếu nữ mang tên một loài hoa: Hoàng Cúc.
Như có một sự sắp xếp tình cờ của một bàn tay vô tình, cũng thời gian ấy, Hàn đọc báo thỉnh thoảng gặp thơ của một cây bút nữ ký Mộng Cầm. Chàng tìm cách bắt liên lạc. Theo Mộng Cầm thì hai người có trao đổi thư từ với nhau từ những năm ấy.
Nào ai đoán trước những gì sẽ đến, kể cả Hàn. Thời ấy, chàng vừa biết yêu, chàng lại có một bạn gái ở xa biết làm thơ. Ấy là chuyện bình thường. Nếu cuộc đời đừng diễn ra những bước ngoặt, thì chi tiết này đã không nên ghi lại đây như phép thử về bước "chuẩn bị" ngẫu nhiên mà người đời thường gọi là sự an bài của tạo hóa.
Nhưng đó là tương lai. Còn hiện tại Hàn Mặc Từ đang trải qua quãng đời thanh xuân êm đẹp nhất. Mùa xuân 1933, chàng nghỉ phép lên Đà Lạt thăm Quách Tấn. Nơi đây, chàng và Quách Tấn đi thăm các thắng cảm và tập đua ngựa trên vùng đồi núi điệp trùng diễm lệ này. Đà Lạt với thiên nhiên thơ mộng và không khí bạn bè thân ái chan hòa đã lưu lại nơi Hàn niềm hoài cảm êm đềm đầy thi vị. Mãi sau này, khi viết Đà lạt trăng mờ và Huyền ảo, Hàn lại thêm một lần sống với hồi ức về mùa xuân cao nguyên thánh thiện năm nào.
PHƯƠNG NAM
Thất vọng trong chuyện tình duyên với Hoàng Cúc, Hàn Mặc Tử muốn tìm một phương trời khác để nguôi quên. Mùa thu 1935, chàng thôi việc ở Sở đạc điền Quy Nhơn, từ giã gia đình vào Sài Gòn làm báo.
Cánh phi cầm đã đổi đường bay.
Cùng vào phương Nam với Hàn là Thúc Tề. Vào Sài Gòn, họ ở chung với Trọng Miên và Việt Hồ. Trọng Miên và Hàn quen biết nhau từ trước, nhà Trọng Miên ở Quy Nhơn gần nhà Hàn Mặc Tử (bên đầm Thị Nại). Họ lại có một thời cùng học trường Collège Quy Nhơn. Khi gặp lại nhau giữa đất lạ quê người, Trọng Miên đã là ký giả của nhật báo Dân quyền và tuần báo Renaissance Indochinois. Việt Hồ, tức Hồ Viết Tự là họa sĩ chuyên vẽ bìa và trình bày cho tuần báo Tân Văn. Bốn người bạn xấp xỉ lứa tuổi hai mươi cùng một niềm say mê văn chương nghệ thuật, cùng thuê chung nửa căn gác ngoài nhà số 162 đường d’Espagne đầy nắng.
Còn chân ướt chân ráo, Thúc Tề nhờ Trọng Miên giới thiệu làm chung một chỗ, Hàn Mặc Tử thì hợp tác với nhật báo Sài Gòn, phụ trách trang văn chương. Dần dần, Hàn viết thêm cho tờ Công luận, tờ Tân thời. Người ta biết đến Hàn qua những bài báo châm biếm đánh vào chế độ thực dân Pháp – Nam. Khi viết báo, Hàn thường lấy bút hiệu Trật Sên và một vài bút hiệu dí dỏm khác. Trong số các bài báo của chàng giờ đây chỉ tìm được bài Ông nghị gật đả vào viện dân biểu. Ngoài ra, người ta còn biết đến Hàn như một ký giả trẻ có chính kiến rõ ràng, đứng về phe ủng hộ dân chủ. Hàn Mặc Tử dịch thơ tình của Mác, bảo vệ Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan. Nhưng để người ta chú ý đến Hàn Mặc Tử và yêu quý Hàn Mặc Tử, phần hệ trọng và chủ yếu nhất vẫn là thơ.
Thật vậy, Hàn Mặc Tử là con người thuộc về thơ. Ở chàng đố kiếm đâu ra sự nhanh chân nhanh mắt của một anh phóng viên báo chí. Giữa cái náo nhiệt xa hoa của Sài Gòn, Hàn Mặc Tử vẫn nguyên vẹn là một người tỉnh lẻ với phong thái rụt rè chậm chạp. Không phải Hàn cố tình, cái chất tự nhiên của Hàn vốn thế: từ dáng đi gật gù bất chấp xe cộ đang lao vun vút quanh mình, đến tiếng ngâm thơ trầm trầm không dứt trong khi đi dạo hay ngồi tư lự, và đôi mắt một mí lúc nào cũng lim dim mơ màng, lại càng lim dim mơ màng khi đọc một đoạn thơ đắc ý. Chàng không bị cuốn đi trong dòng đời hối hả tranh đua. Hàn Mặc Tử sống như ngoài thế hệ mình, đó là cảm giác chung của những người quen biết chàng ở Sài Gòn. Hàn xa lạ với những thú vui phù phiếm vốn rất phổ biến trong giới cầm bút đô thị thời đó như rượu, gái, bàn đèn, bài bạc… Ngây thơ và trong sáng, chàng hiến mình cho vần điệu, cho thế giới tưởng tượng và chăm chút cho thơ đến độ quên mình. Không hề coi trọng tiền bạc và hình thức bên ngoài là một đặc điểm của Hàn Mặc Tử. Từ khi ở ngoài tầm chăm sóc của mẹ và chị. Hàn ăn mặc tuềnh toàng, áo quần chẳng mấy khi là phẳng, trên đầu luôn luôn đính chiếc mũ panana cũ kỹ màu vàng. Nhuận bút của tòa soạn trả cho, Hàn không hề giữ riêng mà chia sẻ với bạn bè rất chan hòa. Nhiều khi có người túng tiền hỏi mượn, chàng sẵn lòng vét đến đồng cuối cùng đặt vào tay bạn để rồi sau đó chịu đựng dài hạn sự thiếu thốn kham khổ. Thậm chí có người do biết tính chàng dễ dãi, đã tự ý nhón gọn toàn bộ tiền trong ngăn kéo của chàng mà không hỏi qua khổ chủ nửa lời. Đến khi hàn mở ngăn kéo bàn giấy lấy tiền thì không còn xu nào, chỉ toàn giấy bút với những vần thơ dở dang.
Thời kỳ này Hàn Mặc Từ chuyển từ thơ Cũ sang thơ Mới. Những vần thơ cuốn hút tâm trí chàng chính là các bản thảo Gái quê, tập thơ mới đầu tiên của nhà thơ trẻ tuổi.
Từ khi vào Sài Gòn, Hàn thường xuyên liên lạc với Mộng Cầm. Hình ảnh Hoàng Cúc chưa phai trong ký ức, nhưng vết thương lòng của nhà thơ đã dịu phần nhức nhối. Cuối năm 1935, nhận thấy tình thân với Mộng Cầm qua thư từ đã đủ cho một lần gặp gỡ, chàng ra Phan Thiết. Sau lần gặp Mộng Cầm, trái tim chàng lại náo nức bao điều. Nhưng mà, Hàn Mặc Tử vốn là người kín đáo. Chàng chỉ mãnh liệt trong thơ. Mãi về sau, những người bạn chung sống mới biết được phần nào sự thật.
*
* *
Năm 1936, bao nhiêu sự kiện dồn dập đến với Hàn Mặc Tử. Anh Mộng Châu Nguyễn Bá Nhân mất. Một thời gian sau chàng in tập Gái quê có lời tựa của Phạm Văn Ký. Tập thơ in xong ít lâu thì tác giả mắc bệnh. Hàn Mặc Tử, tuy chưa xác định được bệnh của mình, nhưng chứng ngứa xót làm chàng mất ăn mất ngủ, hao mòn sức khỏe. Vốn định kiến với thuốc Tây, Hàn theo thuốc Nam. Xức thuốc của một ông lang thấy bệnh thuyên giảm, Hàn liền thôi làm báo, trở về Quy Nhơn với chai thuốc nước của ông lang biếu tặng.
Chuyến đi này hứa hẹn điều gì?
Thế là vĩnh viễn giã từ phương Nam với bao đêm thao thức nhìn trăng nhuộm vàng trên lá me, giã từ căn gác xếp trống trải và dột nát nhưng đầy ắp tình thương với những khuôn mặt bạn bè nghịch ngợm, giã từ những chuyến khứ hồi Sài Gòn - Phan Thiết ngọt ngào kỷ niệm. Canh phi cầm bay về vùng trời cũ vào lúc những ngọn gió chuyển mùa thổi ngược, đôi cánh hải hồ trĩu nặng niềm tiếc nhớ vô cùng.
Máu đã khô rồi thơ cũng khô
Tình ta chết yểu tự bao giờ!
Từ nay trong gió, trong mây gió
Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ...
(Trút linh hồn)
Sau những ngày tháng phiêu bạt xa xôi, Hàn Mặc Tử trở về trước bậc thềm ngôi nhà của mẹ. Sự nghiệp văn chương chàng quyết đi tìm đã có những thành tựu ban đầu; nó thiêng liêng và mỏng manh biết mấy trước một ngày mai chất chứa bao giông bão. Để giữ nó vững vàng và tiếp tục bồi đắp cho nó ngày một huy hoàng - cái sự nghiệp văn chương ấy - Hàn Mặc Tử đã phải đổ bao nhiêu nguồn máu lệ dọc đường nhân thế.
(còn tiếp)
(1) Lệ Thanh: Một bút hiệu của Hàn Mặc Tử
(2) Cercle a’Etudes de Quy Nhơn.
(3) Thầu khoán Bùi Xuân Lang là người Hàn Mặc Tử nhờ dạm hỏi Hoàng Cúc cho mình. |