I- Đời riêng (kỳ 2)
9:38', 10/3/ 2005 (GMT+7)

TRÊN BẬC THỀM THỜI GIAN

Về nhà, thấy sức khỏe hồi phục dần và không có triệu chứng gì đáng ngại, Hàn Mặc Tử mới yên lòng lao vào các hoạt động văn chương sôi nổi. Ngoài các bạn cũ, khách văn chương tìm đến chàng rất đông. Yến Lan trước đã hội ngộ với Hàn ở chùa Ông Bình Định, giờ có dịp tìm thăm (1). Ngôi nhà số 20 đường Khải Định ở Quy Nhơn lần lượt chứng kiến các cuộc gặp gỡ lý thú giữa Hàn Mặc Tử và những chàng áo xanh "lưng túi gió trăng": Hoàng Diệp, Chế Lan Viên, Nguyễn Viết Lãm. Trong số đó, có những cuộc gặp gỡ là bước đầu của tình bạn lớn, không chỉ đáng nhớ với người trong cuộc, mà còn ghi dấu ấn lên diện mạo văn học một thời kỳ buộc các nhà phê bình cùng thời không thể làm ngơ. Bằng chứng cụ thể là Hoài Thanh khi soạn Thi nhân Việt Nam 1932 - 1941 đã viết:

"Những thơ ra đời trong mười năm nay đã nhiều lại nhiều khuynh hướng. Tôi cố đưa một tí trật tự vào chỗ vốn chẳng có trật tự gì. Tôi chia làm ba dòng: dòng Pháp, dòng Đường và dòng Việt. Ấy cũng là liều. Tôi đã phân vân nhiều lắm trước khi dám liều như vậy. Bởi người ta có thể tìm thấy trong làng thơ những xóm như:

Xóm sông Thương: Bàng Bá Lân, Anh Thơ...

Xóm phương Đông: Lưu Trọng Lư, Thái Can...

Xóm Huế: Phan Văn Dật, Nam Trân, Nguyễn Đình Thư.

Xóm Bình Định: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên...

Xóm Hà Tiên: Đông Hồ, Mộng Tuyết...

Nhưng trong các xóm dân ngụ cư nhiều quá không có gì thuần nhất. Và đã chia xóm rồi phải đặt trùm xóm, cũng lôi thôi".

Hoài Thanh Hoài Chân - Thi nhân Việt Nam 1932 - 1941, tr. 394-395)

Như vậy, dù thế nào mặc lòng, sự tồn tại của Nhóm thơ Bình Định là hiện tượng có thật và gây được tiếng vang đáng kể trong làng thơ hồi ấy.

*

*    *

Khó mà kể thật đầy đủ về những gì Hàn Mặc Tử làm được trong vòng mấy tháng cuối năm 1936. Hàn đã say sưa hơn bao giờ hết khi thực hiện những điều khá là táo bạo: cộng tác với Hoàng Diệp và Nguyễn Minh Vỹ (lãnh tụ nhóm thanh niên mác-xít ở Quy Nhơn) ra tập san Nắng xuân, giới thiệu thơ Chế Lan Viên trên báo Tràng An, đề xướng việc lập trường thơ Loạn, ra Huế theo yêu cầu các độc giả yêu thơ và nhân đó kết bạn với Trần Thanh Địch, Trần Tài Phùng. Ra Huế lần này, nhà thơ luôn luôn được đón tiếp giữa đông đảo công chúng mà chủ yếu là thanh niên học sinh trường Quốc học và trường Đồng Khánh. Chàng thấy tận mắt những bài thơ của mình trong các sổ tay học trò. Điều này khiến chàng vui mừng và cảm động. Niềm hạnh phúc hiếm hoi như thế không phải nhà thơ nào cũng có được. Ngoài Xuân Diệu là thần tượng thơ tình sáng chói đương thời, phải kể ngay đến Hàn Mặc Tử và có lẽ cũng chỉ có chàng là nhà thơ được tuổi trẻ dành cho nhiều ánh mắt đợi chờ.

Về mấy tháng ngắn ngủi này, có thể khẳng định rằng đó là thời gian bản lề trong cuộc đời Hàn Mặc Tử. Nó chất chứa những sự kiện cao điểm khép lại một thời vàng son trong đời, để tiếp tới một thời bi thương cùng cực. Những sự kiện ấy gắn bó hữu cơ với các sự kiện sau này sẽ tác động mạnh mẽ đến đời sống và thi ca Hàn Mặc Tử.

 

KHÔNG GIAN RƯỚM MÁU

Bệnh phong của Hàn Mặc Tử phát sau một cơn mưa giông và tái phát cũng sau một cơn giông.

Cơn mưa giông thứ nhất ập tới thình lình vào cái đêm Hàn và Mộng Cầm đi chơi Lầu Ông Hoàng ở Phan Thiết (1). Sau đêm ấy, Hàn Mặc Tử về Sài Gòn thì bị ngứa khắp người, nhất là đôi chân. Chỉ biết rằng căn bệnh phát xuất từ đó, còn nguyên nhân sâu xa từ đâu và từ bao giờ thì không ai rõ.

Khi Hàn tưởng rằng chứng phong ngứa hồi ở Sài Gòn đã dứt hẳn thì nó lại bật dậy bất ngờ. Một hôm Hàn ra Bồng Sơn, đang đi bộ trên con đường mới tráng nhựa thì cơn mưa giông buổi trưa trút xuống ướt hết áo quần. Không có chỗ trú, Hàn cứ chịu trận như vậy giữa đường mưa xối xả. Về Quy Nhơn, chàng bị ngứa lại. Càng ngày, các dấu hiệu của căn bệnh hiểm nghèo càng phát triển rõ rệt.

Biết mình bị phong, Hàn Mặc Tử tưởng chừng đất trời sụp đổ. Chàng đau khổ đến phát điên. Những lời thơ xé lòng tuôn ra như mưa xối:

Và sóng buồn dâng ngập cả hồn

Lan tràn đến bến mộng tân hôn

Khóc cười nức nở nơi đầu miệng

Là nghĩa, trời ơi, nghĩa héo hon

(Sầu vạn cổ)

Về căn bệnh quái ác của mình, chàng yêu cầu người nhà giấu kín. Suốt mấy tháng trời, chàng cắn răng chịu đựng "Không nói không rằng nín cả hơi". Tuyệt giao với bạn bè.

Suốt sáu năm cuối đời, Hàn Mặc Tử sống trong sự đau đớn hành hạ thể xác và sự mâu thuẫn vò xé tinh thần. Cái tin Mộng Cầm đi lấy chồng tuy chàng đã đoán trước như một tất yếu, song sự mau chóng đột ngột của nó vẫn làm chết điếng lòng chàng. Hụt hẫng trong cảm giác bị bỏ rơi và đắm chìm trong tiếc nhớ, cộng với sự mặc cảm bệnh tật và nỗi cô đơn khủng khiếp, nhà thơ gần như rơi vào trạng thái cuồng loạn triền miên. Đôi lúc sực tỉnh cơn mê, Hàn lại nhìn vào nỗi bất hạnh của mình khóc than não nuột:

Thân tàn ma dại đi rồi

Rầu rầu nước mắt bời bời ruột gan

(Muôn năm sầu thảm)

Trong khi đó, mặc dù mọi sự lẩn tránh của Hàn, bạn bè của nhà thơ dần dần dò biết được sự thật đã tìm mọi cách liên lạc và thăm viếng chàng. Thấy các bạn đối với mình vẫn nặng tình, chàng bớt dần mặc cảm. Kẻ xa người gần: Quách Tấn, Chế Lan Viên, Yến Lan, Trọng Miên, Hoàng Tùng Ngâm, Trần Thanh Địch, Trần Kiên Mỹ, Trần Tái Phùng... đều dành cho chàng sự thương yêu và nguồn động viên to lớn. Tình bạn đích thực trong cảnh ngộ sáng ngời lên đã dìu Hàn từ chỗ tuyệt vọng trở về với niềm hy vọng lành bệnh và xoa dịu cõi lòng tan nát của chàng. Sự kề cận thường trực của Chế Lan Viên và tình tri kỷ với Bích Khê đã tiếp thêm dầu vào ngọn đèn sáng tạo của Hàn Mặc Tử. Tập thơ điên nhan đề Đau thương được viết ra như gió quật mưa sa, không phải chỉ để giải thoát tâm hồn khi "máu cuồng rên vang dưới ngòi bút", mà còn để thực hiện sứ mệnh của người sáng lập trường thơ loạn. Ba phần của tập thơ được chàng soạn với tên gọi khác nhau kèm lời đề tặng bạn bè để đáp tạ tình bằng hữu thâm sâu:

Phần I: Hương thơm tặng Quách Tấn

Phần II: Mật đắng tặng Chế Lan Viên

Phần III: Máu cuồng và Hồn điên tặng Trọng Miên và Bích Khê.

Với tập thơ này, Hàn Mặc Tử đã chuyển hẳn từ chủ nghĩa lãng mạn qua chủ nghĩa tượng trưng. Hoàn tất tập thơ điên với lời tựa của chính mình (1938), nhà thơ như đã trút hết sinh lực trên cuộc hành trình đầy thử thách. Những tưởng đây là tác phẩm cuối cùng của người "tài hoa thi sĩ" ấy, bởi căn bệnh phát triển mạnh đến mức toàn thân Hàn nhiều khi như muốn nổ tung ra, các vết sưng trên da ngày một sượng sần và các đầu ngón tay co rút lại. Nhà thơ vô cùng lo sợ cái giây phút bị bứt khỏi trang viết - lẽ sống còn lại của chàng. Đối với Hàn đó là sự đày đọa cao nhất. Nghĩ đến lúc tâm linh cũng buộc phải câm bặt trước những tờ giấy trắng, Hàn đau đớn gào lên:

Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút

Mỗi lời thơ đều dính não cân ta

Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt

Như mê man chết điếng cả làn da

 

Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết

Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh

Đừng nắm lại nguồn thơ ta đang siết

Cả hồn ta trong mớ chữ rung rinh

 

Ta đã ngậm hương trăng đầy lỗ miệng

Cho ngây người mê dại đến tâm can

Thét chòm sao hoảng rơi vào đáy giếng

Mà muôn năm rướm máu trong không gian.

(Rướm máu)

Một nỗi đau thương không có thể tích, không có biến giới.

Rồi điều phải đến cũng sẽ đến. Nhà thơ, một sớm kia không thể điều khiển các ngón tay cầm lấy ngọn bút. Ngất ngư và mụ mị trong cơn đau tột cùng, chàng hoang mang cho rằng mình thật đáng bị trừng phạt vì đã viết những lời ngông cuồng, điên loạn và bí hiểm làm phật ý Chúa. Chàng tự buộc mình khổ hạnh để chuộc lỗi lầm. Ngày đêm, Hàn Mặc Tử thành tâm sám hối với lời nguyền sẽ đốt tập Thơ điên nếu Chúa cho chàng lành bệnh, theo đuổi tiếp sự nghiệp thơ ca còn dang dở.

 

PHỤC SINH

Giữa lúc Hàn Mặc Tử tập trung tinh thần chống chọi lại sức tàn phá của bệnh tật, thì nhà thơ Quách Tấn đưa ông Đoàn Phong, một võ sư kiên lương y nổi tiếng đến chữa bệnh cho người bạn bất hạnh. Chàng được đưa về nhà mẹ ở Quy Nhơn điều trị.

Nhờ ông Đoàn Phong tận tình cứu chữa, bên cạnh có sự hỗ trợ của Quách Tấn về mọi khoảng phí tổn, bệnh Hàn Mặc Tử giảm đi trông thấy. Các ngón tay ngay dần ra, có thể cử động linh hoạt và lại cầm bút viết được như thường. Hàn Mặc Tử quá cảm kích và vui mừng đã ôm chầm vị lương y òa khóa nức nở.

Mỗi ngày, da Hàn bớt vẻ sượng sần, trơn liền lại như cũ. Nhà thơ rưng rưng thể nghiệm sự hồi sinh trong trạng thái lắng dịu tâm hồn.

*

*    *

Trong thời gian không cử động được các ngón tay như ý muốn, Hàn Mặc Tử đã có dịp chiêm nghiệm về mọi điều đã xảy ra trong đời sống và trong tác phẩm của chính chàng. Trong tập thơ điên, mọi bí mật của tâm hồn được nhà thơ khám phá, thể hiện một cách riêng tư và thành thật. Đó là thế giới tâm linh ngổn ngang bao nhiêu mảnh vỡ, tất cả ánh lên một luồng sáng nhức nhối toát ra từ đau thương tuyệt vọng. Nhà thơ đã cật lực cạn hơi sau khi tự phơi bày. Người không đốt tập thơ như lời nguyện lúc thần trí hoang mang, song không tiếp tục chiều hướng tượng trưng cuồng loạn ấy nữa. Giờ đây, người nhìn lại chính mình, cái linh hồn quay cuồng gào thét dữ dội, bỗng dưng thèm khát một sự thiết lập lại: tươi mới, dịu dàng, êm ả. Niềm khao khát mới đổ về mười đầu ngón tay vừa khôi phục sức sống. Tập Xuân như ý ra đời và tiếp theo là Thượng thanh khí. Sau cõi thiên đường là cõi chiêm bao. Những hai bài thơ được viết ra với sự thư thái và niềm say sưa bất tuyệt của một tâm hồn vừa tìm lại sự thăng bằng.

Nếu ở Xuân như ý, một thế giới mới huyền diệu và rực rỡ được thiết lập lại theo ý muốn của nhà thơ, trong thế giới ấy, thi sĩ cao giọng ca tụng ơn đức Thượng đế và mùa xuân vĩnh cửu; thì sang Thượng thanh khí, những vấn đề đặt ra tuy vẫn trừu tượng (cõi chiêm bao, lẽ sống chết, tài hoa, số mệnh, thơ nhạc v.v...) nhưng đã bớt đi sự huyền bí. Từ xuân như ý đến Thượng thanh khí, nhà thơ đi dần từ cảm hứng chiêm ngưỡng và ngợi ca đến chỗ phân tích và lý giải thế giới - tất nhiên là theo sự tưởng tượng chủ quan của mình. Người đọc nhiều khi như đứng trước hai cánh cổng vàng của thiên đường luôn luôn đóng kín. Có lẽ vì vậy mà nhà thơ Quách Tấn nhận xét rằng ở hai tập thơ này, "có nhiều bài đọc thấy hay, nhưng cái hay chỉ ý hội chứ không thể ngôn truyền".

Với Xuân như ý và Thượng thanh khí, Hàn Mặc Tử đã tiến dần vào địa hạt siêu thực và trở thành người mở đường. Chúng ta nhớ lại, từ khi chàng hãy còn ở địa hạt cổ điển với thơ Đường luật, rồi khi chàng chuyển qua địa hạt lãng mạn với tập thơ mới Gái quê, tiếp đến tập Đau thương tràn đầy chủ nghĩa tượng trưng, cho đến bây giờ và bất cứ ở địa hạt nào, Hàn Mặc Tử cũng luôn luôn ở vị trí tiên phong và xứng đáng là người đại diện.

*

*    *

Bên cạnh việc tập hợp những bài thơ mới cho hai tập thơ nói trên, Hàn Mặc Tử còn chăm lo đến tác phẩm của bạn bè. Ở cửa ngõ tượng trưng mà Hàn vừa bước ra, Bích Khê đang lập những thành tựu xuất sắc tiến dần về cao điểm. Viết tựa cho Tinh huyết, Hàn Mặc Tử chân thành chào đón một tài thơ tuyệt diệu. Nhà thơ yên lòng khi dấn thân vào những miền đất lạ, ngoảnh lại sau lưng biết mình không phải là kẻ độc hành.

Cũng trong năm 1939, Hàn Mặc Tử đề bạt tập thơ Một tấm lòng của nhà thơ Quách Tấn bằng những dòng tâm huyết: "Ôi chao! Sao ta không phải là trăng để soi sáng mãi Một tấm lòng vàng ngọc? Và nếu ta là trăng, người thiên hạ sẽ reo lên hoan hỷ, vì cứ từng mảnh trăng là từng mảnh thơ, từng mảnh thơ là từng mảnh lòng, thơm tho, ngào ngọt như hương vị buổi ban đầu".

Khi ngợi khen hay phê phán một tác phẩm nào, Hàn Mặc Tử luôn luôn xuất phát từ giá trị của tác phẩm và tài năng của tác giả. Không bao giờ chàng để cho tình cảm chủ quan làm lệch hướng ngòi bút. Là một nhà thơ chân chính, bao giờ Hàn Mặc Tử cũng giữ cho ngòi bút sự trung thực và chân thành nguyên vẹn, kể cả khi làm thơ hay khi bàn đến thơ người.

 

NGUỒN THI HỨNG CUỐI CÙNG VÀ NỤ CƯỜI DÀNH CHO THẦN CHẾT

Hàn Mặc Tử uống thuốc của ông Đoàn Phong gần một năm thì bệnh phát trở lại một cách dữ dội. Tất cả hy vọng lành bệnh thế là tiêu tan. Những vết sượng sần lại nổi lên khắp người, một bên mặt bị nám. Hàn Mặc Tử lại nghĩ đến chuyện tìm nơi kín đáo để tránh sự phát hiện của Sở vệ sinh công cộng. Thương con, ngày nào mẹ nhà thơ cũng khóc. Song Hàn Mặc Tử nén đau thương vào lòng, dịu dàng trấn an mẹ.

Một sớm chưa tan sương, chàng rời bậc thềm ngôi nhà thân yêu, dời xuống xóm Tấn ở phía Đông thành phố. Trong một túp lều nho nhỏ cũ kỹ, dột nát chẳng khác gì túp lều trước kia ở xóm Động, nhà thơ lại một mình đối diện với một vũng cô liêu cũ vạn đời. Có điều, giờ đây, khi đã kinh qua quá nhiều hy vọng và thất vọng, tâm thế nhà thơ đã đạt đến chỗ bình tĩnh, thăng bằng.

Một may mắn mà số phận không nỡ tước hết khỏi đời Hàn Mặc Tử là chàng vẫn viết được. Bàn tay và các ngon tay lần này không phản lại sự điều khiểu của trí óc và trái tim chàng. Sau lần tái sinh với sự hồi phục của đôi tay vô giá, nhà thơ không còn đắm chìm trong rên xiết, chàng bằng lòng với hoàn cảnh hiện tại và níu giữ sự sống bằng cách miệt mài sáng tạo. Thanh thản, chàng dọn lòng trong sạch chờ một nguồn thi hứng mới.

Hàn Mặc Tử dọn về xóm Tấn ít lâu thì một hôm chàng tình cờ nhận được thư của một thiếu nữ ở Huế có cái tên kiều diễm - Thương Thương - gửi vào, kèm với thư giới thiệu của Trần Thanh Địch. Trong vòng nửa năm, Thương Thương trong mộng là nguồn thơ kỳ diệu, gợi cảm hứng cho thi nhân soạn tập thơ Cẩm châu duyên và hai vở kịch thơ là Duyên kỳ ngộ Quần tiên hội. Riêng với kịch thơ Quần tiên hội. Còn một đoạn cuối viết chưa xong. Giữa lúc Hàn Mặc Tử chuẩn bị tiếp tục thì có thư Trần Tái Phùng từ Huế gửi vào nói rõ sự thật: "Những bức thư của Thương Thương" chỉ là do Trần Thanh Định sắp đặt (3). Nguồn cảnh hứng đứt ngang, Hàn Mặc Tử quăng bút không viết tiếp nữa. Trần Tái Phùng ân hận khuyên Hàn nên hoàn thành tác phẩm, nhưng mạch thơ đã cạn theo giấc mộng Thương Thương tàn.

Từ khi xuống xóm Tấn, nhờ môn thuốc gia truyền của một bà lang, bệnh của nhà thơ có chiều hướng khả quan. Thêm vào đó mối tình tưởng tượng với Thương Thương cũng là liều thuốc tinh thần quan trọng. Sau biến cố đáng buồn kia, căn bệnh lại tái phát, kịch liệt hơn lúc trước bội phần.

Từ gia đình đến thầy thuốc, trước tình trạng đó đều chịu bó tay. Vô phương chạy chữa, Hàn Mặc Tử đành vào bệnh viện Quy Nhơn theo lời khuyên của anh Bửu Dõng, chồng chị Lễ. Các bác sĩ xét nghiệm thấy trong máu của Hàn có sâu (4), bèn quyết định người bệnh phải nằm viện. Nơi đây, nhà thơ trải qua những ngày tháng đơn độc u buồn, nghiền ngẫm cái chết giữa những căn phòng trống lạnh mở ra mấy dãy hành lang hiu hắt. Chàng gác hẳn việc văn chương, bình tĩnh sắp xếp mọi vấn đề cần thiết trước khi bước vào cuộc hành trình vô tận.

Về cái chết Hàn không hề sợ sệt. Dường như nhà thơ đã quen biết tử thần rất lâu và giữa hai bên đã có sự thỏa thuận về một ngày vĩnh quyết: Hàn Mặc Tử đã hoàn thành sứ mệnh thi nhân, đã hiến dâng cho đời sống mà mình yêu tha thiết đến giọt máu cuối cùng tươi rói. Với phong thái của một người biết rũ nhẹ mọi gánh nặng núi non chụp xuống đời mình, để nỗi đau cất cánh thành lời thơ, Hàn nói về cái chết gần kề bằng những lời hoàn toàn nhẹ nhõm:

- Đó là ngưỡng cửa phải bước qua để đi đến cõi vĩnh viễn.

(còn tiếp)

 

(1) Xem Yến Lan - "Hàn Mặc Tử, hồi ấy..."

(2) Lầu Ông Hoàng, tức lầu của bá tước Đờ-mông-băng-kê, cảnh rất đẹp.

(3) Xem thêm phần "Những bóng dáng khuynh thị".

(4) Ý nói vi trùng bệnh phong.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
I- Đời riêng   (07/03/2005)
Trần Thị Huyền Trang sưu tầm và biên soạn   (07/03/2005)