I - Đời riêng (kỳ 3)
10:42', 13/3/ 2005 (GMT+7)

GIÃ TỪ NHÂN THẾ

Thung lũng Quy Hòa...

Nơi dừng chân cuối cùng của Hàn Mặc Tử trong cõi người. Muốn đến đó phải vượt qua ngọn núi Ghềnh Ráng bằng con đường đất đỏ. Dọc đường trập trùng các loài cây dại mắc lên sườn núi vô số tấm áo màu lục sẫm loang loáng bụi. Thỉnh thoảng từ khoảng xanh biền biệt của sườn núi chợt nứt ra đôi cụm hoa hoặc ngan ngát tím của sim mua hoặc rừng rực đỏ của mẫu đơn rừng. Suốt lộ trình có phần quạnh vắng đìu hiu, đến khi vượt qua mấy độ dốc dài, ánh nắng bỗng bớt phần chói chang trước hàng hàng dương liễu xanh huyền như tóc xõa xuống một vùng cát trắng. Đó đây ánh lên màu sáng xanh của lá dừa, màu đỏ tía đằm thắm của mấy giàn hoa giấy. Không gian tuy tràn đầy tĩnh lặng song đã mất vẻ hoang vu. Bước vào đây, khi tất cả những bon chen náo nhiệt của chợ đời đã bị gạt rớt dưới chân Ghềnh Ráng, du khách tận hưởng sự bình yên thơ mộng đang dìu dịu tỏa ra từ lũng đất nhỏ bé và độc đáo gồm núi xanh, biển thẳm và làng xóm xinh tươi châu tuần lại một cách hài hòa. Từ đáy tâm hồn ta rung lên niềm cảm kích không nói lên lời trước những tà áo nữ tu đã bạc màu hay những bóng áo blu trắng thuần thục - nơi đây, bệnh viện Quy Hòa, tình nhân ái hòa làm một với tinh thần trách nhiệm. Những người bệnh được đối xử bằng tình cảm bác ái và bình đẳng, không thoáng qua chút ghẻ lạnh rẻ rúng, không bị đồng loại phân biệt né tránh.

Chính nơi đây, Hàn Mặc Tử đã cởi bỏ những mặc cảm u ám của quãng đời trước kia. Tâm hồn nhà thơ, mảnh tâm hồn bị thương tổn bởi những lần phải xê dịch hết nơi này đến nơi khác để tránh sự quan sát của người xung quanh, giờ đây bắt đầu lành lặn. Lòng chứa chan tình cảm biết ơn những người chăm sóc mình tận tụy, nhà thơ viết bài tụng thi bằng tiếng Pháp La Pureté de L’âme (Linh hồn thanh khiết) tặng các bà phước nhân từ. Từ nay vĩnh viễn rời xa cái quá khứ thuộc phần đời bên kia chân núi, cái quá khứ từng dồn ép nhà thơ đến độ

Anh điên anh nói như người dại

Van lạy không gian xóa những ngày

Những ngày đau khổ nhuộm buồn thiu

Những ánh mây lam cuốn dập dìu

Những mảnh nhạc vàng rơi lả tả

Những niềm run rẩy của đêm yêu

(Lưu luyến)

Vào Quy Hòa, Hàn Mặc Tử bước vào một không gian lý tưởng. Sống hòa hợp với những tâm hồn "đẹp và thơm như một bài thơ vừa ráo mực", niềm hy vọng lành bệnh đã khô cạn trong thời gian nằm bệnh viện Quy Nhơn giờ bỗng lại tràn đầy. Dẫu sao Hàn lúc bấy giờ chỉ mới bước vào tuổi 28, tương lai sẽ còn rộng dài phía trước, nếu thời gian đừng hẹp lượng với người thơ.

Thế nhưng thời gian Hàn Mặc Tử đã đứng sững trước tờ lịch ngày 11 tháng 11 năm 1940. Người bệnh tên Nguyễn Trọng Trí, số thứ tự 1134 trong sổ ghi danh sách bệnh nhân của bệnh viện phong Quy Hòa, nhập viện chưa tròn hai tháng đã qua đời. Oái oăm thay, cướp chàng khỏi cuộc sống xanh tươi không phải là bệnh phong mà là chứng kiết lỵ đột khởi. Phút ra đi của nhà thơ mỏng hơn một làn khói nhẹ, không ai hay. Các xơ và người bạn đồng bệnh là Nguyễn Văn Xê đến bên giường bệnh khi chàng đã đi vào giấc ngủ thiên thu. Gia đình chưa biết. Bạn bè ở xa...

Người ta chôn tạm nhà thơ dưới một gốc phi lao, không khói hương, không một nhánh hoa tiễn. Một cây thánh giá gỗ cắm trên nấm mồ đắp điếm đơn sơ. Buồn vắng mông mênh phủ lên chỗ Hàn nằm, đúng như chàng tiên cảm trong Duyên kỳ ngộ:

Một mai kia ở bên khe nước ngọc

Với sao sương anh nằm chết như trăng

Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc

Đến hôn anh và rửa vết thương tâm!

Từ đây, cuộc hành trình với nhân gian chấm dứt, Hàn đi vào cõi vô biên. Nhà thơ không mang theo mình thứ gì. Hàn Mặc Tử để lại cho chúng ta tất cả - cùng với thơ là những bước chân nặng trĩu đọa đày dưới cái gánh đau thương lớn gấp bội xác thân trần thế. Mỗi bước đi tới của nhà thơ trên đường sáng tạo máu đổ đòi cơn, hằn sâu vào không gian của thời đại mình những dấu tích độc đáo của một thiên tài đích thực mà thời gian, diệu kỳ thay, không hề vùi lấp đi, ngược lại mỗi ngày một làm nổi lên những đường nét sắc sảo.

 

MỘ PHẦN

Trước khi xuống bãi tắm Hoàng Hậu phía dưới lầu Bảo Đại đã hoang phế hay muốn vào sâu tận Quy Hòa, du khách sẽ trải qua thoáng chốc dưới chân Ghềnh Ráng. Đứng ở chân núi ngước nhìn lên, ta sẽ gặp một thoáng trời xanh thẳm trên đầu với những cuộn mây bông lững lờ trôi. Thấp thoáng trong màu trắng mây trời, ngay đỉnh cao Ghềnh Ráng là một pho tượng Đức bà dịu dàng nhìn xuống, hai tay hơi dang ra như để trông coi và đón nhận một cái gì bên dưới. Rẽ lau lách và cỏ may, tiến về phía pho tượng theo con đường nhỏ dốc đứng như đường lên trời, ta sẽ thấy mình tới gần một ngôi mộ trắng cao sang và trang nhã nằm trên ba bậc cấp rộng. Trên phần mộ hình chữ thanh thoát là tấm bia mộ đỡ lấy tượng Đức Bà. Màu vôi trắng tinh toàn ngôi mộ làm nổi bật màu huyền thạch của tấm đá dựng bia. Chìm trên mặt đá là những hàng chữ chân phương, rõ ràng hiện ra trước mắt người viếng mộ:

 

Đây an nghỉ

Trong tay mẹ Maria

HÀN MẶC TỬ

tức Phê-rô Phan-xi-cô

Nguyễn Trọng Trí

Thứ nam cố Nguyễn Văn Toản và Nguyễn Thị Duy

Sanh 22-9-1912 tại Lệ Mỹ (Quảng Bình)

Tử 11-11-1940 tại Quy Hòa (Bình Định)

Cải táng và lập mộ

12-12-1959

do

Chị: Nguyễn Thị Như Ngãi

Nguyễn Thị Như Lễ

Em: Nguyễn Bá Tín

Nguyễn Bá Hiếu

Bạn: Quách Tấn

 

Từ lúc Hàn Mặc Tử từ trần đến khi cải táng hài cốt về Ghềnh Ráng, tính ra mười chín năm dư. Suốt thời gian đó (1940 - 1959), bao nhiêu thăng trầm biến đổi.

Sau khi Hàn Mặc Tử mất, thi hài nhà thơ được chôn tại nghĩa trang bệnh viện Quy Hòa theo nguyên tắc phòng tránh truyền nhiễm.

Lúc chôn Hàn Mặc Tử, gia đình chọn chỗ kề một cây phi lao để dễ nhận.

Vào lễ Phục sinh năm 1941, Quách Tấn ra thăm mộ Hàn. Nhìn nấm mộ đìu hiu, ông ngậm ngùi thương bạn. Những lời Hàn nói năm nào trên Đèo Son vang lên trong lòng:

"Tôi thích chỗ này quá anh ạ. Sau trăm tuổi nếu được chôn nơi đây để chiều chiều hiện về nhìn non nhìn nước thì tuyệt thú!"

Mới đó mà Hàn đã là người thiên cổ.

Nhìn cây phi lao đơn độc, Quách Tấn sợ rồi nó không chống được gió bão. Ông đích thân bưng một tảng đá xanh rất lớn chôn thêm ở chân mộ để ghi dấu.

Về chi tiết này, một nhà văn miền Nam - Thi Vũ - viết: "Giữa trạng huống cùi tập thể, trên mặt phẳng hoang sa thăm thẳm, khi mặt trời bốc cháy, ánh trăng thì chảy huyết... một mình Quách Tấn khổ nhọc, cô đơn khuân tảng đá của bà Thiên Y A Na từ Khánh Hòa ra Quy Hòa. Quách Tấn... đã tiên liệu giờ lịch sử điêu linh, bê một tảng đá đặt lên mộ Hàn Mặc Tử để sau này dễ nhận vì sợ cây phi lao có ngày gãy mục" (1)

Thật ra, tảng đá đó không phải xuất xứ từ Khánh Hòa. Nó được thi sĩ chọn trên bãi đá ở khu vực Quy Hòa. Mặc dù sự nồng nhiệt của nhà văn Thi Vũ đầy thiện ý, nhưng thi sĩ Quách Tấn vẫn đính chính lại để đảm bảo sự thật chính xác. Dí dỏm và chân thành, ông nói thêm rằng tảng đá xanh đó rất to lớn và nặng nề, hai người vần được nó lên và khiêng tới mộ đã đủ "khom lưng khom cổ, hết hơi hết sức", huống chi rinh từ Nha Trang ra.

Nghĩa là, ý nghĩa của vấn đề không gắn với gốc tích của tảng đá xanh nọ, mà gắn với tác dụng của nó là làm mốc. Sự hiện diện của nó với tác dụng ấy nói lên sự cẩn thận và chí tình của Quách Tấn. Ngay khi có ý nghĩ tìm tảng đá, ông chỉ quan tâm một điều: sẽ có ngày đem thi hài bạn về nơi bạn hằng ao ước. Cụ thể là 19 năm sau, Quách Tấn và gia đình Hàn Mặc Tử đã xin đất Đèo Son để thực hiện đúng với ý nguyện của Hàn, nhưng không đạt được mục đích vì Đèo Son lúc bấy giờ đã là khu vực quân sự. Quách Tấn đành phải tìm chỗ khác: Ghềnh Ráng, một thắng cảnh Quy Nhơn, lại không xa Quy Hòa, rất tiện việc di chuyển hài cốt. Chọn xong nơi mới, Quách Tấn và gia đình lại vất vả trong việc xin đất, dọn chỗ. Nhưng rồi mọi khó khăn cũng vượt qua được. Việc dời mộ thực hiện vào ngày mồng 6 tháng giêng năm Kỷ Hợi, tức ngày 13-2-1959. Lễ cải táng cử hành dưới bóng chiều tà. Dự lễ gồm có hai người chị và hai người em trai nhà thơ, ba người bạn thân và một vị linh mục thỉnh đến làm lễ mồ.

Một tháng sau, lăng mộ Hàn Mặc Tử được xây dựng.

*

*     *

NHỮNG NGHI VẤN

1. Thắc mắc của Trương Văn Ngọc (1967)

Cách đây hơn hai năm (tác giả viết bài này năm 1967), khi đến Quy Nhơn, cũng như mọi người trẻ yêu thơ khác, việc mà tôi thực hiện đầu tiên là đi thăm lăng mộ Hàn Mặc Tử. Từ lâu tôi vẫn hằng ao ước được một lần nghiêng mình kính cẩn trước mộ của bậc thiên tài mà tôi vô cùng ngưỡng vọng.

... Sau mấy tiếng đồng hồ vừa đi bộ vừa hỏi thăm, chúng tôi đến Ghềnh Ráng... Chúng tôi theo con đường dốc lên đồi khá xa nhưng vẫn chưa thấy mộ. Qua gần đến sườn núi bên kia chúng tôi gặp hai người đàn ông đi ngược chiều. Chúng tôi đón nhờ chỉ giùm mộ Hàn Mặc Tử. Người lớn tuổi hơn, khoảng trên dưới 60, cho chúng tôi biết mộ Hàn Mặc Tử ở dưới kia, chỉ cách Ghềnh Ráng khoảng trăm thước thôi. Trong quãng đường đi xuống, người đàn ông lớn tuổi kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời và về những ngôi mộ của Hàn Mặc Tử. Phần cuộc đời chẳng có điểm gì lạ. Còn phần kể về ngôi mộ Hàn Mặc Tử đã làm cho chúng tôi sửng sốt. Câu chuyện người đàn ông kể lại đại ý như thế này.

"Người nằm trong mộ phía núi đàng kia chưa chắc là ông Trí đâu - Tại sao bác biết được điều đó? - Hồi trước trong trại cùi Quy Hòa, những người bệnh chết được đem chôn ngay tại bãi tha ma trong đó. Những ngôi mộ được chôn ngay hàng thẳng lối từ trước tới sau không kể già trẻ hay nam nữ. Mỗi ngôi mộ đều có một thánh giá bằng cây, với một tấm bia bằng gỗ hay bằng bìa cứng có ghi tên thánh và họ tên người chết. Tha ma là một bãi cát gần biển, những ngày biển động mưa gió tường san bằng nấm mộ nên thỉnh thoảng người ta đắp lại một lần, mỗi lần đắp mộ lại sai lệch một ít mà bia cũng chẳng còn. Lúc đó người chăm sóc bệnh nhân rất hiếm hoi, nên chẳng có ai còn thì giờ chú ý đến người đã chết; chú ý đến người cùi còn sống là quý hóa lắm rồi. Do đó, mộ của Hàn Mặc Tử cũng nằm lẫn lộn trong những ngôi mộ không tên. Ngày gia đình và thân nhân ông Trí đến xin dời mộ, cha Biên (linh mục trông coi trong trại cùi hồi đó) đã chỉ cho một ngôi mộ trong vô số những ngôi mộ vô danh đó và người ta dời đi. Lúc đó tôi quen với cha Biên nên biết chuyện này. Tôi tin chắc người nằm đằng kia không phải là Hàn Mặc Tử".

Ông nói xong chỉ cho chúng tôi ngôi mộ tôi định đến thăm. Ông còn chỉ cho chúng tôi nhà ông ở phía sau nhà thờ Ghềnh Ráng...

Tôi xin viết ra đây câu chuyện trên, không ngoài mục đích cầu mong cụ Quách Tấn cho biết ý kiến của cụ về "Người nằm đó phải hay không phải Hàn Mặc Tử?"

(Trích "Nhân đi thăm mộ Hàn Mặc Tử" bài của Trương Văn Ngọc, đăng tạp chí Văn (Sài Gòn) số 179 ra ngày 1-6-1971)

2. Điều tra của Ngọc Minh (phóng viên Báo Bình Định - 1990)

Vừa qua, chúng tôi có dịp vào bệnh viện phong Quy Hòa, nơi trước đây Hàn Mặc Tử đã đến điều trị và đã qua đời để tìm hiểu thêm về quãng đời cuối cùng của nhà thơ và những nghi vấn chung quanh thi hài của thi sĩ.

Dưới sự giúp đỡ nhiệt tình của bệnh viện, chúng tôi đã tìm được cuốn sổ dày cộp ghi lại danh sách của các bệnh nhân do một bà sơ người Pháp ghi lại bằng cả tiếng Việt và Pháp. Chúng tôi nhìn thấy tên Nguyễn Trọng Trí ở hàng số thứ tự 1.134 tính từ người đầu tiên nhập viện. Tại đây cũng ghi rõ ngày vào viện 20-9-1940 và ngày mất 11-11-1940, như vậy nhà thơ đã qua đời chỉ vẻn vẹn chưa đầy hai tháng sau khi nhập viện.

Trong cuộc gặp gỡ trao đổi với bác Trần Kế, năm nay 72 tuổi là một bệnh nhân cùng thời và nằm cùng buồng với Hàn Mặc Tử và các bác Bùi Tuất, Lê Lừ và những bệnh nhân vào viện sau vài ba năm nhưng đã được nghe kể lại, chúng tôi được biết trong những ngày điều trị ở đây, Hàn Mặc Tử tỏ ra là người trầm tư ít nói, thường lang thang một mình ra các ghềnh đá ven biển vào các buổi chiều. Trừ một phụ nữ không rõ là chị em hoặc người yêu thường đến, nhà thơ sống cô độc, ít có ai đến thăm, và cũng ít tiếp xúc với ai. Thỉnh thoảng người ta thấy người thanh niên trẻ ngồi viết, với dáng điệu tư lự nhưng không ai biết viết gì, mãi đến khi qua đời người ta xếp dọn chỗ ở mới thấy những bài thơ mới viết và chuyền tay nhau đọc. Sau người nhà thu lại một ít còn một số thất lạc.

... Về hài cốt của Hàn Mặc Tử, bác Kế cho biết: đám tang Hàn Mặc Tử rất thê lương lặng lẽ, chỉ một vài người lo chôn cất và đưa tang. Nấm mộ được đắp thêm mấy hòn đá để làm dấu (thời ấy chưa có bia mộ). Bác để ý bởi chỉ cách ba nấm mộ là đến mộ của người con sinh non tháng của bác. Đến khi Quách Tấn vào tìm để chuyển hài cốt ra Ghềnh Ráng bác có đến chỉ dẫn nhưng không hiểu sao nấm mộ ấy vẫn còn nguyên. Theo bác hài cốt được chuyển ra Ghềnh Ráng là của ai khác chứ không phải của Hàn Mặc Tử. Chúng tôi gặp anh Huỳnh Ngọc Hải là một bệnh nhân đời sau nhưng có cho biết là đã có lần nghe ông Bửu Căn, một bệnh nhân cùng thời với Hàn Mặc Tử chỉ cho Quách Tấn dời mộ Hàn Mặc Tử ra Ghềnh Ráng sau này, nói đại ý: Hồi đó cũng chỉ đại chứ có nhớ gì đâu! Nhưng đáng tiếc là sau đó cả khu nghĩa trang này đã được bốc dời sang một địa điểm mới và người ta cũng không để ý phân biệt là mộ của ai. Nên nếu giả thuyết hài cốt đã được chuyển ra Ghềnh Ráng thì cũng không cách gì tìm được hài cốt thật của nhà thơ đang nằm ở chỗ nào..."

(Trích "Thêm vài chi tiết về cuộc đời và mộ chí của Hàn Mặc Tử ở bệnh viện phong Quy Hòa", bài của Ngọc Minh, Báo Bình Định số 73, thứ ba, ngày 13-3-1990)

Trên đây là những đoạn lược trích các bài viết của những người khác nhau, đại diện cho những lớp người khác nhau. Có thể nói là những ý kiến tiêu biểu nêu ra những nghi vấn về hài cốt Hàn Mặc Tử.

Đọc các ý kiến đó, ta thấy gì? Cái đáng quý là tác giả các bài viết đều xuất phát từ tình cảm mến mộ đối với bậc thiên tài bạc phận, dẫn đến chỗ muốn tìm ra một đáp số chính xác của vấn đề.

Cả ba người đều đưa ra những căn cứ, những chứng nhân - Đó là yếu tố chủ chốt làm chỗ dựa cho một lập luận, một nghi vấn. Tuy nhiên, khi đặt ba ý kiến lại gần nhau, rất dễ dàng nhận thấy rằng nhân chứng trong nghi vấn thứ nhất là một người, nhân chứng trong nghi vấn thứ hai là người khác, nhân chứng trong nghi vấn thứ ba lại là nhiều người khác nữa. Vị nào cũng khẳng định mình biết rõ vấn đề, vị nào cũng nhận chính mình chỉ dẫn cho thi sĩ Quách Tấn đến phần mộ Hàn Mặc Tử ở Quy Hòa.

Vậy thì, các nhân chứng đó đã làm đúng lương tâm chưa? Khi biết người tìm đi sai chỗ mình chỉ mà không báo lại giùm, như trường hợp ông Trần Kế? Và cũng trong bài điều tra của nhà báo Lưu Ngọc Minh, ông Bửu Căn nào đó cũng nhận mình đã chỉ, mà chỉ đại cho xong việc. Chừng đó so lại đủ thấy cái phi lý của sự việc, và uy tín của nhân chứng không được... vững vàng cho lắm.

Tuy nhiên, vấn đề đã đặt ra, cần phải có lời giải đáp. Vì Hàn Mặc Tử. Vì sự thật. Chứ hoàn toàn không phải vì những điều đơm đặt làm bận lòng bao nhiêu người yêu quý Hàn Mặc Tử. Ông Trương Văn Ngọc và anh Lưu Ngọc Minh băn khoăn về hài cốt Hàn Mặc Tử là chính đáng. Baonhiêu người đọc cũng chung một mối băn khoăn đó. Lỗi vì đâu? Vì sự nhầm lẫn của thân quyến bạn bè nhà thơ quá cố? Hay vì những người lúc Hàn Mặc Tử qua đời mới biết đó là một nhà thơ, lại là một nhà thơ nổi tiếng, thì bỗng có ý...

May mắn là những người thân yêu của Hàn Mặc Tử - những người có liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp và cả chuyện lo chỗ nằm thiên thu của Hàn - vẫn còn trên thế gian này. Chúng ta mong mỏi một lời giải đáp thỏa đáng (1).

(Còn tiếp)

 

(1) Xem bài: "Thi sĩ Quách Tấn nói về vấn đề hài cốt Hàn Mặc Tử" in trong phụ lục sách này.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
I- Đời riêng (kỳ 2)   (10/03/2005)
I- Đời riêng   (07/03/2005)
Trần Thị Huyền Trang sưu tầm và biên soạn   (07/03/2005)