MẸ
Người đã nâng Hàn Mặc Tử trên tay từ khi chàng còn chưa biết thế nào là bày tỏ và ngợi ca, còn chưa biết đến mọi vinh quang và đau khổ. Người dù muôn vàn lo lắng về chợ đời bon chen vẫn không níu giữ khi Hàn muốn bay nhảy vào đời. Người không chút đòi hỏi nơi Hàn một nỗ lực sáng danh nào, song bao giờ cũng mong Hàn thành đạt. Và sau này, chính người đã dang rộng đôi tay hiền dịu ôm lấy phần đời khổ ải của Hàn mà xoa dịu, mà vuốt ve an ủi. Ấy là Mẹ, bà góa phụ Nguyễn Văn Toản, tên đích là Nguyễn Thị Duy.
Bà được những người thân quen của các con ghi nhận là một bậc từ mẫu đã hy sinh tận tụy cho đàn con, nhất là cho Hàn Mặc Tử. Do không phải bởi lòng mẹ tư vị, mà vì bà những mong bù đắp cho đứa con từ lúc chào đời đã yếu ớt hơn bầy đàn, về đời riêng lại nhiều long đong, bất hạnh.
Vốn là con gái yêu của cụ Nguyễn Long, một quan ngự y có tiếng triều Tự Đức, bà mang trong mình tính nhân hậu bẩm sinh, tư chất thông minh thiên phú và dĩ nhiên là hội đủ các yếu tố phẩm hạnh của một phụ nữ nền nếp. Tuy nhiên, người ta không tìm thấy ở người phụ nữ xuất thân danh gia vọng tộc này vẻ kiểu cách và giả tạo, cứ như nơi bà đã diễn ra sự sàng lọc nội tâm để giữ lại những gì tự nhiên hồn hậu nhất. Từ một người con gái nhà quan thành một người vợ, người mẹ bình thường, nếu có điều gì bà phó mặc cho thời gian cuốn đi, thì đó là nếp sống quyền quý đã từ lâu trở thành xa lạ. Giản dị, hiền lành, giàu lòng thương người và đức vị tha, những đức tính đáng quý ấy của bà đã in dấu rất đậm lên tính tình đứa con thi sĩ và qua đó, đã ảnh hưởng tốt đẹp đến toàn bộ "khẩu khí thơ ca" của Hàn Mặc Tử.
Giả sử sau khi người chồng qua đời, bà không có một định hướng lèo lái gai đình, vun trồng cho tương lai con cái thì cuộc đời riêng của các con bà đã rẽ theo hướng khác (trừ anh Nguyễn Bá Nhân đã có nghề nghiệp). Như thế, có lẽ sẽ không có nhà thơ Hàn Mặc Tử. Tất nhiên về Hàn Mặc Tử, bao nhiêu giả thuyết đặt ra: trở thành người lao động tự do, hoặc trở thành một công chức gò bó sinh hoạt vào đồng lương và một vùng chuyển động tương đối tẻ nhạt, hoặc chàng với tình yêu văn chương - vượt lên mọi cản trở để tồn tại với tư cách nghệ sĩ. Song, cái giả thuyết cuối cùng ấy vẫn không đảm bảo thuận chiều như hiện thực ta đã biết, nghĩa là nhà thơ có một bà mẹ tuyệt vời, tỏ ra hiểu biết ý hướng của con và tạo cho con những điều kiện cần thiết trong phạm vi cố gắng của mình. Hàn Mặc Tử sau khi cha mất vẫn tiếp tục đi học, và còn ra Huế theo học trường Pellerin, một phần nhờ sự giúp đỡ của anh Nguyễn Bá Nhân, nhưng vai trò quyết định vẫn là người mẹ.
Những năm vật vã đau đớn với bệnh tật, Hàn Mặc Tử, giữa bao nhiêu vần thơ hoặc rên siết hoặc nguội dịu, không có bài thơ nào viết riêng cho mẹ. Căn bệnh nan y của nhà thơ là gánh nặng trên đôi vai già nua của bà. Nhưng người mẹ, trước sau như một, tận tụy thương con, nghe bất cứ nơi nào có thầy thuốc giỏi là không nề xa xôi khổ cực, lẽo đẽo theo con đến tận nơi chữa trị. Bà cố dành cho hàn mọi nguồn an ủi tinh thần, chăm chút từng sở thích của đứa con bạc phận. Bà tự tay làm cho Hàn mòn cá bống kho tiêu rim mặn. Bà thương các bạn của Hàn như con đẻ và biết ơn mọi tình cảm ưu ái họ dành cho con trai bà. Đến khi Hàn nhận quyết định của bác sĩ vào bệnh viện phong Quy Hòa bên kia sườn núi Ghềnh Ráng, bà khóc lóc sợ xa đứa con yêu quý. Vốn sâu sắc, Hàn Mặc Tử biết rằng tất cả thảy mọi ước lệ ngôn từ đều không diễn tả nổi công ơn của mẹ, cũng như không lột hết lòng mình. Hình ảnh mẹ được chàng ghi khắc trong tim, chỉ kín đáo phác lên trong thơ với những nét vô cùng thánh thiện mà vẫn nặng trĩu nỗi đau trần tế, ẩn sau hình ảnh đức mẹ Maria:
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế
(Thánh nữ đồng trinh Maria)
Trước ngày vào Quy Hòa, gặp Quách Tấn lần cuối ở Quy Nhơn, Hàn Mặc Tử ân cần nhờ bạn an ủi mẹ mình. Chàng gởi mẹ những dòng đứt ruột:
"Mẹ ơi, con sắp chết nay mai. Con không sợ chết mẹ ạ. Nhưng nghĩ rằng con sẽ phải rời bỏ mẹ, con đau lòng quá"
Nhưng cái chết đột ngột đã vĩnh viễn cướp nhà thơ khỏi vòng tay của mẹ. Bà không được chứng kiến phút hấp hối của con. Những dòng nước mặt lặng lẽ của mình, bà khóc không phải tiễn đưa một thi sĩ Hàn Mặc Tử, mà tiễn đưa "thằng Trí" hiền hậu của bà về thế giới bên kia. Suốt những năm cuối đời mình, bà ấp iu những kỷ niệm về đứa con vắn số, mong mỏi linh hồn con yên ổn. Tất cả những dư luận sách báo liên quan đến Hàn Mặc Tử, liên quan đến bà, bà không cho là quan trọng. Thậm chí trong một cuốn sách về Hàn Mặc Tử, bà bị xuyên tạc rằng thời kỳ có mang Hàn, bà đã uống rượu say sưa đến nỗi sinh Hàn bị thiếu tháng. Bà chỉ trách nhẹ người viết "sao mà ác quá!". Nhà thơ Quách Tấn yêu cầu bà viết bài cải chính, bà ngậm ngùi bảo:
- Thôi con, em nó đã qua đời rồi, để cho nó yên. Nói qua nói lại làm gì thêm tủi.
*
* *
Trên chặng đường nhân gian 28 năm ngắn ngủi, Hàn Mặc Tử đã đi trọn một đời. Suốt đời chàng, 28 năm ấy, chẳng mấy khi xa mẹ. Thời gian xa mẹ lâu nhất có lẽ là thời kỳ Hàn Mặc Tử vào Nam làm báo. Giữa cuộc đời cao rộng, người con trai xa xứ nhiều khi chạnh lòng trước một áng mây nhắc tóc mẹ bạc màu. Tình cảm ấy chàng ghi lại trong bài Giang hồ nhớ mẹ rất cảm động.
Bài thơ là tiếng nói thầm, sâu thẳm ngùi ngùi. Nó lạc vào thời gian, trong mớ bản thảo cũ càng mà bạn thân của chàng là nhà thơ Quách Tấn còn gìn giữ. Lâu nay, bài thơ gần như bị bỏ quên. May mắn mà nó được viết bằng chính tay nhà thơ, cùng với các bài như Nằm bịnh, Lều tranh ban đêm, Lều tranh ông hoàng. Cùng với cái đang cần tìm là bút tích Hàn Mặc Tử, nỗi nhớ âm thầm của đứa con đối với mẹ cách đây hơn nửa thế kỷ bùng lên trong bài thơ như những đốm cháy âm ỉ của lửa vĩnh cửu. Nhờ nó, ta mới thấy được tình Hàn đối với mẹ sâu sắc gắn bó biết chừng nào. Bởi lẽ đối với Hàn, mẹ không chỉ là đấng sinh thành cùng bậc với người cha, mẹ còn là một phần nguồn cội của thơ, của đời sống bên trong thi sĩ.
CHỊ LỄ
Chị Nguyễn Thị Như Lễ là con thứ ba trong gia đình, kề Hàn Mặc Tử. Sau mẹ,chị Lễ là người gần gũi Hàn Mặc Tử nhất về tính tình và sở thích. Nếu như mẹ được Hàn nhìn qua hình ảnh đức bà Maria ở năng lực che chở và đức hy sinh thì chị Lễ, trong cảm nhận của Hàn, có lúc là hiện thức của Đức Bà ở vẻ đạp sáng trong uyển chuyển: "Tôi bỗng thấy chị tôi có vẻ thanh thoát quá, tinh khô, tươi tốt và oai nghi như pho tượng Đức Bà Maria là bức tinh truyền chí thánh (...) Tôi run rẩy khi có cái ý nghĩ: Chị tôi là một nàng Ngọc nữ, một hồn ma hay một yêu tinh. Nhưng tôi lại phì cười và vội reo lên: "A ha, chị Lễ ơi, chị là trăng mà em đây cũng là trăng nữa".
Có nhiều người từ cõi thực bước vào thơ văn Hàn Mặc Tử. Bài thơ văn xuôi này là một trường hợp, khi nhà thơ đã gọi đích danh "Chị lễ ơi" thì không thể lẫn đâu được. Song cũng có trường hợp Hàn Mặc Tử không gọi tên mà chỉ dùng đại từ nhân xưng như em, nàng, cô gì, người ấy, chị ấy v.v... thì đại từ đó có khi chỉ người thật, có khi chỉ nhân vật tượng trưng. Ấy là vì nhà thơ cần có đối tượng giao tiếp để cụ thể hóa một ấn tượng, một cảm giác. Trong một khuôn phép ước lệ như thế, cuối bài thơ Huyền ảo thấp thoáng một bóng dáng "nàng":
Không gian dầy đặc toàn trăng cả
Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng
Mỗi ảnh mỗi hình thêm phiếu diễu
Nàng xa xôi quá nói nghe chăng
"Nàng" có thể là một người yêu của Hàn Mặc Tử, cũng có thể chỉ là một ảo ảnh tô điểm cho thơ. "Nàng" nhất định không phải là chị Lễ. Song ta thử thay chữ "nàng" bằng chữ "chị" và đọc lại thì không khỏi giật mình. Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng. Tôi cũng trăng mà chị cũng trăng. Chợt nghe văng vẳng đâu đây: A ha, chị lễ ơi, chị cũng là trăng mà em cũng là trăng nữa. Tiếng vang ngân của một thời kỷ niệm mà chị lễ và Hàn đã sống còn vọng trong thơ. Có phải thế chăng?
Ngoài sự gần gũi về mặt tinh thần, chị Lễ còn là một người chị hiền quan tâm đến nếp sống sinh hoạt của Hàn Mặc Tử một cách tế nhị. Thời Hàn Mặc Tử còn sống với gia đình, thuở nhỏ hay khi đã đi làm việc ở Sở Đạc điền đều có bàn tay khéo léo của chị sắp xếp hộ cái không gian nho nhỏ của chàng ở nhà, săn sóc cách ăn mặc của chàng lúc ra đường. Khi Hàn sắp rời gia đình đi Sài Gòn, giữa hai chị em có kỷ niệm vui và cảm động. Chàng muốn đem cái mền len của chị theo. Biết tính em cẩu thả, chị Lễ bắt Hàn phải hứa phải giữ gìn và lúc nào về phải mang về trả chị. Được lời cam đoan cẩn thận của Hàn, chị vui vẻ nhường cho em chiếc mền len. Đến ngày Hàn Mặc Tử về nhà, chị Lễ gạn hỏi thì ông em thi sĩ cười khì. Chiếc mền len đã mất cùng với hành trang. Chị Lễ chỉ còn biết lắc đầu.
Có thể nói rằng chị Lễ có vai trò không nhỏ đối với việc sáng tác của Hàn Mặc Tử, nhất là giai đoạn sau này, khi nhà thơ lâm vào cảnh bệnh tật giày vò. Với tình thương rộng lớn và niềm thông cảm sâu sắc, chị đã cố gắng giữ cho Hàn cảm giác dễ chịu và tự do tuyệt đối. Việc chị giữ gìn những hồi ức đẹp về em và bảo vệ sự chính xác trong những vấn đề liên quan tới Hàn Mặc Tử sau khi nhà thơ qua đời chứng tỏ chị rất quý trọng sự nghiệp văn chương của em trai. Chị đã có mặt trong những trang thơ và cả sau những trang thơ Hàn Mặc Tử, lặng lẽ và dịu dàng như một vầng trăng, tỏa vào đấy những luồng sáng thanh khiết và ấm áp.
(còn tiếp) |