II. Người thân và bè bạn
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 1)
15:16', 17/3/ 2005 (GMT+7)

* Ngọn đèn đầu tiên

"Từ về nước đến nay, được xem nhiều văn thơ quốc âm, song chưa gặp một bài thơ nào hay đến thế. Hồng nam nhạc bắc, ước ao có ngày gặp gỡ để bắt tay nhau cười to một tiếng, ấy là thỏa hồn thơ đó".

Đó là lời của một người đã từng đổi thay trong tầm mắt biết bao đường chân trời, đã vang danh hải ngoại về những hoạt động ái quốc, đã đọc hàng ngàn pho sách kim cổ đông tây, thân bị giam lỏng mà chí ngoài nghìn dặm, khiến chính quyền thực dân vị nể. Một người thế ấy, đi viết những lời thế ấy, chân thành và bình đẳng ca ngợi mấy bài thơ của một người khác chỉ đáng tuổi con cháu mình, lại chưa thành danh. Hẳn là khi đọc thơ, người ấy lấy làm đắc ý lắm, và tác giả mấy bài thơ kia tài không phải là thường.

Người viết những lời ca tụng trên là Phan Bội Châu.

Người được Phan Bội Châu ca tụng bằng những lời nhiệt tình tên là Phong Trần (tức Hàn Mặc Tử), năm ấy tròn 19 tuổi.

Cùng với những lời nồng nhiệt đó, cụ Phan còn họa cả ba bài thơ của nhà thơ trẻ - Thức khuya, Chùa hoang Gái ở chùa.

Bài Thức khuya của Phong Trần:

Non sông bốn mặt ngủ mơ màng

Thức chỉ mình ta dạ chẳng an

Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối

Gió thu lọt cửa cọ mài chăn

Khóc giùm thân thế hoa rơi lệ

Buồn giúp công danh dế dạo đàn

Trỗi dậy nôm na vài điệu cũ

Năm canh tâm sự vẫn chưa tàn.

 

Cụ Phan Bội Châu họa:

Chợ lợi trường danh tí chẳng màng

Sao ăn không ngọt ngủ không an?

Trăm năm ngán đó tuồng dâu bể

Muôn họ nhờ ai bạn chiếu chăn?

Cửa sấm gớm ghê người đánh trống

Tai trâu mỏi mệt khách đưa đàn

Lòng sen đằng đẵng tơ sen vướng

Mưa gió bao phen gộc chẳng tàn!

Đọc bài thơ viết và ba bài thơ họa của Phan Bội Châu trên báo, Hàn Mặc Tử có lẽ đã lặng người vui mừng và cảm kích. Bởi vì, cho đến lúc ấy, mặc dù đã có thơ đăng báo rải rác, vẫn chưa có nhà phê bình nào viết về Hàn. Và thơ của Hàn dù đã vững vàng vẫn chưa là hiện tượng thu hút dư luận làng thơ và bạn đọc một cách đặc biệt. Bài báo của cụ Phan như tiếng trống gióng lên trên trường văn chương, làm người đi qua dù thờ ơ đến đâu cũng phải dừng chân nghe ngóng, phẩm bình, bởi người đánh trống là một nhà chí sĩ lừng danh và do đó hai tiếng Phong Trần lập tức được truyền đi trên cửa miệng khách văn thơ, mà không chỉ khách văn thơ, tất cả giới trí thức đương thời đều lưu ý. Riêng Hàn Mặc Tử, thì những lời nồng nhiệt của Phan Bội Châu là sự khích lệ động viên vô giá của một bậc tiền bối, giúp cho Hàn thêm tự tin vào khả năng của mình, bền tâm theo đuổi sự nghiệp văn chương.

Với lòng biết ơn, Hàn Mặc Tử viết thư gởi Phan Bội Châu và nhận được phúc thư của cụ. Mặc dù tuổi tác cách biệt nhau, cụ Phan vẫn lấy tình bạn vong niên mà đối đãi với Hàn Mặc Tử. Song, Hàn Mặc Tử thì trọng Phan Bội Châu như một người thầy về mặt tinh thần. Hai người, một già một trẻ, trao đổi thư từ rất mật thiết. Thời bấy giờ, những ai liên lạc với cụ Phan Bội Châu là "lớn mật", bởi vì nhất cử nhất động của họ đều bị mật thám Pháp theo dõi sít sao. Hàn Mặc Tử thừa biết điều đó nhưng lòng kính phục cụ Phan và ý thức tự trọng của một thanh niên Việt Nam đã thắng tâm lý e sợ thông thường. Hàn tiếp tục viết thư cho cụ Phan và thậm chí bất chấp mọi nguy hiểm, đã ra Huế thăm cụ tại nhà riêng ở Bến Ngự. Tất nhiên, mật thám Pháp không bỏ qua sự kiện này. Hàn Mặc Tử đã bị Sở mật thám gọi lên để giải thích hành động của mình và kết quả ra sao chúng ta đã biết. Người ta tưởng sau khi đối diện với Sở mật thám Pháp, Hàn Mặc Tử sẽ "biết điều" theo kiểu những kẻ non gan. Sự thật thì ngược lại. Ẩn sau lớp vỏ trầm lặng nhu mì là một khối tinh thần nhạy cảm và cứng rắn. Hàn Mặc Tử vẫn duy trì quan hệ với cụ Phan, còn có phần mật thiết hơn trước. Ai đã quen biết Hàn Mặc Tử trong vòng chí thân sẽ không lấy làm ngạc nhiên về điều này. Hàn Mặc Tử là hiện thân của thành, tín, nghĩa. Với tri kỷ, tri âm, Hàn luôn luôn là một người bạn thành thực và chung thủy.

Ngoài những bài thơ do chính nhà chí sĩ chép tay gửi vào, Hàn Mặc Tử còn tìm đọc những bài cụ Phan đăng báo. Thơ của cụ Phan thiên về lý trí, tuyên truyền cho chủ nghĩa ái quốc và tinh thần cách mạng, chan chứa khí tượng hào hùng. Và Hàn Mặc Tử ít nhiều chịu ảnh hưởng của lối thơ đó, tiêu biểu là những bài Nằm bịnh, Lều tranh ông Hoàng.

Sau khi quen thân với Quách Tấn (1932), Hàn Mặc Tử cũng thường chép thơ của bạn gửi ra nhờ cụ Phan duyệt lãm. Trong một bức thư gửi cho Hàn Mặc Tử, Phan Bội Châu nhắc đến bài Đá Vọng phu của Quách Tấn với lời khen "thơ rất có hậu". Phan Bội Châu còn bảo rằng qua thơ Quách Tấn đăng trên báo Tiếng dân, dù chưa gặp mặt, cụ đã đoán được tâm tình của Quách Tấn và tỏ ý mừng vì Hàn Mặc Tử có một người bạn quí. Điều đó chứng tỏ Phan Bội Châu luôn luôn lưu tâm đến lớp trẻ, và với tư cách là một người đi trước, cụ kịp thời động viên mọi sự phấn đấu của họ, hy vọng nơi họ về một tương lai sáng rạng của nước nhà. Trước tấm lòng ưu thời mẫn thế, lo nghĩ suốt cho thế hệ nối tiếp của nhà cách mạng lão thành, Hàn Mặc Tử càng muôn phần kính phục.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng Hàn Mặc Tử dù đối với cụ Phan tình chẳng khác trò đối với thầy, nhưng tư duy chính trị của nhà thơ trẻ này không dừng lại ở các học thuyết và chương trình cách mạng của nhà chí sĩ. Hàn Mặc Tử nhận thức đời sống bằng đôi mắt của một trí thức mới. Năm 1935, vào Sài Gòn làm báo, Hàn đã sôi nổi đứng về phe bảo vệ Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, dịch thơ tình của Mác. Viết bài đả kích viện dân biểu và bày tỏ cảm tình với những người cộng sản. Năm 1937, Hàn Mặc Tử và Quách Tấn chọn mỗi người 50 bài thơ góp thành tập Bó hoa rừng định in chung, gửi ra nhờ cụ Phan Bội Châu đề tựa. Song vì nhà chí sĩ cố ghép nội dung tập thơ vào những tư tưởng chính trị đã lỗi thời, nên Hàn Mặc Tử và Quách Tấn gác việc in tập Bó hoa rừng lại. Về tập thơ này sau đó không còn thấy nhắc lại nữa.

* *

*

Phan Bội Châu biết đến và nói đến Hàn Mặc Tử rất sớm, từ khi chưa mấy người lưu ý tên tuổi Hàn. Sau đó ít lâu, Tản Đà cũng biết đến Hàn Mặc Tử, định viết bài thơ về Hàn nhưng chưa kịp cất bút thì tiên sinh tạ thế. Cũng là biết đến, nhưng cái chỗ kịp thời mới chính là duyên. Nếu cụ Phan đối với Hàn không có sự ưu ái nồng hậu thì đã không có những lời khen rút ruột và mối tình thâm giao thắm thiết. Có thể nói rằng cụ Phan đã thắp ngọn đèn đầu tiên trên đường thơ thiên lý, nhờ đó mà Hàn Mặc Tử biết rằng mình đã chọn đúng đường đi.

 
* Một tấm lòng
- Người tri kỷ trong cõi tương tư

Chưa gặp lần nào, chỉ qua thư từ mà hiểu rồi thân nhau đến mức không hề thấy có chút gượng gạo trong buổi đầu giáp mặt, càng gần gũi lại càng quyến luyến không rời, thì phải kể là tri kỷ. Quách Tấn và Hàn Mặc Tử là một đôi tri kỷ như vậy.

Ngoài thư từ đều đặn, giữa họ còn có nhu cầu gặp gỡ nhau thường xuyên. Khi Quách Tấn ở Đà Lạt, Hàn Mặc Tử lên thăm và họ chỉ gặp nhau ở Đà Lạt một lần đó. Đến năm 1935, Quách Tấn chuyển về Nha Trang. Họ hẹn nhau mỗi tháng ít ra một lần thăm bạn. Hoặc Quách Tấn ra Quy Nhơn. Hoặc Hàn Mặc Tử vào. Vì chỉ rảnh ngày chủ nhật nên họ đi tàu đêm vào tối thứ bảy để có thể ở bên nhau trọn ngày. Thường thì hai người đưa nhau đi viếng các thắng cảnh. Hết ngày chủ nhật, một người đáp tàu đêm về nơi mình ở.

Họ yêu nhau như tình nhân. Quách Tấn bề ngoài nghiêm nghị khó gần, ít khi bộc lộ tình cảm nồng nhiệt. Vậy mà với Hàn, ông đặc biệt thân ái và chiều chuộng. Biết tính bạn rụt rè, Quách Tấn thường tạo những cơ hội tiếp xúc rộng rãi, những hoạt động giải trí bổ ích để Hàn tham gia. Đi đâu ông cũng dắt bạn theo. Bên cạnh ông, Hàn trở nên tự tin và linh hoạt. Đôi khi Hàn còn làm ông ngạc nhiên vì những cú nghịch ngầm. Một hôm nhân nói chuyện Đường Minh Hoàng-Dương Quý Phi, Quách Tấn vuốt tóc Hàn nói đùa: "Phải chi Trí là giai nhân!". Ông bắt gặp nơi bạn một nụ cười ranh mãnh. Không ngờ, Hàn về Quy Nhơn ít lâu, ông nhận được thư, trong đó chỉ có một bức ảnh với đôi dòng ghi: "Tấn ước giai nhân thì giai nhân của Tấn đó". Người trong ảnh là một thiếu nữ tóc xõa ngang vai, đôi mắt một mí, trông khá dễ thương. Ngắm kỹ, hóa ra đó là Hàn Mặc Tử giả gái. Nhìn tấm ảnh, nhớ lại nụ cười ranh mãnh của bạn, và nhớ nhất là gương mặt Hàn tái mét vì sợ lúc đua ngựa ở Đà Lạt hay sau khi ăn món hải sâm (1). Quách Tấn không khỏi phì cười.

Khi kể về những kỷ niệm khó quên với Hàn Mặc Tử, Quách Tấn nhắc đến trường hợp "hờn nhau" rất ngộ nghĩnh của Hàn. Số là Quách Tấn có một người tình phong thái xinh tươi, văn chương thanh nhã tên là Liên Tâm. Chuyện tình và thơ của người tình, Quách Tấn không hề giấu giếm các bạn thâm giao. Riêng với Hàn thì Quách Tấn không dám kể. Phần vì "có cảm giác sờ sợ như một anh chồng ngoại tình đi chơi về khuya" (lời của nhà thơ Quách Tấn). Phần vì khoe hạnh phúc của mình trong khi bạn thọ bệnh hiểm nghèo, sống trong cảnh bị phụ rẫy, ông thấy bất nhân. Không ngờ, Hàn Mặc Tử dò biết, gửi cho ông một bức thư trách móc, kèm theo thơ Nhớ Trường Xuyên:

Trường Xuyên ơi! Trường Xuyên ơi! (2)

Viết chẳng nên câu nói nghẹn lời

Mây nước bao la tình lẳng lặng

Gió sương mờ mịt nhớ chơi vơi

Tương tư mộng thấy năm canh mộng

Luyến ái trời vương bốn phía trời

Đây nhớ đây thương, mình te quá

Có ai khăng khít lại quên ai.

Quách Tấn vội gửi thư phân trần, và gửi theo bài Sợi tơ mành Liên Tâm tặng mình cho Hàn đọc. Đọc thơ Liên Tâm, Hàn rất xúc động, lẩy Kiều xá tội chúng sinh:

Lòng riêng riêng cũng kính yêu

Người thương thương lắm phải chìu người thương

* *

*

Cho đến bây giờ, khi Hàn đã rời xa cõi thế ngót năm mươi năm, Quách Tấn vẫn nhắc lại từng kỷ niệm về Hàn, đặc biệt là tính cả tin và nhút nhát của Hàn với một giọng trìu mến lạ thường. Đối với Hàn, chưa có gì phai nhạt trong Quách Tấn dù đã nửa thế kỷ họ đứng cách xa hàng thế giới (3). Bàn tay trái của ông nắm lấy cánh tay phải, nắn nắn dọc bắp tay như để làm sống lại một cảm giác xa xôi: "Đi với tôi, Hàn Mặc Tử luôn luôn giành đi phía bên phải và cặp tay tôi không rời. Tử bảo tôi rằng "nhìn anh bên mặt dễ thương hơn bên trái nên tôi thích đi phía này". Sau câu nói, ông mỉm cười. Và nụ cười của ông, cái nụ cười đặc biệt sống động hoàn toàn có khả năng biểu cảm thay thế đôi mắt giờ đây đã mệt mỏi tắt nghỉ, biểu hiện cho ta thấy ông đang quay lại những ngày xuân xa vời bằng con đường ký ức-những ngày Hàn Mặc Tử hãy còn nắm tay ông vừa đi dạo vừa thủ thỉ chuyện trò, thỉnh thoảng cười vang. Nhìn ông, mái tóc bạc trắng phơ phất những sợi mảnh và mềm, đôi tay sờ soạng lên từng trang hồi ký về Hàn Mặc Tử, tôi không sao ngăn được ý nghĩ: Thật là hạnh phúc khi có một tình bạn sâu sắc và đẹp đẽ cất giữ trong lòng cho đến cuối đời.

- Để cho bạn khỏi mồ côi

Quách Tấn và Hàn Mặc Tử quen nhau từ khi Hàn còn là tác giả những bài thơ Đường luật với bút hiệu Phong Trần, Lệ Thanh. Ít nhất giữa họ đã có chung một thời cư trú dưới mái hiên nhà cổ điển. Hòa hợp và rất mực thương yêu nhau, người này chăm lo đến sự nghiệp của người kia. Hàn chép thơ Quách Tấn nhờ cụ Phan Bội Châu đọc. Thơ Hàn, Quách Tấn cũng chép gửi thi sĩ Tản Đà. Hai bậc tiền bối cũng đều đã có ý kiến về họ, những tác giả đầy triển vọng.

Thế rồi, như hai anh em một nhà đến lúc ra riêng, Quách Tấn là anh cả giữ mái nhà xưa, hôm sớm khói hương, còn Hàn Mặc Tử ra đi theo tiếng gọi của gió biển mây ngàn. Trong khi Quách Tấn "bo bo giữ gốc tre làng" thì Hàn thoắt đã đến trước chân trời thơ Mới khoáng đạt đầy quyến rũ. Hàn say mê dấn thân, say mê sáng tạo. Niềm say mê ấy đầy ắp trong những trang thư gửi về chốn cũ. Nơi đó có một người vẫn trà sớm trăng khuya bên những tờ thơ chất chứa hồn thiên cổ: vẫn chậm rãi suy ngẫm nói năng giữa dòng đời chảy xiết. Người ấy thấu hiểu và khuyến khích Hàn không phải bằng thái độ của một kẻ đứng ngoài, giữ lễ với bạn, mà thật sự nhập cuộc với Hàn ở quá trình tiếp theo, sau khi tác phẩm thành văn bản. Sự uyên bác và những ý kiến sắc sảo của Quách Tấn giúp Hàn mở rộng kiến thức và "chỉnh đốn" lại các điểm yếu trong sáng tác của mình. Từng tí một, về phép tắc, ngôn ngữ, điển tích, hình tượng…Quách Tấn bàn bạc để Hàn thêm sáng tỏ, lấp kín những lỗ thủng mà khi xây đắp vội vàng ngôi nhà thi ca Hàn không kịp thấy.

Như một người ly hương trên dặm đường xa ngái ngoái trông về chân trời cũ, Hàn Mặc Tử không bao giờ quên mái nhà xưa, nơi bạn mình vẫn bền lòng ở lại. "Ở đấy người ta nói rất khẽ, bước rất êm. Những tiếng khóc vội vàng, những lời reo vui đều kiêng. Một sức mạnh vô hình, rất mềm mại nhưng rất chắc chắn nặng đè hết thảy" (4). Mấy bận nhà thơ đã quay về để cho bạn khỏi mồ côi một mình. Những bài thơ Đường nhập điệu như Buồn thu, Cửa sổ đêm khuya v.v…chính là những chuyến quay về của Hàn Mặc Tử.

Có bao nhiêu cách để vun đắp một tình bạn. Và, cũng có bao nhiêu cách để tỏ bày một tấm lòng.

(còn tiếp)

 

(1) Xem phần sau.

(2) Trường Xuyên là một bút hiệu của nhà thơ Quách Tấn.

(3) Ý thơ Hàn Mặc Tử: Anh đứng cách xa hàng thế giới

(4) Hoài Thanh-Hoài Chân, "Thi nhân Việt Nam 1932-1945". Tr. 279.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
1. Những người thân yêu  (15/03/2005)
I - Đời riêng (kỳ 3)   (13/03/2005)
I- Đời riêng (kỳ 2)   (10/03/2005)
I- Đời riêng   (07/03/2005)
Trần Thị Huyền Trang sưu tầm và biên soạn   (07/03/2005)