II. Người thân và bè bạn
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 2)
12:43', 20/3/ 2005 (GMT+7)

- Tìm thầy cứu bạn

Khi ở Sài Gòn về, Hàn Mặc Tử ghé Nha Trang thăm Quách Tấn. Thấy Hàn có vẻ hư hao, Quách Tấn tỏ ý lo lắng. Đêm đó, nằm gối đầu lên tay Quách Tấn, Hàn kể chuyện đi chơi Lầu ông Hoàng gặp mưa giông, bị bệnh ngứa mất ăn mất ngủ. Nhờ một thầy lang chữa bớt, Hàn về Quy Nhơn và hy vọng chai thuốc nước do thầy lang tặng sẽ trừ tuyệt gốc bệnh.

Về Quy Nhơn, sức khỏe dần dần hồi phục, Hàn viết thư cho Quách Tấn đầy lạc quan, khoe mình mới có thêm mấy bạn tâm đắc như Chế Lan Viên, Yến Lan. Rồi chuyện lập trường thơ Loạn. Hàn mong có dịp giới thiệu Quách Tấn với các bạn mới v.v…Nhưng chỉ mấy tháng sau, những dòng chữ quen thuộc của Hàn đột ngột vắng bóng. Quách Tấn gửi thư liên tục, không thấy hồi âm cũng không thấy bưu điện trả lại. Sốt ruột, ông ra Quy Nhơn nhưng đến nhà bạn thì cửa đóng im im. Hỏi người hàng xóm, họ nói rằng cả nhà về thăm quê.

Ít lâu sau, Quách Tấn ra Quy Nhơn lần nữa. Vẫn không gặp ai, kể cả Hàn lẫn người thân trong gia đình. Nhà thơ nhờ người dò hỏi thì được biết mơ hồ rằng vì có chuyện nhà, Hàn Mặc Tử và gia đình dọn xuống Gò Bồi. Địa chỉ không ai rõ.

Mãi cuối năm 1937, Quách Tấn được tin dữ: Hàn Mặc Tử mắc bệnh phong. Cùng với cái tin bất ngờ ấy là địa chỉ của Hàn. Quách Tấn vội viết thư cho bạn, thầm mong cái tin kia là thất thiệt. Vài hôm sau ông nhận được thư Hàn-một bức thư rất đỗi bi thương:

"Anh ơi! Gần một năm nay, muốn giấu anh, nên không viết thư cho anh, lòng tôi hết sức đau khổ. Song thà chịu đau khổ còn hơn cho anh biết, khiến anh phải đau khổ vì tôi. Nay không thể giấu anh được nữa, đành phải nói thực cùng anh…".

Quách Tấn buồn đau vô hạn. Vợ nhà thơ vốn quí Hàn như người ruột thịt, nghe chuyện cũng hết sức thương tâm. Biết Hàn thiếu tiền uống thuốc, bà dặn chồng cứ mỗi lần nhận lương, trước khi về nhà hãy ghé bưu điện gửi cho Hàn 15 đồng như lâu nay vẫn gửi cho nhà thơ Tản Đà.

Từ đó, Quách Tấn luôn để tâm tìm thầy giúp bạn. Người thầy thuốc đã chữa bớt bệnh Hàn và cứu hai bàn tay của nhà thơ ra khỏi trạng thái co rút bất lực, không ai xa lạ, chính là cậu bà con nhà thơ Quách Tấn. Tình cờ, ông Đoàn Phong tiết lộ có thể chữa được bệnh phong mới phát. Quách Tấn khẩn khoản năn nỉ cầu cứu giúp bạn mình. Khi ông Đoàn Phong tỏ ý ngại tốn kém cho thân chủ, Quách Tấn đứng ra bảo đảm về mọi phí tổn.

Khi Hàn Mặc Tử cầm bút viết được như cũ, việc đầu tiên của nhà thơ là soạn một bài thơ đã chín trong lòng và gửi ngay cho thi sĩ Quách Tấn. Cầm phong thư mỏng manh có hàng chữ thân yêu của bạn, Quách Tấn bồi hồi vui sướng như chính mình vừa được giải thoát đọa đày.

- Chia ly

Trước khi vào Qui Hòa, Hàn Mặc Tử nhắn Quách Tấn ra gấp. Được thư, Quách Tấn vội vã đáp tàu đêm. Mờ sáng hôm sau, thi sĩ bước vào cổng bệnh viện Quy Nhơn. Từ xa, qua màn sương lạnh chưa tan, ông nhận ra Hàn, đơn độc và trầm ngâm trên dãy hành lang vắng ra chiều mong ngóng. Đó là lần gặp gỡ cuối cùng giữa hai người.

Trong lần gặp này, Hàn Mặc Tử đề cập đến chuyến đi sắp tới và cái chết dự báo với một giọng bình thản lạ thường. Có lẽ người đã mất nhiều đêm để chuẩn bị thái độ cho lần vĩnh ly này. Người đã thật điềm tĩnh, hay đã cố gắng điềm tĩnh, cho đến giây phút cuối. Mấy lời ngăn sự xúc động của bạn, Hàn nói ngay vào mục đích của mình. Người gửi gắm bạn cất giữ và trông nom toàn bộ sáng tác khi mình vào Qui Hòa và di ngôn cho Quách Tấn trọn quyền sử dụng nếu một mai mình chết. Quách Tấn nghẹn ngào đứng nghe, những giọt nước mắt lặn vào trong. Cuộc chia ly não nùng. Vừa nói hết những điều mình nghiền ngẫm và sắp xếp từ lâu, Hàn Mặc Tử cúi chào rồi vội vã lui vào phòng đóng cửa lại. Dường như Hàn sợ mình sẽ không ngăn nổi sự yếu mềm, dù chỉ nán lại trong tích tắc. Bên ngoài, còn lại một mình, Quách Tấn dõi nhìn vào khoảng không gian vừa chứa đựng hình hài dấu yêu của bạn. Trời mùa đông u ám, từng đợt heo may như cắt ruột người và những phiến lá úa vàng ngơ ngác gieo mình, ngơ ngác bay.

Ngay chiều hôm ấy, Quách Tấn đến thăm mẹ Hàn và nhận từ đôi tay già nua của bà cụ gói bản thảo của bạn. Đó là ngày 19 tháng 9 năm 1940. Hôm sau Hàn Mặc Tử vào Qui Hòa.

- Khóc bạn

Hàn Mặc Tử trước lúc lâm chung đã nhờ người bạn đồng bệnh là Nguyễn Văn Xê viết thư báo tin cho Quách Tấn sau khi mình nhắm mắt. Thư ông Xê đến muộn, Quách Tấn không thể ra Qui Hòa kịp để đưa bạn về nơi an nghỉ.

Sau khi Hàn mất khoảng một tháng, Chế Lan Viên mới hay tin. Lúc bấy giờ Chế ở Sài Gòn. Biết rằng có về Quy Nhơn cũng chỉ thấy nấm mộ im lìm chứ không còn thấy lại một Hàn Mặc Tử bằng xương bằng thịt. Song Chế vẫn quay về. Trên đường đi, Chế ghé Nha Trang tìm thăm Quách Tấn. Đây là lần đầu tiên hai người gặp nhau. Tuy nhiên, Quách Tấn và Chế Lan Viên đã biết nhau từ lâu qua Hàn Mặc Tử. Năm 1937, xuất bản tập Điêu tàn, Chế gửi một bản đặc biệt tặng Quách Tấn. Năm 1939, Quách Tấn xuất bản Một tấm lòng, cũng gửi một bản đặc biệt cho Chế Lan Viên. "Tình trong như đã", Quách Tấn lưu Chế Lan Viên ở chơi mấy ngày. Ngày nào họ cũng nhắc đến Hàn Mặc Tử.

Một đêm dưới gốc mận trước sân nhà, Quách Tấn kể chuyện Hàn Mặc Tử do không tránh mãi được sự dò xét gắt gao của Ban vệ sinh công cộng, phải ra trình diện cơ quan y tế. Sau đó Hàn bị bắt buộc vào bệnh viện Quy Nhơn, sống cô quạnh và gò bó như một tù nhân bị giam lỏng. Kể đến lần gặp cuối cùng giữa hai người, những lời trao đổi cùng của Hàn về tác phẩm và đoạn Hàn Mặc Tử lạy mẹ trước khi lên xe vào Qui Hòa, Quách Tấn xúc động quá òa khóc. Chế Lan Viên ôm Quách Tấn khóc lớn. Vợ của nhà thơ Quách Tấn thấy vậy cũng khóc theo. Những người thân yêu hòa lệ khóc một người thân yêu đã khuất. Những tiếng khóc nén trong lòng từ lâu giờ đây nức nở tuôn trào.

Những đêm tạnh mát, Quách Tấn đưa Chế Lan Viên xuống biển, nơi ngày nào mình và Hàn Mặc Tử vẫn thường ra hóng gió. Chế Lan Viên nằm gối đầu lên tay Quách Tấn ngâm thơ Hàn. Chế thường hay ngâm nhất là bài Một nửa trăng.

- Với di sản tinh thần của bạn

Nhân dịp Quách Tấn ra thăm mộ Hàn, năm 1941, gia đình nhà thơ làm giấy giao bản quyền toàn bộ tác phẩm của Hàn cho Quách Tấn. Khi làm giấy, gia đình mời hai người bạn của Hàn ở gần là Hoàng Diệp và Hoàng Tùng Ngâm đến làm chứng. Riêng Chế Lan Viên ở Thanh Hóa dạy học chưa về kịp.

Sau khi thu thập tất cả bút tích và thơ văn còn sót lại của Hàn, Quách Tấn về Nha Trang nhắn tin cho Chế Lan Viên và vài người bạn nữa. Chế Lan Viên từ Thanh Hóa vào, Quách Tấn đưa giấy ủy quyền về bản quyền tác phẩm Hàn Mặc Tử cho Chế Lan Viên xem. Xem xong, Chế ký tên bên cạnh Diệp và Ngâm.

Quách Tấn và Chế Lan Viên sắp xếp lại bản thảo của Hàn. Sắp xếp vừa xong thì Trọng Miên, Bích Khê và Yến Lan lần lượt đến. Quách Tấn tự tay đánh máy di thảo của Hàn thành bảy bản: gửi về Quy Nhơn cho gia đình Hàn một bản, Chế mang ra Thanh Hóa một, Trọng Miên mang một bản vào Sài Gòn, Bích Khê đem về Quảng Ngãi một bản, nộp hai bản cho Bộ Quốc Gia Giáo dục Huế theo thể lệ hiện hành, còn một bản Quách Tấn giữ lại cho mình và Yến Lan dùng chung.

Thấy các bạn ai cũng muốn xem bút tích của Hàn nhưng khi thấy vết máu rỉ thảy đều tỏ ý e ngại, Quách Tấn sợ thương tổn tình bạn thiêng liêng với người quá cố, bèn nhờ một bác sĩ viện Pastuer Nha Trang khử trùng các di thảo và bút tích của Hàn.

Các bạn còn sống bàn với nhau lo cho Hàn Mặc Tử. Họ phân công: Trọng Miên lo về xuất bản, Quách Tấn viết về thân thế, Chế viết về văn chương. Sau khi các bạn về hết, Chế ở lại viết bài để lo tổ chức những buổi diễn thuyết về Hàn Mặc Tử. Nguyễn Đình, một thầy giáo trung học, bạn của Quách Tấn đảm nhận phần thuyết trình. Các cuộc diễn thuyết được tổ chức ở Nhà hội quán Quy Nhơn, nơi khi xưa Hàn vẫn thường đến đọc sách, và một vài địa điểm ở Nha Trang. Thính giả rất đông.

Ở Sài Gòn, Trọng Miên tổ chức diễn thuyết về Hàn Mặc Tử. Cũng khoảng thời gian đó, ở Huế cũng có những cuộc diễn thuyết về Hàn do các bạn thân của nhà thơ tiến hành.

Năm 1941, Quách Tấn tập hợp những bài thơ văn xuôi của Hàn Mặc Tử gửi nhà xuất bản Ngày Mới. Tập thơ-văn xuôi Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử ra đời, được đông đảo độc giả đón nhận.

Cũng năm này, Quách Tấn được thư Trần Thanh Mại cho biết sẽ viết sách về thân thế và sự nghiệp của Hàn Mặc Tử và hỏi xin một ít tư liệu. Thấy có người trong giới phê bình quan tâm đến Hàn Mặc Tử, Quách Tấn và Chế Lan Viên vui mừng vì có thể để thời gian chuyên tâm sáng tác khi việc của Hàn Mặc Tử được Trần Thanh Mại đảm đương. Nhưng ngay sau đó, khi Chế Lan Viên và Quách Tấn vào Sài Gòn gặp Trọng Miên, thì Trọng Miên tiết lộ ý đồ không mấy tốt đẹp của Trần Thanh Mại mà ông tình cờ khám phá ra được (5). Biết chuyện, Quách Tấn bỏ ý định giúp tài liệu cho Trần Thanh Mại. Nhưng Trần Thanh Mại là anh ruột của Trần Thanh Địch, bạn thân của Hàn Mặc Tử nên vẫn có những tài liệu quan trọng về Hàn. Cuối năm 1941, quyển Hàn Mặc Tử-thân thế và sự nghiệp của Trần Thanh Mại ra đời. Quách Tấn viết thư trách Trần Thanh Mại về việc trích quá nhiều thơ của Hàn Mặc Tử khi tác phẩm của nhà thơ chưa xuất bản thành tập. Ông cũng yêu cầu Trần Thanh Mại trả nhuận bút các bài thơ trích cho gia đình Hàn Mặc Tử. Nhưng Trần Thanh Mại trả lời lại thi sĩ bằng một thái độ khiêu khích khiến Quách Tấn không vừa ý.

Sau khi bàn kỹ với Chế Lan Viên lần thứ hai, Quách Tấn đưa đơn kiện Trần Thanh Mại tại Tòa án phủ doãn Thừa Thiên-Huế. Biết tin, Trần Thanh Mại viết bài công kích trên báo Tràng An (Huế). Cuộc bút chiến giữa Trần Thanh Mại và Quách Tấn bắt đầu từ đó và kéo dài suốt mấy tháng. Sau thấy cuộc bút chiến không ai đi đến đâu, Quách Tấn gác bút. Trần Thanh Mại còn viết mấy kỳ nữa, nhưng thấy trống không nên cũng ngừng lời.

Cuối năm 1942, vụ kiện được xử ở Huế (6).

Sau vụ kiện, Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan lần lượt viết thư thương lượng với Quách Tấn để trích thơ Hàn Mặc Tử.

Hàn Mặc Tử được đưa vào Thi nhân Việt Nam 1932-1945 của Hoài Thanh-Hoài Chân (1942-1943) và Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan (1943-1944).

Năm 1944, Hoàng Trọng Miên in thơ Hàn Mặc Tử, có sự tham gia ý kiến của Quách Tấn và Chế Lan Viên.

* *

*

Từ giữa năm 1945 đến năm1954

Do tình hình chiến tranh, Quách Tấn đưa gia đình về Bình Định, định trở vào Nha Trang một mình nhưng đường giao thông bị đứt nên kẹt lại ở quê hương. Toàn bộ bản thảo của mình và của các bạn bè gửi lại đều để ở Nha Trang. Đến năm 1954, cả gia đình vào lại thì ngôi nhà vẫn còn đó nhưng tất cả sản nghiệp và sách vở bị mất sạch. Sự nghiệp văn chương Hàn Mặc Tử dĩ nhiên cũng không còn. Cả trên 500-600 bức thư Hàn gửi cho Quách Tấn suốt 10 năm thân thiết cũng mất hẳn. Đó là nguồn tài liệu quí về những trường hợp sáng tác của các bài thơ, về quan niệm thơ ca, về những bí ẩn trong tâm hồn và tác phẩm Hàn Mặc Tử. Quách Tấn bàng hoàng, hỏi những người hàng xóm thì được biết kẻ gian chỉ phá cửa khiêng đồ đạc, còn giấy tờ thì gió bay trắng cả trong ngoài. Thật không còn gì đau xót hơn.

"Sản nghiệp tinh thần bị hủy hoại thật là to tát. Nhưng đối với di tích của Tản Đà, Bích Khê… tôi chỉ thương tiếc mà thôi. Còn đối với những di sản của Hàn Mặc Tử, tôi có bổn phận phải gìn giữ, mà không gìn giữ được, lòng tôi bứt rứt không yên! Đối với bạn, đối với nền văn học nước nhà, tội tôi không phải nhỏ".

Trong hồi ký của Quách Tấn, chúng tôi đọc được những dòng trên, tràn đầy niềm hối hận chân thành.

Lúc bấy giờ, Chế Lan Viên và Yến Lan đã đi tập kết. Một mình Quách Tấn lẽo đẽo đi tìm lại di sản tinh thần của bạn. Ông viết thư hỏi thăm thì giấy tờ lưu trữ ở Bộ Giáo dục Huế bị mất mát gần hết. Các bạn cũ như Trọng Miên, Hoàng Diệp cho biết Trần Tái Phùng có thể còn đủ. Quách Tấn tìm đến thì Trần Tái Phùng khoe chỉ thiếu hai tập Gái QuêLệ Thanh thi tập và đồng ý cho Quách Tấn sao lại một dịp khác. Song sau đó Trần Tái Phùng cứ hẹn mãi. Quách Tấn hiểu ý Phùng không muốn cho mượn nên thôi không hỏi nữa.

Suốt bao nhiêu năm sau, Quách Tấn ròng rã kiếm tìm những bài thơ lưu lạc của Hàn. Nghe bất cứ nơi đâu có phong thanh là thi sĩ lặn lội tới tận nơi. Mặt khác, nhờ bạn bè và những người ái mộ để tâm giúp đỡ, dần dần các tập Thơ điên, Chơi giữa mùa trăng, Duyên kỳ ngộ, tập thơ Đường luật và một số bài của các tập Xuân như ý, Thượng thanh khíCẩm châu duyên lần lượt hợp về tay khổ chủ.

Đến năm 1987, Thơ Hàn Mặc Tử ra đời dưới dạng tuyển tập do Chế Lan Viên đề tựa và Quách Tấn giới thiệu về thân thế và sự nghiệp (7). Toàn bộ tài liệu do Quách Tấn cung cấp. Một lời hứa, một ý nguyện đối với vong hồn bạn phải 45 năm sau mới thực hiện được. Dù muộn, nhưng thật chí tình. Son sắt và trọn vẹn biết bao.

(còn tiếp)

 

(5) Xem phần 4, bài "Về vụ án văn chương đầu tiên ở nước ta…".

(6) Xem "Đôi nét về Hàn Mặc Tử", bài tóm lược hồi ký của Quách Tấn, đăng ở tạp chí Văn số đặc biệt kỷ niệm về Hàn Mặc Tử, số 73-74, in ở miền Nam, ra ngày 7-1-1967

(7) Thơ Hàn Mặc Tử, Sở Văn hóa và Thông tin Nghĩa Bình xuất bản 1987. (Cũng năm này, Tuyển tập Hàn Mặc Tử, NXB Văn học Hà Nội cũng ra đời).

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 1)  (17/03/2005)
1. Những người thân yêu  (15/03/2005)
I - Đời riêng (kỳ 3)   (13/03/2005)
I- Đời riêng (kỳ 2)   (10/03/2005)
I- Đời riêng   (07/03/2005)
Trần Thị Huyền Trang sưu tầm và biên soạn   (07/03/2005)