- Với Chế Lan Viên
Chế Lan Viên quen Hàn Mặc Tử năm 1936. Lúc đó Chế mới 16 tuổi, còn Hàn đã 24.
Vốn thông minh và nổi tiếng về văn chương từ nhỏ, Chế tìm đến Hàn cũng qua cửa ngõ văn chương. Những bài thơ của Chế làm Hàn kinh ngạc: Giọng thơ già giặn và u buồn trước tuổi của một học sinh đệ tam niên…Thì ra Chế làm thơ đã lâu, từ hồi còn học tiểu học Pháp Việt ở Bình Định. Ở đó, Chế đã cùng Yến Lan chiều chiều dạo quanh thành cũ, trèo lên "Lầu Tư Tưởng" (Chế và Yến Lan gọi Lầu Cửa Đông thành Bình Định như vậy) ngắm những ngọn tháp Chàm cô đơn trên các đỉnh đồi, cùng nhau ôm ấp mộng văn chương. Vẻ mặt sáng sủa dễ thương của Chế cộng với tài ăn nói lưu loát bộc lộ sớm một trí tuệ sắc sảo khiến Hàn mới gặp đã yêu và "nể thầm" chú nhỏ lém lỉnh. Phần Chế, thầy Hàn không có vẻ gì "kinh khủng" mặc dù đã là một nhà thơ, lại từng là phóng viên nhà báo ở Sài Gòn, trái lại rất cởi mở và hiền lành thì trong bụng rất thích. Chế thường mang thơ mình đến nhờ Hàn đọc góp ý. Hàn chỉ bảo cho Chế tận tình. Dần dần hai người rất gắn bó với nhau. Hàn coi Chế như một người bạn tâm giao và thương như một đứa em ruột thịt. Viết được bài thơ nào tâm đắc, Hàn cũng đọc cho Chế nghe. Chế thường chép thơ Hàn vào sổ tay rồi mang vô trường phổ biến. Học sinh trường Collège Quy Nhơn đã nghe tiếng Hàn, xúm nhau đọc và mượn sổ Chế chép lại. Nhiều học sinh thuộc lòng thơ Hàn Mặc Tử.
Thế rồi từ Quy Nhơn, thơ Hàn bay theo cánh chim câu ra trường Quốc học và trường Đồng Khánh (Huế). Hầu hết học sinh ở Huế đều chép và đọc cho nhau nghe. Từ những cặp sách học trò, thơ Hàn ra khỏi phạm vi các nhà trường, lan truyền trong giới trí thức, được truyền bá rộng rãi.
Ngoài những giờ học, Chế rất thích ở gần Hàn. Mỗi lần Chế đến thường lưu lại hàng buổi hoặc cả ngày, anh em nói chuyện thơ ca với nhau không biết chán. Hàn trao đổi và bàn luận những vấn đề với Chế như với một người ngang hàng thật sự bình đẳng. Quen biết với Hàn chưa bao lâu, Chế đã cảm thấy mình tiến bộ vượt bậc. Trong vòng hơn một tháng với sự khuyến khích và những ý kiến đóng góp quý giá của Hàn, Chế đã hoàn thành tập thơ Điêu tàn và nghe lời Hàn gửi ra Hà Nội xuất bản.
Để chuẩn bị cho sự ra mắt của tập Điêu tàn thêm phần long trọng, Hàn MặcTử viết bài giới thiệu thơ Chế Lan Viên. Bài gửi đăng báo Tràng An (Huế) ngay sau khi Chế gửi bản thảo đi Hà Nội. Tập thơ Điêu tàn của Chế chưa kịp sắp chữ, bạn đọc khắp nơi đã nhắc đến và xôn xao đón đợi, nhất là - qua bài viết của Hàn Mặc Tử - họ được biết tác giả của tập thơ hãy còn là một học sinh trung học vừa tròn 16 tuổi.
Khi những bản in đầu tiên của Điêu tàn gửi từ Hà Nội về, Chế Lan Viên hết sức sung sướng. Hàn Mặc Tử cũng sung sướng không kém bạn. Chính trong buổi họp mặt vui vẻ tại nhà mình, Hàn Mặc Tử đã khẳng định tài năng của Chế Lan Viên một cách nồng nhiệt. Tuy còn rất trẻ, nhưng trong con người thơ của Hàn Mặc Tử đã chín muồi cái tâm của một bậc thầy: đó là sự quản đại trong nghề nghiệp và ý thức nâng đỡ trong tài năng nghệ thuật mới. Chế Lan Viên đã nhận ra điều đó, rằng ở cánh tay bè bạn mà Hàn đưa ra cho mình cầm lấy có hơi ấm của tình cảm một người anh đối với em, một người đi trước đón dắt người đi sau. Không phải ngẫu nhiên mà đến mấy mươi năm sau, giữa bài tựa hùng hồn viết cho quyển Thơ Hàn Mặc Tử, giọng văn Chế bỗng đằm xuống xúc động với một dòng nhỏ nhoi trong ngoặc đơn hồi ức: "1935-1939 cũng là thời kì tôi học ở Quy Nhơn, giới thiệu và dìu dắt tôi vào làng thơ là công anh lúc đó".
- Con rồng trong nhóm "tứ linh"
Nhóm thơ Bình Định là một hiện tượng văn học đã phát sinh và tồn tại trên đất Bình Định thời tiền chiến (1936-1945). Lực lượng tinh chất và nòng cốt của Nhóm gồm 4 nhà thơ: Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên.
Địa bàn hoạt động của Nhóm chủ yếu là khu vực thành Bình Định, huyện An Nhơn. Nơi đây, xưa kia là thành Đồ Bàn, đế thành của vương quốc Chiêm Thành, còn lưu lại dấu tích chân tường hoang phế và những ngọn tháp Chàm u buồn tuyệt mỹ đứng cô đơn trên các mõm đồi xung quanh. Bốn nhà thơ của Nhóm đều có tài và chơi rất thân với nhau nên còn được giới văn chương Bình Định gọi là "Bàn thành tứ hữu". Bàn thành tứ hữu giao du rất rộng, nhưng không mở rộng nhóm thơ. Nhóm quan hệ mật thiết với anh em văn nghệ sĩ địa phương và cả nước. Những hoạt động và sáng tác của Nhóm gây tiếng vang rất lớn trên văn đàn đương thời.
Nhóm ban đầu gồm hai cụm nhỏ (tạm gọi như vậy). Cụm thứ nhất có Hàn Mặc Tử và Quách Tấn. Cụm thứ hai có Chế Lan Viên và Yến Lan. Năm 1936, Hàn Mặc Tử thôi làm báo ở Sài Gòn về Quy Nhơn, gặp Yến Lan và Chế Lan Viên. Sự liên hệ giữa hai cụm bắt đầu qua cái gạch nối Hàn Mặc Tử. Trong quá trình trao đổi ý kiến về các sáng tác của nhau - mà trên lĩnh vực này Chế Lan Viên và Yến Lan tôn Hàn làm đàn anh về cả tuổi tác lẫn kinh nghiệm, Hàn Mặc Tử nhận thấy cần phải quy tụ bốn người (kể cả mình) trong một nhóm thơ để cùng học hỏi và thúc đẩy nhau trên đường sáng tạo. Tính cho đến thời điểm đó, mặc dù mỗi người đều đã có một số lượng sáng tác đáng kể nhưng in thành tập thì chỉ mới mỗi Hàn Mặc Tử có Gái quê. Sau khi nhóm thơ hình thành, Chế Lan Viên xuất bản Điêu tàn năm 1937, Yến Lan hoàn thành tập Giếng loạn, Quách Tấn chuẩn bị in tập Một tấm lòng, tập hợp bản thảo Mùa cổ điển. Bản thân Hàn Mặc Tử bắt đầu sáng tác một số bài của tập Đau thương, thể nghiệm một lối viết mới.
Lúc bấy giờ, Hàn Mặc Tử nghiên cứu rất kỹ về Baudelaire và trường phái tượng trưng Pháp. Nhà thơ cũng đọc cả André Breton. Sự xuất hiện các trường phái sáng tác trong quá trình phát triển của văn học Pháp thu hút tâm trí Hàn Mặc Tử. Nhà thơ suy nghĩ nhiều về văn học nước nhà, về nền thơ Việt Nam và Nhóm thơ Bình Định.
Sau khi tập Điêu tàn của Chế Lan Viên ra đời, Hàn Mặc Tử rất vui mừng cho bạn, và nhà thơ tỏ ra hết sức lạc quan khẳng định rằng càng ngày nền thơ Mới Việt Nam càng có cái để chứng minh cho tính ưu việt của nó. Nhà thơ nói điều này trong một buổi đàm luận và khi có người đưa ý kiến bác lại, Hàn liền nhắc lại điều đó, vừa nói vừa nhìn Chế Lan Viên với ánh mắt tin yêu, trong khi Chế, vì khiêm tốn phải im lặng.
Kể lại những hoạt động của Hàn Mặc Tử hồi đó để duy trì và bảo vệ Nhóm thơ Bình Định, Nhà thơ Yến Lan nói rằng chẳng hiểu sao Hàn Mặc Tử bình thường rụt rè và hiền lành là thế mà khi bước vào tranh luận lại hùng hồn sôi nổi tới mức không ngờ. Sau đó, khi đã qua các cuộc tranh cãi, ai nhắc lại thì Hàn chỉ điềm đạm mỉm cười.
Về Nhóm thơ Bình Định và Bàn thành tứ hữu, nếu có dịp chúng tôi sẽ nói kỹ ở một bài viết hoặc một tập sách khác. Trong phạm vi tập sách này, chúng tôi chỉ đề cập đến như một hiện tượng liên quan tới Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc Tử và các nhà thơ trong Nhóm đã sống với nhau thân ái và ruột rà như anh em một nhà. Mục đích của cả nhóm là sáng tạo ra những giá trị nghệ thuật có tính thẩm mỹ cao, viết được những bài thơ rung động lòng người. Để đạt được điều đó, cả bốn nhà thơ đều không ngừng miệt mài nghiên cứu và học tập trong tinh thần tương ái giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Hàn Mặc Tử luôn luôn là người điều hòa và thắt chặt các mối dây bằng hữu. Đến khi Hàn mất đi, Quách Tấn mới gặp Yến Lan và Chế Lan Viên, nhưng tình bạn đã đậm đà từ lâu. Ấy là vì họ là những nhà thơ có những điểm hòa hợp về tâm hồn. Song cũng phải nói rằng, nhờ có Hàn Mặc Tử mà sự hiểu biết lẫn nhau của anh em trong nhóm không bị nông cạn và sai lệch. Với tài thơ, uy tín và tính tình quảng đại, Hàn Mặc Tử thật sự là trung tâm đoàn kết của Nhóm thơ. Hàn tuy sớm giã từ cuộc sống nhân gian, song vị trí của Hàn giữa ba người bạn vẫn nguyên vẹn.
Mỗi người là một, nhưng cả bốn người cũng là một. Đó là một Nhóm thơ lý tưởng, một tình bạn lý tưởng giữa những người cân sức cân tài. Một người nghiên cứu văn học ở Bình Định đương thời, chơi rất thân với Nhóm thơ là Trần Thống ( tức Trần Kiên Mỹ) đã hết lời ngợi ca tình bạn đó trong bài nói chuyện Bình Định lắm duyên với thi sĩ . Ông đã dùng hình tượng Nhóm tứ linh để ví với Nhóm thơ Bình Định. Nhóm tứ linh gồm long, lân, quy, phụng. Trong đó long là Hàn Mặc Tử, lân - Yến Lan, quy - Quách Tấn và phụng là Chế Lan Viên. Đó là một cách so sánh lý thú và phù hợp với tính cách từng người trong Nhóm.
(còn nữa) |