II. Trong vòng tay bè bạn
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 4)
11:24', 25/3/ 2005 (GMT+7)

- Vị chúa của trường thơ loạn

Như đã nói từ khi chuyên tâm nghiên cứu sự biến thái và phát triển của văn học Pháp, Hàn Mặc Tử đã liên hệ xa gần đến thơ Việt Nam. Sự tồn tại nhiều trường phái khác nhau trong văn học Pháp đã lái sự quan tâm của Hàn theo khuynh hướng thẩm mỹ của sáng tác văn học. Nhà thơ thấy ngay sự thể hiện khuynh hướng ở sáng tác từng người trong nhóm mình. Quách Tấn sáng tác theo khuynh hướng hiện thực cổ điển. Còn Hàn, Chế và Yến Lan thì thuộc khuynh hướng lãng mạn và bắt đầu thiên về địa hạt tượng trưng. Chính sự gần gũi và thống nhất về khuynh hướng giữa Hàn với Chế Lan Viên và Yến Lan đã cho phép nhà thơ nghĩ đến việc xây dựng một trường phái sáng tác trên cơ sở Nhóm thơ Bình Định.

Trong khi đang suy nghĩ về vấn đề đó, Hàn biết Yến Lan vừa hoàn thành một tập thơ về đề tài chiến tranh, nhan đề Giếng loạn. Cái tên của tập thơ đã gợi cho Hàn cái tên của trường phái mà nhà thơ định khởi xướng. Chỉ còn đợi dịp.

Ít lâu sau, tại ngôi nhà số 20 Khải Định, Quy Nhơn, Hàn Mặc Tử cảm động cầm trên tay bản đặc biệt của tập Điêu tàn do Chế Lan Viên mang đến tặng mình. Dịp ấy Chế Lan Viên đi với Yến Lan và một người nữa. Sau khi chúc mừng Chế, Hàn xúc động nói: "Lâu nay chúng ta làm toàn những loại thơ điên loạn, xem ra cũng có đủ nhân tố để dựng một trường thơ, trường thơ Điên Loạn. Ừ, mà nó đã có mầm mống từ lâu rồi, (giơ tập thơ của Chế Lan Viên lên), cái tựa tập Điêu tàn này là tuyên ngôn thứ nhất của chúng ta. Rồi chúng ta sẽ tiếp tục có tuyên ngôn bổ sung khi in tập thơ chung của Trường thơ Loạn"(1).

Từ đó, cái tin Quy Nhơn có Trường thơ Loạn loan truyền ra khắp nơi. Có người gọi là Trường thơ Điên. Ban đầu trường thơ gồm Hàn Mặc Tử, Yến Lan và Chế Lan Viên – ba trong bốn thành viên của Nhóm thơ Bình Định. Do đó mà không ít người nhầm lẫn tên gọi Trường thơ LoạnTrường thơ Bình Định. Sự nhầm lẫn này dẫn tới một sự nhầm lẫn khác: rất nhiều người tưởng rằng Trường thơ Bình Định là một danh hiệu khác của Nhóm thơ Bình Định. Sự nhầm lẫn đó xuất phát từ chỗ không phân biệt được ý nghĩa của hai chữ TrườngNhóm. Về ý nghĩa, "trường" biểu thị cho một sự tập hợp mang tính thống nhất về khuynh hướng; còn "nhóm" cũng là một tập hợp song không đòi hỏi sự thống nhất về khuynh hướng, thậm chí "nhóm" có thể là một tập hợp phi khuynh hướng. Về phạm vi, trường có thể chỉ là một bộ phận của nhóm, phân biệt với bộ phận khác nhưng cũng có thể trường bao gồm nhiều nhóm đồng khuynh hướng. Đồng nhất Trường thơ LoạnNhóm thơ Bình Định là điều phi lý. Và hoàn toàn không thể gọi bốn nhà thơ Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên là Trường thơ Bình Định như lâu nay một số người quen dùng. Chính những thành viên của Nhóm thơ Bình Định còn sống là hai nhà thơ Quách Tấn và Yến Lan đã khẳng định điều này.

*

* *

Là người sáng lập Trường thơ Loạn, Hàn Mặc Tử đương nhiên cũng là người "cai trị" cái vương quốc kỳ dị này. "Chiếu ở ngôi" của vị Chúa Trường thơ Loạn có lẽ là bài thơ Trường thọ. Xin trích:

Ta sống mãi với trăng sao gấm vóc

Trong nắng thơm, trong tiếng nhạc thần bay

(…)

Chan chứa ý ly tao giây sảng sốt

Chế Lan Viên quì dâng tràng chuỗi hột

Cầu chúc tinh hằng chiếu mạng người thơ…

Cùng Hàn Mặc Tử "cai trị" Trường thơ Loạn là Chế Lan Viên. Một chúa, một tướng, còn lại chỉ một thần dân là Yến Lan. Về sau, Trường thơ Loạn có thêm một thần dân mới xin nhập tịch là nhà thơ Bích Khê. Tương quan lực lượng như vậy tạm thời cân đối.

Sáng tác của các thành viên Trường thơ Loạn chứa những điều mà người bình thường không hiểu nổi, còn những người có chút ít hiểu biết văn thơ thì chỉ cảm thấy chứ không cắt nghĩa được. Thi sĩ Quách Tấn đã nhận xét rằng cái hay ở một số bài thơ sau này của Hàn Mặc Tử "chỉ có thể ý hội chứ không thể ngôn truyền" là vì thế . Đọc thơ Chế Lan Viên, Bích Khê người ta cũng có chung một cảm giác như vậy. Yến Lan thì sự bịt bùng ít hơn so với các nhà thơ kia.

Qua các tác phẩm của các nhà thơ thuộc Trường thơ Loạn, người đọc dễ dàng nhận ra sự ảnh hưởng lẫn nhau trong ngôn ngữ và hình tượng thơ. Giữa Chế Lan Viên và Bích Khê, giữa Bích Khê và Hàn Mặc Tử, giữa Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên, giữa Chế Lan Viên và Yến Lan… Họ bắt gặp nhau trong ý tưởng và ngôn từ, nhưng giọng điệu thì khác. Đó là kết quả của một quá trình dài tiếp xúc, trao đổi, gọi nôm na là sự tương hỗ sáng tạo. Về mức độ, có lẽ Hàn Mặc Tử là người gây ảnh hưởng nhiều nhất đối với các nhà thơ trong "vương quốc" của mình, tiếp đến là Chế Lan Viên. Thơ Hàn Mặc Tử có Trăng, Hồn, Máu thì thơ Chế Lan Viên, Bích Khê và Yến Lan cũng có Trăng, Hồn, Máu. Thơ Chế có bóng ma thì thơ Hàn và thơ Bích Khê, bóng ma thỉnh thoảng cũng hiện về. Sọ người, tinh tủy, xương cốt đầy rẫy trong thơ Chế Lan Viên và thơ Bích Khê. Còn điều này nữa, cái chất chung, tan chảy điều hòa  toàn bộ sáng tác của họ là cái chất sầu. Với mỗi nhà thơ, cái sầu được thể hiện ở một cấp độ khác nhau. Ở Hàn Mặc Tử, nó phơi bày các khía cạnh đau thương… Ở Bích Khê, nó là sự dằn vặt triền miên. Ở Chế Lan Viên, nó cô lại thành một khối chán nản. Ở Yến Lan nó khoanh tròn trong niềm cô đơn tuyệt vọng não nề.

Khởi xướng và tập hợp quanh mình một số nhà thơ cùng khuynh hướng, Hàn Mặc Tử thật sự là người biết tổ chức và kích thích chất men sáng tạo trong đồng ngũ. Hiện tượng các nhà thơ thuộc Trường thơ Loạn bằng lao động của mình sáng lập một trường phái sáng tác theo một khuynh hướng nhất định, đã góp phần làm đa dạng và phong phú thêm cho nền thơ Việt Nam. Dù nó có những hạn chế nhất định song vẫn là một hiện tượng nổi bật của văn học thời tiền chiến.

Sau khi Hàn Mặc Tử mất, Trường thơ Loạn bắt đầu tan rã. Mặc dù Yến Lan, Chế Lan Viên và Bích Khê vẫn chơi thân với nhau, song không ai còn tha thiết với việc duy trì hoạt động Trường thơ. Nó còn tồn tại một thời gian nữa, rải rác trong các sáng tác của Bích Khê và kết thúc cùng với sự qua đời của "người công dân trung thành của vương quốc" vào năm 1946.

 

- Với Bích Khê

Hàn Mặc Tử với Bích Khê là hai số phận kỳ lạ có nhiều nét tương đồng: cả hai đều từ thơ Cũ chuyển sang thơ Mới, cả hai đều mắc bệnh nan y, đều tài hoa và đều chết trẻ. Nếu có thể so sánh họ với hai làn nước đồng tính, thì tình bạn của họ là sự gặp gỡ và hòa quyện của hai làn nước đó trong một dòng chảy chặt không đứt, bứt không rời.

Họ là những người trẻ tuổi làm thơ Đường luật luân phiên có bài in trên báo Tiếng dânPhụ nữ tân văn. Hàn vốn cởi mở, dành cho thơ Khê nhiều thiện cảm. Nhưng Bích Khê thì ngược lại, không hề phục thơ Hàn, ngay cả những bài được cụ Phan Bội Châu ca tụng. Vốn cực đoan, Khê giữ cái nhìn cố chấp đến khi Hàn đã bước sang lĩnh vực thơ Mới. Toàn bộ tập Gái quê, Bích Khê chỉ thừa nhận hai bài Tình quê Bẽn lẽn là thơ, còn thì phủ nhận hết. Song phải nói rằng tập Gái quê đã tác động đến suy nghĩ của Bích Khê. Chàng bắt đầu làm thử mấy bài thơ Mới, nhưng chưa dám công khai gửi đăng báo.

Thật dễ hiểu vì sao lần tiếp xúc đầu tiên giữa Hàn và Bích khê ở Phan Thiết năm 1935 qua trung gian là Mộng Cầm diễn ra nhạt nhẽo và chóng vánh. Bích Khê là cậu ruột Mộng Cầm, vốn đã không thích thơ Hàn Mặc Tử nên khi Hàn đến với tư cách là bạn của Mộng Cầm, ông cậu trẻ ấy có ý lạnh như kem. Hàn Mặc Tử ra Phan Thiết là vì Mộng Cầm, và đến thăm Bích Khê cũng là vì Mộng Cầm, nên không để ý nhiều lắm đến ông cậu trẻ của cô bạn gái. Có lẽ Hàn nhạy cảm bắt được tín hiệu nguội nơi Bích Khê nên không biến cuộc tiếp xúc này thành sự thăm viếng giữa hai người làm thơ đã biết tiếng nhau, mà chỉ dùng phép xã giao thông thường cho qua chuyện.

Đến năm 1937, Mộng Cầm đưa cho Bích Khê đọc những bài thơ Hàn Mặc Tử sáng tác sau Gái quê. Bích Khê xem thơ giật mình nhận ra Hàn Mặc Tử đã vượt xa mình, bèn viết thư tâm sự với Hàn. Hàn Mặc Tử ân cần đáp lại. Tình cảm giữa họ dần dần sâu đậm qua thư từ.

Đầu năm 1938, Hàn Mặc Tử nhận được ba bài thơ của Bích Khê là Thi tứ, Ảnh ấyThời gian. Những dấu hiệu mãnh liệt của tài năng trong mấy bài thơ Bích Khê khiến Hàn kinh ngạc. Chàng thành thực thú nhận rằng mình kính phục và ghen tức với Bích Khê. Được Hàn khích lệ, Bích Khê phấn khởi, viết ào ạt vội vàng. Đến cuối năm, Khê góp thành một tập gửi ra. Hàn đọc, vô cùng thất vọng. Để thức tỉnh bạn, Hàn gửi trả tập thơ với lời phê bình rất nặng. Trước những lời chê trách của Hàn, Bích Khê từ chỗ sững sờ đến đau điếng. Chàng xé nát tập thơ với cõi lòng tê tái.

Sau khi cơn xúc động lắng xuống, Bích Khê lao vào sáng tác với quyết tâm trở thành một thi sĩ phi thường. Chàng thờ độc: nếu không thực hiện được điều đó thì sẽ bẻ bút, vĩnh biệt thơ ca. Chỉ ba tháng sau, từ "máu huyết tinh túy và châu lệ và tất cả say sưa đắm đuối của một hồn thi sĩ", "một bông lạ nở hoa, một thứ hương quý trọng thơm đủ mọi mùi phước lộc"(2). Viết xong, phờ phạc như một người trút hết tinh lực, Bích Khê ghi lên tập thơ hai chữ Tinh huyết gửi ra cho Hàn Mặc Tử.

Nhận được tập thơ, Hàn Mặc Tử đọc liền một mạch, toàn thân rung động vì hạnh phúc. Nhà thơ đã khóc như trẻ con, nằm ôm tập Tinh huyết suốt cả buổi chiều, lắng nghe nhịp đập dồn dập của trái tim Bích Khê nén trong từng con chữ dào dạt lan truyền sang người mình.

Hàn Mặc Tử nhận lời đề tựa cho tập thơ. Cuối năm 1939, tập Tinh huyết ra đời, gây nên một làn sóng dư luận mạnh mẽ.

Lời chê của Hàn Mặc Tử đã làm "bật nảy thiên tài" tiềm ẩn ở Bích Khê.

Bích Khê bắt đầu thân với Hàn sau khi Hàn đã mắc bệnh phong. Tình cảm Khê đối với Hàn bắt đầu từ lòng nể phục sau khi đọc mấy bài thơ mới của Hàn chứ không phải vì căn bệnh ngặt nghèo. Tuy nhiên bệnh của Hàn làm Khê càng thương yêu bạn hơn. Khi Khê bị lao, thì thơ và bệnh nhập thành một thứ keo gắn chặt hai tâm hồn lại với nhau.

Tình cảm của Khê đối với Hàn không có giới hạn. Mỗi lần đến thăm, dù Hàn thận trọng chắp tay chào rồi ngồi ra xa, Bích Khê vẫn tới ngồi sát bên và choàng vai rất thân thiết. Chàng muốn xóa tan mọi khoảng cách và mặc cảm. Bài thơ Hàn Mặc Tử Khê viết sau khi gặp Hàn trong giấc chiêm bao trước khi Hàn mất mấy ngày. Lòng thương nhớ đã dẫn dắt cơn mơ tiên cảm. Được tin Hàn chết, Khê như người mất hồn. Một quả núi sụt lở có lẽ cũng không làm Bích Khê thấy trống vắng như sự ra đi của Hàn Mặc Tử - người bạn thơ mà chàng yêu hơn cả bản thân mình.

(Còn nữa)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 3)  (22/03/2005)
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 2)  (20/03/2005)
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 1)  (17/03/2005)
1. Những người thân yêu  (15/03/2005)
I - Đời riêng (kỳ 3)   (13/03/2005)
I- Đời riêng (kỳ 2)   (10/03/2005)
I- Đời riêng   (07/03/2005)
Trần Thị Huyền Trang sưu tầm và biên soạn   (07/03/2005)