II. Trong vòng tay bạn bè
3. Những bóng dáng khuynh thi
12:52', 27/3/ 2005 (GMT+7)

- Thấp thoáng hoàng hoa

Thời còn làm việc ở Sở Đạc điền Quy Nhơn, Hàn Mặc Tử thường lui tới chỗ Hoàng Tùng Ngâm. Ngâm người Huế, vào Quy Nhơn làm việc, sống chung với người bác ruột là viên chức cao cấp ở sở Địa chánh. Tiếng là sống chung, nhưng thật ra Ngâm ở riêng một túp lều tranh cạnh nhà người bác. Nhờ vậy mà bạn bè Ngâm tự do tụ họp.

Mỗi khi đến, Hàn thường thấy thấp thoáng ở nhà bên một thiếu nữ cốt cách đoan trang. Hỏi ra thì biết đó là Hoàng Thị Kim Cúc, ái nữ của ông bác Ngâm. Hàn lặng lẽ theo dõi nàng. Nàng không đẹp, nhưng mặn mà duyên dáng, lại rất thùy mị dịu dàng. Sự hiện diện xa xa gần gần của nàng tạo nên một vầng thực ảo mơ hồ đã làm rung động chàng trai giàu mơ mộng. Hàn đem lòng yêu người con gái ấy, và thầm gọi nàng bằng cái tên rất nên thơ - Hoàng Cúc.

Ngày xửa ngày xưa, trên bến sông dưới lầu Mỵ Nương, anh Trương Chi tỏ tình yêu đắm say của mình đối với vị công chúa qua tiếng sáo. Theo cách của anh Trương Chi, Hàn Mặc Tử kín đáo bộc bạch nỗi lòng thiết tha của mình với người con gái họ Hoàng trong mấy vần thơ:

Thu về nhuộm thắm nét hàng hoa

Sương điểm trăng lồng bóng thướt tha

Vẻ mặt khác chi người quốc sắc

Trong đời tri kỷ chỉ riêng ta.

(Hoa cúc)

Đó là một thứ tình trong trắng, ủ mãi thành một chất men nồng say muốn tràn ra khỏi lòng người, mãnh liệt ấy mà vẫn không đường đột:

Bấy lâu sát ngõ chẳng ngăn tường

 Không dám sờ tay sợ lấm hương

Xiêm áo đêm nay tề chỉnh quá

Muốn ôm hồn cúc ở trong sương. (3)

(Hồn cúc)

Cùng với nhiều biến cố khác trong đời, mối tình đầu dành cho Hoàng Cúc đã ghi dấu bước trưởng thành của Hàn Mặc Tử.

 

- Tình vô vọng

Dù nhút nhát, nhưng như mọi người đang yêu trên thế gian này, Hàn Mặc Tử cũng tìm mọi cách để giãi bày tình cảm chất chứa trong tim chàng. Chàng rụt rè đưa những bài thơ cúc cho Hoàng Tùng Ngâm đọc và dần dần cố gắng mạnh dạn hơn, chàng nhờ Ngâm chuyển đến Hoàng Cúc những bức thư tình. Những cánh nhạn bay đi không thấy trở về. Chàng tin bạn, không dám căn vặn Hoàng Tùng Ngâm. Trăn trở xót xa một mình, chàng cũng không dám một lần mở lời với người con gái họ Hoàng. Suốt mấy năm trời, tình chàng vẫn là một mối tình thầm yêu trộm nhớ:

Tôi thích núp mình trong cánh cửa

Hé nhìn dáng điệu của người yêu

Bước đi ngượng nghịu trên đường cái

Mỗi lúc ngang qua trước mặt lều

 

Có lần trông thấy người tôi yêu

Tôi lại giả vờ lên mặt kiêu

Như chẳng sá gì cô gái lịch

Xa rồi, hối hận mới nhìn theo.

(Tôi không muốn gặp)

Chờ đợi mãi, Hàn Mặc Tử đánh bạo nhờ một người bạn lớn tuổi rất có uy tín trong công chức hồi ấy là Bùi Xuân Lang đánh tiếng dạm hỏi Hoàng Cúc. Ít lâu sau, Bùi Xuân Lang cho nhà thơ trẻ thấy nguyện vọng hôn nhân của chàng với tiểu thư họ Hoàng chỉ là chuyện không tưởng. Hàn Mặc Tử vô cùng buồn bã. Hiểu nhầm phụ thân Hoàng Cúc xem thường địa vị xã hội của mình, chàng xin thôi việc ở sở Đạc điền vào Nam quyết xây dựng sự nghiệp văn chương:

Nước non muôn dặm tình đương nặng

Sự nghiệp trăm năm chí chửa thành.

(Tạm biệt Quy Nhơn)

Chàng bắt đầu yêu Hoàng Cúc vào mùa thu năm 1932. Như một tình cờ, chàng rời nơi mình hái về mối tình vô vọng cũng đúng mùa hoa cúc nở. Nhà thơ ra đi với hình ảnh người yêu trong lòng và cả một mùa hương nhung nhớ ngập trời.

 

- Gái quê - niềm hoài vọng

Mối tình vô vọng trong tim người xa xứ biến thành niềm vô vọng. Tập thơ Gái quê là mặt hồ trong veo phản chiếu từng biến chuyển, từng xao động nhỏ của tâm hồn Hàn Mặc Tử trước mối tình đầu. Bao nhiêu nỗi niềm nén chặt trong lòng được trút lên những dòng thơ phóng khoáng.

Một chút hương nồng rơi rớt ấy đủ làm thi sĩ điên lên vì thương nhớ người con gái họ Hoàng. Hình ảnh của Hoàng Cúc cứ lởn vởn như mơ như thực. Những câu thơ đuổi bắt và tô điểm, Hoàng Cúc hiện lên môi tươi thiếu nữ vừa trang điểm, đưa má hồng hào cho nắng nhuộm, đôi mắt say sưa như mộng êm nhưng lập tức lại biến đi, chỉ còn lại nhà thơ với niềm tơ tưởng:

 Lá xuân sột soạt trong làn nắng

Ta ngỡ, em ơi, vạt áo hường

Thứ áo ngày xuân em mới mặc

 Lòng ta rộn rã nỗi yêu thương.

Tâm sự trong Gái quê là nỗi lòng của người chỉ có một mình. Bởi vì trước kia có bao giờ nhà thơ dám nói với người mình yêu nửa lời âu yếm. Chỉ có một mình, Hàn Mặc Tử mới dám lộ ra một cách thành thực cái tình yêu lặng lẽ (bài Âm thầm), nỗi nhớ mong khắc khoải (bài Tình quê) và những khát khao táo bạo trong tâm tưởng (Gái quê, Bẽn lẽn, Mơ):

Xuân trẻ xuân non xuân lịch sự

Tôi đều nhận thấy trên môi em

Làn môi mong mỏng tươi như máu

Đã khiến môi tôi mấp máy thèm.

(Gái quê)

Ta thích ngồi mơ dưới gốc đa

Chờ người năm ngoái có đi qua

Yêu thương níu lại rồi tình tự

Tiếng lá vèo qua ta ngỡ là…

(…)

Ta thích len vào trong đám lau

Núp chờ trăng xuống để quàng nhau

Giả đò ân ái như năm ngoái

Gió lại ta ngờ nàng tới sau…

(Mơ)

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh viết rằng "tình trong Gái quê thường vẩn đục". Nhà thơ Quách Tấn, cùng một ý đó nhận xét: "Tình trong Gái quê nồng nàn và rạo rực… thường vẩn ít nhiều tình dục". Song sự "vẩn đục" và chất "tình dục" trong thơ Gái quê luôn luôn bị tác giả phong tỏa trong tưởng tượng: tôi thích, tôi ước, tôi tưởng là… Như thế đủ thấy rằng nhà thơ rất trân trọng và nâng niu khi nhắc đến mối tình đầu trong sáng.

*

*   *

Những bài thơ trong Gái quê trước khi in thành tập đã được đăng rải rác trên báo Công luận và vài tờ báo khác ở Sài Gòn. Vị trí của Hàn Mặc Tử trên văn đàn ngày càng vững: Giấc mơ sự nghiệp đã thành. Còn cái mộng nhân duyên… Hàn Mặc Tử đã gặp Mộng Cầm.

Tuy nhiên, mối tình dành cho Hoàng Cúc chưa phai nhạt trong tâm hồn thi sĩ. Hàn về Quy Nhơn đầu năm 1936 để chịu tang anh Nguyễn Bá Nhân và lo việc xuất bản Gái quê thì được tin Hoàng Cúc theo phụ thân về Huế (4). Dù biết trước cái dở dang của cuộc tình này là tất yếu, Hàn Mặc Tử vẫn bị hụt hẫng như bị mất đi thứ gì vô giá:

Thôi rồi sự nghiệp với công danh

Với cả tương lai với mộng tình

Giây phút biến thành mây khói cả

Tỏa bay nhè nhẹ giữa đêm thanh

Một niềm đau nhẹ nhàng mà thấm thía. Nhà thơ xem việc Hoàng Cúc rời Quy Nhơn chẳng khác gì cất bước sang ngang! Những lời thơ tiễn đưa mối tình đầu tràn ngập một nỗi buồn khó tả:

Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ

Em lấy chồng rồi hết ước mơ

Tôi sẽ đi tìm mỏm đá trắng

Ngồi lên để thả cái hồn thơ…

(Em lấy chồng)

Tập Gái quê, Hàn Mặc Tử định đề tặng Hoàng Cúc ở trang đầu. Nhưng nghĩ lại thấy bất tiện nên thôi.

Trước sau vẫn là tình bơ vơ.

 

- Đây thôn Vĩ Dạ - bài thơ tạ cố nhân

Hoàng Cúc rời Quy Nhơn. Hoàng Tùng Ngâm, người em thúc bá của nàng vẫn còn làm công chức ở Quy Nhơn. Nhưng Hàn Mặc Tử, dù vẫn thường gặp Ngâm, song không hề hỏi về Hoàng Cúc. Mối tình đầu chàng cất kỹ trong lòng, không một lần gợi lại.

Cho đến mùa hè năm 1939, Hàn Mặc Tử nhận được thư Hoàng Cúc nhờ Hoàng Tùng Ngâm chuyển lại. Trong thư, nàng gửi một phiến phong cảnh in hình một cô gái Huế chèo đò trên sông, dưới một nhánh trúc la đà với mấy lời thăm hỏi sức khỏe của nhà thơ và lời mời "ra chơi thôn Vĩ". Chỉ có vậy thôi, nhưng Hàn Mặc Tử vô cùng xúc động. Cái thuở ban đầu lưu luyến lần lượt sống lại trong lòng nhà thơ bất hạnh, vâng, lúc ấy Hàn Mặc Tử đã mắc bệnh ngặt nghèo. Trái tim chàng lại rung lên bao buồn thương nhớ tiếc, nhưng trí óc tỉnh táo giúp chàng sáng suốt nhận ra đây có thể chỉ là sự chạnh lòng của người thiếu nữ nhân hậu ấy trước hoàn cảnh bi đát của mình (do Ngâm kể lại với nàng). Tuy vậy, nhà thơ vẫn rất biết ơn nàng. Để tạ lòng cố nhân, chàng soạn bài Đây thôn Vĩ Dạ nhờ Hoàng Tùng Ngâm gửi tặng lại nàng:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tới nay

Mơ khách đường xa. Khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?

Mỗi khổ thơ trong bài thơ đều rẽ làm đôi. Chảy suốt giữa sự rẽ đôi đó là khoảng cách lặng im không thể nào xóa được, lặng im nhưng đầy ý nghĩa. Phải chăng đây là lời nhắn gửi thầm kín của nhà thơ với cô gái họ Hoàng. Bây giờ, tôi và em đã xa xôi, xa xôi đến nỗi em đọng lại trong tôi như một biểu tượng trắng trong, mơ hồ không rõ nét. Chúng ta mỗi người một hoàn cảnh, bên tù đọng buồn bã, bên ấp ám sáng tươi. Tôi và em như hai dòng nước không bao giờ hòa vào nhau, như hai mảnh đời mãi mãi lạc nhau giữa thế gian này. Giữa chúng ta, cái thăm thẳm không gian che khuất tầm nhìn. Nào biết được có thật là lòng ai tha thiết với ai không? Hay chỉ là thương xót thoáng qua?...

Khắp bài thơ bàng bạc một tình cảm thương nhớ ngậm ngùi, có chút gì đăng đắng của sự nghi ngờ thoáng qua. Trùm lên những hình ảnh thơ mộng và thanh khiết là cái không khí trong suốt và lạnh lẽo đến nao lòng.

Bài thơ gửi đi rồi, nhà thơ thấy không đành lòng với người xưa. Phải chăng chàng đã trót nói những lời hơi bất nhẫn? Chỉ biết rằng ít lâu sau đó, Hàn Mặc Tử lại gửi tặng Hoàng Cúc bài thơ mới Sao, Vàng sao… (5) Nhà thơ gọi cố nhân bằng hai chữ "Hoàng hoa" vô cùng trang trọng

Trời nhật nguyệt cầu vồng bắc tứ phía

Ôi Hoàng hoa! Hồn phách đến nơi đây

Hương ân tình cho kết lại thành giây

Mong manh như lời nhớ thương hàng triệu…

Bài thơ khép lại một thiên tình ái. Dù sao, cuối cùng Hàn Mặc Tử cũng đã phân giải được lòng mình.

 

(1) Theo lời kể của nhà thơ Yến Lan.

(2) Tựa "Tinh huyết" do Hàn Mặc Tử viết.

(3) Hai câu cuối về sau Hàn Mặc Tử đưa vào bài "Mơ hoa" - Phần Hương thơm, tập Đau thương.

(4) Phụ thân Hoàng Cúc về hưu năm 1936

(5) "Sao, Vàng sao" tức là bài "Đừng cho lòng bay xa".
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 4)  (25/03/2005)
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 3)  (22/03/2005)
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 2)  (20/03/2005)
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 1)  (17/03/2005)
1. Những người thân yêu  (15/03/2005)
I - Đời riêng (kỳ 3)   (13/03/2005)
I- Đời riêng (kỳ 2)   (10/03/2005)
I- Đời riêng   (07/03/2005)
Trần Thị Huyền Trang sưu tầm và biên soạn   (07/03/2005)