II. Trong vòng tay bạn bè
3. Những bóng dáng khuynh thi (Kỳ 2)
15:45', 31/3/ 2005 (GMT+7)

- Từ những bức thư của Hoàng Cúc 1971

Hàn Mặc Tử yêu Hoàng Cúc thì đã rõ. Còn Hoàng Cúc đối với Hàn như thế nào?

Thi sĩ Quách Tấn, người bạn thân nhất của Hàn Mặc Tử, người mà bình sinh Hàn không giấu diếm điều gì, nói về chuyện này cũng hết sức dè dặt và thận trọng.

Năm 1935, Hàn Mặc Tử và Thúc Tề trên đường vào Nam ghé Nha Trang thăm Quách Tấn. Quách Tấn hỏi lý do Hàn thôi việc ở sở Đạc điền thì Hàn buồn không đáp. Thúc tề cho biết Hàn vấp phải trường hợp Tản Đà - Đỗ Thị và kể cho Quách Tấn nghe mối tình Hàn - Cúc. Hàn Mặc Tử đọc thêm cho Quách Tấn nghe mấy bài thơ mình làm tặng Hoàng Cúc. Theo như lời Thúc Tề và những lời úp mở của Hàn thì mối tình của Hàn đã thấu tới Hoàng Cúc và Hoàng Cúc đối với Hàn không đến nỗi hững hờ.

Thế nhưng sau này, khi Quách Tấn viết thư hỏi Hoàng Cúc về mối tình Hàn Mặc Tử, Hoàng Cúc đáp rằng mình hoàn toàn không hay biết gì về chuyện ấy cho đến khi tới Quy Nhơn. Tôi xin phép được dẫn chứng đoạn thư của Hoàng Cúc mà thi sĩ Quách Tấn đã trích trong hồi ký Đôi nét về Hàn Mặc Tử để rõ thêm chuyện.

Thư đề ngày 13-3-1971:

“… Suốt thời gian ở Quy Nhơn, thầy tôi không hề gặp hoặc biết mặt hay nghe tên tuổi Tử. Hồi đó Tử thường đến chơi với Hoàng Tùng Ngâm (là em chú bác với tôi, cùng ở chung với tôi). Bạn Ngâm đông lắm. Trong gia đình tôi không ai để ý đến bạn của Ngâm. Câu chuyện tâm tình của Tử trừ Ngâm ra cũng không ai biết. Tôi được biết trước khi thầy tôi sắp về hưu do một người khác nói lại chứ không phải Ngâm…”

Thư đề ngày 15-4-1971:

“… Hồi ấy tuy nhà Tử ở gần nhà tôi, song Tử và tôi cách xa nhau như hai ngọn núi. Tử thì kín đáo và bẽn lẽn như con gái, còn tôi thì bí mật và xa lạ như cung trăng! Tuy thế Tử cũng đã tìm hết cách để gặp, nhưng rồi cũng vẫn chưa toại nguyện…

Năm 1936, khi Tử ở Sài Gòn về Quy Nhơn, tôi vẫn còn ở Quy Nhơn đến mấy tháng sau mới về Huế. Về Huế được vài tháng thì một hôm đi xem hội chợ với anh chị em trong nhà, tình cờ chúng tôi gặp Tử tại hội chợ với một xấp Gái quê trong tay. Tử đưa tặng người anh kề tôi một tập có lời đề tặng bằng tiếng Pháp. Tử kể cho anh tôi biết rằng Tử có tìm đến nhà ở Vĩ Dạ, song chỉ đứng ngoài ngõ nhìn vô thôi. Anh và các em tôi đều quen Tử tại Quy Nhơn, trừ tôi… Tuy vậy, hồi đó, anh và em tôi không ai hiểu gì về nỗi lòng của Tử cả!”.

Thư đề ngày 15-10-1971:

Vào khoảng hè 1939, Ngâm viết thư về Huế cho biết Tử mắc bệnh nan y, và khuyên tôi nên viết thư thăm Tử, để an ủi một tâm hồn đã vô cùng đau khổ. Thay vì viết thư thăm, tôi gởi bức ảnh phong cảnh vừa bằng cái carte-visite. Trong ảnh có mây, có nước, có chiếc đò ngang với cô gái chèo đò, có mấy khóm tre, có chiếc đò ngang với cô giái chèo đò, có mấy khóm tre, có cả ánh trăng hay ánh mặt trời chiếu xuống nước. Tôi viết sau tấm ảnh mấy lời hỏi thăm sức khỏe Tử, mà không ký tên, rồi nhờ Ngâm trao lại. Sau đó một thời gian, tôi nhận được bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ và một bài khác nữa do Ngâm gửi về…

Tóm lại, ngoại trừ bức ảnh phong cảnh đó và bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ thì Tử và tôi không có thư từ gì cho nhau nữa cả. Ngâm cho tôi biết, trước đó, Tử có gởi nhiều thơ tặng mà không tới tay tôi…”.

Theo như những đoạn thư trên, thì dường như Hoàng Cúc muốn trình bày rằng mình không hề có tình ý gì với Hàn Mặc Tử. Điều này đã làm cho thi sĩ Quách Tấn phân vân không ít khi nhớ lại những điều Thúc Tề và Hàn Mặc Tử kể với mình trước kia. Và trong tập Gái quê, có một bài thơ Hàn Mặc Tử trách móc một cô gái quê là bài Em sắp lấy chồng, nghe cứ như nhà thơ nói với người đã từng hò hẹn thề nguyền với mình:

Nghe tin em sắp lấy chồng

Anh cười đã lắm anh buồn cũng ghê

Em đi em nuốt lời thề

Anh lầm anh tưởng gái quê thiệt thà

Bài này, Hàn Mặc Tử cho biết mình viết khi nghe tin Hoàng Cúc sắp về Huế. Người gái quê trong thơ phải chăng là Hoàng Cúc ngoài đời?

Nhưng, Hàn Mặc Tử đã tạ thế từ năm 1940 và thư Hoàng Cúc năm 1971 đã viết như vậy. Đến nay Hoàng Cúc cũng đã thành người thiên cổ. Xin vâng theo lời thi sĩ Quách Tấn, đành xem như mối tình đầu của Tử là tình đơn phương.

 

- Mộng Cầm

Mộng Cầm, bí danh của người yêu Hàn Mặc Tử, đi lầy chồng sau khi nhà thơ mắc bệnh phong - nỗi đau đớn bất tuyệt và niềm nhớ nhung đầy ám ảnh của đời Hàn. Cùng căn bệnh nan y, mối tình dang dở này là nhân tố vô cùng quan trọng khiến Hàn viết nên những vần thơ máu lệ tuyệt bút.

Trong tạp chí Văn (Sài Gòn) số 179, về Hàn Mặc Tử, ra ngày 1-6-1971 có đăng bài của ông Châu Hải Kỳ phỏng vấn Mộng Cầm về quan hệ giữa bà và nhà thơ Hàn Mặc Tử. Hình ảnh Mộng Cầm ở tuổi xế chiều được ghi lại qua ông Châu:

“Bà khuôn mặt đầy đặn, nước da dù đã trắng trẻo, mịn màng cũng được trang điểm qua loa một làn phấn lợt thêm hồng đôi má bên cặp môi cùng một màu hồng. Nếu không để ý đến cái thân thể cũng như cử chỉ, dáng điệu trang trọng xứng hợp với một nữ trung niên khuê các, mà chỉ nhận diện bằng “khuôn mặt nép bên hoa” thôi, thì mặc dù bà đã bốn mươi có lẽ, trông bà hãy còn đẹp đẽ, duyên dáng như một cô gái vừa quá tuổi trăng tròn.

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng. Câu thơ Thôi Hiêu tự dưng đến. Tôi thầm nói trong não: Khuôn mặt ấy, bảo xưa kia Hàn Mặc Tử không cảm sao được”.

Về sự gặp gỡ và giao tiếp giữa nhà thơ Hàn Mặc Tử với Mộng Cầm, chúng tôi xin trích lời Mộng Cầm trả lời phỏng vấn của Châu Hải Kỳ, gọi là có tiếng nói của của người trong cuộc.

 

- Từ những chuyến đò Mũi Né đến lầu ông hoàng

Lời Mộng Cầm:

Năm ấy tôi 17 tuổi, học lớp nhất trường Nam Phan Thiết. Tuy mới học lớp nhất, nhưng tôi rất ham văn chương. Đêm đêm tôi thường đến học thêm Việt ngữ với cậu Bích Khê tôi. Cậu có mở một lớp đêm cho những ai muốn học thêm và có chỉ dẩn làm thơ văn. Những bài thơ tôi làm ra toàn thơ Đường luật, tôi đăng báo Công luận trong Nam. Một hôm đến trường, tôi tiếp một bức thư do nhà dây thép đưa lại. Đó là bức thư đầu tiên của H.M.T gửi cho tôi. Trong thư, H.M.T tỏ ý cốt tìm cho biết để giao thiệp trau luyện văn thơ. Tôi có gặp trên báo tên Hàn Mặc Tử một đôi lần, nhưng không biết H.M.T là ai, và cũng không biết, bằng cách nào, H.M.T biết được địa chỉ của tôi. Vì lúc này, theo như trong bức thư gửi cho tôi, H.M.T đang làm ở sở Đạc điền ở Quy Nhơn.

Tôi bận học thi Tiểu học, cho nên một tháng sau tôi mới trả lời. Bắt đầu từ đó, chúng tôi thường có thư đi lại với nhau, nhưng cũng nói toàn chuyện văn thơ…

Chúng tôi giao thiệp như thế được chừng năm, sáu tháng thì tôi phải về Quãng Ngãi. Cuộc giao thiệp gián đoạn. Về Quảng Ngãi, tôi gặp một người bạn học cũ mới hay chính bạn tôi quen với H.M.T, đã giới thiệu tôi với Hàn và cho Hàn địa chỉ. Chị cũng cho biết H.M.T vừa thôi làm sở Đạc Điền, vào Sài Gòn viết giúp các báo Sài Gòn mới Phụ nữ tân văn.

Ở Quảng Ngãi mấy tháng, tôi vào Phan Thiết. Tôi ra Mũi Né ở học “cô đỡ” với cậu tôi là ông L.Q.T (anh lớn của Bích Khê).

Tình cờ, đọc Sài Gòn mới, cậu tôi thấy H.M.T nhắn trong mục thư tín: chị Mộng Cầm ở đâu cho biết địa chỉ…” Ông mới hỏi tôi: “Hàn Mặc Tử là ai mà cứ nhắn hỏi cháu hoài, sao cháu không trả lời?”.

Tôi kể câu chuyện quen biết trong mục trau luyện văn chương cho cậu tôi nghe. Cậu tôi cho phép, tôi viết thư cho Hàn Mặc Tử. Thư từ đi lại mật thiết trong mấy tháng. Thì một chiếu thứ bảy nọ, vào khoảng tháng tư tháng năm, Hàn Mặc Tử ra Phan Thiết. Anh mướn đò đi Mũi Né tìm đến bệnh xá. Tôi đang làm thuốc cho bệnh nhân, ông phu vào đưa vào cho tôi một tấm danh thiếp trên có đề mấy hàng

 

- Hàn Mặc Tử

Chef Cercle d’ Etude

Quy Nhơn.

Tấm danh thiếp này tôi giữ mãi làm vật kỷ niệm bất ly thân cho đến lúc mấy tháng gần đây, vì đứa em họ tôi nó xin khẩn thiết quá, tôi mới cho nó. Hiện nó giữ bo bo và ai xin nó cũng không đưa, chỉ sợ mất.

Tôi đi ra thì thấy một chàng thanh niên mặc âu phục xoàng xĩnh đang đứng ở cửa bệnh xá.

Sau khi chào hỏi, tôi mời vào nhà, giới thiệu với cậu T. Cậu để cho chúng tôi tiếp chuyện tự nhiên. Kể ra, vào thời đại nam nữ cách biệt mà được như vậy cũng đã tự do lắm. Hàn Mặc Tử xin cậu tôi, sẵn có đò, cho phép tôi đi Phan Thiết chơi, luôn tiện nhờ tôi giới thiệu với Bích Khê mà anh hằng ao ước tìm gặp. Cậu tôi bằng lòng. Và tối hôm đó, chúng tôi xuôi đò về Phan Thiết.

Gặp hôm có trăng, nhưng chúng tôi không ngồi trên mui thuyền để ngắm sông nước mà ngồi trong khoang để nói chuyện. Hàn Mặc Tử không đẹp, nhưng nhỏ nhẹ, dễ thương. Hồi này anh mới 24 tuổi, song trông người anh yểu tướng, tôi in trí thế nào anh cũng không thọ. Nhờ ngọn đèn sáng dưới đó, tôi đã ngờ ngay từ hôm đó là anh có bịnh phung, hai trái tai anh hơi đỏ đỏ mà dày dày. Vì có học ở nhà thương nên tôi biết triệu chứng, tuy vậy, tôi chưa dám chắc. Đến sau này, tôi gặp anh Nguyễn Thông, bạn học cũ của tôi, cũng làm sở Đạc điền với Hàn Mặc Tử ở Quy Nhơn cho biết: “Chị có biết Hàn Mặc Tử bị phung không?” (thời kỳ còn nhẹ). Tôi mới chắc chắn.

Đoán biết Hàn Mặc Tử bị phung, song tôi không nói ra. Tôi vẫn một lòng kính trọng anh. Đò đến Phan Thiết, tôi đưa Hàn Mặc Tử đến trường Hồng Đức, cậu Bích Khê tôi dạy tại đây. Ở đó suốt buổi sáng chủ nhật, chiều lại, anh đáp chuyến tàu suốt trở vê Sài Gòn.

Sau ngày ấy, cậu Bích Khê bảo tôi ra dạy ở trường Hồng Đức. Vì lẽ đó mà Hàn Mặc Tử ra vào thường, thứ bảy nào anh cũng có mặt tại Phan Thiết, chiều chủ nhật lại vào. Một dịp thứ bảy đi chơi Lầu ông Hoàng, anh thổ lộ mối tính của tôi. Tôi trả lời anh: “Chắc rằng không thể đến chỗ làm bạn trăm năm được, tôi nói trước để anh đừng hy vọng”.

Anh hỏi lý do.

Tôi viện lẽ tôn giáo khác nhau. Nhưng thật ra vì biết Hàn Mặc Tử mắc bệnh hiểm nghèo, không thể sống lâu được. Ý tôi muốn được một người chồng đẹp đẽ, tráng kiện… Tuy vậy, chúng tôi vẫn giao thiệp thân mật hai năm như thế. Trong thời gian này, có nhiều bức thư anh đề cập đến vấn đề hôn nhân. Tôi luôn luôn ngụy biện để từ chối. “Em nghĩ chúng ta sống như thế này thanh cao hơn, tôn giáo bất đồng, chữ hiếu bắt buộc em phải nghe lời thân mẫu”.

Đến đây, ông Châu Hải Kỳ xin lỗi ngắt lời bà:

- Tôi xin hỏi thật bà: bà không muốn đến hôn nhân, nhưng đối với Hàn Mặc Tử có lúc nào bà cảm thấy yêu không? Và trong những cuộc giao du thân mật đã có lần nào thi sĩ tỏ thái độ suồng sả với bà chưa?

- Chúng tôi rất mến nhau. Nhưng đó là mối tình văn thơ. Còn xác thịt thì hoàn toàn không nghĩ tới. Cha mẹ đã cho giao thiệp tự do, chúng tôi phải giữ gìn cho xứng đáng. Vả lại, lúc bấy giờ, tôi tuy đã lớn tuổi, nhưng còn khờ lắm…

 

- Người đi một nửa hồn tôi mất…

Mắc bệnh phong gần một năm thì Hàn Mặc Tử được tin Mộng Cầm sang ngang.

Mặc dù từ khi biết mình mang căn bệnh quái ác, Hàn tuyệt giao với bạn bè và cả Mộng Cầm. Mặc dù trong thâm tâm, chàng biết việc nàng lấy chồng là hợp lý và tất nhiên. Mặc dù chàng hiểu hơn ai hết rằng không thể gắn đời mình với đời nàng một khi mình đã thân tàn ma dại. Mặc dù… Song, mặc dù thế nào, cái tin phủ phàng kia vẫn chụp xuống đời chàng như cơn bão, bứng trốc gốc niềm an ủi lớn lao của tâm hồn. Hàn Mặc Tử đã chết lịm đi trong cảm giác mất mát sững sờ.

Họ đã xa rồi khôn níu lại

Lòng thương chưa đã mến chưa bưa

Người đi một nửa hồn tôi mất

Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ

(Những giọt lệ)

Thế là Mộng Cầm đã phụ tình chàng. Như một nữ hoàng lạnh lùng, nàng đã từ bỏ ngôi báu trong lòng Hàn để tìm một vương quốc khác. Trong rất nhiều bài thơ của tập Đau thương. Hàn Mặc Tử rên rỉ xót xa vì nỗi đau tình phụ. Chàng giận người yêu không chung thủy, lời thơ không nén được dằn dỗi:

Không rên xiết là thơ vô nghĩa lý

Em có chồng mà đành đoạn chia đôi

Xưa thứ gì dính dáng ở đầu môi

Nay trả lại để tôi làm dấu tích

(Dấu tích)

Càng giận lại càng thương. Nhà thơ thất tình lạc vào miền nhớ thương sầu thảm không có lối ra. Có khi chàng gọi cả tên thật của Mộng Cầm để trách than kể lể:

Nghệ hỡi Nghệ muôn năm sầu thảm

Nhớ thương còn một nắm xương thôi

(Muôn năm sầu thảm)

Nghe sao thê thiết và bi lụy quá! Song hoàn cảnh bi đát của nhà thơ đã quy định điều ấy; Thể xác bị đày đọa vì bệnh tật, tinh thần quay quắt trong cô đơn. Có thể nói rằng nhà thơ đắm chìm trong quá khứ và mộng tưởng để tạm quên thực tại buồn đau. Mỗi lúc như thế, tự nhiên những kỷ niệm thơ mộng của mối tình thắm thiết hiện về đốt cháy cõi lòng.

Nhớ lắm lúc như si như dại

Nhớ làm sao bải hoải tay chân

Nhớ hàm răng nhớ hàm răng

Mà ngày nào đó vẫn khăng khít nhiều

(Muôn năm sầu thảm)

Biết bao đêm, trong cơn say lúy túy Hàn mong ước người xưa trở về. Niềm khao khát ấy càng mãnh liệt thì sự trống vắng càng thênh thang khi nhà thơ sực tỉnh:

Đêm nay lại giống đêm nào

Nhấp xong chung rượu buồn vào tận gan

Say thôi lại muốn Nàng nâng đỡ

Nhưng nàng xa từ thuở vu qui

Người mình yêu đã là vợ kẻ khác. Sự thực tàn nhẫn bủa vây nhà thơ. Nỗi đau tình phụ lên tới cực điểm, cộng với cảnh sống thiếu thốn và bế tắc vì bệnh tật vô phương cứu chữa, chừng ấy điều đủ cho Hàn Mặc Tử hình dung sự săn đuổi của số phận gấp gáp sau lưng, thậm chí bàn chân của nó đang dẫm nghiền lên trái tim tan nát của chàng. Nhà thơ đau đớn kêu lên:

Trời  hỡi! Làm sao cho khỏi đói

Gió trăng có sẵn làm sao ăn?

Làm sao giết được người trong mộng

Để trả thù duyên kiếp phụ phàng?

(Lang thang)

Tiếng kêu xé rách không gian, nỗi đau phơi bày chật chội cả vũ trụ, có lẽ Hàn là kẻ cùng cực nhất thiên hạ về cả vật chất, thể xác lẫn tinh thần. Chàng giàu hơn thiên hạ chỉ ở nỗi đau và những vần thơ trung thực với lòng mình. Hàn Mặc Tử thật có lý khi tự coi mình là một tiên hành khất:

Lãng tử ơi! Mi là tiên hành khất

May không chết lạnh trước lầu mỹ nhân

Lãng tử ơi mi là tiên hành khất

May không hộc máu chết rồi còn đâu!

(Lang thang)

Đã hành khất, mà thuộc hàng tiên; tức là hành khất thứ thiệt, hành khất “đắc đạo”. Đùa đấy mà đau đấy! Một bản lĩnh đang cười trên nỗi bất hạnh của chính mình, cái cười nghẹn ngào nước mắt.

 

- Trăm năm vẫn một lòng yêu

Thật ra khi thốt lên những lời chua chát, Hàn không hề có ý trách móc Mộng Cầm nữa. Chàng chỉ giận nàng trong giai đoạn đầu, khi mà cái tin vu qui còn mới tinh gây nơi chàng một cú sốc tinh thần kinh khủng. Sau một thời gian đủ cho sự đột ngột thành điều đã qua, thành chuyện cũ, thì tình yêu giành cho Mộng Cầm mới hiện ra trong thơ chàng với tất cả chiều sâu và cường độ của nó như ta đã thấy.

Trót một lần gọi tên thật của Mộng Cầm để thở than, Hàn Mặc Tử kịp nhận như thế sẽ bất lợi cho hạnh phúc của người tình cũ. Từ đó, chàng thường kín đáo hơn khi nhắc tới nàng:

Ta là khách bơ vơ phàm tục

Nhớ cầm trăng cung bực tiêu tao

(Say chết đêm nay)

Chàng gọi nàng bằng cái tên mới chỉ mình chàng biết:

Lệ Kiều ơi em còn giữ ý thơ

Trong đôi mắt mùa thu trong leo lẻo

Ở xa xôi lặng nhìn anh khô héo

(Trường tương tư)

Hoặc chỉ gợi lại một nét quen thuộc nơi nàng đã khắc sâu vào tâm thức chàng vĩnh viễn:

Cho tôi mua trọn hàm răng

Hàm răng ngà ngọc hàm răng đa tình!

(Lang thang)

Những cơn mưa gió trong hồn nhà thơ chẳng những không làm trôi dạt đi hình ảnh Mộng Cầm, mà ngược lại chỉ tô đậm thêm. Mai Đình kể lại với một người bạn gái rằng nàng đã nhiền lần chứng kiến Hàn Mặc Tử đập tay xuống bàn gọi tên Mộng Cầm và bậc khóc nức nở. Một hôm Mai Đình thức tỉnh Hàn: Mộng Cầm đã phụ chàng đi lấy chồng, chàng còn tưởng đến mà chi? Tức thì Hàn Mặc Tử vỗ tay xuống bàn ầm ầm rồi nói to như nói một mình: “Nàng bị gia đình ép uổng, Mộng Cầm vẫn yêu ta?”. Mai Đình hờn ghen, làm thơ phân bì với Mộng Cầm:

Mộng Cầm hỡi! Nàng là tiên rớt xuống

Hay là vì tinh tú giáng trần giang?

Diễm phúc thay sung sướng biết bao vàn

Đầy đủ quá nàng thương chăng kẻ thiếu?

Và có lần ngồi với Mai Đình ngoài sân mà Hàn lại làm thơ thương nhớ Mộng Cầm. Mai Đình chụp bài thơ xé nát. Hàn nhặt từng mảnh ráp lại thì mất đi đoạn cuối. Chàng thẫn thờ như một kẻ mất hồn.

Như thế đủ thấy rằng cái khoảng trống mà Mộng Cầm để lại trong lòng Hàn Mặc Tử rất khó lấp bằng. Chàng như con tằm đã rút hết ruột để nhả tơ tình, nằm đau trên lá dâu. Nhưng mà ruột tằm còn có lúc hết, phải ngừng nhả tơ, chứ tình Hàn đối với Mộng Cầm thật vô bờ bến:

Dẫu đau đớn vì điều phụ rẫy

Nhưng mà ta không lấy làm điều

Trăm năm vẫn một lòng yêu-

Và còn yêu mãi rất nhiều em ơi!

(Muôn năm sầu thảm)

Mối tình với Mộng Cầm gần như “chiếm lĩnh” suốt tập Đau thương. Nhà thơ, người đã “tiêu tán” cả thân xác và tâm hồn vì tình yêu ấy, đã biến trời thơ thành một trường tương tư dằng dặc nỗi buồn.

*

**

Xin trở lại vấn đề mà ông Châu Hải Kỳ đặt ra với Mộng Cầm: Mộng Cầm có yêu Hàn Mặc Tử không?

Câu trả lời của Mộng Cầm khiến nhiều người có ý nghĩ: Bà phủ nhận tình yêu của mình đối với Hàn Mặc Tử.

Chính vì thế mà một lần thi sĩ Quách Tấn hỏi nhà thơ Bích Khê:

- Mộng Cầm có yêu Hàn Mặc Tử thật sự chăng?

Bích Khê trả lời:

- Không yêu mà chiều thứ bảy nào, Tử cũng ra Phan Thiết để cùng Mộng Cầm đi chơi với nhau đến chiều chủ nhật hôm sau mới vào Sài Gòn. Hai bên giao tiếp thân mật với nhau ngót hai năm trời mà nếu không yêu nhau thì chỉ có gỗ đá.

Bích Khê là cậu ruột của Mộng Cầm. Việc Mộng Cầm đi lấy chồng sau khi Hàn Mặc Tử ngã bệnh bị Bích Khê kịch liệt lên án. Song đó là xuất phát từ tình bạn của Bích Khê đối với Hàn Mặc Tử. Thi sĩ Quách Tấn quan niệm việc Mộng Cầm đi lấy chồng là lẽ tất nhiên và nàng không đáng trách. Cái đáng trách của Mộng Cầm, theo ông, là ở từ chối một sự thật của lòng mình.

Đây là lời thi sĩ Quách Tấn nói với một người bạn:

- Tôi đã từng đọc thư Mộng Cầm gửi cho Tử. Nếu anh được xem bức thư nàng cho gửi cho Tử năm 1936 lúc anh Mộng Châu bị nạn mất ở Phú Yên, chỉ xem một bức ấy thôi, thì anh cũng có thể đo được mức thiết tha của tình yêu đôi bên... Mộng Châu là anh ruột Tử và Mộng Cầm tỏ ý muốn... Thôi nàng đã có chồng rồi, nhắc lại không hay ho gì(1).

*

*  *

Tất cả những lời bàn ấy về Mộng Cầm là sau khi nàng đã có chồng. Cả câu hỏi của ông Châu Hải Kỳ và câu trả lời của Mộng Cầm cũng diễn ra khi người mà Hàn Mặc Tử yêu thiết tha hồi nhà thơ còn sống đã yên bề gia thất. Mộng Cầm đã ở vào tuổi trung niên, mà Hàn Mặc Tử thì đã qua đời từ lâu.

Song, đọc lại bài viết của ông Châu Hải Kỳ, có thể thấy rằng Mộng Cầm không hoàn toàn phủ nhận tình yêu của mình đối với Hàn Mặc Tử. Bà (lúc ấy Mộng Cầm đã cao tuổi) chỉ nói tránh đi một chút những điều không tiện nói ở một người có hoàn cảnh như bà.

Cái chi tiết bà giữ bo bo tấm danh thiếp của Hàn Mặc Tử như một vật bất ly thân suốt mấy mươi năm, và câu chuyện bà với Hàn trao đổi với nhau sau khi bán tập thơ Gái quê cũng như việc bà thừa nhận mình có đi chơi Lầu ông Hoàng với Hàn gặp mưa... Chừng ấy đủ chứng tỏ bà vẫn ghi nhớ những kỷ niệm giữa hai người.

Giả sử như bà muốn phủ nhận hoàn toàn, thì ngôn ngữ của bà đã vượt ra ngoài vòng kiểm soát của nữ chủ, hé lộ cái tình yêu của bà đối với người đã khuất, một tình yêu thuộc về quá khứ xa xôi.

(Còn nữa)

(1) Lời Bích Khê và Quách Tấn bàn về Mộng Cầm ghi theo quyển Đời Bích Khê của Quách Tấn, trang 172, 176

 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
3. Những bóng dáng khuynh thi  (27/03/2005)
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 4)  (25/03/2005)
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 3)  (22/03/2005)
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 2)  (20/03/2005)
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 1)  (17/03/2005)
1. Những người thân yêu  (15/03/2005)
I - Đời riêng (kỳ 3)   (13/03/2005)
I- Đời riêng (kỳ 2)   (10/03/2005)
I- Đời riêng   (07/03/2005)
Trần Thị Huyền Trang sưu tầm và biên soạn   (07/03/2005)