II. Trong vòng tay bạn bè
3. Những bóng dáng khuynh thi (Kỳ 3)
11:17', 5/4/ 2005 (GMT+7)

- Ngậm ngùi

Yêu là chết ở trong lòng một ít

Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu

Yêu rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu

Người ta phụ, hay thờ ơ, chẳng biết.

Mấy câu thơ trên của nhà thơ Xuân Diệu có thể nói rất đúng với trường hợp Mai Đình.

Mai Đình tên thật là Lê Thị Mai người xứ Thanh. Phụ thân nàng là một tùy viên làm việc ở Tòa sứ Phan Thiết. Nàng không đẹp, cũng không có duyên, nhưng rất lãng mạn và biết làm thơ.

Vì ham thích văn thơ, lẽ đương nhiên Mai Đình biết tiếng Hàn Mặc Tử cũng như căn bệnh hiểm nghèo của chàng và chuyện nhà thơ bị phụ tình. Mai rất muốn gặp Hàn, ban đầu là vì tò mò. Trong chuyến đi từ Thanh Hóa vào Phan Thiết, năm 1937, nàng ghé Quy Nhơn và nhờ Trần Kiên Mỹ dẫn đến thăm Hàn Mặc Tử. Hàn không tiếp chỉ gửi tặng nàng một tập Gái quê.

Trên chuyến tàu Quy Nhơn - Phan Thiết, Mai Đình đọc tập Gái quê. Sau khi đọc xong, lòng thương yêu của nàng đối với Hàn Mặc Tử chuyển thành tình yêu. Nàng quyết chí gặp Hàn Mặc Tử.

- Anh đứng cách xa hàng thế giới

Bài thơ đầu tiên Mai Đình tặng Hàn Mặc Tử là bài Biết Anh, viết sau khi đọc tập Gái quê của Hàn:

Còn anh em đã gặp anh đâu!

Chỉ cảm vần thơ có những câu

Âu yếm say sưa đầy cả mộng

Xui lòng tơ tưởng lúc đêm thâu.

...

Nàng ao ước giãi bày tình yêu với Hàn Mặc Tử:

Mộng hồn em gửi theo chiều gió

Để được gần anh ngỏ ít lời

Vốn bạo dạn và mãnh liệt, Mai Đình gặp nhà thơ Quách Tấn. Vừa khóc lóc, nàng vừa thật tình thổ lộ tình mình đối với Hàn, và gửi cho nhà thơ mới gặp lần đầu này bài thơ Biết Anh. Quách Tấn đi từ chỗ ngạc nhiên đến chỗ cảm động, gửi thư cho bạn kèm bài thơ Mai Đình. Trong thư, Quách Tấn nói dối bạn Mai Đình là một "tuyệt thế giai nhân". Hàn Mặc Tử được thư, làm bài Lưu luyến nhờ Quách Tấn trao lại Mai Đình. Xin trích khổ đầu và khổ cuối của bài thơ:

Chửa gặp nhau mà đã biệt ly

Hồn anh theo dõi bóng em đi

Hồn anh sẽ nhập trong luồng gió

Lưu luyến bên em chẳng nói gì.

...

Anh đứng cách xa hàng thế giới

Lặng nhìn trong mộng miệng em cười

Em cười anh cũng cười theo nữa

Để nhắn: Hồn em đã tới nơi.

Sau khi nhận thơ tặng lại của Hàn, Mai Đình rất hy vọng. Nàng ra Quy Nhơn ghé nhà Hàn mấy lần, nhưng nhà thơ vẫn không tiếp. Mai Đình tưởng Hàn Mặc Tử mặc cảm mà tránh mặt. Thực ra, nhà thơ đã nhìn nàng qua khe cửa. Nhận thấy người và thơ quá ư khác biệt, e rằng sự tiếp xúc sẽ cuốn trôi hết những ấn tượng tốt về nàng nên nhà thơ cố tình giữ một khoảng cách.

- Anh nhìn Mai chua xót nửa tấm lòng

Mai Đình tin ở sự kiên nhẫn của mình. Nàng vẫn tới thăm Hàn, dù không được gặp mặt.

Các chị của Hàn Mặc Tử thấy nàng nhiệt tình quá thì thương cảm, khuyên nhà thơ không nên xử tệ với nàng. Từ đó Hàn Mặc Tử mới cho Mai Đình gặp mặt. Chàng luôn luôn nhắc đến Mộng Cầm trong những lần cùng Mai trò chuyện, ngụ ý bảo nàng đừng hy vọng.

Lần cuối cùng Mai Đình đến thăm Hàn Mặc Tử vào năm 1939. Nàng xin phép mẹ Hàn lưu lại vài hôm. Trong vài hôm ngắn ngủi ấy, nàng bộc bạch nỗi lòng với Hàn Mặc Tử một cách thật tình, song không vượt qua khuôn phép. Tấm chân tình của Mai Đình khiến Hàn vô cùng xúc động nhưng chàng chỉ thương nàng chứ không yêu. Khi họ từ biệt nhau, Hàn trao cho nàng bài thơ mới viết:

Cười cho lắm cho dầm dề nước mắt

Chết ruột gan mà ngoài mặt như không

Anh nhìn Mai chua xót nửa tấm lòng

Không biết nói làm sao cho da diết

...

Trong bài thơ này, có những câu rất tình tứ:

Đây Mai Đình tiên nữ ở Vu Sơn

Đem mộng xuống gieo vần vào muôn sóng mắt!

Nàng, ôm nàng hai tay ta ghì chặt

Cả bài thơ êm mát lạ lùng thay!

Những câu như thế dễ gây ngộ nhận cho người đọc, nhưng Hàn Mặc Tử không câu nệ điều đó. Nhà thơ thú nhận khi làm thơ tặng Mai Đình, chàng trải qua những phút rung cảm sâu sắc. Có lễ đó chỉ là tình yêu trong thơ.

- Khối tình không tan

Mặc dù biết Hàn Mặc Tử không yêu mình, nhưng Mai Đình vẫn yêu Hàn tha thiết. Tình của nàng đối với Hàn Mặc Tử là "tình cho đi không lấy lại bao giờ". Về phía mình, nàng đã nhớ nhung, khổ sở, ghen tuông trong những lúc sóng tình trào cuộn. Nàng thành thực đến mức thú nhận với "tình địch" sự thua kém của mình:

... Tôi là kẻ thiếu nhiều và thiếu mãi

Đã ra người hành khất bấy lâu nay

Mà người đời toàn ban vị đắng cay!

(Phân bì Mộng Cầm)

Mai Đình những mong tình yêu của mình đem lại cho Hàn một nguồn an ủi trong cảnh ngộ đau thương. Đến khi hiểu ra mọi cố gắng của mình là không cần thiết đối với Hàn Mặc Tử, nàng chủ động rút lui để Hàn khỏi bận lòng. Nàng từ biệt Hàn sau những ngày tháng chịu đựng cảnh người mình yêu chỉ thương nhớ người cũ. Không phải nàng tự ái. Sự thật là nàng tình cờ đọc được bài thơ Hàn viết cho Ngọc Sương, chan chứa tình yêu thầm kín. Nàng nghĩ rằng Hàn đã tìm được lối thoát cho tình cảm bấy lâu bế tắc sau sự phụ rẫy của Mộng Cầm. Điều đó làm nàng yên tâm về Hàn.

Dù ở xa, Mai vẫn hướng vọng về Hàn Mặc Tử. Đến khi thi thể Hàn đã vùi dưới ba thước đất sâu, thì Mai Đình là người duy nhất (trong số những người phụ nữ được Hàn yêu hoặc có yêu Hàn) tìm đến tận Quy Hòa để thăm nơi an nghỉ của nhà thơ. Suốt trong thời gian tao loạn chiến chinh. Mai Đình vẫn không nguôi nhơ thương Hàn Mặc Tử. Bài thơ Trăng cũ của nàng là tiếng đập của một trái tim cô lẻ không biết mỏi mòn.

Cho đến bây giờ, Mai Đình vẫn nhắc tới Hàn Mặc Tử với một tình yêu không chịu già cỗi theo năm tháng, mặc dù Mai Đình ngày nay không còn là một cô Mai son rỗi của ngày nào.

- Người ngọc

Nhờ Mai Đình mà Ngọc Sương biết được Hàn Mặc Tử yêu mình.

Bích Khê, em nàng, là bạn thân của Hàn Mặc Tử. Thấy sau khi Mộng Cầm có chồng, Hàn Mặc Tử cứ như người mất hồn, Bích Khê rất thương bạn. Biết rằng Mai Đình không thể nào thay thế nổi Mộng Cầm trong lòng Hàn. Chàng nghĩ ra một cách giúp bạn nguôi ngoai niềm nhớ thương sầu muộn.

Trong một lần ra thăm Hàn Mặc Tử, Khê tặng cho Hàn bức ảnh của chàng chụp chung với chị Ngọc Sương. Hàn Mặc Tử hỏi, Khê cho biết đó là chị ruột của mình, cũng am hiểu văn chương và rất thích thơ Hàn. Từ đó, mỗi lần nhớ Bích Khê, Hàn Mặc Tử giở bức hình ra xem. Hình ảnh Ngọc Sương bên cạnh những lời giới thiệu của Bích Khê văng vẳng trong tâm trí. Dần dần, Hàn Mặc Tử "cảm" người trong ảnh. Đối ảnh sinh tình, chàng viết bài Người ngọc, hai chữ Ngọc Sương được lồng vào thơ một cách kín đáo và ý nhị:

Ta đề chữ Ngọc trên tàu lá

Sương ở cung thềm gió chẳng thôi

Tình ta khuấy mãi không thành khối

Nư giận đòi phen căn phải môi

Thế rồi một hôm Bích Khê lại ra thăm. Hàn Mặc Tử ngắm bức ảnh, làm như tình cờ đọc mấy câu thơ ấy. Bích Khê vờ không để ý nhưng lòng thầm sung sướng vì thấy mưu sự của mình đã thành. Chàng cũng không cho chị hay.

Sau khi gạn hỏi Bích Khê rõ nguyên nhân, Ngọc Sương trách yêu em và yêu cầu Bích Khê ngừng ngay trò đùa nguy hiểm lại.

Mối tình đối với Ngọc Sương chỉ là một ý thơ hư thực thoáng qua đời Hàn Mặc Tử. Và nhà thơ như một người góp nhặt từng tia sáng trong những hình ảnh đẹp đẽ để thắp lên rực rỡ thế giới thi ca của mình.

- Thương thương nàng tiên trong cõi mộng

Sau khi từ biệt với Mai Đình ít lâu, Hàn Mặc Tử nhận được thư Trần Thanh Địch từ Huế gửi vào. Trong thư Địch đính kèm thư của một thiếu nữ tự xưng là Thương Thương. Địch giới thiệu Thương Thương là nữ sinh trường Đồng Khánh, rất mê thơ Hàn Mặc Tử, muốn làm quen với nhà thơ.

Cái lai lịch "nữ sinh Đồng Khánh" chiếm ngay được niềm tin của Hàn. Bởi trước kia, khoảng 1936, Hàn có dịp đến các trường trung học ở Huế và được giới học trò ở Huế rất hâm mộ.

Thêm vào đó, nhà thơ bị khủng hoảng nặng nề về tình cảm từ ngày Mộng Cầm khoác áo vu qui. Mai Đình, Ngọc Sương... những cuộc tình thoáng qua chỉ khơi thêm sự đau khổ nơi chàng. Giờ đây, bỗng dưng có một nữ sinh mang cái tên khả ái và hẳn là còn rất thơ ngây viết thư bày tỏ lòng mến mộ đối với chàng, ca ngợi thi tài của chàng. Như người sắp chết đuối, thấy một cái phao trôi về phía mình, Hàn Mặc Tử níu lấy tình cảm của Thương Thương với tất cả lòng cảm kích và hy vọng. Qua những lời thư dịu dàng của người thiếu nữ xứ Huế, Hàn Mặc Tử đã yêu nàng tha thiết, không cần biết mặt Thương Thương nhà thơ vẫn cứ mường tượng để mà yêu.

Mỗi lần nhận được thư Thương Thương, Hàn sung sướng đọc rồi giấu kỹ những bức "tình thư" kia dưới gối. Mỗi lúc nằm ngồi một mình chàng lấy thư ra đọc, hình dung ra "cử chỉ", "điệu bộ" của người yêu. Mối tình trong mộng ngọt ngào đầy thi vị làm tươi lại cõi hồn cơ hồ đã héo úa của chàng. Nhà thơ rất siêng hồi âm cho Thương Thương. Bức thư nào của chàng gửi cho nàng cũng tràn đầy một tình cảm thắm đẹp mặn nồng.

- "Thương Thương! Cái tên thi vị quá! Thương Thương là một bài thơ, hơn nữa, một nguồn thơ bất tuyệt. Những hàng chữ đơn sơ của em cũng rung cảm được tâm hồn anh... Ở lòng anh có Thương Thương, nghĩa là có thơ, có nguồn thơ vĩnh viễn đấy" (1) .

Tình đối với Thương Thương có sức mạnh của một phương thuốc hồi sinh. Yêu nàng, Hàn Mặc Tử "quên hết cuộc đời tân khổ, gian lao" (2), quên cả những đắng cay buồn thảm sau cuộc tình giang dở với Mộng Cầm.

Với hình ảnh của Thương Thương trong tưởng tượng, Hàn Mặc Tử bước vào thời kỳ sáng tác mới với một tốc độ phơi phới. Nhà thơ viết liên tục một tập thơ tình là Cẩm châu duyên với hai vở kịch Duyên kỳ ngộ Quần tiên hội.

Không khí bao trùm tập thơ và hai vở kịch thơ là một không khí trong trẻo, nhẹ nhàng và siêu thoát. Đó là những dòng mau mắn tràn đầy niềm vui về một hạnh phúc thần tiên hiếm có. Cốt truyện của hai vở kịch thơ cũng đầy khí sắc thiên tiên. Trong đó, các nhân vật đều là tiên, từ nhà Hàn Mặc Tử tới kỹ sư Thương Thương cũng là người của chốn Bồng Lai tiên cảnh.

Nhưng cả Cẩm châu duyên lẫn hai vở kịch thơ ấy đều chỉ là những giấc mộng tình. Trên đời, có giấc mộng nào là vĩnh cửu?

- Tàn giấc mộng tình

Tập Cẩm châu duyên ban đầu có tên là Thương Thương, nhưng rồi Hàn Mặc Tử thấy bất tiện nên đổi đi.

Tất cả thơ trong Cẩm châu duyên và hai vở kịch thơ Hàn Mặc Tử viết đến đâu đều chép đến đấy gửi ra cho bạn là Trần Thành Địch và Trần Tái Phùng để san xẻ niềm vui sáng tạo và nguồn hạnh phúc tràn trề.

Hàn Mặc Tử hình dung Thương Thương sẽ rất cảm động và vui sướng khi được đọc những bài thơ chàng viết tặng nàng, những bài thơ chan chứa yêu thương và thơ mộng.

Những điều đó chỉ là tưởng tượng. Tội nghiệp cho chàng.

Thương Thương không phải là một nhân vật có thật. Tất cả mọi việc đều do Trần Thanh Địch sắp đặt ra. Nguyên sự thế này: Sau khi bị Mộng Cầm phụ tình, Hàn Mặc Tử đau đớn như ngây dại. Thư nào gửi cho Trần Thanh Địch, nhà thơ cũng than thở vì nỗi đau bị bỏ rơi. Nhận thấy vết thương lòng Mộng Cầm gây cho Hàn quá sâu. Mai Đình không thể hàn gắn nổi, Trần Thanh Địch bèn mượn tên của cô cháu gái mới 12 tuổi (em ruột của Trần Tái Phùng) vờ giới thiệu Thương Thương là một giai nhân yêu quí thơ Hàn. Tất cả những bức thư "của" Thương Thương đều là "sáng tác" của Trần Thanh Địch dưới nét chữ của người khác. Thư Hàn gửi ra cho Thương Thương theo địa chỉ do Địch bố trí. Mới đầu, Trần Thanh Địch vì quá thương bạn, bày ra như thế chỉ cốt để cứu vớt Hàn ra khỏi tình cảnh thất tình bi đát. Không ngờ Hàn quá cả tin và hy vọng, ngày càng lạc sâu vào giấc mộng Thương Thương.

Khi tác phẩm mới của Hàn gửi ra, Trần Thanh Địch và Trần Tái Phùng mới giật mình. Tình yêu trong thư có thể giấu nhẹm được, chứ tình trong thơ sớm muộn gì cũng bay khắp mọi nơi. Rồi đây, cô bé Thương Thương thật lớn lên sẽ nhận lấy bao lời đồn gần xa oan uổng. Để bảo vệ danh giá gia đình và vì trách nhiệm trước tương lai em gái, Trần Tái Phùng viết thư trình bày toàn bộ sự thật với Hàn.

Hàn Mặc Tử tiếp được thư Trần Tái Phùng trong khi chuẩn bị viết đoạn kết vở Quần tiên hội. Đất trời như sụp đổ trước giấc mộng tình tan vỡ. Nguồn thi hứng hẫng hụt. Vở kịch mãi mãi dở dang.

(Còn nữa)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
3. Những bóng dáng khuynh thi (Kỳ 2)  (31/03/2005)
3. Những bóng dáng khuynh thi  (27/03/2005)
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 4)  (25/03/2005)
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 3)  (22/03/2005)
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 2)  (20/03/2005)
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 1)  (17/03/2005)
1. Những người thân yêu  (15/03/2005)
I - Đời riêng (kỳ 3)   (13/03/2005)
I- Đời riêng (kỳ 2)   (10/03/2005)
I- Đời riêng   (07/03/2005)
Trần Thị Huyền Trang sưu tầm và biên soạn   (07/03/2005)