- Hàn Mặc Tử ngâm thơ
Nói đến chuyện ngâm thơ, tôi không quên bạn Hồ Sĩ Tấn. Chàng có giọng rất trầm và khi ngâm, chàng tỏ ra rất hiểu thơ của Thế Lữ, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử... khi nghe chàng cất tiếng ngâm, các thiếu nữ vườn bên nhè nhẹ hé cửa đón lấy những hơi âm dịu như ánh nắng mai. Và cứ mỗi sáng chủ nhật lại có một cuộc họp bạn để chọn thơ cho chàng ngâm. Lẽ tất nhiên, Hàn Mặc Tử vắng mặt vì bệnh, nhưng bao giờ thơ chàng cũng được ghi vào chương trình nghị sự".
Những buổi ngâm thơ ấy làm cho tôi nhớ mãi nét mặt của Hàn Mặc Tử, điệu bộ chàng lúc chàng ngâm. Một hôm, vẫn tại ngôi nhà ở xóm Tấn, tôi yêu cầu Hàn Mặc Tử cho tôi nghe một sáng tác, một điềm lạ hôm qua, thì Tử mời tôi ngồi để nghe lời thơ. Hàn Mặc Tử nằm xuống và nói:
- Đây là bài "Phan Thiết, Phan Thiết", Tử mới làm hồi hôm.
Chàng cất giọng ngâm. Đến đây, các bạn tưởng sẽ có một đoàn chim nhạn đang bay hay trận mưa rào trút lá? Không đâu, Hàn Mặc Tử ngâm thơ rất tệ, giọng đều đều, rè rè, nghe không thú, nhưng cũng ứa buồn. Buồn cho đến lạnh cả xương sống khi hai mắt chàng trợn ngược lên chỉ thấy cả lòng trắng và nước bọt phều ra ở hai khóe miệng. Chàng ngâm đến đoạn:
Ta lang thang tìm tới chốn lầu trăng
Lầu ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang:
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết...
Ôi! Trời ơi! Là Phan Thiết, Phan Thiết!
Hàn Mặc Tử nhấn mạnh hai chữ Phan Thiết, Phan Thiết, rồi ngất đi, hết sức lực, chàng nằm im để thở một hồi lâu mới tiếp tục. Nhưng bây giờ giọng ngâm của chàng đã làm cho tôi nhận thấy cảnh tàn tạ, thê lương của con người bạc mệnh:
Mà tang thương còn lại mảnh sao rơi:
Ta đến nơi: nàng ấy vắng lâu rồi,
Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ!
Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ,
Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng,
Ta vãi tung thơ lên tận sông Hằng,
Thơ phép tắc bỗng kêu rêu thống thiết!
Hỡi Phan Thiết! Phan Thiết!
Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu!
Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư!
Ngâm xong, chàng nằm thẳng người, nhắm kín đôi mắt, hình như muốn theo đuổi những ý tưởng gì ở đâu. Tôi vẫn ngồi im bên giường chàng. Bỗng nhiên tôi nghe một tiếng rên rất nhỏ, có thể là tiếng thở dài của sự nhớ nhung.
Tôi biết rõ không phải là tiếng rên do sự đau nhức hay sự buồn bã, mà chính là tiếng rên nấc xuất phát từ bề sâu của một linh hồn tuyệt vọng. Tôi nhận biết tiếng rên ấy. Tôi biết rõ hình dáng của nó. Có những đêm, trong khi mọi người mọi vật đều chìm đắm trong bóng tối kinh hoàng, tiếng rên ấy lại xuất hiện tự trong hồn tôi mà ra, đụng chạm bức tường không gian và âm thanh dội lại vào hồn tôi. Hàn Mặc Tử thiêm thiếp mãi và - không muốn khuấy động giấc mơ của chàng - tôi đã lặng lẽ ra đi trong buổi chiều ấy, lòng buồn như mùa thu và tê tái như sự biệt ly, tôi nuối tiếc một mảnh sao sắp rơi, chìm đắm giữa khoảng âm u...
- Nguồn thơ cuối cùng
Một hôm giới văn nghệ sĩ ở Quy Nhơn bàn tán xôn xao về tin Hàn Mặc Tử sắp cưới vợ.
Buổi chiều ấy, sau khi đi làm về, tôi ghé qua nhà Hàn Mặc Tử. Thấy tôi, chàng ngồi dậy, tiến đến bộ xa lông mây và mời tôi ngồi. Sự mừng rỡ hiện rõ trên mặt chàng. Bỗng chàng đẩy mạnh ghế, chạy lại giường kế cận. Chàng sờ soạng dưới chiếu có ý muốn tìm một vật gì quí báu như chàng đã giới thiệu trước. Từ trong cái bao gối "tai bèo", chàng lôi ra một phong thư, một mảnh giấy, ấp vào ngực và vừa run vừa nói:
"Diệp ạ, cả và gái Huế đều yêu mình, sướng quá! Đây, Diệp nghe, một nữ sinh Đồng Khánh tên là nường Thương Thương rất thuộc thơ mình, rất yêu thơ mình và ngâm thơ mình suốt ngày. Chắc nường ấy bị phạt luôn vì không thuộc bài mà chỉ thuộc thơ thôi".
Tôi hỏi lại Hàn Mặc Tử: "Cô ấy yêu thơ Hàn Mặc Tử, thuộc thơ Hàn Mặc Tử, nhưng có yêu Hàn Mặc Tử không?". Chàng phá lên cười sặc sụa và nói: "Diệp này, phải nghĩ lại cho kỹ: Người ta yêu thơ Hàn Mặc Tử tức là yêu Hàn Mặc Tử rồi. Cái gì nói thơ là nói Hàn Mặc Tử và cái gì nói Hàn Mặc Tử là nói thơ vậy".
Thật là một lối biện luận quá kỳ khôi.
Rồi từ đó, thao thao bất tuyệt, các tập thơ Cẩm châu duyên, Duyên kỳ ngộ và Quần tiên hội ra đời cùng một lúc.
Tôi không biết gì nhiều hơn về mối tình đầy bí hiểm, lạ lùng giữa Hàn Mặc Tử và Thương Thương. Tôi chỉ nói Thương Thương là nguồn thơ cuối cùng của Hàn Mặc Tử.
- Lối ăn mặc của Hàn Mặc Tử
Về y phục, Hàn Mặc Tử luôn luôn mang áo dài tay, không cài nút măng sét. Áo quần không được sạch sẽ lắm. Người nhà phải nhắc nhở đến năm ba lượt mới chịu thay.
Năm 1956, nhiều lần tôi gặp bà Nguyễn Thị Như Lễ, chị ruột Hàn Mặc Tử ở Huế. Bà cùng tôi nhắc lại nhiều chuyện xưa về Hàn Mặc Tử. Hồi ấy, các thầy lang chữa bệnh khuyên chàng không nên ăn thịt, trái cây và kẹo bánh. Vốn người hiền hậu thật thà, ai dặn dò khuyên nhủ điều gì, Hàn Mặc Tử nghe theo như nghe những giáo điều trong thánh kinh. Vì thế, suốt đời, chàng chỉ ăn cá, loại cá chàng thích nhất là cá liệt (3).
Trong thời gian gần hai tháng ở nhà thương Quy Hòa, mẹ và các chị chàng lo việc chuyển đồ ăn vào. Theo lời các bà phước cho biết, hôm Hàn Mặc Tử mất, trước đó chàng có ăn thịt, bị đau bụng đi tả và từ trần. Chàng chỉ bận một bộ áo quần cũ vì bao nhiêu áo quần mới may, chàng tặng bạn tất cả.
Khi liệm xác Hàn Mặc Tử, người ta thấy thi ca đã để lại những dấu vết cuối cùng trên thân người chiến bại là một vệt đen trên gò má hóp và một ngón tay bị cong queo lại.
(Còn nữa)
(1) và (2) Thư Hàn Mặc Tử gửi Thương Thương (theo Quách Tấn).
(3) Loại cá ở nước ngọt, hình mỏng và thuẫn như ngọn lá mít. |