III. Qua ký ức bạn bè
Thi Nại Thị, Quách Tấn, Yến Lan
12:9', 10/4/ 2005 (GMT+7)

Thị Nại Thị

- Hàn Mặc Tử và bát Hải Sâm

Năm 1938 Hàn Mặc Tử vào Nha Trang chơi. Một thương gia Hoa kiều - chú Lâm Dũ Hà - mời tôi và Tử đến ăn tiệc. Tân khách trên mười người mà chỉ có hai chúng tôi là người Việt Nam. Món ăn phần nhiều là hải vị. Chủ nhân mời mọc ân cần và mỗi món ăn đều có giới thiệu hoa mỹ. Thật là vừa êm tai vừa ngon miệng. Tử rất lấy làm vui.

Đến món hải sâm.

Tử hỏi:

- Hải sâm là sâm biển. Có bổ bằng Huệ Kỳ sâm, Cao ly sâm không?

Một ông bạn cười đáp:

- Hải sâm là một sinh vật ở biển.

Một ông khác nói tiếp:

- Tức là con đỉa biển.

Tử ngạc nhiên:

- Con đỉa biển?

- Phải, phải. Nó giống như đỉa đồng song lớn hơn, có con lớn bằng cườm tay, cườm chân...

Tử ngồi ngó tôi có vẻ lo lắng, khi thấy tôi múc hải sâm, Tử lắc đầu nhưng bị chủ nhà nài ép. Tử vì nể nếm một muỗng nhỏ rồi nhất định chối từ. Tôi tưởng rằng không hợp khẩu.

Khi ra về, Tử cặp tay tôi đi và âu yếm hỏi:

- Ở biển mà cũng có đỉa sao anh?

Tôi cười đáp: “Có cả thi sĩ ngớ ngẩn nữa đó”.

Tử làm thinh.

Hai hôm sau, ngồi uống trà sớm. Tử hỏi tôi:

- Anh có sợ đỉa chăng?

- Tôi không sợ nhưng rất gớm!

- Tôi thì vừa gớm vừa sợ... Nó mềm mềm lạnh lạnh... Chao ôi! Mới nghĩ đến đã rùng mình! Mà tôi nghe nói: “Đỉa đốt cháy ra tro bỏ vào nước thì thành đỉa con”, có thật vậy không?

Tôi bỗng đùa:

- Đốt ra tro mà còn hóa đỉa con được, huống hồ nấu chín. Vậy món hải sâm mà mình ăn hôm nọ sẽ sanh sản hải sâm con trong ruột mình chứ chẳng chơi.

Tử nói với một giọng thật thà:

- Tôi ngại quá anh ạ. Hôm đó nghe nói đỉa biển tôi đã nghĩ ngay đến đoàn đỉa con. Vì nể chủ nhân quá nên tôi phải ăn một chút. Tôi nhờm quá! Nuốt vừa khỏi cổ, mình tôi rởn ốc! Mãi đến nay, nghĩ đến tôi còn rùng mình và thấy trong ruột nó sao sao...

Tôi bật cười. Tử rằng:

- Anh chớ cười. Nếu quả thật vậy thì... nó cắn rứt trong bụng còn có thể chịu được. Rủi nhiều quá nó chui ra mũi, ra miệng... Chao ôi! Gớm chết!

Tôi tức cười nôn ruột nói:

- Phần đông người Tàu bụng lớn vì chứa nhiều đỉa biển chớ gì?

- Chẳng không có thật vậy sao?

Nhận thấy Tử có vẻ lo ngại thật tình, tôi bèn chỉnh dung:

- Nếu quả đỉa đã bị đốt cháy, nấu chín rồi mà còn sanh sản được thì lâu nay người ta ăn hải sâm đã bị đỉa cắn đứt ruột chết. Như vậy hải sâm còn bán cho ai mà bán đắt giá thế?

Tử như sực tỉnh vui vẻ nói:

- Ừ phải! Thế mà mấy hôm nay bị bầy đỉa con ám ảnh, tôi không nghĩ ra điều đó. Nay hết lo... Mà này anh, sao tôi vẫn thấy nhờm nhờm.

Tử bưng chén nước trà bốc hơi đưa lên mắt xông. Tôi cười:

- Có thấy bầy đỉa con bơi trong đó chăng?

Tử cười:

- Dù sao vẫn thấy nhờm nhờm và nhất thiết không ăn nữa.

Câu chuyện hải sâm từ ấy trở thành một giai thoại trong đám người quen thân.

 

Quách Tấn

- Lần gặp cuối cùng

Trong thời gian Tử soạn Cẩm châu duyên và hai vở kịch thơ thì Tử dọn xuống tại xóm Tấn, ở phía đông và cách thành phố Quy Nhơn chừng vài cây số. Lúc ấy Tử uống thuốc cùng một bà thầy ”có môn thuốc gia truyền rất kinh nghiệm”. Ban đầu bệnh Tử cũng bớt. Nhưng, rồi lại trở lại, và trở lại ngay trong khi “giấc mộng tàn”.

Không còn phương chạy chữa. Tử đành vào Bệnh viện Quy Nhơn. Vào khoảng tháng 8-1940.

Biết mình không còn sống được bao lâu nữa, Tử gác việc văn chương, quay sang nghiền ngẫm ý nghĩa của sự chết. Tử không buồn cũng không sợ. Chàng cho rằng “đó là ngưỡng cửa phải bước qua để đi đến cõi vĩnh viễn”.

Vì vậy tâm hồn Tử trở nên bình tĩnh lạ thường. Ngày ngày Tử đọc kinh cầu nguyện, rồi nằm nhắm mắt lim dim đôi mắt mơ màng quang cảnh cõi u huyền.

Đến tháng 9, sau khi nhà hữu trách tìm thấy quả thực trong máu Tử có sâu, Tử phải vào nằm hẳn bệnh viện Quy Nhơn. Một hôm Quách Tấn được thư Hàn Mặc Tử cho biết sắp vào trại phong (Léproserie) Quy Hòa, bảo Quách Tấn ra Quy Nhơn gặp Tử gấp.

Được thư, Quách Tấn đi liền tàu đêm ra Quy Nhơn.

Sáng chủ nhật, mặt trời chưa mọc, Quách Tấn đã tìm đến bệnh viện Quy Nhơn, tìm đến nhà Tử nằm. Bóng sương còn mờ, nhưng Tử đã ra đứng tựa lan can, hai tay đút vào túi áo. Thấy tôi, Tử mừng rỡ:

- Tôi biết thế nào sáng hôm nay anh cũng có ở đây.

Tử vẫn đứng yên nhìn ra sân.

Quách Tấn lại gần: hình dáng Tử không khác lúc chưa vào nhà thương bao lăm.

Các người bệnh khác, khi bệnh tình đã nặng thì tay chân bị co quắp, mặt mũi gồ ghề. Tử không thế. Bệnh chỉ từ nơi tay chân. Còn mặt mũi chỉ nám một vạt lớn nơi phía tay trái, và tai cùng mũi chỉ ửng đỏ hơi hơi.

Nhìn kỹ Tử, tôi thấy Tử hơi gầy và xanh xao hơn trước, nhưng gương mặt lại có phần trong sáng và bình an. Tuy thế lòng tôi vẫn thấy ngùi ngùi. Tôi hỏi:

- Chừng nào anh đi?

- Còn đợi giấy Sứ vào Quy Hòa, nếu không lành mạnh được, tôi cũng sẽ được yên vui hơn ở đây. Ở Quy Hòa, phong cảnh đã đẹp, lại có các bà phước nhân từ, hồn tôi, thơ tôi sẽ được đi vào Đạo được dễ dàng hơn. Vì vậy nên tôi mong đi sớm được ngày nào tốt ngày nấy, chỉ thương chút má tôi.

Tử nghẹn lời. Để giấu vẻ cảm động, tôi quay mặt nhìn nơi khác. Mặt trời đã mọc, lúc này tôi mới để ý cảnh vật chung quanh.

Chữ “Lararet” to tướng treo ở trước mái hiên đánh mạnh vào mắt tôi. Thì ra nơi Tử nằm là gian nhà riêng biệt giành riêng cho những bệnh truyền nhiễm. Trong phòng Tử chỉ kê vẻn vẹn một chiếc chõng nhỏ không mùng! Các phòng khác đều cửa đóng, giường không có bệnh nhân. Bốn bề quạnh vắng... Một luồng khí lạnh chạy khắp người tôi. Tôi rùng mình. Dường Tử đoán biết nỗi lòng của tôi nên nói:

- Hơn tuần nay tôi nằm bên kia. Họ đưa tôi xuống đây mới hai hôm nay. Tôi xin tạm về nhà để chờ giấy đi Quy Hòa, nhưng bác sĩ không cho.

Buồn thương tràn ngập lòng tôi và hiện ra ngoài mặt, mặc dù tôi cố nén. Tử nói:

- Không nên buồn, buồn vô ích. Phải để tâm trí rảnh rang mà lo việc nghìn thu.

Tôi không biết nói sao! Tôi nhận thấy lời nói lúc bấy giờ chỉ là những sáo ngữ.

Gió bấc thổi. Lá sầu đông lạnh lùng bay!

Tử nhìn tôi, tôi nhìn Tử, không nói năng. Hồi lâu, Tử nói với một giọng buồn buồn:

- Tôi có lời nguyện rằng vào Quy Hòa, nếu Chúa ban phước cho tôi lành mạnh, tôi sẽ đốt tập Thơ điên. Nhưng nghĩ lại thơ đã làm lỡ ra rồi, dù có đốt đi cũng không xé (tr150)  được tội lỗi, nên tôi không còn giữ ý định đó nữa. Tuy vậy, cũng không nên để cho người đời thấy được những bí ẩn của lòng mình. Tôi sợ gia đình tôi không theo được ý muốn của tôi, nên tôi nhờ anh thâu hết các bản thảo của tôi đem vào Nha Trang cất giùm. Tôi vào Quy Hòa, nhờ ơn Chúa tôi mạnh được thì chẳng nói chi, bằng tôi có chết đi, thì tôi giao cho anh toàn quyền sử dụng. Bài nào nên anh cho hành thế, bài nào không, anh đã biết rõ. Tôi nhắn anh ra cốt bấy nhiêu thôi.

Tôi xin nhận lời. Tử tiếp:

- Anh đứng đây lâu không nên. Anh hãy đến thăm má tôi và an ủi bà cụ. Những bản thảo của tôi, tôi đã gọi chú Hiếu gói sẵn sàng. Khi anh về nên mang theo nhé. Thôi anh đi đi.

Tôi không nỡ dứt ra đi. Nhưng Tử cúi đầu chào tôi rồi lẳng lặng đi vào phòng, đóng kín cửa lại. Tôi ngậm ngùi ra về, đi thẳng đến đường Khải Định thăm bà cụ.

Bà cụ thấy tôi, vồn vã hỏi:

- Con ra khi nào?

Tôi thuật lại việc đến thăm Tử. Bà cụ khóc òa. Tôi cầm lòng không được cũng khóc. Một già một trẻ, trong một căn nhà vắng thiu! Đoạn tôi thưa qua về mấy tập thơ của Tử. Bà cụ nói:

- Nó có dặn bác rồi. Chắc con không ở chơi đến lúc em con đi Quy Hòa được. Thôi để rồi bác tin cho con hay.

Nói rồi bà cụ lại khóc. Lòng mẹ thương con! Thảm quá !

Chiều hôm ấy tôi mang các bản thảo của Tử vào Nha Trang.

 

Yến Lan

- Hàn Mặc Tử, hồi ấy...

Tôi gặp Hàn Mặc Tử trong một hoàn cảnh tình cờ. Hồi ấy trong sinh hoạt văn học có cuộc bút chiến giữa nhóm Tự Lực Văn Đoàn và nhà văn Nguyễn Công Hoan, lúc đó đã xuất bản tập truyện ngắn “Kép Tư Bền”. Cuộc bút chiến kết thúc và phần thắng lợi nghiêng về Nguyễn Công Hoan. Đa số tán thành và ủng hộ tác giả Kép Tư Bền. Sau đó để đáp lòng hâm mộ của bạn đọc các địa phương và cũng để làm một cuộc chu du, Nguyễn Công Hoan đi vào miền Trung. Ông đã đến Quy Nhơn. Bạn đọc nô nức đến chào đón và xin chữ ký. Tất nhiên trong đó có Tử. Vì là tác giả, và từng đứng về phía bênh vực, nên Tử sớm thành tri âm tri ngộ của Nguyễn Công Hoan. Không biết Tử dẫn ông đi đến những đâu, chỉ biết là sáng hôm ấy hai người vào viếng Chùa Ông ở Bình Định. Chùa Ông lúc ấy còn có dải tường cao bao quanh cả mặt trước, ngăn cách điện tầm, xa hẳn con đường số 1 chạy ngang. Cửa chính đóng kín, bên trong là cả một thế giới hoa cảnh mát tươi, đi vào phải thông qua cái cửa ngách. Tôi còn nhớ khi cả hai nhà văn vào sân trước, điểm trước tiên là Tử chạy đến cụm hòe hoa đang nở vàng chói, với tay bẻ nột cành đưa cho Nguyễn Công Hoan, và họ cùng tiến lên bậc cấp của cánh cửa hông mở vào chính điện. Tôi ở nhà nghĩa tự và đang làm thơ. Ông cụ thân sinh tôi vốn là từ thừa ở đó, lên hướng dẫn hai người, sau cùng mời hai người vào xơi nước nơi nhà nghĩa tự. Tử thấy tôi cứ ngồi mặc nhiên viết, và dường như có liếc nhìn qua trang giấy, liền rất nhã nhặn lại ngồi bên:

- Xin quấy rầy đôi chút nhé, cậu em. À, mà cậu em đang làm thơ à?

Tôi bẽn lẽn, nhưng không mất vẻ tự hào:

- Vâng, tôi đang tập tành.

- Cậu có bài đăng báo chưa?

- Có một số bài trong tập Bến My Lăng.

Bỗng nhiên Tử lộ vẻ hân hoan:

- Thế thì tôi biết cậu là Xuân Khai, là Yến Lan.

Rồi Tử vỗ vai tôi, nói tiếp luôn:

- Tôi là Phong Trần, là Lệ Thanh.

- Thế là rất hân hạnh được biết. Tôi đọc anh đã lâu ở báo Lời thăm xuất bản ở Lòng Sông, và những bài thơ anh xướng họa cùng cụ Phan Sào Nam từ năm xửa năm xưa.

Tử quay sang giới thiệu tôi với nhà văn Nguyễn Công Hoan. Thế là câu chuyện xoay vào cuộc bút chiến vừa qua, vào tin tức văn học, tin tức sách báo ở Hà Nội, ở Sài Gòn. Khi từ biệt, Tử không quên dặn tôi khi nào đi Quy Nhơn thì ghé lại nhà chơi, và anh để lại mảnh giấy ghi địa chỉ.

Đó là một trạng người nhã nhặn và lịch thiệp. Tôi không ngờ cái bộ ngoài của con người ăn vận sang trọng, chỉnh tề: com-lê tussor-D.liguon Phú Phong, mũ panama màu trắng lụa với ca-vat thắt ngang cổ áo như một ông “má chín”, lại là một nhà thơ viết ra Gái quê với cả một tấm “tình quê” bâng khuâng nồng đượm cũng bốc lên màu rạ vàng, sắc mạ xanh tươi.

Từ đó, cứ mỗi bận có dịp đi Quy Nhơn thì tôi kết hợp đến thăm anh. Có khi kèm với Chế Lan Viên, có khi đi một mình, nhất là giai đoạn anh lâm bệnh. Anh thường tiếp chúng tôi ở số nhà 20 Khải Định. Tôi còn nhớ đấy là ngôi nhà xây để ở chứ không phải theo quy cách nhà có thể mở ra làm cửa hàng buôn bán. Nó dựng trên một khoảng đất chéo nên hàng ba bước vào phòng chính không quay mặt ra đường. Có cổng và tường ngăn. Phòng khách bày biện ít đồ đạc. Cái tôi nhớ nhất là cái đồng hồ treo với tiếng gõ kỳ cạch suốt năm tháng của nó, giữa cơn anh đau ốm, như người lễ sinh đứng đó không xướng lên lễ thức mà chỉ đếm thời gian, từng giọt từng giọt, nhắc với Tử, bằng cách gây nên những xáo trộn tâm tư, có khi thầm thì báo hiệu cái cô đơn đang vây phủ xung quanh anh. Cái thứ hai là bộ ghế bành lùn, rộng và khoẻ bằng ruột mây đan. Mỗi lần chúng tôi đến, ở phòng trong ra, anh đến bắt tay từng người. Đó là lúc bệnh anh mới sơ phát, còn ở dạng nghi ngờ. Về sau thì anh chỉ chắp hai tay chào và khẽ khàng ngồi xuống chiếc ghế kê sát nách cửa vào phòng. Lòng ghế lót bằng một tấm vải cũ gấp lại.

Anh đọc thơ cho chúng tôi nghe, không giải thích, rồi anh ngâm. Nếu ai đã có lần nghe anh ngâm thơ thì mới cảm thấy hết cái cảm giác kỳ lạ lần đầu bắt gặp: nôn nao, nôn nao... và cộng với lời thơ, gây nên một không khí mông lung. Chúng tôi như bị dồn vào một thế giới nào, có suối, có đồi, có bóng dáng những cuộc hành hương, và nhạc điệu cung văn, đồng bóng. Trông anh như cành liễu mùa đông đang bị cơn gió lạnh tuôn về day trở. Giọng nói của anh thì ngọt và mát như dòng sông Nhật Lệ quê anh từ thuở ấu thơ: nó đã được tiếng khen là nuôi dài tất cả những mái tóc để tăng thêm vẻ yêu kiều của lớp người sống Lũy Thầy, Trường Dục nhưng trong giọng ngâm, anh đã biến thành những chuỗi dài đau khổ, cao thấp chen nhau như từng tia lửa bùng lên, như mảnh lụa tươi vàng bị xé vụn. Anh đã lấy xác thịt minh họa cho lời thơ. Có khi chúng tôi chảy nước mắt. Còn anh, anh đã thành một người say. Các lần ngâm thơ của anh đều diễn ra như thế vì những bài thơ ấy đều là những bài xót xa nhất. Đặc biệt là hôm anh ngâm bài Thánh nữ đồng trinh Maria. Xáo trộn trong đau thương, còn có nỗi trìu mến hân hoan kỳ lạ. Chúng tôi có cảm giác như anh bay lên với đôi cánh sải rộng ra, khi vút lần vào mây, khi là là sông bể. Có lúc tưởng như anh ngồi trên lưng con tuấn mã phi nhanh trở về sau một chiến công, thỉnh thoảng dừng lại ngước nhìn suối thẳm, khe sâu rồi mới vượt qua.

Số là, theo anh kể lại, bận ấy người bạn thân thiết nhất là Quách Tấn ở Nha Trang ra, giới thiệu với gia đình, ông cậu của Tấn vốn là một võ sư lừng danh tên là Đoàn Phong. Ông này có môn thuốc gia truyền chữa lành nhiều người mắc bệnh hủi, và Tử đã được tiếp cận, được cho đơn. Thang đầu hiệu quả chưa rõ rệt, đến thang thứ hai thì có biến chuyển bất ngờ. Tử ăn, ngủ thấy ngon, tâm tư thư thái, hết ngứa ngáy, tê buốt. Anh vui mừng quá, gọi mẹ, gọi chị, em, nói cười rối rít và anh bảo rằng: Đó là do có Đức mẹ Đồng Trinh, đã xui khiến anh được như vậy. Bận ấy anh tưởng anh thoát nạn:

Lạy Bà là Đấng trinh tuyền thánh vẹn

Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi

Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy

Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế...

Tôi không sắp xếp một cách có hệ thống theo khoa học những trật tự thời gian và địa điểm các cuộc lui tới thăm viếng giữa chúng tôi với Tử. Đó là những cái dễ quên thường tình qua quãng cách quá dài của năm tháng, nhưng cái không thể quên, không có cái gì khác làm cho quên được là cuộc thăm viếng sau cùng với Tử: Đó là cuộc vĩnh biệt nghìn thu, mặc dù anh còn sống với một thời gian nữa.

Một ngày se se lạnh vào cuối tiết tháng chạp. Tôi và Chế Lan Viên đến số nhà 20 Khải Định như thường lệ. Bà cụ thân sinh anh đón ở bực cấp hàng ba ngôi nhà. Cụ vừa mếu máo vừa bảo: Tử đã được giấu ở nơi khác. Chính quyền thành phố ra lệnh bắt đưa Tử vào Quy Hòa. Xin lưu lại vài ba ngày cũng không được. Bà cụ đã gọi một em bé, theo yêu cầu của chúng tôi, dẫn đường đến đó. Hồi ấy Quy Nhơn chưa mở rộng như bây giờ. Lớp người thuộc thành phần lao động, buôn thúng bán bưng và số ít công chức nghèo, nối tiếp nhau chen chúc vào trong khu động cát phía tây thành phố dựng nên nhà cửa sơ sài, tạo thành xóm dân cư đông đúc. Nhiều nhà không có nền, người đi lội trong cát. Những mái lều xoan, tre xiêu vẹo được phủ lên những tấm mái bằng tranh rạ, thỉnh thoảng mới có nhà lợp tôn hoặc ngói vẩy. Lối đi vào do thế đứng không trật tự của lều chái, thành ra chỗ phềnh, chỗ eo và quanh co hun hút. Tử ở trong một lều tranh thuộc vào loại tồi tệ nhứt, nhì ở đây. Tiếp chúng tôi, anh ngồi ở bên trái cái bàn, nơi có lối thông ra phía sau, một ngăn ô nho nhỏ kê chiếc giường chõng. Bàn là một tấm ghép hai lá gỗ thùng đặt lên một chân bàn cũ, chân kia là khúc củi còn nguyên nhánh nhóc róc xơ. Hai chân kia dựa vào hai cây trảy chống thẳng lên mái nhà cột. Đây là nhà của một bác phu xe kéo tay (hay là lao công bốc vác gì đó) hôm ấy chủ nhà đi vắng. Một nỗi quạnh hiu đè nặng lên lòng. Tử có vẻ mệt nhọc, tư lự, nói ít và mỗi câu nói có vẻ trăn trở của sự cố gắng bình thản. Chúng tôi biết là anh tránh cho chúng tôi những lo phiền cho sức khỏe. Nhìn anh lại cứ nhớ mãi đến câu thơ trong bài Lưu luyến:

Anh đứng cách xa hàng thế giới

Lặng nhìn trong mộng miệng em cười

Em cười anh cũng cười theo nữa

Để nhắn hồn em đã tới nơi...

Những phút im lặng nhìn nhau nhiều hơn trò chuyện. Cho đến giờ tan tầm, khu động trở nên ồn ào tấp nập. Em Hành đã về nhà và xách cái cà-mèn từ lúc nào chúng tôi không hay, vì lúc ấy tôi và Chế Lan Viên ngồi trên khúc tre cán ngang hai chân cột làm ngạch cửa, day lưng ra phía ngoài. Và Tử ra dấu có ý bảo là đã trưa và trời nắng gắt. Hai chúng tôi đứng dậy. Mỗi người đến cầm một bàn tay anh, không dám siết chặt vì sợ anh đau thêm cả phần xác. Sau này lục ra trong đống di cảo, thấy có bài thơ Những giọt lệ, không rõ anh viết trong cảm xúc nào, nhưng tất cả những điều anh viết trong ấy chẳng khác gì những tình huống trong cuộc chia tay lần ấy với chúng tôi.

Giờ đây, tại nơi anh đã vặn thắt tâm hồn ra máu để viết nên những bài thơ rung động đến tận cùng sâu thẳm lòng người, tôi tưởng niệm anh, tưởng niệm một Hồn thơ. Sở dĩ tôi nhấn mạnh chữ “hồn” vì thơ của Hàn Mặc tử có cái thế mạnh nhất để tồn tại là cái hồn của nó.

(Còn nữa)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hoàng Diệp  (05/04/2005)
3. Những bóng dáng khuynh thi (Kỳ 3)  (05/04/2005)
3. Những bóng dáng khuynh thi (Kỳ 2)  (31/03/2005)
3. Những bóng dáng khuynh thi  (27/03/2005)
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 4)  (25/03/2005)
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 3)  (22/03/2005)
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 2)  (20/03/2005)
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 1)  (17/03/2005)
1. Những người thân yêu  (15/03/2005)
I - Đời riêng (kỳ 3)   (13/03/2005)
I- Đời riêng (kỳ 2)   (10/03/2005)
I- Đời riêng   (07/03/2005)
Trần Thị Huyền Trang sưu tầm và biên soạn   (07/03/2005)