Nhờ một nguồn cảm thụ lực
Nhờ một nguồn cảm thụ lực phát triển đến cực điểm, Hàn Mặc Tử là nhà thơ Việt Nam đầu tiên biết nghe ngóng những lời âm thầm của tạo vật. Như nhà đại văn hào Nga Ivan Tourgueniew, Hàn Mặc Tử có một thính giác đặc biệt để nghe được cả hơi thở của một cành lá, hay tiếng va chạm nhau của hai đường tơ ánh sáng:
Đang khi mầu nhiệm phủ ban đêm
Có thứ gì rơi giữa khoảng im,
Rơi tự thượng tầng không khí xuống,
Tiếng vang nhè nhẹ dội vào tim.
(...) Hàn Mặc Tử là người đầu tiên trong thế kỷ XX mở được một cuộc cải cách lớn cho văn chương Việt Nam và thành công một cách vinh quang rực rỡ.
Còn như muốn tổng hợp lại mà phê bình Hàn, thiên tài, thân thế và thi nghiệp Hàn, thì tôi thấy không còn chi đúng hơn là mượn câu của Walt Witman, nhà thi sĩ Mỹ, khi tác giả tập Lá cỏ (Feuilles d herbe) phê bình Edgar Poe:
“Có một lần, trong giấc chiêm bao tôi thấy một chiếc tàu đi giữa biển, lúc nửa đêm, trong cơn bão. Đó không phải là một chiến hạm lớn hay một chiếc thương thuyền nào oai nghiêm, cương quyết lướt phong ba, mà nó lại giống một chiếc ghe mành như tôi đã từng thấy thả neo đưa nhẹ theo làn nước quanh thành Nữu Ước hay trong eo biển Long-ích-lăng, mà bây giờ thì nó vượt vùn vụt, không kể đường tối, buồm tan cột gãy, giữa dông tố dữ dội và gió, và sóng ban đêm. Trên cầu tàu, một hình dáng mảnh khảnh, cao cao, xinh đẹp, hình dáng của một kẻ trầm sầu, hắn hình như đang tìm sự vui sướng trong cơn kinh khủng, trong bóng tối và trong sự tàn phá mà chính hắn là cả vừa trung tâm điểm, cả vừa người bị đưa ra làm mồi. Con người trong giấc chiêm bao ma quái ấy, có thể biểu hiện cho Edgar Poe, cho thiên tài ông, thân thế ông, và thi phẩm ông, những thứ ấy, toàn thị là những giấc chiêm bao ma quái nữa”.
(Trích trong tập Hàn Mặc Tử, thân thế và thi văn)
Hoài Thanh-Hoài Chân
Hàn Mặc Tử
Tôi đã nghe người ta mạt sát Hàn Mặc Tử nhiều lắm. Có người bảo: “Hàn Mặc Tử? Thơ với thẩn gì! Toàn nói nhảm”. Có người còn nghiêm khắc hơn nữa: “Thơ gì mà rắc rối thế! Mình tưởng có ý nghĩa khuất khúc, cứ đọc đi đọc lại hoài, thì ra nó lừa mình!”. Xuân Diệu có lẽ cũng nghĩ đến Hàn Mặc Tử trong khi viết đoạn này: “Hãy so sánh thái độ can đảm kia (thái độ những nhà chân thi sĩ) với những cách đột nhiên mà khóc, đột nhiên mà cười, chân vừa nhảy, miệng vừa kêu: Tôi điên đây! Tôi điên đây!- Điên cũng không dễ làm như người ta tưởng đâu. Nếu không biết điên, tốt hơn là cứ tỉnh táo như thường và yên lặng mà sống”. (1)
Nhưng tôi cũng đã nghe những người ca tụng Hàn Mặc Tử. Trong ý họ thi ca Việt Nam chỉ có Hàn Mặc Tử. Bao nhiêu thơ Hàn Mặc Tử làm ra họ đều chép lại và thuộc hết. Mà thuộc hết thơ Hàn Mặc Tử đâu có phải chuyện dễ. Đã khúc mắc mà lại nhiều: tất cả đến sáu bảy tập. Họ thuộc hết và chọn những lúc đêm khuya thanh vắng họ sẽ cao giọng ngâm, ngâm một mình. Bài thơ đã biến thành bài kinh và người thơ đã trở nên một vì giáo chủ. Chế Lan Viên nói quả quyết: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử”. (2)
Ngót một tháng trời tôi đã đọc thơ Hàn Mặc Tử (3). Tôi đã theo Hàn Mặc Tử từ lối thơ Đường đến vở kịch bằng thơ Quần tiên hội. Và tôi đã mệt lả. Chính như lời Hàn Mặc Tử nói trong bài tựa Thơ điên, vườn thơ của người rộng rinh không bờ bến, càng đi xa càng ớn lạnh.
Bây giờ đã ra khỏi cái thế giới kỳ dị ấy và đã trở về với cuộc đời tầm thường mà ý nhị, tôi thử xếp đặt lại những cảm tưởng hỗn độn của tôi.
Thơ Đường luật-Theo ông Quách Tấn(4) Phan Sào Nam hồi trước xem thơ Đường luật Hàn Mặc Tử có viết trên báo đại khái nói: “Từ về nước đến nay, tôi được xem thơ quốc âm cũng khá nhiều, song chưa gặp bài thơ nào hay đến thế…Oi hồng nam nhạn bắc, ước sao có ngày gặp gỡ để bắt tay nhau cười lên một tiếng lớn ấy là thoả hồn thơ đó”. Thơ Đường luật Hàn Mặc Tử làm ra nhiều nhưng bị thất lạc gần hết, tôi không được xem mấy bài. Song trong những bài tôi được xem cũng đã gặp ít câu hay, chẳng hạn như:
Nằm gắng đã không thành mộng được,
Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi.
Dầu sao tôi vẫn nghĩ cái khuôn khổ bó buộc của luật Đường có lẽ không tiện cho sự nảy nở một nguồn thơ dào dạt và lạ lùng như nguồn thơ Hàn Mặc Tử.
Gái quê-Nhiều bài có thể là của ai cũng được. Còn thì tả tình quê trong cảnh quê. Lời thơ dễ dàng, tứ thơ bình dị. Nhưng tình ở đây không có cái vẻ mơ màng thanh sạch như mối tình ta vẫn quen đặt vào khung cảnh những vườn tre những đồi thông. Ấy là một thứ tình nồng nàn, lơi lả, rạo rực, đầy hình ảnh khêu gợi. Ông Phạm Văn Ký đề tựa tập thơ ấy là phải lắm: Gái quê và Une voix sur la voie đều bắt nguồn trong tình dục.
Thơ điên-Thơ điên gồm có ba tập:
(1) Hương thơm.
(2) Mật đắng.
(3) Máu cuồng và hồn điên.
Hương thơm-Ta bắt đầu bước vào một nơi ánh trăng, ánh nắng, tình
Yêu và cả người yêu đều như muốn biến ra thành hương khói. Một trời tình ái mới dựng lên đâu đây. Tuy có đôi vần đẹp, cảm giác chung nhạt tẻ thế nào.
Mật đắng-Ta vẫn đi trong mờ mờ. Nhưng thỉnh thoảng một luồng sáng chói cả mắt. Nguồn sáng lạ toả ra từ một linh hồn vô cùng khổ não. Ta bắt gặp dấu tích còn hoi hóp của một tình duyên vừa chết yểu. Thất vọng trong tình yêu, chuyện ấy trong thơ ta không thiếu gì; nhưng thường là một thứ buồn dầu có thấm thía vẫn dìu dịu. Chỉ trong thơ Hàn Mặc Tử mới thấy một nỗi đau thương mãnh liệt. Lời thơ như dính máu.
Máu cuồng và hồn điên-Đến đây ta đã hoàn toàn ra khỏi cái thế giới thực và cả thế giới mộng của ta. Xa lắm rồi. Ta thấy những gì chung quanh ta? Trăng, toàn trăng, một ánh trăng gắt gao, ghê tởm, linh động như một người hay đúng hơn như một yêu tinh. Trăng ở đây cũng ghen, cũng giận, cũng cay nghiệt, cũng trơ tráo và cũng nao nức dục tình. Hàn Mặc Tử đi trong trăng, há miệng cho máu tung ra làm biển cả, cho hồn văng ra, và rú lên những tiếng ghê người…Ta rùng mình, ngơ ngác, ta đã lục lọi khắp trong đáy lòng ta, ta không thấy có tí gì giống cái cảnh trước mắt. Trời đất này thực của riêng Hàn Mặc Tử ta không hiểu được và chắc cũng không bao giờ ai hiểu được. Nghĩ thế ta bỗng thương con người cô độc. Đã cô độc ở kiếp này và e còn cô độc đến muôn kiếp. Hàn Mặc Tử chắc cũng biết thế nên lúc sinh thời người đã nguyền với Chúa sẽ không bao giờ cho xuất bản Thơ điên. Một tác phẩm như thế, ta không thể nói hay hay dở, nó đã ra ngoài vòng nhân gian, nhân gian không có quyền phê phán. Ta chỉ biết trong văn thơ cổ kim không có gì kinh dị hơn. Ta chỉ biết ta đang đứng trước một người sượng sần vì bệnh hoạn, điên cuồng vì quá đau khổ trong tình yêu. Cuộc tình duyên ra đời với tập Hương thơm, hấp hối với tập Mật đắng, đến đây thì đã chết thiệt rồi, nhưng khí lạnh còn toả lên nghi ngút.
Một nhà chuyên môn nghiên cứu những trạng thái kỳ dị của tâm linh người ta xem tập Máu cuồng và Hồn điên có lẽ sẽ lượm được nhiều tài liệu hơn một nhà phê bình văn nghệ. Tuy thế, đây đó ta gặp những câu rất hay.
Khi tả cảnh đồi núi một đêm trăng có câu:
Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ
Đầy mình lốm đốm những hào quang.
Lên chơi trăng có câu:
Ta bay lên! Ta bay lên!
Gió tiễn đưa ta tới nguyệt thiềm
Ta ở cõi cao nhìn trở xuống
Lâng lâng mây khói quyện trăng đêm.
Đọc những câu ấy có cái thú vị ở xứ lạ gặp người quen, vì đó là những cảm giác ta có thể có. Lại có khi những cảm giác ở ta rất thường mà trong trí Hàn Mặc Tử rất dễ sợ. Một đám mây in hình dưới dòng nước thành ra:
Mây chết đuối ở dòng sông vắng lặng.
Trôi thây về xa tận cõi vô biên.
Cái ý muốn mượn lời thơ để tả tâm sự mình cũng trở nên điên cuồng và đau đớn dị thường:
Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút,
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta.
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt,
Như mê man chết điếng cả làn da.
Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết,
Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh;
Đừng nắm lại nguồn thơ ta đương siết,
Cả lòng ta trong mớ chữ rung rinh.
Tôi chỉ trích ra vài đoạn có thể thích được. Còn bao nhiêu đoạn nữa tuy ta không thích vì nó không có gì hợp với lòng ta, nhưng ta cũng biết rằng với Hàn Mặc Tử hẳn là những câu tuyệt diệu. Nó đã tả đúng tâm trạng của tác giả. Lời thơ có vẻ thành thực, thiết tha lắm.
Xuân như ý-Mùa xuân Hàn Mặc Tử nói đây có khi ở đâu hồi trời đất mới dựng lên, có khi ra đời một lần với Chúa Jésus, có khi hình như chỉ là mùa xuân đầu năm. Nhưng dầu sao cũng không phải là một mùa xuân thường với những màu sắc, những hình dáng ta vẫn quen biết. Đây là một mùa xuân trong tưởng tượng, một mùa xuân theo ý muốn của thi nhân, đầy rẫy những lời kinh cầu nguyện, những hương đức hạnh, hoa phẩm tiết, nhạc thiêng liêng, cùng ánh trăng, ánh thơ. Nhất là ánh thơ. Với Hàn Mặc Tử thơ có một sự quan hệ phi thường. Thơ chẳng những để ca tụng Thượng đế mà cũng để nối người ta với Thượng đế, để ban phước cho cả và thiên hạ. Cho nên mỗi lần thi sĩ há miệng-sao lại há miệng?-cho thơ trào ra, là chín từng mây náo động, muôn vì tinh tú xôn xao. Người ta sẽ thấy:
Đường thơ bay sáng láng như sao sa
Trên lụa trắng mười hai hàng chữ ngọc
Thêu như thêu rồng phượng kết tinh hoa.
Hình như trong các thi phẩm xưa nay có tính cách tôn giáo không có gì giống vậy. Hàn Mặc Tử đã dựng riêng một ngôi đền để thờ Chúa. Thiếu lòng tin, tôi chỉ là một du khách bỡ ngỡ không thể cùng quỳ lạy với thi nhân. Nhưng lòng tôi có dửng dưng, trí tôi làm sao không ngợp vì cái vẻ huy hoàng sang trọng, lung linh, huyền ảo của lâu đài kia? Có những câu thơ đẹp một cách lạ lùng, đọc lên như rưới vào hồn một nguồn sáng láng. Xuân như ý rõ ràng là tập thơ hay nhất của Hàn Mặc Tử.
Với Hàn Mặc Tử Chúa gần lắm. Người đã tìm lại những rung cảm mạnh mẽ của các tín đồ đời Thượng cổ. Ta thấy phảng phất cái không khí Athalie. Cho nên mặc dầu thỉnh thoảng còn sót lại một hai dấu tích Phật giáo, chắc những người đồng đạo chẳng vì thế mà làm khó dễ chi với các di thảo của thi nhân.
Huống chi thơ Hàn Mặc Tử ra đời, điều ấy chứng rằng đạo Thiên chúa ở xứ này đã tạo ra một cái không khí có thể kết tinh lại thành thơ. Tôi tin rằng chỉ những tình cảm có thể diễn ra thơ mới thiệt là những tình cảm đã thấm tận đáy hồn đoàn thể.
Thượng thanh khí-Một vài bài đặc sắc ghi lại những tình cảm đã thấy trong chiêm bao, ở đâu giữa các vì tinh tú trên kia. Đại khái không khác cảnh Xuân như ý, chỉ thiếu tính cách tôn giáo. Huyền bí nhưng không thiêng liêng.
Cẩm châu duyên-Một hai năm trước khi mất, sự tình cờ đưa đến trong đời Hàn Mặc Tử hình ảnh một giai nhân có cái tên khả ái: Thương Thương. Nàng Thương Thương có lẽ chỉ yêu thơ Hàn Mặc Tử và Hàn Mặc Tử hình như cũng không biết gì hơn hai chữ Thương Thương. Nhưng như thế cũng đủ để thi nhân đưa nàng vào “tháp thơ”. Nàng sẽ luôn luôn đi về trong những giấc mơ của người. Có khi người mơ thấy mình là Tư mã Tương Như đương nghe lời Trác Văn Quân năn nỉ:
Đã mê rồi: Tư mã chàng ôi!
Người thiếp lao đao sượng cả người.
Ôi! Ôi! Hãm bớt cung cầm lại,
Lòng say đôi má cũng say thôi.
Song những phút mơ khoái lạc ấy có được là bao. Tỉnh dậy, người thấy:
Sao trìu mến thân yêu đâu vắng cả?
Trơ vơ buồn và không biết kêu ai!
Bức thư kia sao chẳng viết cho dài,
Cho khăng khít nồng nàn thêm chút nữa.
Ta tưởng nghe như lời than của Huy Cận.
Nhưng rồi cuộc đời đau thương đã đến lúc tàn, và nguồn thơ kia cũng đã đến lúc cạn. Hàn Mặc Tử chốc chốc lại ra ngoài biên giới thơ, lạc vào thế giới đồng bóng.
Duyên kỳ ngộ và Quần tiên hội-Mối tình đối với nàng Thương Thương còn khiến Hàn Mặc Tử viết ra hai vở kịch bằng thơ này nữa. Quần tiên hội viết chưa xong và không có gì. Duyên kỳ ngộ hay hơn nhiều. Đây là một giấc mơ tình ái, ngắn ngủi, nhưng xinh tươi, đặt vào một khung cảnh tuyệt diệu. Thi nhân dẫn ta đến một chốn nước non thanh sạch chưa từng in dấu chân người. Ở đó tiếng chim hót, tiếng suối reo, tiếng tiêu ngân đều biến thành những lời thơ tình tứ. Ở đó Hàn Mặc Tử sẽ gặp nàng Thương Thương mà người không mong được gặp ở kiếp này. Nàng sẽ nói với người những lời nồng nàn âu yếm khiến chim nước đều say sưa. Nhưng rồi người sẽ cùng tiếng tiêu cùng đi như vụt nhớ đến cái nghiệp nặng nề đang chờ người nơi trần thế. Và giữa lúc nàng gục đầu khóc, cảnh tiên lại rộn rã tiếng suối ca.
Trong thi phẩm Hàn Mặc Tử có lẽ tập này là trong trẻo hơn cả. Còn từ thơ Đường luật với những câu:
Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối;
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn.
Cho đến Gái quê, Thơ điên, Xuân như ý và các tập khác, lời thơ thường vẩn đục.
Tôi đã nói hết cảm tưởng của tôi trong lúc đọc thơ Hàn Mặc Tử. Không có bao giờ tôi thấy cái việc phê bình thơ tàn ác như lúc này. Tôi nghĩ đến người đã sống trong một túp lều tranh phảI lấy bì thư và giấy nhật trình che mái nhà cho đỡ dột. Mỗi bữa cơm đưa đến người không sao nuốt được vì ăn khổ quá. Cảnh cơ hàn ấy và chứng bệnh kinh khủng đã bắt người chịu bao nhiêu phũ phàng, bao nhiêu ruồng rẫy. Sau cùng người bị vứt ra ngoài cuộc đời, bị giữ riêng một nơi, xa hết thảy mọi người thân thích. Tôi nghĩ đến bao nhiêu năm người bó tay nhìn thể phách lẫn linh hồn cùng tan rã…
Một người đau khổ nhường ấy, lúc sống ta hờ hững bỏ quên, bây giờ mất rồi ta xúm lại kẻ chê người khen . Chê hay khen tôi đều thấy có cái gì bất nhẫn.
Mai 1941.
Trích cuốn Thi nhân Việt Nam 1932-1941, Huế,1942.
(1) “Thơ của người” (Ngày nay ra ngày 7-8-1938)
(2) Người mới số 5 ra ngày 23-11-1940
(3) Do ông Trần Thanh Địch cho mượn.
(4) Người mới số ra ngày 30-11-1940.
|