Đạo và đời trong thơ Hàn Mặc Tử
Xin nói đến cái chất đời trong thơ Tử. Đời thì có niềm vui, nỗi khổ. Đời cũng không phải là cái chung của đa số, tập thể, đời còn là cái riêng, cái cá thể. Cái số phận của mỗi con người. Nếu không có lý do tồn tại thì làm sao gần nửa thế kỷ nay thơ Tử vẫn được truyền giữ cho giờ đây nhờ đổi mới tư duy lại được tung ra, có hàng vạn người vồ vập đón đọc. Đọc người lại gẫm đến ta, đã đành. Nhưng đọc người để cảm xúc về đời mới là điều đáng quý trọng. Nếu hạnh phúc, tai vạ không nhằm vào đời ta mà giáng xuống; thì hãy nhìn vào hạnh phục, tai vạ của người khác mà cùng sung sướng hay cùng đau khổ. Đấy là cây tương quan của cuộc đời. Đấy là sự sống, lẽ làm người. Huống chi ở thời đại nào, chế độ nào mà không có bi kịch.
Cảm ơn các bạn, những ai đang đau đớn với Hàn Mặc Tử.
Tử thường viết trong thơ, trong truyện: tự xưng mình là kẻ điên dại:
Thưa tôi không dám say mê
Một mai tôi chết bên khe ngọc tuyền
Bây giờ tôi dại tôi điên
Chắp tay tôi lạy cả miền không gian…
Đấy là lời nói của một người tỉnh táo, một người không phải cứ có mỗi khó khăn nào xảy đến thì đã vội cuống cuồng lên. Một người dù có buồn, có giận cũng là “Tôi hoảng hồn lên giận sững sờ”.
Trong thơ Tử, không thấy có tư tưởng đập phá xung quanh. Không nghe đến oán than con người. Anh chỉ la lên như thế để cho hả hê, thoáng dạ. Kẻ thù của anh là bệnh tật, đau thương, không phải là con người cụ thể, nó là cán cân số mệnh đặt ở đâu đó trong không gian mỗi lúc cứ nghiêng dồn trọng lượng về anh.
… Tôi dọa không gian, rủa tới cùng
… Tôi siết thời gian trong nắm tay
… Tôi vo tiếc mến như vo lụa
Anh luôn muốn:
… Ghì lấy đám mây bay…
… Đi bắt nắng ngừng, nắng reo, nắng cháy
… Rình nghe tình bâng khuâng trong gió lảng
Nếu thế gian này la do Chúa tạo lập ra, thì đau thương cũng là sản phẩm của Chúa. Cho nên cái gì của Chúa lập ra anh đâu dám đập phá, và cũng chính đau thương là điều Chúa đặt ra để thử thách con người. Những động tác, những ý tưởng được thể hiện trong mấy câu thơ trích ở trên cuối cùng dẫn đến sự chấp nhận và chịu đựng. Bởi vì, anh cũng có cái phép lạ của anh là:
Anh đã thoát hồn anh ra ngoài xác thịt
Một điểm nữa cũng cần chú ý là không thấy anh nói lên sự trào vọt chứa chan của dòng nước mắt. Chỉ có nỗi thổn thức và đó là phần lớn của thơ anh.
Hai chúng tôi lặng yên trong thổn thức
Cùng ngửa nghiêng lặn lội giữa muôn hình
Để gào thét một hơi cho rởn óc
Cả thiên đường, trần gian và địa ngục
Tất cả những dãy dụa mơ ước, những bàng hoàng đó đều do một nhu cầu cấp bách: Giải phóng, giải phóng ra ngoài quạnh hiu, cô độc. Cho nên anh đã nghỉ đến cái chết rất bình tĩnh. Bình tĩnh, sốt sắng như anh dọn mình, chờ đợi:
Anh rõ trước sẽ có ngày cách biệt
Ngó tuy gần nhưng vẫn thiệt xa khơi
Thế là anh còn đón biết cuộc đau thương về thể xác này, còn dẫn đến đau thương về tâm hồn, kéo dài qua năm tháng, kéo dài trầm trọng. Chính vì vậy mà tập thơ của anh trước được mang tên là Đau thương sau đổi lại là Thơ điên. Ở anh Đau thương với Điên đều chung một nghĩa. Cái điên của anh đâu phải điên mất trí. Anh nhớ rõ mồn một từng kỷ niệm, từng vẫy động để khơi ra mừng vui hay đau khổ.
Bị bệnh tật hành hạ đau quá thì anh tìm đến tình yêu. Tình yêu trắc trở, anh dựa vào tình yêu bè bạn. Cô đơn, tù túng quá thì anh dựa vào cái mà thiên nhiên đã cho anh nhiều nhất, dễ dàng tiếp cận nhất, là trăng. Có lẽ trăng đóng vai trò chủ thể trong hơi thơ và tứ thơ của Tử. Trăng làm thức dậy trong anh cái mơ màng của tâm hồn thanh thoát, nhưng cũng khảy dậy trong anh cái ngứa ngáy xót xa của bệnh đau (có người bảo trăng mọc lên thì sâu hủi hoạt động mạnh).
Có một nguồn thơ đặc biệt dự phần đáng kể trong thi ca của Hàn Mặc Tử là thơ về Đạo. Anh một con chiên ngoan đạo tên thánh là PranÇois Trí. Cũng anh Nguyễn Văn Xê, đã nhận thấy trong những ngày ở chung phòng bệnh với Tử:
- “Còn nói đến cử chỉ, hành động bộc lộ ra ngoài mà tôi và mọi ngưòi thấy rõ ràng, nhất là Trí, trong những ngày giờ biết mình sắp chết, thì rất sốt sắng lo về phần hồn của tôn giáo. Trí rất thích nói về Đức mẹ Maria đầy ơn phước”.
Hàn Mặc Tử đang dọn mình để lên đường về với Chúa. Đó là công việc sắp xếp hành trang trong tâm hồn của một người bình thường ngoan đạo. Giai đoạn thơ anh đã nghiêng chảy và như anh đã viết trong bài Đêm xuân cầu nguyện, anh đang tranh thủ thời gian nhìn lại, phán xét, tự giác hơn ai hết:
Xin tha thứ những câu thơ tội lỗi
Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng.
Tức là đã thấy trong thơ anh chất đời (đau yếu, bệnh tật) đã lấn át chất đạo (thanh khiết, thiêng liêng). Anh đã có ý nghĩ muốn thủ tiêu bằng đốt tan ra khói tập thơ Điên, nếu một ngày nào đó Chúa cho được lành bệnh.
Verlaine có cả một tập thơ Sagesse - Liturgie intime Francis Jammes viết ra những trường ca dài Les Géorgiques chrétinnes, Fioul des Cantiques de Lourdes và L’Alouette, cái đỉnh cao nghệ thuật của tác giả và của cả văn học cận đại Pháp. Và với bao nhà thơ khác đều tìm vào, khai thác đề tài công giáo, bên cạnh mọi đề tài. Vậy mà đâu có phải họ là các nhà thơ của Đạo.
Thơ về Chúa, về Đức mẹ đồng trinh của Hàn Mặc Tử nếu không có những yếu tố khác nữa, cũng khó mà thâm nhập vào tâm hồn người đọc có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng. Cho nên, theo tôi, khi nói đến Hàn Mặc Tử tôi không lướt qua việc giới thiệu, anh là một người ngoan đạo làm thơ, nhưng đồng thời cũng làm thấy rõ cái chất Đời trong thơ anh vừa riêng biệt tưởng không hình dung ra nổi, lại vừa rất thực rất chung, có thể sờ mó lên được. (Đêm xuân cầu nguyện)
Mà thôi, Đạo với Đời trong thơ anh vẫn là những mặt nhỏ trên một viên kim cương, mặt này ánh xanh, mặt kia ánh vàng, mặt khác lại ánh lên đỏ, tím đều làm cho viên kim cương có sức ngời chói lóng lánh.
Hàn Mặc Tử là một con người thanh xuân, bị cách ly ra ngoài hoạt động của gia đình và xã hội. Một con người tuyệt vọng trong tình yêu. Một con người bị chứng bệnh nan y, sống khắc khoải đợi chờ cái chết. Một con người cùng cực đau thương từ thể xác đến tâm hồn, thở bậc ra cân não, nơi hộc ra máu, trào và làm thơ, làm ra những bài thơ tân kỳ ít có trong lịch sử văn học, ở chỗ những bài thơ ấy lay động lòng người. Cho nên khi Chế Lan Viên đặt ra câu hỏi bằng tít lên trong cái tựa của tuyển thơ “Hàn Mặc Tử, Anh là ai”. Tôi xin trả lời, mặc dù anh đã phân tích hết: Hàn Mặc Tử là Hàn Mặc Tử!
Bình Định, 18-4-1988 |