IV- Những trang bình luận
Chế Lan Viên (tiếp theo)
18:9', 27/4/ 2005 (GMT+7)

Hàn Mặc Tử, anh là ai?

Ở mấy chục năm trời đánh nhau với những tên giặc quỷ sứ khổng lồ, ta lắm lúc phải trị lấy ta rồi mới đánh được giặc. Luyện chúng ta từ bùn, từ bún thành sắt thép là vô cùng cần thiết. Nhưng xong giặc rồi, cậu bé Phù Đổng, phải nhanh chóng trở lại hồn nhiên con trẻ chứ. Thế thì mới đủ sức hóa thành sắt thép kỳ sau. Đó là quy luật ức chế và hưng phấn của Pavlov thôi, chả có gì lạ.

Những năm tháng trọng đại đó, ta cần tỉnh giấc nên sợ cả mộng mơ thiếp ngủ. Chỉ chợp mắt một tý thôi, có khi đê vỡ, giặc tràn. Huống nữa là cái đê tư tưởng! Đồng chí Lê Duẩn bảo: “Nhiều người, hai người, một người, cá nhân lứa đôi tập thể”. Những năm ấy không có tập thể, nhiều người thì mất mạng, nên có khi ta cảnh giác chỉ có hai người, lúc trơ trọi một người. Tố Hữu mới viết: “Đêm cuối năm riêng một ngọn đèn” thì đã có nhiều người không muốn có riêng một ấy. Con người ta thích nó giữa đội hình đồng đội, tập đoàn, hơn thế lại là đội -hình-đang-chiến-đấu, và tập- đoàn-đang-sản-xuất. Ta ưa nó ở thế đông, hành động, lao động với tất cả ý chí, reo hò, vỗ tay đôn đốp, và ta ngại nó khi tỉnh lặng, khi xúc cảm. Có xúc cảm thì cũng là xúc cảm phấn khởi, chứ hay chi cái xúc cảm buồn! Ôi, Tử ơi, thế mà Tử lại cùng cực đau buồn:

Ta trút linh hồn giữa lúc đây

Gió sầu vô hạn nuốt trong cây

Còn em sao chẳng hay gì cả

Ta không hay, hoặc là không muốn hay, không dám hay. Ta không hay rằng con người gồm các vấn đề xã hội lịch sử mà ta quan tâm trước tiên là rất đúng, lại còn mỗi con người có một thân phận, một cuộc đời riêng. Mác hơn Karl Jaspers chỉ biết con người trong đau khổ, trong chiến đấu, trong tội lỗi, và đối diện cùng cái chết. Theo ông, đó là các điểm cực của kiếp người. Con người theo ông thì dao động thăng trầm giữa yêu thương thù hận. Mác cũng cao hơn Phật, chỉ thấy sinh, lão, bệnh, tử, và dao động thăng trầm bởi vô thỉ tham sân si. Ôi, chết có tiền thì cũng sướng đấy. Bệnh mà thuộc một giai cấp quý tộc giàu sang thì cũng khỏi bệnh ngay.

Trăm năm trong cõi người ta, “hữu” tại thế, tại cõi thế này thì không phải chỉ sinh khổ, bệnh khổ, lão khổ, tử khổ mà còn không tiền nên khổ. Khổ vì tư bản, và tột cùng của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, là nơtơrôn đó. Nhưng chỉ biết “tổng hòa các quan hệ xã hội” thì không hiểu Mác. Mác bảo: “Cái gì thuộc về người, với tôi đều không xa lạ”. Thế mà Tử yêu, Tử đau, Tử bệnh tật, Tử trong cô đơn, Tử đối diện cùng cái chết, lại xa lạ với ta ư? Thảo nào Aragon hỏi: “Trăm năm sau người ta có biết Baudelaire không nhỉ”. Và ông nổi cáu: “Nếu người ta không biết Baudelaire thì cần cóc gì biết đến người ta”.

Trở lại vấn đề con người một tí. Vì nói gì thì nói, ở đây thơ văn nào, cũng là chuyện về nó đấy thôi. Một quyển sách nổi tiếng trên thế giới tên là “Người, kẻ chưa ai biết ấy”. Cố nhiên là biết, nhưng mới ở vòng ngoài. Nhìn ngoài nói liền một cục. Nhưng mà nó có một câu. Khoa học bảo nó là hai ghép lại. Anna de Noailles thì bảo nó là vô số Coeur Innombrable nữa kia. Cố nhân là nội tâm. Nói Cao Bá Nhạ tìm thấy “trong một mình bảy tám biệt ly” nghĩa là vẫn không phải là một. Ở người, dưới nó còn có nó, bên cạnh nó lại có nó, đằng sau nó còn có nó (mà nó ngờ yêu tinh).

Bóng ai theo dõi bóng mình

Bóng nàng yêu tinh

Nụ cười như tiếng vỡ pha lê

Hãy đi sâu và thơ Tử, vào một tế bào của thơ Anh một chút. Gần năm mươi năm nay, ta đã động gì đến Anh đâu. Không khéo thì đây là dịp đầu tiên mất. Về vấn đề mình và ai, một mình hay hai mình đó, có lúc Tử viết:

Lụa trời ai dệt với ai căng

Ai thả chim bay đến Quảng Hàn

Kìa ai gánh máu đi trên tuyết

Và ở một bài khác

Ai đi lẳng lặng trên làn nước

Với lại ai ngồi khít cạnh tôi

Mà sao ngậm cứng thơ đầy miệng

Không nói không rằng nín cả hơi

L’homme cet inconnu, người, cái kẻ bí mật ta chưa biết hết ấy rồi đây. Hàn Mặc Tử đã kể cho Quách Tấn, Quách Tấn đã viết lên trên báo. Và đây là một hiện tượng rất thật. Một đêm khuya vắng, một mình Tử còn ngồi ngắm trăng trên bể. Bỗng Anh thấy có ai đó ngồi khít rịt bên anh. Rồi từ người đó lại hiện ra người nữa. Rồi biến đi. Rồi thấy mặt bể đông lại như tuyết. Trên bể có một người vạm vỡ mặc áo lông gánh hai thùng thiếc chạy băng băng. Từ hai thùng tung tóe ra những máu là máu. Tử hoảng sợ chạy về nhà.

Rainer Maria Rilke, thi hào Tiệp và của cả thế kỷ này, khi viết Bi ca đờ Đuy-nô (Élégie de Duino) đã chú thích: “đọc bởi một kẻ vô hình”. Hoàng Trung Thông năm ngoái bảo tôi: “Mình uống rượu nhiều nên bị bệnh huyễn tưởng, mình nghe ai nói trong quạt máy” (Xin nói là anh vẫn cứ viết như thường, hay như thường). “Bệnh tâm thần”, ta vội kết luận. Và đưa nó cho các nhà y học, phân tâm học. Hãy dừng lại đã. Tôi nhớ đến một ví dụ mà các nhà hiện tượng luận đồ đệ Husserl hay nhắc. Có một bệnh nhân nghe tiếng nói kiểu ấy. Bác sĩ không tin. Người bệnh cáu: “Tin hay không mặc ông, nhưng rõ ràng tôi nghe thấy”. Các vở kịch viết về Jeanne d’Are của Pháp đâu có loại việc nữ Anh hùng “nghe” như trên. Mặc kệ y học, về thơ ta hãy thử đếm xỉa đến hiện tượng ấy. Nó là gì? Vì Tử đau yếu chăng! Không, theo tôi chính là Anh rất khỏe, cái hồn thơ Anh rất khỏe. Chả là cô đơn, chả là hư vô, chả là cái chết dập dờn ở trong phòng bệnh, và ở giữa đêm trăng này muốn thủ tiêu Anh mà không được. Anh là Một. Nó muốn zéro hóa anh, hư vô hóa Anh cho không còn dấu vết. Nhưng Anh đâu có chịu thua. Anh hóa hai, hóa ba, mình ngồi cạnh mình, hơn thế mình lại vạm vỡ ra, nở nang lên, gánh chạy, gánh cái gánh máu đời mình, chạy trên cái bể thảm kịch của đời mình. Cũng là một cách đối chọi! Hơn gấp trăm lần cái phương pháp ngâm bóng mình dưới giếng của Narsisse đến héo mòn, hủy diệt đi không còn tồn tại ở kiếp Người.

Nếu ta hiểu cho sự đối phó ấy của Tử thì hồn Anh chả có gì hồn ma, bóng quỷ, hay là cái linh hồn của Chúa thổi vào, trong đất sét là ta: “Ta khạc hồn ra ngoài cửa miệng”. Hồn, đó là sản phẩm của Anh tạo ra. Tạo ra, lại còn dắt nó đi chơi nữa: “Dắt hồn đi ròng rã một đêm nay”. Anh có bạn. Hàn Mặc Tử không còn thụ động là sản phẩm trong bàn tay Thượng đế, tự anh, Anh đã chủ động, đóng vai Thượng đế hơi phạm thượng đấy, nhưng vui chứ, đỡ cô đơn chứ. Khạc hồn ra, “cho hồn cao văng lên muôn trượng” bằng Miệng, cái cơ quan sử dụng Lời, Ngôn ngữ, Anh lại còn khạc ra nhan sắc, người yêu:

Cả miệng ta là trăng là trăng

Cả lòng ta vô số gái hồng nhan

Ta nhả ra đây một Nàng

Cho mây lặng lờ cho nước ngất ngây

Và bỗng dưng từ thơ, tôi nhớ đến khoa học, đến nhà khoa học vĩ đại của nhân loại Einstein. Ông nói: “Cái điều đẹp nhất mà ta có thể cảm giác được chính là cái khía cạnh huyền bí của cuộc đời. Đó là tình cảm sâu xa ở trong nôi của nghệ thuật và khoa học thật sự”. Nhà khoa học thật sự tương đối yêu sự diệu huyền và nuôi đứa trẻ ấy trong nôi, thế sao ta, nhà văn nghệ còn bấp bênh lại muốn tuyệt đối chỉ yêu cái gì một là một, hai là hai rõ ràng, chứ không thể một vẫn là hai được?

Tôi đã có một kết luận kỳ cục, ngược đời nữa. Hình như trước cách mạng, cả nước đau thương, mà thêm một giọt đau thương của Tử thì thuyền đau thương ta nặng quá, và chìm vào bể đau thương mất! Cả cuộc đời ở trong vòng nô lệ, thì cái huyền diệu cần thiết, cần kíp nhất lúc ấy là phá cái vòng ấy để giải phóng mình, chứ huyền diệu, diệu huyền “lên bến sông Ngân giật lụa chơi”, nước biến thành trăng trăng ra nước” thì là thoát ly nguy hiểm... Ấy, nhưng bây giờ, bây giờ thì khác. Thập vạn hùng binh của ta đã quét sạch các thứ đế quốc đến đây. Ta quyền lực, ta oai hùng mà bịt tai lại không nghe tiếng khóc kia, khép mắt lại không nhìn sự diệu huyền kia thì nguy hiểm! Biết đâu ở đầu đường chỉ là sự tự tin ở sức khỏe mình, sức lực mình, mà rồi chủ quan, mà rồi lãnh đạm, mà rồi vô tâm, mà rồi quan liêu... và cuối đường là sự xơ cứng động mạch bạo tàn. Con mắt chớp chớp để ngạc nhiên, con mắt long lanh để khóc cần lắm chứ. Chứ phải đâu chỉ có con mắt tỉnh thức, tỉnh táo, cảnh giác, trừng trừng. Nhà tiểu thuyết lớn Liên Xô, Bôndarev nói về sứ mạng của nhà văn là: “bằng những dây thần kinh lòi trần, họ cảm nhận nỗi đau của những người khác và truyền cho đồng loại những tín hiệu về sự khốn cùng phải cứu giúp nhau”. Tín hiệu S.O.S của Tử không phải chỉ cứu Hàn Mặc Tử ! Chết rồi, Anh cần gì! Cứu chúng ta đấy chứ. “Người dưới vực sâu vẫn cứu kẻ trên bờ”. Cứu ta khỏi sự chết cứng dày da, giảm sút xúc cảm, giảm sút nhân tính, nhân tình... Đừng sợ nó làm cho ta thoát ly. Đọc đi, bạn sẽ thấy nó làm cho ta thoát chứ không thoát ly, ta thanh thoát, ồ, phải đấy, nó có tác dụng tẩy rửa và thanh lọc.

Có nhiều ngộ nhận cho đến nay về Tử. Rằng Anh là tiếng nói của tôn giáo, của Thiên Chúa giáo. Có thì cũng chả sao! Các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu, đứng đầu là Liên Xô, khi tiếp thu di sản của quá khứ thì ba phần tư các tác phẩm xưa là của những nhà văn hay nói đến Thượng đế. Và ta chả tiếp thu thơ các nhà sư, sư tổ nữa, đời Lý, Trần đó sao? Cố nhiên là Hàn Mặc Tử yêu Chúa, nguồn động viên lớn, vô cùng lớn với Anh trong bước ngặt nghèo. Nhưng khi Anh viết bài Thánh nữ đồng trinh Maria:

Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy

Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế

là Anh vừa viết cho mẹ trên trời vừa viết cho Mẹ Anh dưới đất. “Mẹ ơi, con sắp chết nay mai. Con không sợ chết mẹ ạ. Nhưng nghĩ rằng con phải rời bỏ mẹ, con đau lòng quá”. Tôi nhớ cái lời thư ấy. Tử là người con rất có hiếu. Tử cũng từng ví chị Lễ trong bài văn xuôi tuyệt vời như thủy tinh Chơi giữa mùa trăng: chị “thanh thoát tinh khôi, uy nguy và tươi tốt như pho tượng Đức bà Maria”. Chuyện dưới đất thành ra chuyện trên trời. Một người công giáo chính tông không thể viết: “Ở đời chỉ có một hạnh phúc làm chi có hai cảnh Tịnh độ và Niết bàn”. Lên cao trên Thượng thanh khí, Tử ít gặp thiên thần mà hay gặp các nàng tiên đang tắm “Và đôi môi biểu lộ hết xuân tình”. Đừng đưa Anh lên cao, nhưng cũng xin đừng lợi dụng Freud lợi dụng phân tâm học, hạ Anh xuống một nhà thơ xác thịt. Chính thế tục trong anh, cái sức nặng của sự sống có hồn và có thân thế ấy đã níu Anh lại, không cho Anh đứt dây bay vút vào cõi Siêu hình. Vả chăng anh thế chứ đâu có tục ! Khi ta thích “Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” của Nguyễn Du, ta phải thích “Ơ kìa bóng nguyệt trần truồng tắm” của Anh. Chả lẽ cô Hồ Xuân Hương có quyền mà bóng trăng Anh thì bị cấm!

Cũng không nên nấp sau lưng của Heiddeger, nói Anh là nhà thơ của vô vọng thời gian, con người bị cuốn hút vào hư vô, vào cõi chết. Ai mà chả là nhà thơ của thời gian, vì ai mà không bị cuốn hút trong dòng sông âm thầm hay chảy xiết đó? Nhưng ngược đời chưa, Hàn Mặc Tử lại bước vào không gian đấy:

... Chắp tay tôi lạy cả miền không gian

... Van lạy không gian xóa những ngày

Băn khoăn của Anh không phải là lúc nào, mà ở đâu:

Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?

Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?

Còn Hư Vô, còn sự chết? Biết mình đang chết, sẽ chết, thế mà:

Ta đi bắt nắng ngừng nắng reo nắng cháy

Trên sóng cành, sóng lá trên sóng áo cô gì má đỏ hây hây

Ta rình nghe niềm ý bâng khuâng trong gió lãng

Với là hơi thở nồng nàn của tuổi thơ ngây

Hỡi những người đang sống, đang thừa sức sống, đang dồi dào sinh lực như chúng ta, có “làm” được dăm câu như vậy không?

Vạn tuế, bay ơi, nắng rợp trời

Tung hô nắng, ma bay ơi, đủ biết Anh không đứng vào hàng các cụ già đang sắp hàng lụ khụ chờ giờ báo tử. Kìa Anh đang chạy reo trong sân, trong nắng ngoài kia! "Bay ơi, nắng”.

Ai đó bảo “Người ta không giải thích một người đang giận” (hay đang điên thì cũng thế), người ta hiểu Anh ta thôi”. Có khi chỉ hiểu cũng chưa đủ. Phải cảm. Dùng ý thức để giải thích, để hiểu chưa được thì phải huy động cái vốn liếng tiềm thức, kinh nghiệm, trực giác, kỷ niệm... mà bao trùm cảm một cái xem sao.

Trăng, trăng trăng là trăng, trăng, trăng

Thế là tận cùng của sự dễ hiểu rồi, có gì, còn gì để giải thích nữa ? Ấy thế nhưng cảm cho được cái nhịp điệu tăng, tăng, tăng, như tiếng trăng chạm vào tâm hồn, tăng, tăng, tăng như cái ngân vang của tâm hồn không dứt, thế là lại bí mật, lại huyền diệu rồi! Đọc Hàn Mặc Tử là như vậy. Có khi đọc từng câu, từng ý, cầm từng bộ phận lên ta không hiểu. Nhưng ào đi, đọc một hơi cả bài, để cho nó cuốn ta đi trong dòng chảy của nó, cảm cho hết cái hồn, cái khí lực, cái không khí, cái nhịp điệu toàn bài, vâng toàn bài, thì ta lại “ngợ” ra. Cái rung động nhờ cảm toàn bài giúp ta quay lại hiểu được từng chữ, từng câu, từng bộ phận. Bị truy kích bởi cái chết, Tử hối hả, dồn dập, sáng tạo chứ đâu có làm văn! Anh trút đời mình, lòng mình từng trận, từng hơi chứ đâu có ngồi điêu khắc, chạm trổ từng câu, từng chữ. Ta phải hiểu Anh không phải từng câu từng chữ mà phải từng hơi. Các nhà thơ khác ta tìm hiểu, rồi làm quen, quen cho đến thuộc, càng thuộc, nhập tâm ta càng khám phá ra và yêu họ. Nhưng với Hàn Mặc Tử có khi lại cứ phải yêu Anh trước, thuộc Anh trước, nhờ thế ta quen với những kỳ, những siêu, những điên, những dại, những điều ta không nghe:

Người lắng nghe, lắng nghe trong đáy giếng

Tiếng vàng rơi chìm lỉm xuống hư vô

thấy được các màu ta không thấy:

...Chết rồi, xiêm áo trắng như tinh

... Bóng em chờn chợ trong bao nhiêu máu

Anh có những tầm nhìn ta chưa quen thuộc:

Anh đứng cách xa hàng thế giới

Lặng nhìn trong mộng miệng em cười

Mặc những thứ ta ít mặc:

Áo ta rách rưới trời không vá

Suốt bốn mùa trăng mặc vải trăng

Cho đến lương thực của Anh cũng khác:

Gió trăng có sẵn làm sao ăn

Ta hãy để cho ta cuộn đi trong dòng nhạc, cái nhạc mới nghe chưa hiểu nó nói gì, chỉ cảm được nó ru ta, nhưng đừng sốt ruột, son (âm thanh) đi trước và sens (ý nghĩa) sẽ lần theo sau, lần theo sau, đừng sốt ruột.

Sang chơi thôi, sang chơi thôi, mà ai

Thu đây rồi! Bước lên cầu Ô thước

Sao vàng rơi đầy trên sóng nước

Đứng ngửa tay mà hứng máu trời sa

Rồi lại

Để chơi vơi này bóng trăng là gió

Để phiêu diêu này tờ thơ vàng vọ

Để dầm dề hạt lệ đôi ta

Beethoven bảo rất đúng: “Âm nhạc là một sự thiên khải cao hơn mọi khôn ngoan, mọi triết học”. Để cho cái nhạc dại dại của đoạn thơ này ru ta, nghe những máu kia, sao trời kia, tờ thơ kia, giọt lệ nọ, bỗng dưng ta thấy lóe ra như được khôn ra, được thiên khải và nhận ra rằng: Hàn Mặc Tử đây rồi. Máu ra sau, chơi vơi và vàng vọ, phiêu phiêu trăng gió và hạt lệ dầm dề.

Cái cấu trúc nghịch lý của Hàn Mặc Tử ! Hồn tráng lệ của Anh đấy, mà thảm kịch đời Anh đấy. Hiểu rồi.

Đi công tác ở các nước phương Tây tôi thường gặp anh chị em Việt Kiều xa nước lâu ngày, gặp anh chị em di tản nữa. Các anh chị em hỏi: “Cách mạng đối với Hàn Mặc Tử ra sao?” Ra sao ư? Cách mạng đã đón di hài vua Duy Tân về nước vừa rồi, Cách mạng cũng đón thơ của Tử như vậy. Cách đây từ những ba mươi năm tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai năm 1957, lúc đất nước mới chỉ có tự do một nửa, thù trong giặc ngoài làm cho Tổ quốc ta ở trong thế ngặt nghèo, thế mà bàn về vấn đề tiếp thu di sản, đồng chí Trường Chinh đã nói:

Cần nhận ra rằng văn nghệ cách mạng của chúng ta là kẻ kế thừa tất cả những giá trị văn nghệ do các thời đại trước tạo ra. Chúng ta có nhiệm vụ giữ gìn và phát triển tất cả các di sản của dân tộc và cũng chỉ có chúng ta mới làm nổi công việc đó”.

Hai lần đồng chí dùng đến từ tất cả. 57-87! Ba mươi năm, chiến tranh cũng chiến tranh rồi, hòa bình cũng hòa bình rồi, nếu không tiếp thu Tử bây giờ còn đợi đến lúc nào! Giao cho con cháu tiếp thu thì con cháu sẽ lên án chúng ta thôi. Sao cái gì cũng dồn cho chúng nó. Chúng ta còn bao nhiêu việc. Huống nữa tiếp thu Tử là có lợi cho chúng ta chứ lợi gì cho Tử đã chết cách đây nửa thế kỷ. Anh Trường Chinh dặn tiếp: “Việc uốn nắn lại những thái độ hẹp hòi máy móc đối với những giá trị văn nghệ cũ không những có tác dụng sửa chữa những thái độ bất công đối với nhiều tác phẩm mà còn có tác dụng mở rộng con đường cho sáng tác văn nghệ hiện thời”. Thực là chí tình đạt lý.

Và tôi tin là việc tiếp thu Tử, như anh Trường Chinh nói, với văn nghệ hiện thời, sẽ có tác dụng mở rộng con đường, hỡi những người mỗi bước đi cứ sợ nhầm đường.

Sự thừa kế các tác phẩm như của Tử sẽ làm cho tim ta nhân tính hơn, óc ta co dãn đàn hồi hơn, và cái nhìn ta không đơn giản mà trở nên đa dạng và phong phú.

Ô kìa, bây giờ đối diện với bể đông, trên điểm cao Gành Ráng, mộ Tử bỗng dưng ngời chói. Cách không xa mộ Trí, lâu đài của một tên vua nhà Nguyễn gần đó đang lụi tàn. Nguyễn Trọng Trí là Tử đâu có thừa nhận thứ vua ấy. Dù cơ cực đến mấy, Tử vẫn tin ở cái ngôi sáng tạo của mình, Anh mới là vua chứ.

Ta đi tìm mộng tầm xuân

Gặp vua nhà Nguyễn bay trên mây

Rượu nắng uống vào thì say

Rực rỡ như một vị vua:

Đầy mình lốm đốm những hào quang

Nghĩa là anh không chấp nhận sự hủy diệt, sự cát bụi, tro bụi hóa Anh như lời nguyền rủa: “Từ cát bụi mi trở về cát bụi”. Nghĩa là anh tin ở sức sáng tạo “bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng” của Anh. Đồng thời tin chúng tôi sẽ đánh giá đúng tài năng “siêu” ấy.

Gành Ránh... Quy Nhơn... tôi nhớ lại bao nhiêu hình ảnh, kỷ niệm một thời. Nhớ Anh, nhớ không khí gia đình Anh, bác gái thân sinh ra anh, chị Lễ... Nhớ những người bạn gần xa đã dính líu đến Tử, bao bọc, đùm bọc lấy Anh – Quách Tấn, Trần Thanh Địch, Trọng Quị (Thanh Nghị bây giờ), Trọng Miên, Bích Khê, Yến Lan, Hoàng Diệp, Nguyễn Viết Lãm, v.v... Nhớ tên những người con gái từng đi qua hay ở lại trong đời anh, có người là bóng hình, có người chỉ là cái tên thôi. Anh chưa gặp mặt: Hoàng Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình, Thương Thương và cái tên:

Ta đề chữ Ngọc trên tàu chuối

Sương ở cung thiềm giỏ chẳng thôi

Nhưng lạ chưa, nhớ nhất vẫn là tôi nhớ chú Hành, cậu bé có tên mà hóa vô danh, nhưng mà bốn năm trời cậu vẫn hàng ngày chăm sóc, đem cơm cho Tử. Gặp Hành lúc nào cũng thấy Hành cười! Quá chú ý đến tri kỷ, tri âm mà quên người ân nhân này đi là một điều không phải đâu, hỡi các sách sau này về Hàn Mặc Tử.

Viên Tĩnh Viên, 2-9-1987

(Còn nữa)

 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chế Lan Viên  (21/04/2005)
Yến Lan  (19/04/2005)
Quách Tấn  (19/04/2005)
Vũ Ngọc Phan  (14/04/2005)
Trần Thanh Mại, Hoài Thanh - Hoài Chân  (12/04/2005)
Nguyễn Văn Xê  (10/04/2005)
Thi Nại Thị, Quách Tấn, Yến Lan  (10/04/2005)
Hoàng Diệp  (05/04/2005)
3. Những bóng dáng khuynh thi (Kỳ 3)  (05/04/2005)
3. Những bóng dáng khuynh thi (Kỳ 2)  (31/03/2005)
3. Những bóng dáng khuynh thi  (27/03/2005)
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 4)  (25/03/2005)
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 3)  (22/03/2005)
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 2)  (20/03/2005)
2. Những vòng tay nối kết (kỳ 1)  (17/03/2005)